• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/12/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 10/12/2022
BỘ NỘI VỤ-BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 17 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao

_______________

 

Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này quy định về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao.

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao

1. Huấn luyện viên cao cấp (hạng I)                     Mã số: V.10.01.01.

2. Huấn luyện viên chính (hạng II)                        Mã số: V.10.01.02.

3. Huấn luyện viên (hạng III)                                Mã số: V.10.01.03.

4. Hướng dẫn viên (hạng IV)                               Mã số: V.10.01.04.

Chương II

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

Điều 3. Huấn luyện viên cao cấp (hạng I) - Mã số: V.10.01.01

1. Nhiệm vụ:

a) Chủ trì hoặc tham gia chủ trì xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn về phát triển môn thể thao; kế hoạch, chương trình huấn luyện của đội tuyển, đội tuyển trẻ thể thao quốc gia và đội tuyển thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành;

b) Chủ trì hoặc tham gia chủ trì việc tuyển chọn, quản lý vận động viên; trực tiếp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, rèn luyện tâm lý, ý chí, đạo đức cho vận động viên; chỉ đạo vận động viên thuộc phạm vi phụ trách tham gia các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia, quốc tế;

c) Chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh trong tập luyện, thi đấu và kiểm tra y học cho vận động viên;

d) Chủ trì hoặc tham gia chủ trì xây dựng các đề tài khoa học liên quan đến đào tạo, huấn luyện vận động viên cấp cao của bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và các phương pháp huấn luyện hiện đại trong công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên;

đ) Phối hợp thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho vận động viên; quan tâm chăm sóc cuộc sống tinh thần; sức khoẻ; khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng theo yêu cầu tập luyện, thi đấu của môn thể thao; điều kiện ở, nghỉ ngơi và học tập văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ giúp vận động viên vững tâm và có sức khỏe tốt tập luyện và thi đấu;

e) Thống kê, lưu trữ những tài liệu và định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm liên quan đến công tác huấn luyện, thi đấu trong nước và quốc tế của vận động viên; chủ động nghiên cứu, tích cực cải tiến phương pháp huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện;

g) Xây dựng dự báo khả năng phát triển thành tích thể thao, khả năng đạt thành tích thi đấu của vận động viên thuộc đối tượng quản lý;

h) Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức chuyên môn ở hạng thấp hơn.

2. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp:

a) Có tinh thần trách nhiệm cao, say mê, nhiệt tình với công việc được giao, luôn tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực nghiên cứu và chủ động áp dụng các thành tựu khoa học trong công tác huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện vận động viên góp phần nâng cao thành tích thi đấu thể thao;

b) Luôn là tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức và tác phong sinh hoạt; sẵn sàng vượt mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đào tạo, huấn luyện vận động viên; gương mẫu, tôn trọng, có cách ứng xử văn hoá với Ban tổ chức giải thi đấu, trọng tài, huấn luyện viên và vận động viên đội bạn; chỉ đạo vận động viên thi đấu thể thao với tinh thần cao thượng, đặt uy tín, danh dự quốc gia lên hàng đầu;

c) Khách quan, có chính kiến rõ ràng và năng lực chuyên môn trong công tác tuyển chọn vận động viên; chấp hành nghiêm túc, vận dụng sáng tạo các tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp và tiêu chuẩn tuyển chọn vận động viên đảm bảo tuyển chọn được tài năng thể thao tốt nhất; thận trọng trong mọi quyết định để hạn chế tối đa những sai sót ảnh hưởng đến quá trình huấn luyện và phát triển thể lực, trí lực của vận động viên, tránh được những rủi ro nghề nghiệp;

d) Làm việc khoa học, độc lập, tự chủ, không vì bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào chi phối làm ảnh hưởng đến tính trung thực, tính độc lập nghề nghiệp; tích cực đấu tranh với những hành vi tiêu cực;

đ) Chăm lo đến sự phát triển toàn diện của vận động viên; gắn việc đào tạo và huấn luyện chuyên môn với việc giáo dục văn hóa, các phẩm chất chính trị, đạo đức; xây dựng mối quan hệ tốt với vận động viên, hướng dẫn vận động viên tận tình, chu đáo, giúp xây dựng tập thể vận động viên đoàn kết, thân ái; giáo dục cho vận động viên lối sống, sinh hoạt hướng tới chân - thiện - mỹ; tham gia và vận động mọi người tham gia các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vận động viên;

e) Tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ các thông tin quan trọng có ảnh hưởng đến công tác huấn luyện; giữ gìn bí mật quốc gia trong phạm vi chuyên môn của mình.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Có trình độ cử nhân chuyên ngành thể dục thể thao trở lên;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chức danh huấn luyện viên cao cấp (hạng I).

4. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:

a) Nhận thức và nắm vững chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thể dục thể thao và phát triển thể thao thành tích cao;

b) Hiểu biết sâu sắc kiến thức về lý luận và phương pháp giáo dục thể chất; học thuyết huấn luyện thể thao; nắm chắc và thường xuyên cập nhật kỹ thuật, chiến thuật và xu hướng phát triển kỹ thuật, chiến thuật của môn thể thao chuyên sâu ở trong nước và trên thế giới;

c) Hiểu biết rõ các kiến thức về giáo dục học, tâm lý học, y sinh học thể dục thể thao, dinh dưỡng, sử dụng thuốc bổ trợ và các quy định về phòng, chống doping trong tập luyện và thi đấu thể thao;

d) Nhận thức và vận dụng đúng các quy định của luật thi đấu của môn thể thao; điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của liên đoàn môn thể thao ở trong nước và quốc tế;

đ) Biết kiểm tra y học thể dục thể thao và sơ cứu chấn thương cho vận động viên trong tập luyện và thi đấu thể thao;

e) Có khả năng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển môn thể thao, kế hoạch huấn luyện môn thể thao ở cấp đội tuyển thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành trở lên; có năng lực chỉ đạo và tổ chức phối hợp với đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện thể thao;

g) Có khả năng đề xuất những giải pháp sáng tạo, có sáng kiến hoặc công trình nghiên cứu khoa học trực tiếp ứng dụng trong công tác huấn luyện được cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên công nhận;

h) Có thành tích đào tạo được vận động viên đạt huy chương vàng tại SEA Games (hoặc giải vô địch thể thao Đông Nam Á), hoặc huy chương tại ASIAD (hoặc giải vô địch Châu Á), hoặc huy chương tại Đại hội Olympic (hoặc giải vô địch thế giới);

i) Viên chức thăng hạng lên chức danh huấn luyện viên cao cấp (hạng I) phải có thời gian công tác giữ chức danh huấn luyện viên chính (hạng II) hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên nhưng phải có thời gian hưởng lương chức danh huấn luyện viên chính (hạng II) ít nhất đủ 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh huấn luyện viên cao cấp (hạng I).

Điều 4. Huấn luyện viên chính (hạng II) – Mã số: V.10.01.02

1. Nhiệm vụ:

a) Xây dựng kế hoạch huấn luyện dài hạn và ngắn hạn, chương trình, giáo án huấn luyện đối với các vận động viên đội tuyển, đội tuyển trẻ thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành;

b) Chủ trì hoặc tham gia tuyển chọn, quản lý vận động viên; trực tiếp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, rèn luyện tâm lý, ý chí, đạo đức cho vận động viên; chỉ đạo vận động viên thuộc phạm vi phụ trách tham gia các giải thi đấu thể thao từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành trở lên;

c) Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh trong tập luyện, thi đấu và kiểm tra y học cho vận động viên;

d) Phối hợp, quan tâm chăm lo cuộc sống tinh thần, sức khoẻ, khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng theo yêu cầu tập luyện, thi đấu của môn thể thao, điều kiện ở, nghỉ ngơi và học tập văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ cho vận động viên;

đ) Thống kê, lưu trữ những tài liệu liên quan đến công tác huấn luyện, thi đấu của vận động viên; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác huấn luyện và giáo dục vận động viên; đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện;

g) Đề xuất các nội dung, phương pháp huấn luyện, sinh hoạt chuyên đề với các đồng nghiệp, tham gia xây dựng đề tài khoa học hoặc có sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, thành tích huấn luyện được áp dụng vào thực tiễn công tác;

h) Chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho vận động viên; xây dựng tập thể vận động viên đoàn kết, thân ái, giúp đỡ nhau;

i) Xây dựng dự báo khả năng phát triển thể thao thành tích thể thao, khả năng đạt thành tích thi đấu của vận động viên do mình huấn luyện;

k) Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức chuyên môn ở hạng thấp hơn.

2. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp: đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Có trình độ cử nhân chuyên ngành Thể dục thể thao trở lên;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chức danh huấn luyện viên chính (hạng II) (trừ trường hợp là cử nhân chuyên ngành huấn luyện thể thao).

4. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:

a) Nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thể dục thể thao và phát triển thể thao thành tích cao;

b) Hiểu biết kiến thức cơ bản về lý luận, phương pháp giáo dục thể chất, học thuyết huấn luyện thể thao, kỹ thuật, chiến thuật và xu hướng phát triển kỹ thuật, chiến thuật của môn thể thao chuyên sâu ở trong nước và trên thế giới;

c) Hiểu biết về các kiến thức về giáo dục học, tâm lý học, y sinh học thể dục thể thao, các quy định về phòng, chống doping trong tập luyện và thi đấu thể thao;

d) Nhận thức và vận dụng đúng các quy định của luật thi đấu của môn thể thao; điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của liên đoàn môn thể thao ở trong nước và quốc tế;

đ) Biết kiểm tra y học thể dục thể thao và sơ cứu chấn thương cho vận động viên trong tập luyện và thi đấu thể thao;

g) Có khả năng xây dựng kế hoạch phát triển môn thể thao, kế hoạch huấn luyện môn thể thao ở cấp đội tuyển trẻ thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành trở lên; có khả năng tổng hợp, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và tổ chức phối hợp với đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện thể thao;

h) Có thành tích đào tạo được vận động viên cấp kiện tướng hoặc đạt huy chương tại các giải thi đấu toàn quốc và khu vực trở lên;

i) Viên chức thăng hạng lên chức danh huấn luyện viên chính (hạng II) phải có thời gian công tác giữ chức danh huấn luyện viên (hạng III) hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên nhưng phải có thời gian hưởng lương chức danh huấn luyện viên (hạng III) ít nhất đủ 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh huấn luyện viên chính (hạng II).

Điều 5. Huấn luyện viên (hạng III) – Mã số: V.10.01.03

1. Nhiệm vụ:

a) Tham gia tuyển chọn năng khiếu thể thao thuộc môn thể thao chuyên sâu được phân công phụ trách;

b) Xây dựng kế hoạch huấn luyện dài hạn và ngắn hạn, chương trình, giáo án huấn luyện phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý, lứa tuổi, giới tính, khả năng vận động của vận động viên;

c) Trực tiếp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cơ bản, thể lực, rèn luyện tâm lý, ý chí, đạo đức cho vận động viên theo chương trình, kế hoạch được phê duyệt; chỉ đạo vận động viên thuộc phạm vi phụ trách tham gia các giải thi đấu thể thao;

d) Phối hợp tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn trong tập luyện, thi đấu; chăm sóc sức khoẻ, điều kiện ăn, ở, nghỉ ngơi và học tập văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ cho vận động viên;

đ) Chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho vận động viên;

e) Tham gia công tác nghiên cứu khoa học thể dục thể thao;

g) Thống kê, lưu trữ những tài liệu liên quan đến công tác huấn luyện, thi đấu của vận động viên; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác huấn luyện và giáo dục vận động viên;

h) Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức chuyên môn ở hạng thấp hơn.

2. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp: đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Có trình độ cử nhân chuyên ngành Thể dục thể thao trở lên hoặc trường hợp tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Thể dục thể thao thì phải là vận động viên cấp 1 trở lên;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chức danh huấn luyện viên (hạng III) (trừ trường hợp là cử nhân chuyên ngành huấn luyện thể thao).

4. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:

a) Nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thể dục thể thao và phát triển thể thao thành tích cao;

b) Hiểu biết luật, điều lệ thi đấu để vận dụng chỉ đạo trong tập luyện, thi đấu thể thao;

c) Có kiến thức cơ bản về lý luận và phương pháp giáo dục thể chất; nắm chắc các kỹ thuật, chiến thuật cơ bản của môn thể thao chuyên sâu;

d) Hiểu biết các nguyên lý cơ bản về giáo dục học, tâm lý học và y sinh học thể dục thể thao và vận dụng vào công tác huấn luyện các vận động viên có lứa tuổi, giới tính, trình độ khác nhau;

đ) Biết kiểm tra y học thể dục thể thao và sơ cứu chấn thương cho vận động viên trong tập luyện và thi đấu thể thao;

e) Có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện;

g) Hiểu biết các quy định về phòng, chống Doping trong tập luyện và thi đấu thể thao.

Điều 6. Hướng dẫn viên (hạng IV) – Mã số: V.10.01.04

1. Nhiệm vụ:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung và các tài liệu hướng dẫn hoạt động tập luyện, thi đấu thể dục thể thao phù hợp với từng đối tượng người tập;

b) Trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động thể dục thể thao; hướng dẫn người tập tập luyện, thi đấu, biểu diễn thể dục thể thao theo đúng phương pháp;

c) Bảo đảm an toàn cho người tập luyện, thi đấu thể dục thể thao;

d) Tham gia tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong các dịp lễ, hội ở địa phương, đơn vị;

đ) Tham gia tổ chức sơ kết, tọa đàm, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến nhiệm vụ được giao;

e) Phát hiện những năng khiếu thể thao để giới thiệu với đơn vị sự nghiệp thể dục thể thao, các cơ sở đào tạo vận động viên;

g) Phối hợp tham gia hướng dẫn khai thác, sử dụng và quản lý các công trình thể thao công cộng.

2. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp:

a) Yêu nghề, nhiệt tình với công việc được giao, luôn tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp; chấp hành đúng các nguyên tắc trong hướng dẫn tập luyện và thi đấu thể dục thể thao; có ý thức cải tiến, đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động hướng dẫn thể thao; tích cực đấu tranh với những hành vi tiêu cực;

b) Thân thiện với người tập, quan tâm giúp đỡ người tập tập luyện, thi đấu, biểu diễn thể dục thể thao theo đúng phương pháp;

c) Đoàn kết, khiêm tốn học hỏi, biết lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp. Phối hợp với đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ được giao, cùng đồng nghiệp cải tiến công tác chuyên môn góp phần mở rộng phong trào tập luyện thể dục thể thao trong nhân dân;

d) Thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc và môi trường tập luyện, thi đấu thể thao lành mạnh; có tác phong mẫu mực.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Tốt nghiệp trung học chuyên ngành Thể dục thể thao trở lên hoặc trường hợp là vận động viên cấp 1 trở lên phải qua lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chức danh hướng dẫn viên (hạng IV);

b) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

4. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:

a) Hiểu biết đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành về phát triển thể dục thể thao quần chúng;

b) Có kiến thức về nội dung, phương pháp vận động nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao;

c) Hiểu biết về nguyên tắc, phương pháp giáo dục thể chất, các kỹ thuật, chiến thuật cơ bản, luật thi đấu các môn thể thao, phương pháp tổ chức và thi đấu của những môn thể thao để hướng dẫn người tập tập luyện, thi đấu thể dục thể thao;

d) Có kiến thức về y học, dinh dưỡng và công tác vệ sinh, an toàn trong hoạt động thể dục thể thao.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2014 và thay thế Quyết định số 12/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức ngành Thể dục thể thao.

2. Bãi bỏ quy định về danh mục các ngạch viên chức chuyên ngành bao gồm huấn luyện viên cao cấp, huấn luyện viên chính, huấn luyện viên và hướng dẫn viên tại Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành danh mục các ngạch công chức và ngạch viên chức.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư liên tịch này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chuyên ngành thể dục thể thao đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Các cơ sở, tổ chức, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được vận dụng các quy định này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân sự.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp và chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết./.

 

 

c và :�$�h`b��� ức.

 

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư liên tịch này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chuyên ngành thể dục thể thao đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Các cơ sở, tổ chức, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được vận dụng các quy định này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân sự.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp và chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Anh Tuấn

Lê Khánh Hải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.