• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 04/02/2007
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 18/1998/TT-BTM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 28 tháng 8 năm 1998

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/1998-NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về hoạt động xuất khẩu,

nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài

 _______________________

 

Để thi hành Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài, Bộ Thương mại hướng dẫn một số vấn đề cụ thể như sau:

 

I. VỀ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ:

1. Về quyền kinh doanh xuất nhập khẩu:

a. Thương nhân là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, thành lập theo quy định của pháp luật, được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá theo ngành nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi đã đăng ký mã số tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Nghị định 57/1998/NĐ-CP, không phải xin Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu tại Bộ Thương mại. Các Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu Bộ Thương mại đã cấp, hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/1998.

b. Đối với doanh nghiệp được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:

a. Hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, trừ những mặt hàng thuộc Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và những mặt hàng tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu.

b. Đối với các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện (hàng xuất khẩu, nhập khẩu có hạn ngạch, có giấy phép của Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành), thương nhân phải được cơ quan có thẩm quyền phân bổ hạn ngạch hoặc cấp giấy phép.

c. Các mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 57/1998/NĐ-CP.

d. Các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện quy định tại Phụ lục 2, Nghị định 57/1998/NĐ-CP, được xuất khẩu, nhập khẩu theo các nguyên tắc điều hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu:

a. Đối với hàng hoá có hạn ngạch và có giấy phép của Bộ Thương mại:

Thương nhân có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 57/1998/NĐ-CP chỉ được uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá có hạn ngạch và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có giấy phép của Bộ Thương mại trong phạm vi số lượng hoặc trị giá ghi tại văn bản phân bổ hạn ngạch của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy phép của Bộ Thương mại.

Thương nhận có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP chỉ được nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá có hạn ngạch và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có giấy phép của Bộ Thương mại trong phạm vi số lượng hoặc trị giá ghi tại văn bản phân bổ hạn ngạch của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy phép của Bộ Thương mại cấp cho thương nhân uỷ thác; thương nhân nhận uỷ thác không được sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép do Bộ Thương mại cấp cho mình để nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu.

Trường hợp Bộ Thương mại có quy định riêng về việc uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng có hạn ngạch hoặc có giấy phép thì việc uỷ thác được thực hiện theo quy định đó.

b. Đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu có giấy phép của Bộ quản lý chuyên ngành:

Thương nhân có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP được uỷ thác hoặc nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá quản lý chuyên ngành khi bên uỷ thác hoặc bên nhận uỷ thác có văn bản của Bộ quản lý chuyên ngành cho phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá đó.

 

II. VỀ GIA CÔNG VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

1. Thương nhân gia công hàng hoá với nước ngoài.

a. Thương nhân Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế, có hoặc không có đăng ký mã số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, được gia công hàng hoá với thương nhân nước ngoài; được trực tiếp nhập khẩu, xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế phẩm, phế liệu và sản phẩm gia công theo hợp đồng gia công.

b. Đối với doanh nghiệp được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động gia công được thực hiện theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các quy định tại các Điều 12, 13, 15, 16, 17, 18 Nghị định 57/1998/NĐ-CP.

2. Về gia công hàng hoá thuộc Danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu.

a. Thương nhân Việt Nam chỉ được ký hợp đồng gia công hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thương mại.

b. Hồ sơ gửi về Bộ Thương mại gồm:

Văn bản đề nghị của thương nhân, trong đó nêu rõ biện pháp quản lý hàng gia công;

Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Về nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để thực hiện hợp đồng gia công:

a. Đối với nguyên liệu, phụ liệu, vật tư mua tại Việt Nam:

Nguyên liệu, phụ liệu, vật tư thuộc Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu chỉ được mua tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng gia công khi được Bộ Thương mại cho phép.

Nguyên liệu, phụ liệu, vật tư thuộc Danh mục hàng hoá xuất khẩu có điều kiện chỉ được mua tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng gia công trong phạm vi số lượng hoặc trị giá ghi tại văn bản phân bổ hạn ngạch hoặc Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

b. Đối với nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu:

Nguyên liệu, phụ liệu, vật tư thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu chỉ được nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công khi được Bộ Thương mại cho phép.

4. Thanh toán tiền gia công bằng sản phẩm gia công.

Bên nhận gia công được nhận tiền thanh toán của Bên đặt gia công bằng sản phẩm gia công, nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:

a. Sản phẩm gia công không thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

b. Sản phẩm gia công thuộc Danh mục hàng hoá nhập khẩu có điều kiện thì Bên nhận gia công chỉ được nhận trong phạm vi số lượng hoặc trị giá ghi tại văn bản phân bổ hạn ngạch hoặc giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

c. Phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần sản phẩm gia công thanh toán thay tiền gia công.

5. Thanh lý hợp đồng gia công:

Sau khi kết thúc hợp đồng gia công, máy móc, thiết bị thuê, mượn theo hợp đồng; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu (gọi chung là vật tư, hàng hoá gia công) được giải quyết như sau:

a. Bộ Thương mại:

Giải quyết việc mua bán, tặng đối với vật tư, hàng hoá gia công thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hoá nhập khẩu có điều kiện.

b. Cơ quan Hải quan tỉnh, thành phố:

Giải quyết việc tái xuất, chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác, tiêu huỷ đối với vật tư, hàng hoá gia công thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hoá nhập khẩu có điều kiện.

