• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 13/08/2016
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 150/2013/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 29 tháng 10 năm 2013

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về lập, quản lý và việc thực hiện hoàn thuế

từ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng

_________________

 

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH12 ngày 20 tháng 11 năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về lập, quản lý và việc thực hiện hoàn thuế từ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Mục I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về lập, quản lý Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi chung là Quỹ hoàn thuế) và việc thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho các đối tượng được hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổng cục thuế, Vụ Ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Cục thuế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cục thuế), Kho bạc nhà nước cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Thông tư này có trách nhiệm lập dự toán, quản lý và thực hiện việc hoàn thuế từ Quỹ hoàn thuế cho các đối tượng được hoàn thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 3. Nguyên tắc lập và quản lý Quỹ hoàn thuế

Quỹ hoàn thuế được lập và hình thành từ nguồn thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu. Quỹ hoàn thuế được mở tài khoản để quản lý tập trung tại Kho bạc Nhà nước và do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế làm chủ tài khoản theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Mục II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Dự toán kinh phí dành cho Quỹ hoàn thuế

1. Dự toán kinh phí dành cho Quỹ hoàn thuế (sau đây gọi chung là dự toán Quỹ hoàn thuế) được lập cùng với dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải hoàn vượt dự toán, Vụ Ngân sách Nhà nước chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Quản lý kinh phí dành cho Quỹ hoàn thuế

1. Căn cứ dự toán Quỹ hoàn thuế được duyệt, Vụ Ngân sách Nhà nước thông báo cho Tổng cục Thuế thực hiện quản lý, theo dõi chi Quỹ hoàn thuế tại Kho bạc Nhà nước.

2. Căn cứ dự toán Quỹ hoàn thuế được duyệt, dự kiến chi hoàn thuế giá trị gia tăng, tình hình thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế giá trị gia tăng của quý trước, năm trước liền kề của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng cục Thuế thực hiện phân bổ và thông báo hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế cả năm (có chia ra theo từng quý) cho Cục thuế và cơ quan Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh. Căn cứ vào số hoàn thuế quý trước, năm trước liền kề Tổng cục Thuế đã thực hiện, Tổng cục Thuế xác định, phân bổ hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế thuộc nhiệm vụ của Tổng cục Thuế; thông báo cho Kho bạc Nhà nước hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế của các Cục thuế và của Tổng cục Thuế.

Việc phân bổ và thông báo hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế theo quy định trên được thực hiện cùng với việc giao dự toán thu ngân sách hàng năm.

3. Hàng tháng, quý, sáu tháng, năm, Cục thuế phối hợp với Kho bạc Nhà nước cùng cấp tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế và kết quả thực hiện chi hoàn thuế giá trị gia tăng về Tổng cục Thuế để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng gửi các đơn vị liên quan để phối hợp quản lý.

Tổng cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn Mẫu báo cáo; thời gian báo cáo tình hình thực hiện hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế và kết quả thực hiện chi hoàn thuế giá trị gia tăng.

Điều 6. Thực hiện hoàn thuế

1. Việc xem xét, quyết định hoàn thuế được thực hiện theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Trong quá trình thực hiện, cơ quan thuế phải thực hiện kiểm soát, đối chiếu việc hoàn thuế với phạm vi hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế được giao. Trường hợp phát sinh số thuế hoàn vượt hạn mức được giao cho địa phương, Cục thuế có trách nhiệm báo cáo về Tổng cục Thuế để xem xét, giải quyết.

3. Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước để thực hiện ứng trước hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế của quý sau cho cơ quan thuế phát sinh thiếu hạn mức. Trường hợp, thời điểm phát sinh thiếu hạn mức vào quý cuối cùng trong năm thì thực hiện việc điều hòa hạn mức từ nơi thừa sang nơi thiếu. Trường hợp dự toán Quỹ hoàn thuế được duyệt không đủ đảm bảo cho việc hoàn thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

Điều 7. Nội dung chi Quỹ hoàn thuế

Quỹ hoàn thuế được sử dụng chi hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Trường hợp người nộp thuế được hoàn số thuế giá trị gia tăng nộp thừa theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế thì thực hiện giảm thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tương ứng với tỷ lệ phân chia nguồn thu cho từng cấp ngân sách trước đó theo quy định, không chi từ Quỹ hoàn thuế.

