THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn về quản lý, điều hành hoạt động của cán bộ biệt phái
tại các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài
_______________________
Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008,
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về quản lý, điều hành hoạt động của cán bộ biệt phái tại các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh vu đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn về quy trình cử, bổ nhiệm thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài sau đây gọi là cơ quan đại diện; cơ chế phối hợp trong việc quản lý, điều hành hoạt động; chế độ báo cáo, cung cấp thông tin và đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ biệt phái tại các cơ quan đại diện.
2. Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm các cơ quan chủ quản, các cơ quan đại diện, người đứng đầu các cơ quan đại diện và cán bộ biệt phái tại các cơ quan đại diện.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Cán bộ biệt phái" là cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành được biệt phái sang Bộ Ngoại giao để cử đi công tác tại các cơ quan đại diện theo chỉ tiêu biên chế biệt phái được giao, phù hợp với các quy định của pháp luật.
"Cán bộ biệt phái" không bao gồm người đứng đầu cơ quan đại diện và không bao gồm cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành không được giao chỉ tiêu biên chế nhưng được Bộ Ngoại giao chủ động bố trí công tác tại các cơ quan đại diện trong chỉ tiêu biên chế của Bộ Ngoại giao.
2. "Biên chế biệt phái" là số biên chế của mỗi bộ, ngành tại các cơ quan đại diện được Thủ tướng Chính phủ quyết định và được Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao theo quy định.
3. "Cơ quan chủ quản " là bộ, ngành có cán bộ biệt phái công tác tại cơ quan đại diện.
Điều 3. Quy trình cử, bổ nhiệm làm thành viên cơ quan đại diện, kéo dài vu rút ngắn nhiệm kỳ của cán bộ biệt phái.
1. Hàng năm, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chủ quản rà soát biên chế biệt phái tại các cơ quan đại diện, các biên chế cần thay thế, cắt giảm, bổ sung, kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ công tác; tổng hợp danh sách và yêu cầu về tiêu chuẩn đối với các biên chế cần thay thế, bổ sung để triển khai thực hiện.
2. Căn cứ vào kết quả rà soát nêu tại khoản 1 Điều này, cơ quan chủ quản ra quyết định bằng văn bản về việc cử cán bộ biệt phái sang Bộ Ngoại giao để cử đi công tác nhiệm kỳ tại các cơ quan đại diện.
Văn bản của cơ quan chủ quản về việc cử cán bộ biệt phái sang Bộ Ngoại giao cần nêu rõ: chức vụ, ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp, bậc lương đang hưởng trong nước của cán bộ biệt phái, tên cơ quan đại diện, biên chế được thay thế hoặc bổ sung.
3. Trên cơ sở văn bản của cơ quan chủ quản, căn cứ vào mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn đối với thành viên cơ quan đại diện và tổ chức bộ máy của cơ quan đại diện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định bổ nhiệm cán bộ biệt phái làm thành viên cơ quan đại diện, quyết định bổ nhiệm chức vụ, chỉ số sinh hoạt phí và các chế độ, chính sách đối với cán bộ biệt phái theo quy định của pháp luật.
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra kiến thức đối ngoại, ngoại ngữ, và trong trường hợp cần thiết, hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ chuyên ngành như nghiệp vụ lãnh sự, kế toán, lễ tân đối với cán bộ biệt phái trước khi bổ nhiệm vào các chức vụ, vị trí tương ứng tại cơ quan đại diện.
4. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao không bổ nhiệm cán bộ biệt phái làm thành viên cơ quan đại diện trong các trường hợp sau:
a) Chỉ tiêu biên chế biệt phái của bộ, ngành liên quan tại cơ quan đại diện đã sử dụng hết;
b) Cán bộ biệt phái không đáp ứng các tiêu chuẩn chung đối với thành viên cơ quan đại diện hoặc các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với vị trí công tác dự kiến được cử;
c) Cán bộ biệt phái bị hạn chế hoặc cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
5. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định kéo dài nhiệm kỳ công tác của cán bộ biệt phái trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan đại diện. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thống nhất với cơ quan chủ quản về các trường hợp cán bộ biệt phái không được kéo dài nhiệm kỳ công tác và thông báo người đứng đầu cơ quan đại diện bố trí để cán bộ biệt phái kết thúc nhiệm kỳ về nước.
