• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2012
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 152/2011/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 11 tháng 11 năm 2011

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định

chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường

________________________

 

Căn cứ Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các Nghị định của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 08 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

Chương I

PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 1. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật thuế Bảo vệ môi trường và Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 của Chính phủ được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:

1.1. Xăng, trừ etanol;

1.2. Nhiên liệu bay;

1.3. Dầu diezel;

1.4. Dầu hỏa;

1.5. Dầu mazut;

1.6. Dầu nhờn;

1.7. Mỡ nhờn.

Xăng, dầu, mỡ nhờn quy định tại khoản này là các loại xăng, dầu, mỡ nhờn (sau đây gọi chung là xăng dầu) gốc hoá thạch xuất bán tại Việt Nam, không bao gồm chế phẩm sinh học (như etanol, dầu thực phẩm, mỡ động vật...).

Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng dầu gốc hoá thạch thì chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng dầu gốc hoá thạch.

2. Than đá bao gồm:

2.1. Than nâu;

2.2. Than an-tra-xít (antraxit);

2.3. Than mỡ;

2.4. Than đá khác.

3. Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn, được sản xuất trong nước, nhập khẩu riêng hoặc chứa trong các thiết bị điện lạnh nhập khẩu.

4. Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa xốp) là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hoá và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.

6. Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

7. Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.

8. Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Chi tiết các loại thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng không chịu thuế

1. Hàng hoá không quy định tại Điều 3 Luật thuế Bảo vệ môi trường và hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP, Điều 1 Thông tư này thuộc đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường.

2. Hàng hoá quy định tại Điều 3 Luật thuế bảo vệ môi trường và hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP, Điều 1 Thông tư này không chịu thuế trong các trường hợp sau:

2.1. Hàng hoá được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam (quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu biên giới, gồm cả trường hợp đã đưa vào kho ngoại quan) nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

2.2. Hàng hoá quá cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài uỷ quyền theo quy định của pháp luật.

2.3. Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

2.4. Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.

Căn cứ vào hồ sơ hải quan của hàng hoá, cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan xác định hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản này.

Điều 3. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

2. Người nộp thuế bảo vệ môi trường trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

2.1. Người nhận uỷ thác nhập khẩu hàng hoá là người nộp thuế bảo vệ môi trường, không phân biệt hình thức nhận uỷ thác nhập khẩu và xuất giao trả hàng cho người uỷ thác hay nhận uỷ thác nhập khẩu.

2.2. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất, nhận gia công đồng thời nhận uỷ thác bán hàng hoá vào thị trường Việt Nam là người nộp thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận gia công nhưng không nhận uỷ thác bán hàng thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao gia công là người nộp thuế bảo vệ môi trường khi xuất, bán hàng hoá tại Việt Nam.

2.3. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

Chương II

CĂN CỨ VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

Điều 4. Phương pháp tính thuế

Thuế bảo vệ môi trường phải nộp được tính theo công thức sau:

Thuế bảo vệ môi trường phải nộp

=

Số lượng đơn vị hàng hoá tính thuế

x

Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hoá

Điều 5. Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường là số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối

1. Số lượng hàng hóa tính thuế được quy định như sau:

1.1. Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho, khuyến mại, quảng cáo.

1.2. Đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu.

Đối với trường hợp số lượng hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường xuất, bán và nhập khẩu tính bằng đơn vị đo lường khác đơn vị quy định tính thuế tại biểu mức thuế Bảo vệ môi trường do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành thì phải qui đổi ra đơn vị đo lường quy định tại biểu mức thuế Bảo vệ môi trường để tính thuế.

