• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2013
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 53/2012/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 25 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng

_____________________

 

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Môi trường;

Bộ trưng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng.

Mục 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay là tổ chức được cấp Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay theo quy định tại Điều 51 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

2. Người khai thác tàu bay là tổ chức, cá nhân tham gia khai thác tàu bay theo quy định tại Điều 22 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Mục 2

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC TÀU BAY

Điều 3. Tiếng ồn tàu bay

1. Tàu bay khai thác tại Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu về tiếng ồn tàu bay do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) quy định tại Phần 2 (Part 2), Quyển 1 (Volume 1), Phụ ước 16 (Annex 16) của Công ước Chi-ca-gô về hàng không dân dụng quốc tế.

2. Tàu bay khai thác tại Việt Nam phải có Giấy chứng nhận tiếng ồn do Cục Hàng không Việt Nam cấp, thừa nhận theo quy định của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Điều 4. Khí thải động cơ tàu bay

1. Động cơ tàu bay khai thác tại Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu về khí thải động cơ tàu bay do ICAO quy định tại Chương 2 (Chapter 2), Phần 2 (Part 2) và Chương 2 (Chapter 2), Phần 3 (Part 3), Quyển 2 (Volume 2), Phụ ước 16 (Annex 16) của Công ước Chi-ca-gô về hàng không dân dụng quốc tế.

2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất để Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ phê duyệt các đường bay có khả năng giảm lượng nhiên liệu tiêu hao, giảm lượng khí thải động cơ tàu bay vào khí quyển.

Điều 5. Bảo vệ môi trường trong khai thác tàu bay

Người khai thác tàu bay có trách nhiệm:

1. Áp dụng các giải pháp công nghệ, quy trình khai thác tàu bay nhằm giảm thiểu lượng khí thải động cơ tàu bay vào khí quyển.

2. Áp dụng quy trình hoạt động của tàu bay tại cảng hàng không, sân bay nhằm giảm thiểu khí thải động cơ tàu bay vào không khí, bao gồm: Hạn chế thời gian hoạt động của động cơ tàu bay trong quá trình lăn, chuẩn bị cất cánh; tăng cường sử dụng xe kéo tàu bay nhằm hạn chế thời gian hoạt động của động cơ tàu bay nhưng không gây ùn tắc hoạt động tại khu bay.

3. Xây dựng quy trình nội bộ kiểm soát việc thu gom, phân loại chất thải từ tàu bay và tổ chức thực hiện.

4. Sử dụng hóa chất diệt côn trùng và vệ sinh trong tàu bay tuân thủ quy định tại Danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế được phép đăng ký để sử dụng, được phép đăng ký nhưng hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành.

5. Quy định quy trình sử dụng từng loại hóa chất để diệt côn trùng, vệ sinh tàu bay nhằm bảo đảm chất lượng khí trong tàu bay đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh.

Mục 3

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

Điều 6. Kế hoạch bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay

1. Kế hoạch bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay bao gồm các nội dung:

a) Kế hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường;

b) Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và quy trình ứng phó sự cố môi trường;

c) Kế hoạch đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ môi trường; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân viên;

d) Kế hoạch giám sát môi trường khu vực cảng hàng không, sân bay;

đ) Kế hoạch tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường; định kỳ đánh giá, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ môi trường cho phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của mình trong từng thời kỳ.

3. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của người khai thác cảng hàng không, sân bay và của cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay.

Điều 7. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay

1. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của cảng hàng không, sân bay bao gồm:

a) Điểm trung chuyển chất thải rắn;

b) Hệ thống thu gom, xử lý, thoát nước thải.

2. Điểm trung chuyển chất thải rắn phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Phù hợp với quy hoạch chi tiết của cảng hàng không, sân bay;

b) Không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường;

c) Không làm mất mỹ quan cảng hàng không, sân bay;

d) Thuận tiện cho việc vận chuyển chất thải đến/đi.

3. Hệ thống thu gom, xử lý, thoát nước thải phải đảm bảo chất lượng nước thải khi xả vào nguồn tiếp nhận đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm xây dựng, duy trì hoạt động của hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của cảng hàng không, sân bay.

5. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong phạm vi hoạt động của mình đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của cảng hàng không, sân bay.

Điều 8. Bản đồ tiếng ồn cảng hàng không, sân bay

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay tại cảng hàng không, sân bay có vị trí nằm liền kề khu vực dân cư sinh sống có trách nhiệm:

a) Xây dựng bản đồ tiếng ồn cảng hàng không, sân bay theo hướng dẫn của ICAO về phương pháp, trình tự thực hiện; trong đó đường đẳng âm trong bản đồ tiếng ồn cảng hàng không, sân bay được lấy tương ứng với các mức giới hạn đối với các công trình công cộng, dân sinh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, tiêu chuẩn vệ sinh lao động do Bộ Y tế ban hành;

b) Gửi bản đồ tiếng ồn đã xây dựng đến Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không và Ủy ban nhân dân cấp quận (huyện) liền kề cảng hàng không, sân bay để làm tài liệu tham khảo khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất trong và xung quanh khu vực cảng hàng không, sân bay.

2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm:

a) Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội và khả năng thực hiện của cảng hàng không, sân bay xác định danh mục cảng hàng không, sân bay cần xây dựng bản đồ tiếng ồn ứng với từng giai đoạn và thông báo cho Người khai thác cảng hàng không, sân bay biết, thực hiện;

b) Kiểm tra, giám sát việc xây dựng bản đồ tiếng ồn cảng hàng không, sân bay theo quy định của Thông tư này.

Điều 9. Kim soát tiếng ồn tại cảng hàng không, sân bay

Người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xây dựng, ban hành, áp dụng các giải pháp hạn chế tiếng ồn tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận bao gồm:

1. Khuyến khích áp dụng quỹ đạo tiếp cận hạ cánh và khởi hành cất cánh của tàu bay nhằm gây ồn ít nhất cho khu dân cư.

2. Giảm thiều thời gian hoạt động của động cơ tàu bay trong khu bay.

3. Quy định khu vực thử động cơ tàu bay gây ồn ít nhất đến người lao động, khu vực lân cận và áp dụng biện pháp giảm âm tại khu thử.

Điều 10. Kiểm soát khí thải tại cảng hàng không, sân bay

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm thiết lập các tuyến giao thông nội cảng hợp lý nhằm giảm thiểu quãng đường hoạt động của phương tiện.

2. Người khai thác hệ thống phương tiện, trang thiết bị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xây dựng, áp dụng các giải pháp giảm thiểu khí thải bao gồm:

a) Thực hiện bảo dưỡng hệ thống phương tiện, trang thiết bị đúng chế độ quy định;

b) Hạn chế hoạt động của động cơ khi phương tiện, thiết bị tạm dừng hoạt động;

c) Áp dụng tốc độ, chế độ tăng tốc hợp lý khi phương tiện, thiết bị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay;

d) Khuyến khích sử dụng nguồn cấp điện, thiết bị điều hòa không khí trên mặt đất bằng thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoặc sử dụng nhiên liệu sạch;

đ) Có kế hoạch thay thế tiến đến loại trừ việc sử dụng các thiết bị làm lạnh có sử  dụng chất làm lạnh nhóm CFC (Clorofluorocacbon).

3. Cơ sở bảo dưỡng tàu bay có trách nhiệm áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải động cơ tàu bay trong quá trình thử nghiệm động cơ tàu bay. Khuyến khích sử dụng hệ thống thu, khử khí thải động cơ tàu bay trong thử nghiệm động cơ tàu bay.

Điều 11. Kiểm soát nước thải tại cảng hàng không, sân bay

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu xả thải vào hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải của cảng hàng không, sân bay;

b) Tổ chức thu gom, xử lý nước thải từ tàu bay đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách và quy định về bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay.

c) Khi có cảnh báo của cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế tại cảng hàng không, sân bay về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải tổ chức khử trùng nước thải từ tàu bay theo quy định trước khi xử lý.

