CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
“V/v tổ chức triển khai thực hiện thu phí bảo vệ môi trường
đối với nước thải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường do các chất thải công nghiệp và sinh hoạt, đặc biệt là nước thải trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng. Phần lớn các cơ sở công nghiệp và dịch vụ có nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để, số lượng các cơ sở gia công chế biến hải sản và một số ngành công nghiệp khác ngày một gia tăng, bên cạnh đó khối lượng nước thải sinh hoạt của các đô thị trên địa bàn tỉnh đã tăng lên rất nhiều theo tốc độ tăng dân số đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông, nước biển ven bờ khu vực tiếp nhận nước thải ngày một trầm trọng hơn. Ngày 13/6/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và ngày 18/12/2003 Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 125/TTLT-BTC-BTN&MT v/v hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Để triển khai thực hiện các quy định nêu trên, đồng thời tạo thêm nguồn kinh phí góp phần cải thiện chất lượng môi trường do các chất thải công nghiệp và sinh hoạt gây ra tại các khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Việc tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 67/2003/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 125/TTLT-BTC-BTN&MT và các văn bản hướng dẫn có liên quan khác của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường và tổ chức thực hiện ngay từ tháng 01/2004.
2. Các đối tượng phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải có nghĩa vụ kê khai đầy đủ và nộp phí vào ngân sách nhà nước đúng thời gian quy định của Nhà nước theo hướng dẫn của các ngành, đơn vị chức năng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan phải khẩn trương triển khai, tổ chức thu phí theo đúng quy định, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước, cụ thể :
- Sở Tài chính có nhiệm vụ:
a- Dự thảo và trình UBND tỉnh trước ngày 31/01/2004 quy định mức thu phí bảo vệ môi trường tạm thời đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Mức thu phí này tuỳ thuộc vào từng địa bàn nhưng không vượt quá 10% của giá bán nước sạch (chưa bao gồm thuế VAT) để UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh quyết định sớm, đảm bảo việc tổ chức thu phí nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thực hiện kịp thời từ tháng 01/2004. Đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể của từng khu vực, từng địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh quyết định trong kỳ họp sắp đến về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt cho phù hợp.
b- Nghiên cứu trình UBND tỉnh quy định phần phí để lại trang trải cho việc tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt cho các đơn vị tổ chức thu để UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh hoặc Thường trực HĐND tỉnh quyết định trong tháng 01/2004. Phần phí để lại đối với Công ty cấp nước tỉnh và các trung tâm, công ty cấp nước khác không vượt quá 10% và UBND các xã, phường, thị trấn không vượt quá 15% trên tổng số tiền thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt do đơn vị thu được.
c- Phối hợp với Cục thuế tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh và các Sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn nghiệp vụ về tài chính cho các đơn vị tổ chức thu phí, đối tượng nộp phí liên quan đến phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Đồng thời chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị tổ chức thu phí nước thải sinh hoạt và kịp thời báo cáo UBND tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh.
d- Cân đối tài chính, trình UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí năm 2004 cho các đơn vị tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, kinh phí giám định mẫu nước thải công nghiệp lần đầu, đảm bảo việc tổ chức thu phí đạt kết quả tốt.
đ- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan theo dõi và quyết toán phần phí để lại cho địa phương theo quy định tại điểm 2 mục V Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC- BTNMT.
- Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ:
a- Xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 02 năm 2004.
b- Giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành có liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nội dung các văn bản hướng dẫn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của Chính phủ, các Bộ, ngành TW cho các Sở, ban, ngành có liên quan, Công ty cấp nước tỉnh và các trung tâm, công ty cấp nước khác, UBND các xã, phường, thị trấn, các đối tượng phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
c- Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Đồng thời sớm dự trù kinh phí cho công tác tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trình UBND tỉnh xem xét.
d- Phối hợp chặt chẽ với Cục thuế tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh, Sở Tài chính để xử lý các đối tượng không chịu nộp hoặc nộp không đúng thời gian quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và kịp thời phát hiện, đề xuất biểu dương những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt về nộp phí.
đ- Hàng năm tổ chức tổng kết và đánh giá tình hình triển khai thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn tỉnh và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo.
e- Khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, sớm thành lập Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh để quản lý phần phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được trích lại cho địa phương.
- Cục thuế tỉnh có trách nhiệm:
Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện quyết toán việc thu, nộp tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty cấp nước tỉnh, các trung tâm, công ty cung cấp nước sạch, UBND các xã, phường, thị trấn.
- Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm:
Thực hiện hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước đối với phí thu được theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT và Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.
- Sở Xây dựng có trách nhiệm:
Đôn đốc, kiểm tra Công ty cấp nước tỉnh và các trung tâm, công ty cấp nước sạch khác thuộc Sở quản lý. Khẩn trương triển khai tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt kể từ tháng 01 năm 2004, đồng thời yêu cầu chấm dứt thực hiện quy định về “chi phí thoát nước” tại Thông tư liên tịch số 03/1999/TTLT/BXD-BVGCP ngày 16/6/1999 của liên Bộ Xây dựng – Ban Vật giá Chính phủ về hướng dẫn phương pháp định giá và thẩm quyền quy định giá tiêu thụ nước sạch đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn đã hết hiệu lực thi hành.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân tự khai thác nguồn tài nguyên nước sử dụng trong khu vực và có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
- Công ty Cấp nước tỉnh và các trung tâm, công ty cấp nước sạch khác trên địa bàn tỉnh, UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:
Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT, đảm bảo việc thu, chi, quyết toán tài chính theo đúng quy định và khẩn trương triển khai thực hiện kể từ tháng 01 năm 2004.
- Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Báo Bà Rịa –Vũng Tàu thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của Tỉnh có liên quan đến thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu gặp các vấn đề phát sinh, vướng mắc, yêu cầu các ngành, các cấp và các đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét chỉ đạo tiếp./.