1.3. Đối với hàng hoá là nhiên liệu hỗn hợp chứa xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch và nhiên liệu sinh học thì số lượng hàng hoá tính thuế trong kỳ là số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch có trong số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu hoặc sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, đưa vào tiêu dùng nội bộ được quy đổi ra đơn vị đo lường quy định tính thuế của hàng hoá tương ứng. Cách xác định như sau:

Số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch tính thuế

=

Số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu, sản xuất bán ra, tiêu dùng, trao đổi, tặng cho

x

Tỷ lệ phần trăm (%) xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch có trong nhiên liệu hỗn hợp

Căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật chế biến nhiên liệu hỗn hợp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (kể cả trường hợp có thay đổi tỷ lệ phần trăm (%) xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch có trong nhiên liệu hỗn hợp), người nộp thuế tự tính toán, kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch; Đồng thời có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế về tỷ lệ phần trăm (%) xăng, dầu, mỡ nhờn có gốc hoá thạch chứa trong nhiên liệu hỗn hợp và nộp cùng với tờ khai thuế của tháng tiếp theo tháng bắt đầu có bán (hoặc có thay đổi tỷ lệ) nhiên liệu hỗn hợp.

2. Mức thuế tuyệt đối làm căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường đối với từng loại hàng hoá là mức thuế được quy định tại Biểu mức thuế bảo vệ môi trường ban hành kèm theo Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Chương III

KHAI THUẾ, NỘP THUẾ VÀ HOÀN THUẾ

Điều 6. Thời điểm tính thuế

1. Đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, khuyến mại, quảng cáo, thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa.

2. Đối với hàng hóa sản xuất đưa vào tiêu dùng nội bộ, thời điểm tính thuế là thời điểm đưa hàng hóa vào sử dụng.

3. Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, trừ xăng dầu nhập khẩu để bán quy định tại khoản 4 điều này.

4. Đối với xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra.

Điều 7. Khai thuế, nộp thuế.

1. Việc khai thuế, nộp thuế được thực hiện theo quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế cụ thể như sau:

1.1. Hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường là tờ khai theo mẫu số 01/TBVMT ban hành kèm theo Thông tư này và các tài liệu liên quan đến việc khai thuế, tính thuế.

Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập-tái xuất khẩu thì hồ sơ hải quan của hàng hoá được sử dụng làm hồ sơ khai thuế bảo vệ môi truờng.

Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá tự chịu trách nhiệm về việc kê khai thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp phát hiện khai sai, gian lận, trốn thuế thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

1.2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế:

a) Đối với hàng hoá sản xuất trong nước (trừ than đá tiêu thụ nội địa của Tập đoàn công nghiệp than-Khoáng sản Việt Nam và sản xuất kinh doanh xăng dầu), người nộp thuế bảo vệ môi trường thực hiện nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Trường hợp người nộp thuế có cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với trụ sở chính thì nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý trực tiếp tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường.

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu (trừ trường hợp xăng dầu nhập khẩu để bán), người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan.

1.3. Khai thuế bảo vệ môi trường:

a) Đối với hàng hoá sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho, khuyến mại, quảng cáo thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp thuế theo tháng theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp trong tháng không phát sinh thuế bảo vệ môi trường phải nộp thì người nộp thuế vẫn kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để theo dõi.

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hoá nhập khẩu uỷ thác thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường thì người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp thuế theo từng lần phát sinh (trừ trường hợp xăng dầu nhập khẩu để bán).

Việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi truờng đối với hàng hoá nhập khẩu được thực hiện cùng thời điểm với việc khai thuế và nộp thuế nhập khẩu, trừ mặt hàng xăng dầu nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này.

Thời hạn nộp thuế bảo vệ môi trường trong trường hợp này là thời hạn nộp thuế nhập khẩu theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường trong một số trường hợp cụ thể được thực hiện như sau:

2.1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhập khẩu túi nilông và nhập khẩu thiết bị điện lạnh có chứa HCFC căn cứ tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá sản xuất, nhập khẩu và các tài liệu hồ sơ liên quan để kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định.

2.2. Đối với xăng dầu:

Các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước tại cơ quan thuế địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị giá tăng, cụ thể:

- Các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối trực tiếp nhập khẩu, sản xuất, chế biến xăng dầu (gọi chung là các đơn vị đầu mối) thực hiện kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi các đơn vị đầu mối đóng trụ sở chính đối với lượng xăng dầu do các đơn vị này trực tiếp xuất, bán bao gồm xuất để tiêu dùng nội bộ, xuất để trao đổi sản phẩm hàng hoá khác, xuất trả hàng nhập khẩu uỷ thác, bán cho tổ chức, cá nhân khác ngoài hệ thống của đơn vị đầu mối (kể cả các doanh nghiệp mà đơn vị đầu mối có cổ phần từ 50% trở xuống); trừ lượng xăng dầu xuất bán và nhập khẩu uỷ thác cho công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối khác.

