CHỈ THỊ
Về việc ăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
_______________________________
Thực hiện Luật Đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong những năm qua đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 – 2010 được triển khai ở 4 cấp: Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 – 2010) cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua; đối với địa phương, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Chính phủ xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hầu hết các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010.
Nhìn chung, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp đã dần đi vào nề nếp và trở thành công cụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với đất đai, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ý thức chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp chính quyền đã được nâng lên. Thông qua việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bước đầu kiểm soát được việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đất đai cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian qua vẫn còn có những hạn chế nhất định. Việc lập và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã còn chậm. Do công tác dự báo chưa đầy đủ nên chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vì vậy phải điều chỉnh nhiều. Trong chỉ đạo lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu sự kết nối chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch xây dựng. Một số địa phương chưa bố trí thỏa đáng kinh phí, nguồn nhân lực để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt chưa được đặt thành nhiệm vụ thường xuyên của Hội đồng nhân dân, đặc biệt đối với cấp huyện và cấp xã.
Ngày 13 tháng 8 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong đó, về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có nhiều đổi mới về quan điểm chỉ đạo, về nội dung và phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất các cấp; duy trì và bảo vệ được diện tích đất trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và đất di tích danh thắng để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học; cân đối bố trí đủ quỹ đất cho xây dựng đô thị, công nghiệp, kết cấu hạ tầng; đồng thời, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 cần kế thừa những kết quả và dựa trên những bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 – 2010.
Để triển khai công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP đạt được những nội dung nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu:
1. Tổng kết công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 – 2010
1.1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tập trung tổng kết công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 – 2010, trên cơ sở đó đánh giá những tồn tại, xác định nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tổ chức tốt công tác lập, thẩm định, xét duyệt và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020. Báo cáo tổng kết gửi về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30 tháng 4 năm 2010 để tổng hợp.
1.2. Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì hướng dẫn các địa phương việc tổng kết công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 – 2010 và tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả tổng kết trước ngày 31 tháng 5 năm 2010.
2. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020
2.1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; chỉ đạo các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) các cấp trên địa bàn;
- Bố trí đủ kinh phí và lực lượng cán bộ có trình độ, chuyên môn đảm nhận công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ba cấp (tỉnh, huyện, xã) bảo đảm hoàn thành trong năm 2010 theo quy định của pháp luật đất đai.
- Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Làm tốt công tác xác định nhu cầu sử dụng đất trên cơ sở dự báo các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của địa phương. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phục vụ một cách tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh phải bảo đảm giữ vững các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã phân bổ, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất lúa nước; đồng thời, tiếp tục phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho cấp huyện và hướng dẫn cấp huyện phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp xã.
- Tổ chức kiểm tra các đơn vị tư vấn về lập quy hoạch sử dụng đất trong việc chấp hành các quy định về điều kiện hành nghề tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất, về phương pháp, nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ba cấp (tỉnh, huyện, xã).
- Tổ chức thẩm định, chỉ đạo việc thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của đơn vị hành chính cấp dưới bảo đảm hoàn thành trong năm 2010 theo quy định của pháp luật đất đai.
2.2. Yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai:
- Chấn chỉnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Quy định về điều kiện được tham gia lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với cán bộ chuyên môn; hướng dẫn địa phương trong việc lựa chọn các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm các cán bộ, đơn vị tư vấn được lựa chọn có đủ năng lực, trình độ đáp ứng những quy định mới về nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp;
- Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong ngành Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị tư vấn và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tháo gỡ những vướng mắc cho các địa phương trong công tác tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đảm bảo chất lượng và tiến bộ theo quy định của pháp luật đất đai.
3. Tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
3.1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch định kỳ kiểm tra và thanh tra việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, xét duyệt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra trường hợp sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt tại địa phương.
- Chỉ đạo hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường, các Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện đủ về số lượng và có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công tác quản lý quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
3.2. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai có trách nhiệm:
- Đề xuất kiện toàn về tổ chức cơ quan chuyên trách theo dõi về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp.
- Theo dõi, kiểm tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2011 – 2020; định kỳ hàng Quý báo cáo Bộ trưởng tình hình thực hiện Chỉ thị này.