• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/02/1998
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 10/1998/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 23 tháng 1 năm 1998

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt định hướng Quy hoạch
tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Điều lệ Quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (Công văn số 42/BXD-KTQH ngày 16 tháng 8 năm 1996);

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau:

I. VỀ QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:

1. Về quan điểm:

Nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giữ vững phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái, việc hình thành và phát triển các đô thị cả nước đến năm 2020 phải:

Phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất cả nước, tập trung xây dựng cơ sở kinh tế kỹ thuật vững chắc làm động lực phát triển cho từng đô thị.

Bố trí hợp lý các đô thị lớn, trung bình và nhỏ, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng lãnh thổ, kết hợp đẩy mạnh đô thị hoá nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Có cơ sở hạ tầng đồng bộ với trình độ thích hợp hoặc hiện đại, tuỳ thuộc vào yêu cầu khai thác và sử dụng các khu vực trong đô thị.

Phát triển ổn định, bền vững và trường tồn, trên cơ sở tổ chức hợp lý môi sinh và bảo vệ môi trường.

Kết hợp cải tạo với xây dựng mới; coi trọng giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc với việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới để tiến lên hiện đại.

Củng cố an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội.

Huy động mọi nguồn vốn để cải tạo và xây dựng đô thị nhưng phải coi trọng việc giữ gìn trật tự kỷ cương, tăng cường kiểm soát sự phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và pháp luật.

2. Về mục tiêu.

Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị cả nước, có cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật hiện đại, môi trường đô thị trong sạch, được phân bố và phát triển hợp lý trên địa bàn cả nước, đảm bảo cho mỗi đô thị, theo vị trí và chức năng của mình, phát huy được đầy đủ các thế mạnh góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc.

II. VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ ĐẾN NĂM 2020:

Chức năng các đô thị trong hệ thống đô thị cả nước:

Các đô thị lớn giữ vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, kinh tế - kỹ thuật, đào tạo và là đầu mối giao thông, giao lưu trong vùng, cả nước và quốc tế;

Các đô thị trung bình và nhỏ giữ chức năng trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ của khu vực.

Các thị tứ làm trung tâm kinh tế, văn hoá và dịch vụ cho mỗi xã hoặc cụm xã, nhằm đẩy mạnh quá trình đô thị hoá nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Mức tăng trưởng dân số theo dự báo:

Hiện trạng: dân số đô thị cả nước là trên 15 triệu người, chiếm khoảng 20% dân số cả nước;

Năm 2000, dân số đô thị là 19 triệu người, chiếm 22% dân số cả nước;

Năm 2010, dân số đô thị là 30,4 triệu người, chiếm 33% dân số cả nước;

Năm 2020, dân số đô thị là 46 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước.

Nhu cầu sử dụng đất đô thị:

Hiện trạng: Diện tích đất đô thị cả nước là 63.300 ha; chiếm 0,2% diện tích cả nước, bình quân 45m2/người;

Năm 2000, diện tích đất đô thị là 114.000 ha, chiếm 0,35% diện tích đất tự nhiên cả nước, bình quân 60m2/người;

Năm 2010 diện tích đất đô thị là 243.200 ha, chiếm 0,74% diện tích đất tự nhiên cả nước, bình quân 80m2/người;

Năm 2020, diện tích đất đô thị là 460.000 ha, chiếm 1,4 diện tích đất tự nhiên cả nước, bình quân 100m2/người.

Về chọn đất phát triển đô thị:

Phát triển chiều sâu, trên cơ sở sử dụng quỹ đất hiện có chưa sử dụng hoặc sử dụng còm kém hiệu quả trong đô thị; từng bước mở rộng đô thị ra vùng ven đô và tuỳ theo điều kiện của từng vùng xây dựng các đô thị vệ tinh hoặc đô thị đối trọng tại các vùng ảnh hưởng các thành phố lớn; đẩy mạnh việc xây dựng các đô thị mới tại các vùng chưa phát triển, đồng thời tiến hành đô thị hoá các khu dân cư nông thôn.

Về tổ chức không gian hệ thống đô thị cả nước:

Xây dựng và phân bổ hợp lý các đô thị trung tâm trên các vùng lãnh thổ:

Mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm thành phố trung tâm cấp quốc gia như: Thủ đô Hà Nội, các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế; thành phố trung tâm cấp vùng như: các thành phố Cần Thơ, Biên Hoà, Vũng Tầu, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Vinh, Nam Định, Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên và Hoà Bình; các thành phố, thị xã trung tâm cấp tỉnh, bao gồm 5 thành phố trung tâm quốc gia, 11 đô thị là trung tâm vùng đã kể trên và các thành phố, thị xã tỉnh lỵ khác; các đô thị trung tâm cấp huyện, bao gồm các thị trấn huyện lỵ và các thị xã là vùng trung tâm chuyên ngành của tỉnh và các đô thị trung tâm cấp tiểu vùng, bao gồm các thị trấn là trung tâm các cụm khu dân cư nông thôn hoặc là các đô thị vệ tinh trong các vùng ảnh hưởng của đô thị lớn.

Các đô thị trung tâm các cấp được phân bố hợp lý trên 10 vùng đô thị hoá đặc trưng của các nước là: vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng; vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ và Đông Nam bộ; vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Trung Trung Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; vùng Nam Trung Bộ (Bình Định - Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận); vùng Tây Nguyên; vùng Bắc trung bộ (Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh); vùng Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Bắc - Bắc Thái; vùng Lào Cai, Yên Bái - Hà Giang - Tuyên Quang - Vĩnh Phú và vùng Tây Bắc.