2. Cơ sở bảo dưỡng tàu bay, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xây dựng, áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, bao gồm:

a) Ngăn chặn rò rỉ trực tiếp hoặc gián tiếp nhiên liệu, dầu mỡ, hóa chất ra khu vực cảng hàng không, sân bay trong quá trình bảo dưỡng tàu bay, trong quá trình khai thác, bảo dưỡng hệ thống phương tiện và trang thiết bị;

b) Phân tách dầu mỡ lẫn trong nước thải từ hoạt động bảo dưỡng tàu bay, phương tiện, trang thiết bị trước khi xả thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của cảng hàng không, sân bay;

c) Thực hiện bảo dưỡng, rửa tàu bay, phương tiện, trang thiết bị tại khu vực có hệ thống thu gom và phân tách dầu mỡ khỏi nước thải.

Điều 12. Quản lý chất thải rắn tại cảng hàng không, sân bay

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay có phát sinh chất thải rắn tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xây dựng, thực hiện quy định về phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn.

2. Khi có cảnh báo của cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế tại cảng hàng không, sân bay về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải tổ chức khử trùng chất thải rắn từ tàu bay theo quy định trước khi xử lý.

3. Người khai thác cảng hàng không, sân bay hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay thực hiện quy trình thu gom, xử lý, tập kết chất thải rắn về điểm trung chuyển chất thải rắn tại cảng hàng không, sân bay đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường tại cảng.

4. Tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại cảng hàng không, sân bay phải áp dụng biện pháp ngăn ngừa việc phát thải bụi, rơi vãi chất thải rắn trong quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn.

Điều 13. Quản lý chất thải nguy hại tại cảng hàng không, sân bay

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay có phát sinh chất thải nguy hại phải đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, tổ chức phân loại, quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.

2. Tổ chức, cá nhân có Giấy phép hành nghề vận chuyển, quản lý chất thải nguy hại mới được phép vận chuyển chất thải nguy hại trong khu vực cảng hàng không, sân bay.

Điều 14. Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại cảng hàng không, sân bay

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xây dựng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường tại cảng hàng không, sân bay bao gồm:

a) Lập kế hoạch phòng ngừa, quy trình ứng phó sự cố môi trường tại cảng hàng không, sân bay và chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành xử lý sự cố môi trường;

b) Lắp đặt, trang bị các thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường chung và hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay lắp đặt, trang bị các thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường;

c) Đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường;

d) Tuân thủ quy định về an toàn lao động, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên;

đ) Có trách nhiệm thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện kịp thời biện pháp để loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường.

2. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của cảng hàng không, sân bay bao gồm các nội dung:

a) Khái quát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay; dự báo khả năng gây ra sự cố môi trường; sơ đồ các khu vực chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường; tên và số điện thoại liên lạc của tổ chức, cá nhân là đầu mối trong trường hợp có sự cố môi trường;

b) Kịch bản xử lý sự cố môi trường tại cảng hàng không, sân bay: quản lý hiện trường; làm sạch dầu tràn, hóa chất rò rỉ; danh mục vật liệu nguy hại có thể rò rỉ tại hiện trường; thiết bị khẩn nguy tại hiện trường; các thông số môi trường cần quan trắc; quy trình giám sát, xử lý và hoàn nguyên môi trường.

3. Hoạt động triển khai ứng phó sự cố môi trường tại cảng hàng không, sân bay được thực hiện như sau:

a) Thiết lập vùng nguy hiểm và cách ly những người không có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường khỏi khu vực nguy hiểm;

b) Liên hệ, thông báo cho Cảng vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam để phối hợp giải quyết;

c) Tiếp cận vùng nguy hiểm theo hướng gió để giảm thiểu tiếp xúc với hơi, khí độc hại;

d) Sử dụng biển báo, nhãn sản phẩm trên thùng chứa, đơn hàng để xác định, cung cấp thông tin về hóa chất bị rò rỉ cho người có trách nhiệm ứng phó;

đ) Đánh giá sự cố môi trường theo đặc điểm: có lửa hay không có lửa, có hiện tượng tràn hoặc rò rỉ nhiên liệu hay không, tình hình thời tiết, địa hình, những nguy cơ đối với người, tài sản, môi trường;

e) Thực hành ứng phó sự cố môi trường: áp dụng phương pháp ứng phó thích hợp; thiết lập đường dây liên lạc; thiết lập tuyến điều hành ứng phó; tổ chức phối hợp ứng phó đồng bộ;

g) Báo cáo chi tiết toàn bộ kết quả ứng phó sự cố môi trường về Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay có khả năng xảy ra sự cố môi trường có trách nhiệm:

a) Xây dựng năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của Người khai thác cảng hàng không, sân bay;

b) Thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong khu vực mình quản lý khi có sự cố môi trường; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho Người khai thác cảng hàng không, sân bay và Cảng vụ hàng không để phối hợp xử lý.

5. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại cảng hàng không, sân bay.

Điều 15. Áp dụng hệ thống quản lý môi trường tại cảng hàng không, sân bay

Khuyến khích người khai thác cảng hàng không, sân bay; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay nghiên cứu, đầu tư áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 tại đơn vị mình nhằm nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu pháp lý về bảo vệ môi trường; tăng tính cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ; hợp nhất các kế hoạch, chương trình bảo vệ môi trường vào một hệ thống và tăng tính linh hoạt khi hoàn cảnh thay đổi; vì mục tiêu phát triển bền vững.

Mục 4

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Điều 16. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với việc xả nhiên liệu, thả hàng hóa, hành lý hoặc các đồ vật khác từ tàu bay

Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm đề xuất Bộ Giao thông vận tải công bố khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa và các đồ vật khác từ tàu bay theo quy định tại Điều 88 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường cho khu vực này.

Điều 17. Yêu cầu đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng để phun rải từ tàu bay, sử dụng tại cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ quy định tại Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Điều 18. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các trang thiết bị có phát xạ

1. Chủ cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ để kiểm tra hành lý, hàng hóa và dùng trong y tế tại cảng hàng không, sân bay phải thực hiện theo quy định của pháp luật về an toàn bức xạ.

2. Chủ cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện, giới hạn bức xạ và tuân thủ quy định về vệ sinh lao động của Bộ Y tế.

Điều 19. Chế độ báo cáo

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay báo cáo tình hình công tác bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay về Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không trước ngày 30 tháng 11 hàng năm theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, số liệu trong báo cáo.

2. Người khai thác tàu bay báo cáo tình hình công tác bảo vệ môi trường của mình về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 30 tháng 11 hàng năm theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, số liệu trong báo cáo.

3. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay báo cáo tình hình công tác bảo vệ môi trường cho Người khai thác cảng hàng không, sân bay trước ngày 30 tháng 10 theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu trong báo cáo.

4. Cảng vụ hàng không báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam kết quả kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình công tác bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay và đề xuất, kiến nghị trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.

Điều 20. Quản lý hồ sơ công tác bảo vệ môi trường

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay; người khai thác tàu bay; cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay lập, quản lý hồ sơ liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của đơn vị mình bao gồm:

a) Giấy chứng nhận tiếng ồn và các quy trình, giải pháp, danh mục, kế hoạch liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường đã được quy định trong Thông tư này;

b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được phê duyệt;

c) Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất (nếu có);

d) Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (nếu có);

đ) Giấy xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có);

e) Quyết định ban hành chức năng, nhiệm vụ của bộ phận, cá nhân chuyên trách hoặc kiêm nhiệm bảo vệ môi trường;

g) Hợp đồng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải lỏng;

h) Kết quả quan trắc môi trường định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được phê duyệt và kết quả quan trắc khác theo quy định của pháp luật;

i) Các kết quả kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

2. Hồ sơ công tác bảo vệ môi trường là căn cứ để Người khai thác cảng hàng không, sân bay, người khai thác tàu bay, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay đánh giá kết quả công tác bảo vệ môi trường đã thực hiện và là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường tại đơn vị.

 

Mục 5

 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của Thông tư này tại các cảng hàng không, sân bay.

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013.

2. Bãi bỏ Điều 58 Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay và Quyết định số 09/2001/QĐ-CHK ngày 05 tháng 7 năm 2001 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam về ban hành Quy chế về bảo vệ môi trường ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Điều 23. Điều khoản thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này có phát sinh những khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.