• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2015
BỘ NỘI VỤ
Số: 17/2014/TT-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 20 tháng 11 năm 2014

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp

 lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp

__________________

 

Căn cứ Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ;

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh) và hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành và sửa đổi, bổ sung Danh mục cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh; các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp.

Điều 3. Cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào các Trung tâm Lưu trữ quốc gia

1. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội;

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

3. Văn phòng Chủ tịch nước;

4. Tòa án nhân dân tối cao;

5. Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

6. Các tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chuyên môn (Tổng cục, Cục, Ban, Ủy ban);

7. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập;

8. Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định thành lập;

9. Cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động bằng ngân sách nhà nước.

Điều 4. Cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh

1. Các cơ quan, tổ chức tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)

a) Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân;

b) Ủy ban nhân dân;

c) Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;

d) Tòa án nhân dân;

đ) Viện kiểm sát nhân dân;

e) Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng;

g) Các tổ chức trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng quản lý Nhà nước;

h) Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân;

i) Cơ quan, tổ chức của Trung ương, các đơn vị thành viên của các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước được tổ chức, hoạt động theo ngành dọc ở cấp tỉnh;

k) Doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định thành lập;

l) Các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh hoạt động bằng ngân sách nhà nước.

2. Các cơ quan, tổ chức quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện)

a) Hội đồng nhân dân;

b) Ủy ban nhân dân;

c) Tòa án nhân dân;

d) Viện kiểm sát nhân dân;

e) Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự;

g) Cơ quan, tổ chức của Trung ương được tổ chức, hoạt động theo ngành dọc ở cấp huyện.

Điều 5. Xây dựng, thẩm định Danh mục cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp

1. Trách nhiệm xây dựng Danh mục cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp (sau đây gọi chung là Danh mục nguồn nộp lưu)

a) Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng Danh mục nguồn nộp lưu và trình cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ có thẩm quyền thẩm định;

b) Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ ở Trung ương và cấp tỉnh có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Danh mục nguồn nộp lưu;

c) Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu theo quy định tại Thông tư này có trách nhiệm phối hợp với Lưu trữ lịch sử có thẩm quyền trong việc xây dựng Danh mục nguồn nộp lưu.

2. Căn cứ để xây dựng Danh mục nguồn nộp lưu

a) Thông tư hướng dẫn xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp;

b) Quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức trong phạm vi thẩm quyền thu thập tài liệu của Lưu trữ lịch sử;

c) Quy định của pháp luật về việc thành lập, đổi tên, chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, phá sản các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi thẩm quyền thu thập tài liệu của Lưu trữ lịch sử.

3. Phương pháp xây dựng Danh mục nguồn nộp lưu

a) Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản liên quan về hệ thống cơ quan, tổ chức trong phạm vi thẩm quyền thu thập tài liệu để xây dựng dự thảo Danh mục nguồn nộp lưu;

b) Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh trình cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ có thẩm quyền để thẩm định;

c) Cơ quan thực hiện nhiệm vụ thẩm định Danh mục nguồn nộp lưu theo quy định tại Khoản 4 Điều này có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 6 Thông tư này phê duyệt, ban hành Danh mục nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử các cấp;

d) Hồ sơ trình gồm: Công văn đề nghị của Lưu trữ lịch sử; bản thuyết minh Danh mục nguồn nộp lưu; Văn bản thẩm định của người đứng đầu cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ ở Trung ương, cấp tỉnh; Dự thảo quyết định ban hành Danh mục nguồn nộp lưu.

4. Thẩm định Danh mục nguồn nộp lưu

a) Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thẩm định Danh mục nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử ở Trung ương theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia;

b) Sở Nội vụ thẩm định Danh mục nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ.

Điều 6. Thẩm quyền ban hành Danh mục nguồn nộp lưu

1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Danh mục nguồn nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia theo đề nghị của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Danh mục nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

Điều 7. Sửa đổi bổ sung Danh mục nguồn nộp lưu

Danh mục nguồn nộp lưu vào các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau:

a) Khi cơ quan, tổ chức thuộc Danh mục nguồn nộp lưu có sự thay đổi về tên gọi do chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp;

b) Thành lập cơ quan, tổ chức mới được xác định thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử các cấp.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 04/2006/TT-BNV ngày 11 tháng 4 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Nội vụ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Duy Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.