• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/09/2006
UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Số: 2631/2006/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vũng Tàu, ngày 6 tháng 9 năm 2006

QUYẾT ÐỊNH

Về việc ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh

Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02

năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức

khỏe nhân dân trong tình hình mới

_________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Căn cứ Công văn số 124-CV/TU ngày 14 tháng 04 năm 2006 của Tỉnh ủy về việc triển khai Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Xét Công văn số 645/YT-KH ngày 15 tháng 06 năm 2006 của Sở Y tế về việc ban hành Chương trình hành động của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc thực hiện Nghị Quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Giao cho Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Văn hoá - Thông tin, Thể dục - Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Nội vụ, Giáo dục – Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

 

                                                                                                                                          TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

                                                                                                                                                       CHỦ TỊCH

 

                                                                                                                                                   Trần Minh Sanh

 

 

 

 

Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu  thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới

(Ban hành Kèm theo Quyết định số 2631/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

____________

 

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát:

- Thực hiện có hiệu quả các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng, từng bước khắc phục về cơ bản các bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng: tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn, lao, sốt rét, nhiễm trùng đường hô hấp cấp trẻ em…; thanh toán hoặc khống chế đến mức thấp nhất đối với các bệnh có vắc - xin phòng ngừa. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đi đôi với nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh. Chủ động phòng chống các bệnh trong mô hình bệnh tật của nước phát triển: các bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn, HIV/AIDS… Thực hiện tốt Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến mới trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tương xứng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

- Thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2010 toàn tỉnh phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể sau đây:

+ Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi khoảng 16%.

+ Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi khoảng 25%.

+ Tỷ suất chết mẹ khoảng 0,6%.

+ Tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới 2500g khoảng 2%.

+ Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 15%.

+ Giảm tối đa người chết do sốt rét và không còn dịch sốt rét.

+ Thanh toán bệnh bạch hầu, bệnh ho gà.

+ Tiêm chủng các loại văc - xin trong quy định của Bộ Y tế đạt trên 95%.

+ Hạn chế tối đa viêm não Nhật Bản B, viêm gan vi rút B, sốt xuất huyết.

+ Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch: 90 - 95%. Tỷ lệ gia đình có hố xí hợp vệ sinh: 100%.

+ Tỷ lệ bà mẹ có thai được khám thai 3 lần trở lên, được tiêm phòng uốn ván 2 lần, có cán bộ chuyên môn đỡ đẻ: 100%.

+ Tỷ lệ trẻ em được thực hiện chương trình chống tiêu chảy (CDD) và nhiễm trùng hô hấp cấp tính (ARI): 100%.

+ Bình quân trong toàn tỉnh khoảng 7 bác sĩ/10.000 dân.

+ Bình quân trong toàn tỉnh khoảng 1 dược sĩ/10.000 dân.

+ Bình quân trong toàn tỉnh khoảng 23,92 nhân viên y tế /10.000 dân. 

+ Giường bệnh /10.000 dân khoảng 20 giường vào năm 2010.

+ Cơ sở vật chất của ngành từ tỉnh đến xã phải được xây dựng kiên cố, đúng thiết kế mẫu của Bộ, được cung cấp trang thiết bị và bố trí cán bộ phù hợp với chức năng nhiệm vụ quy định.

II. Nhiệm vụ:

1. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới:

  - Tổ chức phổ biến, quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

  - Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền.

  - Nâng cao nhận thức của người dân.

  - Có chế độ tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt đối với nhân viên y tế.

  - Đa dạng hóa các loại hình truyền thông để nâng cao nhận thức người dân về các vấn đề sức khỏe, bệnh tật, từ đó xây dựng các hành vi, thói quen có lợi cho sức khỏe.

2. Hoàn thiện hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển:

a. Phát triển và hoàn thiện mạng lưới y tế dự phòng:

- Kiểm soát không để xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường số lượng và chất lượng bộ máy tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng để bảm bảo đủ năng lực triển khai hiệu quả các mục tiêu thuộc Chương trình y tế quốc gia cũng như những chương trình y tế khác. Quản lý thật tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và vệ sinh công nghiệp để thiết thực phòng chống dịch, giảm mắc, giảm chết, giảm di chứng do bệnh tật.

- Quản lý tốt các bệnh xã hội: sốt rét, bệnh lao, phong, phòng chống các rối loạn do thiếu iode, HIV/AIDS.