Các đô thị trung tâm lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng v.v... phải được tổ chức thành các chùm đô thị, có vành đai xanh bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái, tránh sự hình thành các siêu đô thị.

b. Về quy hoạch sử dụng đất đai.

Quy hoạch xây dựng các đô thị, phải đảm bảo các khu chức năng và cơ sở hạ tầng có quan hệ gắn bó với nhau, nhằm thoả mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

c. Về kiến trúc đô thị.

Hình thành bộ mặt kiến trúc, góp phần tạo nên hình ảnh đô thị hiện đại, văn minh tương xứng với tầm vóc đất nước của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; trên cơ sở đó thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ trọng tâm là kế thừa, bảo vệ, tôn tạo và giữ gìn các di sản lịch sử, văn hoá và các công trình kiến trúc có giá trị, đồng thời phát triển nền văn hoá kiến trúc đô thị mới, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

Ưu tiên phát triển, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng liên các đô thị và khu dân cư nông thôn trên địa bàn cả nước và các vùng kinh tế trọng điểm, tạo tiền đề hình thành, phát triển các đô thị và đô thị hoá nông thôn, đảm bảo liên hệ mật thiết với các nước trong khu vực và trên thế giới và sự giao lưu thông thoáng trong mọi thời tiết, trên các tuyến giao thông huyết mạch, tuyến xương sống và các tuyến nhánh nối các đô thị với các vùng và với các trung tâm miền núi.

Trong từng vùng lãnh thổ phải cân đối việc cấp điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc tuỳ theo yêu cầu và mức độ phát triển đô thị.

Cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị như: giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước bẩn và thông tin liên lạc theo hướng đồng bộ, với trình độ và chất lượng thích hợp hoặc hiện đại tuỳ theo yêu cầu và mức độ phát triển của từng khu đô thị, đáp ứng tối đa nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội.

Về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị:

Xây dựng và duy trì bộ khung bảo vệ thiên nhiên gồm rừng tự nhiên, hệ thống vườn quốc gia, cây xanh mặt nước v.v... trên địa bàn cả nước, trong từng vùng và trong mỗi đô thị;

Khai thác và sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên quỹ đất, nước, khoáng sản, rừng v.v... vào mục đích cải tạo và xây dựng đô thị;

Quy hoạch phân vùng chức năng hợp lý, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về chỗ ở, chỗ làm việc, đi lại, nghỉ ngơi giải trí cho cá nhân và toàn xã hội;

Có biện pháp xử lý, tái sử dụng các chất thải sinh hoạt và sản xuất bằng các công nghệ, kỹ thuật thích hợp.

III. VỀ NỘI DUNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC ĐÔ THỊ GIAI ĐOẠN ĐẦU ĐẾN NĂM 2005:

Các chương trình và dự án đầu tư cải tạo, xây dựng đô thị đợt đầu, hướng ưu tiên vào các lĩnh vực chủ yếu sau:

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng sản xuất, phát triển các khu công nghiệp và trung tâm thu hút lao động đảm bảo tăng trưởng kinh tế đô thị, ổn định, tạo cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng thu ngân sách và tạo ra việc làm cho người lao động.

Đầu tư phát triển, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tạo môi trường thu hút đầu tư, cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy quá trình nhất thể hoá đô thị, nông thôn;

Đầu tư cải thiện một bước về vệ sinh môi trường, giữ gìn giá trị văn hoá lịch sử của mỗi đô thị, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái đô thị và xây dựng các đô thị xanh, sạch, đẹp;

Đầu tư các đô thị theo đúng quy hoạch, kế hoạch và pháp luật đề ra.

Các chính sách, cơ chế và biện pháp phát triển các đô thị:

Trên cơ sở nắm vững chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trước mắt tập trung triển khai các chính sách, cơ chế và biện pháp phát triển đô thị sau:

Tăng cường hiệu lực bộ máy quản lý đô thị, đổi mới cơ chế và chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, quản lý quy hoạch; quản lý nhà, đất; quản lý đầu tư và xây dựng; quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị, tạo ra sự chuyển biến cơ bản đối với hệ thống đô thị cả nước;

Xây dựng chính sách và các giải pháp tạo vốn, trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, các nguồn vốn trong nước và nước ngoài vào mục đích phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Nghiên cứu cơ chế tạo các nguồn thu và việc hình thành quỹ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị;

Tiếp tục hoàn chỉnh và đổi mới chính sách về nhà và đất đô thị để ổn định đời sống và tạo nguồn lực phát triển đô thị;

Xây dựng hoàn chỉnh chính sách về quy hoạch và kiến trúc đô thị từng bước hình thành nền kiến trúc đô thị hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tăng cường việc cải tạo, xây dựng các đô thị, để các đô thị phát triển có trật tự, kỷ cương, theo đúng quy hoạch và pháp luật;

Tăng cường chính sách quản lý môi trường đô thị, đảm bảo cho các đô thị phát triển ổn định, bền vững và trường tồn trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Có biện pháp đẩy mạnh và duy trì phong trào giữ gìn đô thị xanh, sạch, đẹp tại các đô thị.

Điều 2. Căn cứ vào định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị đã được phê duyệt, Bộ Xây dựng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát lại quy hoạch chung các đô thị, lập quy hoạch chi tiết các khu vực xây dựng giai đoạn 1 đến năm 2005 để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành; tổ chức triển khai việc lập, thực hiện các dự án đầu tư để phát triển đồng bộ các đô thị phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng thời kỳ 1996 - 2010 và các quy hoạch ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý xây dựng các đô thị theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo gìn giữ trật tự kỷ cương và đưa công tác quản lý xây dựng đô thị vào nề nếp.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.