• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 04/10/2021
UBND TỈNH HÒA BÌNH
Số: 62/2021/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hòa Bình, ngày 21 tháng 9 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 31/2017/QĐ-UBND ngày 19/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình

----------------

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1379/TTr-STP, ngày 23/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 31/2017/QĐ-UBND ngày 19/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình

1. Sửa đổi Điều 5 như sau:

Điều 5. Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND

Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ”.

 

2. Sửa đổi Điều 6 như sau:

Điều 6. Đề xuất và lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước

1. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có trách nhiệm đề xuất, xác định danh mục nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, danh mục quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình theo quy định sau đây:

a) Danh mục nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và danh mục quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh để quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước phải nêu rõ tên văn bản được quy định chi tiết, điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết; dự kiến tên văn bản quy định chi tiết, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp; thời hạn trình dự thảo văn bản (theo mẫu số 01 và mẫu số 02 kèm theo Quy định này).

b) Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh gửi danh mục nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và danh mục quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này kèm theo văn bản đề xuất về Sở Tư pháp để tổng hợp trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Tư pháp.

2. Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo thông báo của Bộ Tư pháp đến các cơ quan, tổ chức có liên quan; tổng hợp đề xuất và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành danh mục nghị quyết hoặc lập và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục quyết định quy định chi tiết”.

3. Sửa đổi Điều 7 như sau:

Điều 7. Trách nhiệm xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước

1. Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết:

a) Bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo; trình văn bản quy định chi tiết đúng thời hạn đã được giao trong quyết định của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết.

b) Chậm nhất là ngày 23 hàng tháng, cập nhật thông tin điện tử hoặc gửi thông tin về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết về Sở Tư pháp để theo dõi và tổng hợp.

2. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

a) Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo việc soạn thảo ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước để bảo đảm tiến độ soạn thảo và chất lượng dự thảo văn bản quy định chi tiết.

b) Định kỳ hàng quý báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp về tình hình, tiến độ và những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

Điều 8. Đề nghị xây dựng nghị quyết

1. Các cơ quan, đơn vị (gọi tắt là cơ quan) liên quan có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh có nội dung quy định tại khoản 4, Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trước khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phải thực hiện theo các quy định từ Điều 112 đến Điều 116 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 33, khoản 53 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020)”.

5. Bổ sung Điều 8a vào sau Điều 8 như sau:

Điều 8a. Xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết

Cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này phải xây dựng đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng nghị quyết theo các nội dung tại Điều 5 và Điều 6 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 của Nghị định 154/2020/NĐ-CP)”.

6. Sửa đổi khoản 2 Điều 12 như sau:

“2. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết gồm:

a) Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết có nội dung quy định tại khoản 1, Điều 8 Quy định này, gồm:

- Tờ trình về đề nghị xây dựng nghị quyết. Nội dung tờ trình phải nêu rõ căn cứ ban hành nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung chính sách của nghị quyết; thời gian dự kiến đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết;

- Tài liệu khác (nếu có).

b) Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết có nội dung quy định tại khoản 2, Điều 8 Quy định này, gồm:

- Các tài liệu quy định tại khoản 1, Điều 10 Quy định này;

- Báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp đối với đề nghị xây dựng nghị quyết;

- Quyết định thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của UBND cấp tỉnh theo khoản 3 Điều này”.

7. Sửa đổi khoản 2 Điều 16 như sau:

“2. Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 119 (đã sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020), Điều 133 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khi soạn thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo khoản 2, khoản 3 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách. Báo cáo đánh giá tác động chính sách được đưa vào hồ sơ dự thảo Nghị quyết”.

8. Sửa đổi khoản 2, khoản 4 Điều 18 như sau:

“2. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm:

a) Công văn đề nghị thẩm định;

b) Tờ trình của Ủy ban nhân dân về dự thảo Nghị quyết;

c) Dự thảo Nghị quyết;

d) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; Báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo khoản 2, khoản 3 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

đ) Tài liệu khác (nếu có).

Tài liệu quy định tại điểm b, c khoản này được gửi bằng bản giấy, có đóng dấu treo ở mỗi trang văn bản và dấu giáp lai giữa các trang của dự thảo; tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

4. Nội dung thẩm định được thực hiện theo khoản 3 Điều 121 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020)”.

9. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 19 như sau:

“d) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; Báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo khoản 2, khoản 3 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 22 như sau:

“3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tư pháp cùng cấp phải gửi báo cáo thẩm định đến cơ quan chủ trì soạn thảo.

4. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thực hiện thẩm định theo các nội dung quy định tại khoản 40, khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020”.

11. Khoản 2 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Hồ sơ trình dự thảo quyết định trình Ủy ban nhân dân

a) Đối với cấp tỉnh:

- Các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Quy định này;

- Báo cáo thẩm định; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

Tài liệu quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 22 của Quy định này và Báo cáo thẩm định, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

b) Đối với cấp huyện

- Các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Quy định này;

- Báo cáo thẩm định.

Tài liệu quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 22 của Quy định này và Báo cáo thẩm định được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

c) Đối với cấp xã: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

 Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều như sau

1. Thay thế cụm từ “Đề cương dự thảo nghị quyết” bằng cụm từ “Dự kiến đề cương chi tiết” tại điểm đ khoản 1 Điều 10.

2. Thay thế cụm từ “10 ngày” thành cụm từ “15 ngày” tại khoản 1 Điều 18.

3. Bãi bỏ khoản 3 Điều 18.

4. Bỏ cụm từ “với số lượng 02 bộ (01 bộ lưu hồ sơ thẩm định; 01 bộ gửi lên UBND tỉnh kèm theo Báo cáo thẩm định)” tại điểm đ khoản 2 Điều 22.

5. Thay thế cụm từ “cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân” bằng cụm từ “cơ quan, đơn vị” tại khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 16 và khoản 1    Điều 20.

6. Thay thế cụm từ “Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong dự thảo nghị quyết” bằng cụm từ “Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết” tại điểm b khoản 1 Điều 10.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/10/2021.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Văn Khánh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.