- Bắt đầu tiếp cận để giải quyết những vấn đề sức khỏe, bệnh tật mới: tiến hành khảo sát thực tế để xây dựng các kế hoạch giải quyết các bệnh thuộc mô hình công nghiệp phát triển đang ngày càng có nhiều như tai nạn các loại, tim mạch, tiểu đường, ung thư, tâm thần, dị ứng...

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (SKBMTE) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ và chăm sóc SKBMTE thông qua các biện pháp quản lý thai sản đạt chất lượng cao. Phấn đấu hạ giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngang bằng với các địa phương phát triển trên toàn quốc.

b. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh:

- Xây mới 02 bệnh viện Bà Rịa và Lê Lợi. Phát triển bệnh viện Bà Rịa từ cấp bệnh viện hạng II theo hệ thống phân loại của Bộ Y tế lên bệnh viện hạng I vào năm 2010.

- Nâng cao chất lượng điều trị, giải quyết các nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân thông qua biện pháp hình thành hệ thống các bệnh viện chuyên khoa Tâm thần, Nhi, Phụ - Sản, Y học cổ truyền, Mắt, Trung tâm Cấp cứu 115. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị để các bệnh viện huyện có giường bệnh đảm bảo khám chữa bệnh cấp cứu ban đầu hiệu quả cho người dân tại chỗ. Phấn đấu tuyến huyện phải giải quyết được với chất lượng tốt các bệnh lý nội khoa tổng quát, các trung phẫu và các chuyên khoa lẻ như mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu...

 c. Phát triển mạng lưới y tế cơ sở:

- Y tế tuyến huyện, thị, thành phố được tổ chức hoàn thiện theo Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ qui định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ qui định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Thông tư liên bộ số 11/2005/TTLB-BYT-BNV ngày 12 tháng 4 năm 2005 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý Nhà nước về y tế ở địa phương.

- Bảo đảm xây dựng các Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện đủ mạnh để tổ chức triển khai thực hiện các chương trình y tế, các bệnh viện huyện đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu chuyên môn theo phân tuyến kỹ thuật, giúp giải quyết kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn và giảm áp trong lĩnh vực điều trị cho tuyến tỉnh.

- Trên nền tảng những thành tựu về lượng, đặc biệt trong lĩnh vực nhân sự cho tuyến phường, xã, thôn, ấp, trọng tâm trong thời gian tới là việc nâng cao về chất. Hoạt động của Trạm y tế phải đáp ứng một cách cơ bản các nhu cầu của người dân về phòng bệnh cũng như chữa bệnh, là đầu mối cho các chương trình quản lý sức khỏe.

 

3. Nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua việc tổ chức thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Xây dựng Làng Văn hóa - Sức khỏe: Bảo đảm đến năm 2010, 90% số thôn ấp và khu dân cư đạt các tiêu chí về sức khỏe trong phong trào “Làng Văn hóa - Sức khỏe ’’.

- Phát động và triển khai thực hiện các chương trình tăng cường luyện tập thể dục, thể thao.

- Xây dựng nếp sống có lợi cho sức khỏe, bảo đảm an toàn cộng đồng.

- Cải thiện công tác sức khỏe môi trường.

- Chăm sóc tốt sức khỏe cho các đối tượng ưu tiên.

- Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn vệ sinh thực phẩm.

4. Nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền:

- Nâng cao chất lượng hoạt động hai Khoa Y học cổ truyền trong hai bệnh viện tỉnh và các Tổ Y học cổ truyền thuộc Trung tâm Y tế. Tiến tới việc thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền với qui mô 100 giường bệnh.

- Đẩy mạnh phong trào khôi phục vườn thuốc nam tại các Trạm y tế xã. Thông qua hoạt động liên tịch giữa ngành và Hội Y học cổ truyền tỉnh để đưa các lương y hội đủ các tiêu chuẩn vào hoạt động tại Trạm y tế. 

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá ứng dụng y học cổ truyền (YHCT) phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ). Tiếp tục công tác nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp YHCT với y học hiện đại tại các cơ sở điều trị. Nâng cao chất lượng các nghiên cứu.

5. Phát triển nguồn nhân lực:

- Phân tích hiện trạng nhân lực y tế cho thấy tỷ lệ bác sỹ phục vụ dân của tỉnh tương đương với mức trung bình của vùng. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ y tế (CBYT) phục vụ dân còn thấp: 20,78 CBYT/10.000 dân so với: 26,64 CBYT/10.000 dân. Mặc khác, có hai tồn tại cần khắc phục: sự thiếu cân đối giữa đội ngũ bác sỹ và đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, thiếu hụt trầm trọng lực lượng bác sỹ có trình độ chuyên môn cao. Trong giai đoạn phát triển 2006 - 2010, phải kiên quyết khắc phục được tình trạng này.