- Các đơn vị thành viên hạch toán độc lập trực thuộc đơn vị đầu mối; các Chi nhánh trực thuộc đơn vị đầu mối; các Công ty cổ phần do đơn vị đầu mối nắm cổ phần chi phối (trên 50% cổ phần) hoặc các Chi nhánh trực thuộc các đơn vị thành viên, các Chi nhánh trực thuộc các Công ty cổ phần nêu trên (gọi chung là các đơn vị thành viên) thực hiện kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi các đơn vị thành viên đóng trụ sở chính đối với lượng xăng dầu do các đơn vị thành viên xuất, bán cho tổ chức, cá nhân khác ngoài hệ thống.

- Tổ chức khác trực tiếp nhập khẩu, sản xuất, chế biến xăng dầu thực hiện kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng khi xuất, bán xăng dầu.

- Đối với các trường hợp xăng dầu dùng làm nguyên liệu pha chế xăng sinh học mà chưa kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường thì khi xuất bán xăng sinh học đơn vị bán xăng sinh học phải kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định.

2.3. Đối với than khai thác và tiêu thụ nội địa:

2.3.1. Đối với than do Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) quản lý và giao cho các đơn vị thành viên khai thác, chế biến và tiêu thụ việc kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường thực hiện như sau:

a) Hàng tháng các Công ty làm đầu mối tiêu thụ than của Vinacomin thực hiện phân bổ số thuế bảo vệ môi trường phải nộp cho các địa phương nơi có than khai thác tương ứng với sản lượng than thu mua của các Công ty sản xuất khai thác than tại địa phương và lập Biểu tính thuế bảo vệ môi trường theo mẫu phụ lục số 02/TBVMT ban hành kèm theo Thông tư này.

Số thuế bảo vệ môi trường phân bổ cho các địa phương nơi khai thác than được xác định căn cứ trên tỷ lệ phần trăm (%) than tiêu thụ nội địa trong tổng số than bán ra và số lượng than khai thác tại địa phương bán cho công ty đầu mối tiêu thụ than của Vinacomin, được xác định theo công thức sau:

Tỷ lệ (%)

Sản lượng than tiêu thụ nội địa trong kỳ

=

Sản lượng than tiêu thụ nội địa trong kỳ

Tổng số than tiêu thụ trong kỳ

 

Số thuế bảo vệ môi trường phải nộp cho địa phương có than khai thác trong kỳ

=

Tỷ lệ (%) than tiêu thụ nội địa trong kỳ

x

Sản lượng than mua của các đơn vị tại địa phương nơi có than khai thác trong kỳ

x

Mức thuế tuyệt đối trên 1 tấn than tiêu thụ

b) Công ty đầu mối tiêu thụ than kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường cho toàn bộ số thuế bảo vệ môi trường phát sinh đối với than khai thác và tiêu thụ nội địa theo mẫu tờ khai số 01/TBVMT và phụ lục số 02/TBVMT ban hành kèm theo Thông tư này với cơ quan thuế quản lý trực tiếp công ty đầu mối, đồng thời gửi 1 bản phụ lục số 02/TBVMT cho cơ quan thuế quản lý công ty khai thác.

c) Căn cứ số thuế bảo vệ môi trường được tính nộp cho từng địa phương trên phụ lục số 02/TBVMT trong kỳ tính thuế, công ty đầu mối tiêu thụ than lập chứng từ nộp thuế bảo vệ môi trường cho địa phương nơi đóng trụ sở chính (nếu có phát sinh số thuế phải nộp) và các địa phương nơi có than khai thác.

Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi công ty đầu mối đăng ký khai thuế và cơ quan thuế địa phương nơi có công ty khai thác than.

