• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/02/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 15/12/2013
BỘ Y TẾ-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 40/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 28 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc

không được sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai

hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi

_______________________

 

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và Nghị định số 22/2010/NĐ-CP ngày 09/03/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc không được sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định các điều kiện lao động có hại và danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức (sau đây gọi tắt là cơ sở lao động) và cá nhân có sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, bao gồm:

  a) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân (lực lượng quân đội nhân, công an nhân dân), tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;

b) Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;

c) Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã;

d) Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế có trụ sở đóng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Các cá nhân, tổ chức khác có sử dụng lao động nữ.

Điều 2. Các điều kiện lao động có hại không được sử dụng lao động nữ

1. Nơi làm việc có áp suất lớn hơn áp suất khí quyển.

2. Nơi làm việc cheo leo nguy hiểm.

3. Ngâm mình thường xuyên dưới nước (từ 04 giờ một ngày trở lên, trên 3 ngày 1 tuần).

4. Nặng nhọc quá sức (mức tiêu hao năng lượng trung bình trên 5 Kcal/phút, nhịp tim trung bình trên 120/phút).

5. Tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở.

Điều 3. Các điều kiện lao động có hại không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Ngoài những điều kiện lao động có hại quy định tại Điều 2 Thông tư này, không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi trong các điều kiện sau:

1. Tiếp xúc với điện từ trường quá giới hạn cho phép;

2. Trực tiếp tiếp xúc với một số hoá chất mà sự tích lũy của nó trong cơ thể dễ gây biến đổi gen hoặc ảnh hưởng xấu đến chuyển hóa tế bào, dễ gây sẩy thai, đẻ non, nhiễm trùng nhau thai, khuyết tật bẩm sinh, ảnh hưởng xấu tới nguồn sữa mẹ, viêm nhiễm đường hô hấp;

3. Ngâm mình dưới nước bẩn, dễ bị nhiễm trùng;

4. Nhiệt độ không khí trong nhà xưởng từ 400C trở lên về mùa hè và từ 320C trở lên về mùa đông hoặc chịu ảnh hưởng của bức xạ nhiệt cao;

5. Trong môi trường lao động có độ rung cao hơn tiêu chuẩn cho phép; sử dụng các loại máy, thiết bị có độ rung toàn thân và rung cục bộ cao hơn tiêu chuẩn cho phép;

6. Tư thế làm việc gò bó hoặc thiếu dưỡng khí.

Điều 4. Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, lao động có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Cơ sở lao động và cá nhân sử dụng lao động có trách nhiệm:

a) Rà soát lại các công việc lao động nữ đang làm dựa theo các điều kiện lao động có hại, các công việc không được sử dụng lao động nữ quy định tại Thông tư này. Trên cơ sở đó, có kế hoạch sắp xếp, đào tạo lại hoặc chuyển nghề, chuyển công việc phù hợp với sức khoẻ của lao động nữ;

b) Không để lao động nữ làm việc trong các điều kiện lao động có hại và các công việc không được sử dụng lao động nữ chậm nhất 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, nhưng không được lạm dụng để sa thải hoặc cho lao động nữ thôi việc. Riêng phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì phải thực hiện ngay kể từ ngày Thông tư có hiệu lực; báo cáo kết quả triển khai về Sở lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Y tế địa phương.

c) Tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Thông tư này định kỳ 6 tháng và hàng năm cùng với việc sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động tại cơ sở.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này tại các cơ sở sử dụng lao động nữ;

b) Tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

c) Tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hàng năm về tình hình thực hiện Thông tư này cùng với tình hình thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động của các cơ sở đóng trên địa bàn.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2012.

2. Bãi bỏ thông tư Liên bộ số 03/TT-LB ngày 28 tháng 01 năm 1994 của Liên Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội - Y tế về quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc không được sử dụng lao động nữ kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Viết Tiến

Bùi Hồng Lĩnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.