6. Trong trường hợp do yêu cầu công việc, vì lý do sức khoẻ hoặc các lý do khách quan khác, trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ quản và của người đứng đầu cơ quan đại diện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định rút ngắn nhiệm kỳ công tác của cán bộ biệt phái. Cán bộ biệt phái có nhiệm kỳ công tác rút ngắn theo quy định tại khoản này không bị coi là vi phạm kỷ luật.
7. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tiến hành thủ tục điều động cán bộ biệt phái trở lại cơ quan chủ quản khi cán bộ biệt phái kết thúc nhiệm kỳ về nước.
Điều 4. Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chủ quản đối với cán bộ biệt phái
1. Cơ quan chủ quản thực hiện việc quản lý biên chế công chức đối với cán bộ biệt phái; tiếp nhận trở lại và bố trí công việc phù hợp đối với cán bộ biệt phái khi thời hạn biệt phái kết thúc.
2. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm cử cán bộ biệt phái có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với vị trí công tác tại cơ quan đại diện.
3. Cơ quan chủ quản xây dựng chương trình, kế hoạch công tác mang tính chủ trương định hướng đối với cán bộ biệt phái và phối hợp, thông báo Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện phân công cán bộ biệt phái thực hiện, đồng thời đưa vào chương trình, kế hoạch công tác chung của cơ quan đại diện, trừ trường hợp đặc biệt.
4. Đối với các nhiệm vụ mang tính chuyên môn nghiệp vụ, cơ quan chủ quản có quyền giao trực tiếp đối với cán bộ biệt phái. Cán bộ biệt phái có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu cơ quan, đại diện những nhiệm vụ do cơ quan chủ quản giao để có sự phối hợp, chỉ đạo cần thiết của người đứng đầu cơ quan đại diện.
5. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chủ quản đề nghị người đứng đầu cơ quan đại diện quyết định cử cán bộ biệt phái về nước hoặc đến nước khác công tác theo yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với kế hoạch công tác của cơ quan đại diện.
Điều 5. Quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan đại diện đối với cán bộ biệt phái
1. Người đứng đầu cơ quan đại diện tiếp nhận, bố trí công việc đối với cán bộ biệt phái trên cơ sở quyết định bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phù hợp với yêu cầu công tác và cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ biệt phái theo quy định của pháp luật và quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
2. Căn cứ chương trình, kế hoạch công tác của cán bộ biệt phái do cơ quan chủ quản xây dựng, người đứng đầu cơ quan đại diện phân công, chỉ đạo cán bộ biệt phái thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể phù hợp với yêu cầu công tác chung của cơ quan đại diện trên cơ sở tạo điều kiện cho cán bộ biệt phái hoàn thành nhiệm vụ do cơ quan chủ quản giao.
3. Căn cứ tình hình thực tế của cơ quan đại diện và năng lực chuyên môn của cán bộ biệt phái, người đứng đầu cơ quan đại diện quyết định việc phân công cán bộ biệt phái kiêm nhiệm các lĩnh vực công tác khác nhau tại cơ quan đại diện, đồng thời thông báo tới cơ quan chủ quản và Bộ Ngoại giao.
Điều 6. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan chủ quản với cơ quan đại diện và người đứng đầu cơ quan đại diện trong chỉ đạo công tác đối với cán bộ biệt phái
1. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện thực hiện các nhiệm vụ mang tính chủ trương, định hướng và những công việc quan trọng.