Điều 8. Quy trình thực hiện chi hoàn thuế

1. Trường hợp việc hoàn thuế do Tổng cục Thuế thực hiện

Khi nhận được Quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc Quyết định về việc hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước do Tổng cục Thuế gửi và hồ sơ kèm theo theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thực hiện kiểm soát chi và làm thủ tục chi hoàn thuế giá trị gia tăng cho đối tượng được hưởng trong phạm vi hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế đã thông báo cho Tổng cục Thuế.

2. Trường hợp việc hoàn thuế do Cục thuế thực hiện

Khi nhận được Quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc Quyết định về việc hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước và hồ sơ kèm theo theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này do Cục thuế gửi, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thực hiện kiểm soát chi và làm thủ tục chi hoàn thuế giá trị gia tăng cho đối tượng được hưởng trong phạm vi hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế đã thông báo cho Cục thuế.

3. Trường hợp số tiền hoàn trả cho người nộp thuế vượt hạn mức, cơ quan Kho bạc Nhà nước thông báo cho cơ quan thuế cùng cấp để thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

4. Chậm nhất là ngày 15 của tháng, quý, sáu tháng, năm, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện chi hoàn thuế giá trị gia tăng tại địa phương gửi Cục thuế cùng cấp để tổng hợp báo cáo Tổng cục Thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này; đồng gửi Kho bạc Nhà nước để theo dõi, đối soát.

Điều 9. Kiểm soát chi hoàn thuế giá trị gia tăng tại cơ quan kho bạc nhà nước

1. Cơ quan Kho bạc Nhà nước nơi tiếp nhận Quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng và hồ sơ kèm theo có trách nhiệm:

a) Kiểm soát tính đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật (như về thẩm quyền quyết định; về tính hợp lệ) của hồ sơ đề nghị cơ quan Kho bạc Nhà nước chi hoàn thuế giá trị gia tăng;

b) Đối chiếu số tiền hoàn thuế với hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế được giao, kiểm soát việc thực hiện hoàn thuế của cơ quan thuế;

c) Thực hiện hoàn thuế trong phạm vi hạn mức được thông báo của cơ quan thuế.

2. Hồ sơ đề nghị cơ quan Kho bạc Nhà nước chi hoàn thuế giá trị gia tăng (gọi chung là hồ sơ) bao gồm:

a) Quyết định về việc hoàn thuế hoặc Quyết định về việc hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước;

b) Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước;

c) Chứng từ thông báo diện hoàn thuế của cơ quan thuế (nếu có);

d) Các hồ sơ, chứng từ khác có liên quan đến việc hoàn thuế.

3. Quy trình kiểm soát chi hoàn thuế giá trị gia tăng

Cơ quan Kho bạc Nhà nước căn cứ vào Quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng và hồ sơ kèm theo do cơ quan thuế gửi sang thực hiện phân loại và kiểm soát như sau:

a) Đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau:

- Trường hợp qua kiểm tra, xác định hồ sơ đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật thì cơ quan Kho bạc Nhà nước thực hiện chi hoàn thuế cho đối tượng được hưởng trong phạm vi hạn mức được thông báo của cơ quan thuế.

- Trường hợp qua kiểm tra, xác định hồ sơ không đầy đủ, cơ quan Kho bạc Nhà nước phải yêu cầu cơ quan thuế gửi bổ sung.

- Trường hợp qua kiểm tra, phát hiện dấu hiệu không phù hợp quy định của pháp luật thì cơ quan Kho bạc Nhà nước tạm dừng việc chi hoàn thuế, đồng thời thông báo tới cơ quan thuế để chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau và khắc phục hành vi vi phạm (nếu có).

b) Đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau:

- Trường hợp qua kiểm tra, xác định hồ sơ đầy đủ và phù hợp với quy định pháp luật thì cơ quan Kho bạc Nhà nước thực hiện chi hoàn thuế cho đối tượng được hưởng trong phạm vi hạn mức được thông báo của cơ quan thuế.

