• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/12/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 28/12/2017
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 36/2014/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 22 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG TƯ

Quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất

và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất

__________________

 

Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008; Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất đối với hóa chất công nghiệp nguy hiểm; hóa chất là tiền chất sử dụng trong công nghiệp và hóa chất thuộc Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Thông tư này không điều chỉnh việc huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện đối với xăng dầu, dầu khí; vật liệu nổ công nghiệp; hóa chất nguy hiểm vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất quy định tại Điều 1 Thông tư này và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN HÓA CHẤT

Điều 3. Nội dung huấn luyện

Nội dung huấn luyện phải phù hợp với tính chất, chủng loại, mức độ nguy hiểm của hóa chất tại cơ sở hoạt động hóa chất và vị trí làm việc của đối tượng được huấn luyện. Cụ thể:

1. Đối với lãnh đạo, người quản lý trực tiếp hóa chất (người quản lý)

a) Những quy định của pháp luật trong hoạt động hóa chất, bao gồm: Yêu cầu về cơ sở vật chất, chuyên môn trong hoạt động hóa chất; trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép; khai báo hóa chất; phân loại, ghi nhãn hóa chất; đăng ký sử dụng hóa chất; đăng ký và quản lý hoạt động liên quan đến hóa chất mới; Phiếu an toàn hóa chất; lưu trữ thông tin hóa chất nguy hiểm; nghĩa vụ cung cấp và bảo mật thông tin; yêu cầu về lập, phê duyệt, xác nhận và thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; quy định về khoảng cách an toàn;

b) Các yếu tố nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng hóa chất của cơ sở hoạt động hóa chất (cơ sở);

c) Biện pháp về quản lý, kỹ thuật đảm bảo an toàn khi làm việc, tiếp xúc với hóa chất độc hại, nguy hiểm;

d) Các phương án, biện pháp cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố hóa chất: Thông tin gọi cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu tại chỗ; sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất; sơ đồ liên lạc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài của cơ sở;

đ) Biện pháp phòng ngừa, loại trừ, khắc phục sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất; ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm và lan rộng ra môi trường; biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

2. Đối với người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất (người lao động)

a) Các nội dung quy định tại Điểm b, Điểm đ Khoản 1 Điều này;

b) Các hóa chất nguy hiểm thuộc phạm vi quản lý và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố: Tên hóa chất; đặc tính nguy hiểm; nhãn hóa chất; biện pháp phòng ngừa, xử lý, ứng phó khi có cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất; các thông tin về độc tính, ảnh hưởng đến sinh thái, môi trường;

c) Quy trình pha chế, sử dụng hóa chất; quy định an toàn, quy trình vận hành, xử lý sự cố máy, thiết bị được giao;

d) Cách sử dụng, bảo quản, kiểm tra trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc, trang thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp với vị trí công việc (bao gồm cả thiết bị phòng cháy và chữa cháy);

đ) Quy trình ứng cứu khẩn cấp phù hợp vị trí công việc và cứu hộ, thoát nạn;

e) Phương pháp sơ cứu y tế, cấp cứu người bị nạn.

Điều 4. Tổ chức huấn luyện

1. Đối với người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

a) Quy định chi tiết nội dung, thời gian huấn luyện theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này;

b) Lựa chọn người huấn luyện theo quy định tại Khoản 3 Điều này;

c) Thông báo kế hoạch huấn luyện và kiểm tra trước bảy (07) ngày tới Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà cơ sở hoạt động trên địa bàn;

d) Tổ chức huấn luyện;

đ) Đề nghị Sở Công Thương kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất (Giấy chứng nhận) cho người lao động đã được huấn luyện;

e) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện.

2. Đối với cán bộ quản lý

Sở Công Thương tổ chức huấn luyện cho cán bộ quản lý của các cơ sở trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý theo nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

3. Người huấn luyện phải có trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện, có ít nhất năm (05) năm làm việc về an toàn hóa chất.