Giải quyết việc mua bán, tặng, tái xuất, chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác, tiêu huỷ đối với vật tư, hàng hoá gia công không thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hoá nhập khẩu có điều kiện.

 

III. VỀ ĐẠI KÝ MUA BÁN HÀNG HOÁ CHO
THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

1. Thương nhân làm đại lý mua, bán hàng hoá cho nước ngoài:

Thương nhân Việt Nam có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành hàng phù hợp với mặt hàng đại lý, có hoặc không có đăng ký mã số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, được làm đại lý mua, bán hàng hoá cho thương nhân nước ngoài; được trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá theo hợp đồng đại lý mua, bán hàng hoá cho thương nhân nước ngoài.

2. Đại lý bán hàng cho thương nhân nước ngoài:

a. Mặt hàng đại lý bán:

Thương nhân Việt Nam được làm đại lý bán hàng tại Việt Nam cho nước ngoài những mặt hàng không thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu của Việt Nam.

Đối với các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hoá nhập khẩu có điều kiện, thương nhân Việt Nam chỉ được làm đại lý bán hàng cho thương nhân nước ngoài trong phạm vi số lượng hoặc trị giá ghi tại văn bản phân bổ hạn ngạch hoặc giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

b. Thanh toán tiền hàng bán đại lý:

Trường hợp thanh toán bằng tiền, thương nhân Việt Nam phải mở tài khoản chuyên thanh toán tiền hàng bán đại lý tại Ngân hàng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trường hợp thanh toán bằng hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá xuất khẩu có điều kiện, thương nhân Việt Nam chỉ được xuất khẩu để thanh toán trong phạm vi số lượng hoặc trị giá hàng hoá ghi tại văn bản phân bổ hạn ngạch hoặc giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Đại lý mua hàng tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài:

a. Thương nhân Việt Nam phải yêu cầu thương nhân nước ngoài chuyển tiền bằng ngoại tệ chuyển đổi qua Ngân hàng và được chuyển đổi thành tiền đồng Việt Nam theo các quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam để mua hàng theo hợp đồng đại lý.

b. Trong trường hợp hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá xuất khẩu có điều kiện, thương nhân Việt Nam chỉ được mua hàng cho thương nhân nước ngoài trong phạm vi số lượng hoặc trị giá hàng hoá ghi tại văn bản phân bổ hạn ngạch hoặc giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

 

IV. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/1998 và thay thế các văn bản sau đây của Bộ Thương mại:

a. Thông tư số 05/1998/TT-BTM ngày 18/3/1998 hướng dẫn thi hành Quyết định số 55/1998/QĐ-TTg ngày 03/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục hàng hoá xuất khẩu có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu và các quy định có liên quan về giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu.

b. Quyết định số 1172 TM/XNK ngày 22/9/1994 ban hành Quy chế xuất nhập khẩu uỷ thác giữa các pháp nhân trong nước và Quyết định số 38/TM-XNK ngày 06/5/1996 sửa đổi Quy chế nói trên.

2. Việc điều hành xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện trong thời gian từ nay đến 31/3/1999 vẫn thực hiện theo các văn bản liệt kê tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

3. Bãi bỏ các quy định trước đây của Bộ Thương mại về xuất nhập khẩu, gia công, đại lý của thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài trái với Thông tư này.

 

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông tư số 18/1998/TT-BTM ngày
28/8/1998 của Bộ Thương mại)

CÁC VĂN BẢN VỀ ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU NĂM 1998
(CÓ HIỆU LỰC ĐẾN NGÀY 31/3/1999)

1. Quyết định số 11/1998/QĐ-TTg ngày 23/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều hành xuất nhập khẩu năm 1998.

2. Quyết định số 12/1998/QĐ-TTg ngày 23/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón năm 1998.

3. Quyết định số 65/1998/QĐ-TTg ngày 24/3/1998 về việc xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản và nhập khẩu nguyên liệu gỗ, lâm sản.

4. Quyết định số 136/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số quy định tại Quyết định số 65/1998/QĐ-TTg ngày 24/3/1998 nêu trên.

5. Thông tư số 01/1998/TM-XNK ngày 14/02/1998 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện các Quyết định số 11/1998/QĐ-TTg và số 12/1998/QĐ-TTg cùng ngày 23/01/1998.

6. Thông tư số 03/1998/TT-BTM ngày 24/02/1998 của Bộ Thương mại hướng dẫn việc cấp giấy phép nhập khẩu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc Cămpuchia. Thông tư số 06/1998/TT-BTM ngày 26/3/1998 của Bộ Thương mại quy định tạm thời về nhập khẩu rượu năm 1998.

7. Thông tư số 03/TM-CSTTTN ngày 11/3/1997 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện quy định của Chính phủ về hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu và gia công chế tác đá quý.

8. Các văn bản có liên quan khác về cơ chế điều hành xuất nhập khẩu./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Mai Văn Dâu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.