2. Trong trường hợp việc giao nhiệm vụ hoặc hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chủ quản đối với cán bộ biệt phái chưa phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan đại diện hoặc do đặc thù của địa bàn, người đứng đầu cơ quan đại diện có trách nhiệm đề nghị cơ quan chủ quản điều chỉnh cho phù hợp.
3. Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan đại diện và cơ quan chủ quản không thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ biệt phái, người đứng đầu cơ quan đại diện có trách nhiệm báo cáo, đề nghị cơ quan chủ quản và Bộ Ngoại giao phối hợp điều chỉnh cho phù hợp. Sau khi cơ quan chủ quản và Bộ Ngoại giao thống nhất ý kiến, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cơ quan đại diện biết để thực hiện.
Trong trường hợp khẩn cấp, người đứng đầu cơ quan đại diện có quyền xin ý kiến Bộ Ngoại giao để tạm thời xử lý, đồng thời thông báo các cơ quan hữu quan để phối hợp, thống nhất chỉ đạo.
4. Trong các trường hợp nêu tại các khoản 2 và 3 Điều này, cán bộ biệt phái có trách nhiệm tuân thủ quyết định và sự chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan đại diện.
Điều 7. Chế độ báo cáo, cung cấp thông tin của cán bộ biệt phái
Căn cứ quy định yêu cầu của Bộ Ngoại giao, của cơ quan chủ quản và thực tiễn hoạt động của cơ quan đại diện, người đứng đầu cơ quan đại diện quy định chế độ báo cáo của cơ quan đại diện và của các bộ phận trực thuộc cơ quan đại diện, cụ thể như sau:
1. Cán bộ biệt phái có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với người đứng đầu cơ quan đại diện; thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất liên quan đến lĩnh vực chuyên môn được phân công theo quy định của người đứng đầu cơ quan đại diện.
2. Người đứng đầu cơ quan đại diện quyết định việc gửi hoặc uỷ quyền cho cán bộ biệt phái gửi các báo cáo nêu tại khoản 1 Điều này đến cơ quan chủ quản.
3. Cán bộ biệt phái được người đứng đầu cơ quan đại diện cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ phụ trách và liên quan đến các nhiệm vụ được giao.
4. Trong trường hợp phát sinh vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn được phân công hoặc thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan đại diện, đến quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận, cán bộ biệt phái có trách nhiệm kịp thời báo cáo người đứng đầu cơ quan đại diện để được chỉ đạo giải quyết
Điều 8. Đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ biệt phái
1. Người đứng đầu cơ quan đại diện phối hợp với cơ quan chủ quản thực hiện công tác đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ biệt phái hàng năm và khi kết thúc nhiệm kỳ công tác để cơ quan chủ quản làm căn cứ bổ nhiệm, bố trí công tác trong nước.
2. Cán bộ biệt phái lập thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ công tác tại cơ quan đại diện được cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao, cơ quan chủ quản khen thưởng, xem xét nâng chức vụ ngoại giao hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.
3. Trong trường hợp cán bộ biệt phái vi phạm kỷ luật, tùy theo mức độ và tính chất vi phạm, căn cứ đề nghị của người đứng đầu cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao trao đổi thống nhất với cơ quan chủ quản và chỉ đạo người đứng đầu cơ quan đại diện áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp.
Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, người đứng đầu cơ quan đại diện quyết định đưa về nước cán bộ biệt phái không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, đến quan hệ giữa Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và cơ quan chủ quản
4. Hàng năm và khi cán bộ biệt phái kết thúc nhiệm kỳ công tác, cơ quan đại diện có trách nhiệm thông báo cơ quan chủ quản kết quả đánh giá cán bộ biệt phái, các hình thức khen thưởng và kỷ luật (nếu có) của cán bộ biệt phái tại cơ quan đại diện.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2012.
2. Các cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ thực hiện Thông tư và hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức thuộc sự quản lý của cơ quan thực hiện Thông tư này.
3. Các cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan đại diện, các cơ quan liên quan phản ánh về Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.