4. Hình thức và thời gian huấn luyện

a) Huấn luyện lần đầu: Đối với cán bộ quản lý, thời gian huấn luyện ít nhất mười hai (12) giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra; đối với người lao động mới được tuyển dụng, thời gian huấn luyện ít nhất mười sáu (16) giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra;

b) Huấn luyện định kỳ: Được thực hiện định kỳ hai (02) năm một lần cho cán bộ quản lý và người lao động. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu;

c) Huấn luyện lại: Được thực hiện khi có sự thay đổi phương án sản xuất, cơ sở vật chất, chủng loại hóa chất; thay đổi vị trí làm việc; khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu hoặc khi người lao động đã nghỉ làm việc từ sáu tháng trở lên. Thời gian huấn luyện ít nhất mười hai (12) giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.

5. Tùy điều kiện cụ thể tổ chức, cá nhân có thể tổ chức huấn luyện riêng về kỹ thuật an toàn hóa chất hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy hoặc huấn luyện an toàn khác theo quy định.

6. Kinh phí huấn luyện, kiểm tra do cơ sở chi trả.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

 HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN HÓA CHẤT

Điều 5. Hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận

1. Hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận (đối với trường hợp Sở Công Thương tổ chức huấn luyện) gồm:

a) Giấy đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Danh sách người đề nghị được huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Hai (02) ảnh (cỡ 2x3 cm) của người trong danh sách quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Danh sách các loại hóa chất liên quan đến hoạt động của cơ sở.

2. Hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận (đối với trường hợp cơ sở tự huấn luyện) gồm:

a) Giấy đề nghị kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Danh sách người đề nghị được kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Hai (02) ảnh (cỡ 2x3 cm) của người trong danh sách quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Danh sách các loại hóa chất liên quan đến hoạt động của cơ sở.

Điều 6. Trình tự, thủ tục kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận

1. Cơ sở hoạt động hóa chất lập hồ sơ đề nghị Sở Công Thương huấn luyện (đối với cán bộ quản lý), kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận.

2. Quy định về kiểm tra

a) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Công Thương thông báo kế hoạch huấn luyện (nếu có), kiểm tra cho cơ sở;

b) Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện;

c) Thời gian kiểm tra tối đa là hai (02) giờ;

d) Bài kiểm tra đạt yêu cầu phải đạt điểm trung bình trở lên.

3. Quy định về cấp Giấy chứng nhận

a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra, Sở Công Thương thực hiện cấp Giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này cho người kiểm tra đạt yêu cầu;

b) Giấy chứng nhận huấn luyện có giá trị trong thời hạn hai (02) năm và có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc.

4. Trước khi Giấy chứng nhận hết hạn ba mươi (30) ngày, cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Sở Công Thương huấn luyện (nếu có), kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều này.

Điều 7. Cấp lại Giấy chứng nhận

1. Giấy chứng nhận còn hiệu lực được cấp lại trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng.

2. Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận gửi đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận để xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận bao gồm:

a) Giấy đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hai (02) ảnh (cỡ 2x3 cm) của người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

4. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Công Thương thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cấp lại phải có thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Điều 8. Thẩm quyền kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận

Sở Công Thương chủ trì việc kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng được huấn luyện, kiểm tra đạt yêu cầu trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Điều 9. Trách nhiệm của người được cấp Giấy chứng nhận

1. Quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đúng mục đích, không cho thuê, mượn; không sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận.

2. Xuất trình Giấy chứng nhận và chấp hành các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này;

b) Xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

2. Sở Công Thương có trách nhiệm

a) Phổ biến, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này trên địa bàn quản lý;

b) Thông báo kế hoạch huấn luyện cho cơ sở có đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này trên địa bàn quản lý; kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận;

c) Xử lý vi phạm theo thẩm quyền;

d) Tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương (Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) tình hình huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận về kỹ thuật an toàn hóa chất thuộc phạm vi quản lý trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp

Đối tượng đã được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 8 tháng 12 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo cho Sở Công Thương hoặc Bộ Công Thương để có hướng dẫn và điều chỉnh kịp thời./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Quốc Hưng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.