• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 08/12/2011
BỘ NỘI VỤ
Số: 13/2011/TT-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 24 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

________________

 

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 111/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia;

Căn cứ Thông tư số 09/2011/TT-BNV ngày 03 tháng 6 năm 2011 của Bộ Nội vụ quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước;

Bộ Nội vụ quy định thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Thời hạn bảo quản tài liệu: Là khoản thời gian cần thiết để lưu giữ hồ sơ, tài liệu tính từ năm công việc kết thúc.

2. Bảng thời hạn bảo quản tài liệu: Là Bảng thống kê có hệ thống các nhóm hồ sơ, tài liệu của ngành, cơ quan, tổ chức, kèm theo thời hạn bảo quản.

Điều 3. Quy định thời hạn bảo quản

1. Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu được tính từ năm công việc kết thúc.

2. Thời hạn bảo quản đối với từng hồ sơ được xác định trên cơ sở tài liệu có giá trị cao nhất trong hồ sơ.

3. Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của UBND cấp tỉnh không được thấp hơn thời hạn bảo quản được quy định tại Bảng thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thời hạn bảo quản được quy định tại các Bảng thời hạn bảo quản chuyên ngành do các Bộ, ngành Trung ương ban hành.

4. Các mức thời hạn bảo quản

- Hồ sơ, tài liệu bảo quản vĩnh viễn bao gồm các nhóm sau đây:

+ Tài liệu của các cơ quan trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo trực tiếp các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của UBND tỉnh;

+ Hồ sơ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật;

+ Hồ sơ, tài liệu để triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh;

+ Báo cáo, chương trình, kế hoạch công tác năm của UBND tỉnh;

+ Hồ sơ, tài liệu về thanh tra, kiểm tra các vụ việc nghiêm trọng;

+ Hồ sơ, tài liệu giải quyết các vấn đề điển hình thuộc chức năng, quản lý nhà nước của UBND tỉnh về các lĩnh vực;

+ Hồ sơ Hội nghị, tổng kết năm;

+ Những tài liệu có ý nghĩa lịch sử khác.

- Hồ sơ, tài liệu bảo quản có thời hạn gồm các nhóm sau đây:

+ Hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản tối thiểu là 20 năm, bao gồm: Những hồ sơ công việc cụ thể có ý nghĩa đối với việc tra cứu, sử dụng thông tin trong thời gian dài;

+ Tài liệu thuộc nhóm có thời hạn bảo quản tối thiểu là 5, 10 năm, bao gồm: Những tài liệu giải quyết công việc cụ thể, tính chất công việc không thường xuyên, lâu dài, dùng để tra cứu, đối chiếu, so sánh, lấy thông tin.

+ Tài liệu thuộc nhóm có thời hạn bảo quản dưới 5 năm, bao gồm: Thông báo con dấu, chữ ký của các cơ quan, tổ chức gửi UBND tỉnh; báo cáo ngày; lịch công tác tuần, ngày của UBND tỉnh; giấy mời họp, hội thảo; thông báo tuyển sinh, đào tạo; sổ chuyển giao văn bản trong nội bộ cơ quan; tư liệu, tài liệu nghiên cứu, tham khảo lấy thông tin trong quá trình giải quyết công việc…

Điều 4. Bảng thời hạn bảo quản tài liệu

Bảng thời hạn bảo quản tài liệu ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm các lĩnh vực sau:

1. Tổng hợp

2. Kinh tế

3. Nông, Lâm, Ngư, Diêm nghiệp - Thủy sản - Thủy lợi

4. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp

5. Giao thông vận tải

6. Xây dựng, quản lý và phát triển đô thị

7. Thương mại - Dịch vụ - Du lịch

8. Giáo dục, Đào tạo

9. Văn hóa - Thông tin - Thể dục, thể thao

10. Y tế, xã hội

11. Khoa học công nghệ và Tài nguyên môi trường

12. Quốc phòng - An ninh - Trật tự và an toàn xã hội

13. Dân tộc và Tôn giáo

14. Thi hành pháp luật

15. Xây dựng chính quyền và quản lý địa giới hành chính

16. Tài liệu của Văn phòng UBND tỉnh.

Điều 5. Trình tự sắp xếp các nhóm hồ sơ, tài liệu trong từng lĩnh vực hoạt động của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Văn bản chỉ đạo chung của Trung ương và của tỉnh;

2. Văn bản chỉ đạo trực tiếp của Trung ương và của tỉnh;

3. Chương trình, kế hoạch, báo cáo của tỉnh;

4. Hồ sơ việc;

5. Hồ sơ Hội nghị tổng kết;

6. Các công văn trao đổi.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh căn cứ Thông tư này xây dựng Bảng thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của UBND cấp huyện./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thái Bình

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.