- Trường hợp qua kiểm tra, xác định hồ sơ không đầy đủ, cơ quan Kho bạc Nhà nước phải yêu cầu cơ quan thuế gửi bổ sung.

- Trường hợp qua kiểm tra, phát hiện dấu hiệu không phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan Kho bạc Nhà nước tạm dừng việc chi hoàn thuế, đồng thời thông báo tới cơ quan thuế để tiếp tục kiểm tra làm rõ và khắc phục hậu quả vi phạm (nếu có).

4. Cơ quan Kho bạc Nhà nước theo dõi việc thực hiện chi hoàn thuế giá trị gia tăng trong phạm vi hạn mức được thông báo. Trường hợp đề nghị chi hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan thuế cao hơn hạn mức, cơ quan Kho bạc Nhà nước tạm dừng việc chi trả, đồng thời thông báo tới cơ quan thuế cùng cấp để kịp thời xử lý.

5. Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, năm cơ quan Kho bạc Nhà nước phối hợp với cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, hạn mức để phát hiện các trường hợp ra Quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, chi hoàn thuế giá trị gia tăng không đúng quy định, tình hình thực hiện hạn mức để khắc phục kịp thời.

Điều 10. Trách nhiệm của Tổng cục Thuế

1. Phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước lập, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt dự toán Quỹ hoàn thuế; bổ sung kinh phí cho Quỹ hoàn thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

2. Hướng dẫn các Cục thuế xây dựng dự kiến chi hoàn thuế giá trị gia tăng.

3. Phân bổ và thông báo hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế trong năm cho các Cục thuế và cho nhiệm vụ hoàn thuế thuộc trách nhiệm của Tổng cục Thuế.

4. Quyết định việc ứng hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế của Quý trong phạm vi một Cục Thuế, điều hòa hạn mức giữa các Cục Thuế khi phát sinh số chi hoàn thuế vượt hạn mức của năm.

5. Theo dõi tình hình sử dụng hạn mức hoàn thuế và tình hình thực hiện chi hoàn thuế giá trị gia tăng tại các địa phương.

6. Phối hợp với cơ quan Kho bạc Nhà nước trong quá trình thực hiện kiểm soát chi hoàn thuế và thực hiện kiểm tra đối chiếu hồ sơ theo định kỳ tại cơ quan thuế.

7. Hàng tháng, quý, sáu tháng, năm, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế và kết quả thực hiện chi hoàn thuế giá trị gia tăng (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) để báo cáo Bộ Tài chính, đồng gửi Vụ Ngân sách Nhà nước.

8. Tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện dự toán kinh phí dành cho Quỹ hoàn thuế, quyết toán với ngân sách Nhà nước.

Điều 11. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước

1. Mở tài khoản quỹ hoàn thuế theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Theo dõi, kiểm soát chi hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Thông tư này.

3. Thực hiện chi hoàn thuế giá trị gia tăng cho các đối tượng được hoàn thuế theo đúng quy định.

4. Phối hợp với cơ quan thuế để thực hiện kiểm tra, đối chiếu hồ sơ theo định kỳ.

5. Xác nhận số thuế giá trị gia tăng đã thực chi cho các đối tượng được hoàn thuế trên địa bàn từng tỉnh, thành phố.

Điều 12. Trách nhiệm của Vụ Ngân sách Nhà nước

1. Phối hợp với Tổng cục Thuế lập dự toán Quỹ hoàn thuế, tổng hợp vào ngân sách nhà nước hàng năm.

2. Phối hợp với Tổng cục Thuế điều hành dự toán Quỹ hoàn thuế được duyệt; trường hợp dự toán không đủ, phối hợp với Tổng cục Thuế trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Mục III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

2. Bãi bỏ Quyết định số 1632/1998/QĐ-BTC ngày 17 tháng 11 năm 1998 về việc ban hành Quy chế lập, quản lý, sử dụng quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng và Quyết định số 96/2002/QĐ-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2002 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Quy chế lập, quản lý, sử dụng quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng ban hành theo Quyết định số 1632/1998/QĐ-BTC ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Thủ trưởng cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước, Vụ Ngân sách Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo nội dung Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.