- Điều chỉnh tỉ lệ bác sỹ/điều dưỡng thông qua việc đào tạo mới điều dưỡng trung cấp, thông qua các kỳ thi tuyển công chức, viên chức.

- Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, phấn đấu đến cuối năm 2010, 40% bác sỹ có trình độ sau đại học. Có bác sỹ chuyên khoa II cho một số chuyên khoa chính.

 - Khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực bằng cách xây dựng và phát triển hoạt động mạng lưới nhân viên y tế thôn ấp, mạng lưới nhân viên sức khỏe cộng đồng.

- Xây dựng và đưa vào hoạt động hoàn chỉnh Trường Trung học Y tế. Bảo đảm đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Phục vụ kịp thời các nhu cầu đào tạo để xây dựng và phát triển ngành.

- Lập chi tiết kế hoạch 5 năm về đào tạo. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, trong nước, ngoài nước, gửi đào tạo, mời đào tạo tại chỗ. Xem công tác đào tạo và bồi dưỡng là khâu trọng yếu nhất để phát triển ngành.

6. Bảo đảm cung cấp thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế:

- Đảm bảo cung ứng đủ các loại thuốc xã hội, thuốc thiết yếu, thuốc và hóa chất phòng chống dịch cho nhân dân trong toàn tỉnh với mức tiêu dùng thuốc bình quân đầu người đạt khoảng 12 - 15 USD/người/năm. Trong đó, các thuốc sản xuất trong nước cung cấp khoảng 60%. Muốn vậy, phải tập trung thực hiện các nội dung sau:

+ Kiện toàn các định chế Nhà nước trong lĩnh vực dược nhằm làm tốt công tác quản lý Nhà nước trên các mặt sản xuất, kinh doanh, kiểm nghiệm, quản lý thị trường, thông tin quảng cáo, cửa hàng, quầy thuốc…

+ Nâng cao trình độ và khả năng chuyên môn của Trung tâm Kiểm nghiệm Dược để đủ sức kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên thị trường trong toàn tỉnh. Triệt để chống thuốc giả, thuốc kém hàm lượng và quá hạn dùng.

+ Củng cố Khoa Dược các bệnh viện để làm tốt chức năng cung ứng, dược lâm sàng, sử dụng an toàn hợp lý thuốc trong các bệnh viện.

+ Củng cố, phát triển và có cơ chế hoạt động thống nhất cho các quầy thuốc tại trạm y tế xã nhằm cung cấp kịp thời các thuốc có chất lượng và đúng giá cả cho nhân dân trong địa bàn, góp phần tích cực trong công tác phòng chống thuốc giả.

7. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư  và ứng dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ chuyên môn:

a. Cơ sở vật chất:

- Tuyến tỉnh: Xây mới bệnh viện Bà Rịa, Lê Lợi và hệ thống các bệnh viện chuyên khoa. Xây dựng mới các đơn vị: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm và Mỹ phẩm, Trường Trung học Y tế.

- Tuyến huyện: Xây mới Trung tâm y tế Đất Đỏ. Nâng cấp và mở rộng các Trung tâm y tế (TTYT) thành bệnh viện huyện theo qui hoạch giường bệnh. Xây mới TTYT dự phòng cho tất cả các huyện, thị, thành phố.

- Tuyến phường, xã: phấn đấu đến cuối năm 2008, 100% trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) đều có cơ sở vật chất sạch, đẹp, đáp ứng các nhu cầu hoạt động, phục vụ nhân dân.

b. Trang thiết bị:

- Tuyến tỉnh: Phấn đấu đạt 90% trang thiết bị theo danh mục chuẩn của Bộ Y tế vào cuối năm 2010. Đầu tư thiết bị cho khối dự phòng, bảo đảm đủ các thiết bị cơ bản phục vụ cho công tác vệ sinh, dịch tễ, phòng chống các bệnh xã hội.

- Tuyến huyện: Phấn đấu đến cuối năm 2010, mỗi Trung tâm y tế có được 70% trang thiết bị theo danh mục chuẩn hóa của Bộ Y tế.

- Tuyến phường, xã: Phấn đấu đến cuối năm 2008, 100% Trạm y tế hoặc Phòng khám đa khoa khu vực đều được trang bị đồng bộ, hoàn chỉnh.

8. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác y tế:

 a. Đổi mới cơ chế, chính sách:

- Tăng tỷ trọng các nguồn tài chính công cho y tế.