Kho bạc Nhà nước nơi Công ty đầu mối tiêu thụ than đóng trụ sở chính chuyển tiền và chứng từ thu ngân sách nhà nước cho Kho bạc Nhà nước liên quan để hạch toán thu ngân sách nhà nước phần thuế của công ty khai thác than.

2.3.2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh than khác (gồm cả trường hợp tiêu dùng nội bộ) thực hiện kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường tại cơ quan thuế địa phương nơi khai thác.

2.3.4. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ lẻ thì thực hiện kê khai thuế bảo vệ môi trường với cơ quan thuế trực tiếp quản lý người nộp thuế.

3. Đối với than nhập khẩu: người nộp thuế kê khai theo quy định tại tiết b điểm 1.3 khoản 1 điều này. Trường hợp nhập khẩu than nguyên khai có hàm lượng than antraxít thì người nộp thuế phải kê khai riêng lượng than antraxit nhập khẩu để nộp thuế bảo vệ môi trường theo mức quy định đối với than antraxit. Nếu khối lượng thực tế than antraxit nhập khẩu khác với đã kê khai khi nhập khẩu thì người nộp thuế phải kê khai bổ sung, điều chỉnh.

4. Thuế bảo vệ môi trường chỉ phải nộp một lần đối với hàng hoá sản xuất hoặc nhập khẩu. Trường hợp hàng hoá xuất khẩu đã nộp thuế bảo vệ môi trường nhưng phải nhập khẩu trở lại Việt Nam thì không phải nộp thuế bảo vệ môi trường khi nhập khẩu.

Đối với các tổ chức, cá nhân mua hàng hoá đã được nộp thuế bảo vệ môi trường về để sản xuất, kinh doanh thì thuế bảo vệ môi truờng của hàng mua được hạch toán vào giá vốn hàng hoá hoặc giá thành sản phẩm sản xuất. Đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường thì giá tính thuế giá trị gia tăng là giá đã bao gồm thuế bảo vệ môi trường.

Điều 8. Hoàn thuế

Người nộp thuế bảo vệ môi trường được hoàn thuế bảo vệ môi trường đã nộp trong một số trường hợp sau:

1. Hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan được tái xuất khẩu ra nước ngoài.

 2. Hàng hóa nhập khẩu để giao, bán cho nước ngoài thông qua đại lý tại Việt Nam; xăng, dầu bán cho phương tiện vận tải của hãng nước ngoài trên tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc phương tiện vận tải của Việt Nam trên tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật.

3. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất được hoàn lại số thuế bảo vệ môi trường đã nộp tương ứng với số hàng tái xuất khẩu.

4. Hàng nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu (kể cả trường hợp trả lại hàng) ra nước ngoài được hoàn lại số thuế bảo vệ môi trường đã nộp đối với số hàng tái xuất ra nước ngoài.

5. Hàng tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được hoàn lại số thuế bảo vệ môi truờng đã nộp tương ứng với số hàng hoá khi tái xuất khẩu ra nước ngoài.

Việc hoàn thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều này chỉ thực hiện đối với hàng hóa thực tế xuất khẩu. Thủ tục, hồ sơ, trình tự, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế bảo vệ môi trường đối với hàng xuất khẩu được thực hiện theo quy định như đối với việc giải quyết hoàn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Phân bổ số thu ngân sách nhà nước

Việc phân bổ ngân sách nhà nước đối với khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Bãi bỏ Thông tư số 06/2001/TT-BTC ngày 17 tháng 1 năm 2001 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện nghị định số 78/2000/NĐ-CP ngày 26/12/2000 của Chính phủ về phí xăng dầu, Thông tư số 63/2001/TT-BTC ngày 09/08/2001, Thông tư số 70/2002/TT-BTC ngày 19/8/2002 hướng dẫn bổ sung, sửa đổi Thông tư số 06/2001/TT-BTC nêu trên và nội dung quy định về quản lý thuế về phí xăng dầu tại Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính.

2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xăng dầu không phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng dầu đã kê khai, nộp phí xăng dầu từ trước ngày 01/01/2012.

3. Quy định về xử lý các hành vi vi phạm về thuế bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.