- Thực hiện giao quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp có thu trong ngành y tế.

- Đa dạng hóa các mặt hoạt động và các dịch vụ y tế. Từng bước thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh, có biện pháp tổ chức phục vụ tốt cho các đối tương nghèo, đối tượng chính sách. Mở rộng bảo hiểm y tế (BHYT).

- Mở rộng dịch vụ tự chọn, dịch vụ đối với khách nước ngoài để tăng trưởng nguồn lực. Kiên trì thực hiện chiến lược xã hội hóa các hoạt động y tế.

- Tổ chức triển khai tốt Nghị định số 63/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Điều lệ Bảo hiểm y tế. Xây dựng và triển khai tốt lộ trình tiến đến BHYT toàn dân vào năm 2010.

b. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước:

- Đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành y tế.

- Kiện toàn mạng lưới thanh tra y tế, nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra để thực hiện tốt quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

- Nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý tài chính trong các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế.

- Phân cấp quản lý rõ ràng, phân tuyến kỹ thuật cụ thể cho các tuyến y tế, các địa phương. Tăng cường quản lý chất lượng các dịch vụ y tế.

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục - thể thao.

- Triển khai tốt Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, làm tốt vai trò quản lý Nhà nước đối với hệ thống y tế tư nhân.

9. Tăng cường hợp tác quốc tế:

- Tổ chức sử dụng đạt hiệu quả cao các chương trình có viện trợ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS; Dự án Sức khỏe cộng đồng tại xã Long Tân.

- Tìm kiếm các nguồn tài trợ để gửi đào tạo cán bộ y tế tại các nước phát triển. Mở rộng liên kết, liên doanh với các tổ chức, cá nhân ngoài nước để tăng cường đầu tư phát triển các lĩnh vực của ngành y tế. Trong đó, trước mắt hỗ trợ việc hình thành và ra đời của Trung tâm Y tế Quốc tế qui mô 200 giường bệnh tại thành phố Vũng Tàu.

III. Tổ chức thực hiện:

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết và Chương trình hành động này trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm và tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án có liên quan đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, cụ thể như sau:

1. Sở Y tế:

- Phối hợp Ban Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Sở, ngành, các địa phương phổ biến rộng rãi Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh các đề án, dự án cụ thể để thực hiện chương trình hành động.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình hành động và báo cáo định kỳ cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với ngành y tế trong việc cân đối, bố trí vốn từng năm cho nội dung nâng cấp cơ sở vật chất - trang thiết bị.

3. Sở Tài Chính:

- Hướng dẫn nội dung thu, chi và mức chi của ngành y tế, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực phân bổ ngân sách, ban hành các chế độ - chính sách tài chính đặc thù của tỉnh để hỗ trợ cho việc thực hiện Nghị quyết.

4. Sở Nội vụ:

- Tham mưu và phối hợp với Sở Y tế hệ thống tổ chức y tế theo Nghị định số 171/NĐ-CP, 172/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên Bộ Y tế - Nội vụ số 11/TTLB-YT-NV về tổ chức hệ thống y tế địa phương. Trong đó, tập trung cho việc thành lập các đơn vị mới nói chung và hệ thống các bệnh viện chuyên khoa nói riêng.

5. Sở Giáo dục - Đào tạo:

- Phối hợp với ngành y tế để xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung y tế học đường, hỗ trợ Trường Trung học Y tế trong quá trình hoạt động, đào tạo cán bộ, củng cố tổ chức y tế học đường.

6. Sở Văn hóa - Thông tin:

- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng “Làng Văn hóa -Sức khỏe”, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo nội dung chương trình phối hợp hoạt động đã được ký kết giữa Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tiếp tục thực hiện việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người có công với cách mạng.

8. Sở Thể dục - Thể thao:

- Tổ chức thực hiện các phong trào toàn dân rèn luyện sức khỏe và các hoạt động khác góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Giao trách nhiệm cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng kế hoạch thực hiện việc cung cấp nước sạch, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, xử lý rác đúng qui định cho các xã trên địa bàn tỉnh.

10. Bảo hiểm xã hội:

- Triển khai các chính sách về bảo hiểm y tế để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2010.

11. Ủy ban Dân số - Gia dình và Trẻ em tỉnh:

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để triển khai tổ chức tốt nội dung khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Có trách nhiệm báo cáo và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ, bố trí ngân sách Nhà nước cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân sao cho bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương, phù hợp với định hướng, mục tiêu chung đã được xác định trong Nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo mỗi 6 tháng, năm về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Minh Sanh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.