QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU
V/v ban hành quy chế tạm thời bảo vệ môi trường trong giao thông đường thủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
_______
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994.
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 27/12/1993;
Căn cứ Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học công nghệ & môi trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời bảo vệ môi trường trong giao thông đường thủy Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 2: Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Khoa học Công nghệ và Môi trường, Giao thông vận tải, Thủy sản, Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2001.
TM. UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Nhân
QUY CHẾ TẠM THỜI
Bảo vệ môi trường trong giao thông đường thủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5339/2000/QĐ-UB ngày 10/11/2000 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy chế này được ban hành nhằm phòng chống ô nhiễm môi trường và giảm đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường trong vùng nước thuộc Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do các hoạt động giao thông đường thủy gây ra.
Điều 2: Trong quy chế này, ngoài các thuật ngữ được định nghĩa trong Bộ luật hàng hải và luật bảo vệ môi trường, các thuật ngữ dưới đây dược hiểu như sau:
1. Rác thải: Là các chất thải dạng rắn phát sinh trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, khai thác, thăm dò dầu khí trên các phương tiện giao thông thủy, các công trình biển, bến cảng và được thải ra ngoài liên tục hoặc định kỳ;
2. Chất lỏng độc hại: là tất cả các chất nào được đề cập trong bổ sung II phụ lục Những quy định về kiểm soát ô nhiễm do chất lỏng độc chở xô gây ra của công ước Marpol 73/78.
3. Két thu hồi: là két dùng để chứa chất thải (thể lỏng, thể rắn);
4. Phương tiện giao thông thủy: là tất cả các loại tàu biển, tàu sông có hoặc không có động cơ hoạt động trong vùng nước thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý kể cả các công trình biển;
5. Vùng nước: là tất cả các sông, biển, các cửa sông, cửa biển thuộc ranh giới hành chính của Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
6. Cách bờ gần nhất: là cách đường cơ sở mà theo luật Quốc tế từ đó bắt đầu tính lãnh hải của một lãnh thổ tương ứng;
7. Công ước Marpol 73/78: công ước Quốc tế về chống ô nhiễm môi trường biển 73 và Nghị định như 78 (International convention for privention of Marine Environment pollution 1973 và Protocol 1978) và 5 phụ lục của công ước này (05 phụ lục).
Điều 3: Đối tượng áp dụng
1. Quy chế này áp dụng đối với:
a) Tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, khai thác, vận chuyển liên quan đến hoạt động giao thông thủy trong vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
b) Các bến cảng, ụ tầu, khu vực neo đậu, khu vực chuyển tải sang mạn.
2. Tất cả các loại tàu biển của Việt Nam và nước ngoài gồm tàu dầu có tổng dung tích 150 tấn trở lên và không phải tàu dầu có tổng dung tích từ 400 tấn đăng ký trở lên ngoài việc chấp hành sự kiểm tra, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong vùng nước thuộc Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo công ước Marpol 73/78, còn phải thực hiện các quy định thuộc Quy chế này.
CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH VỀ TRANG THIẾT BỊ PHÒNG CHỐNG Ô NHIỄM
DO HOẠT ĐỘNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY GÂY RA
Điều 4: Tất cả các loại tàu dầu có dung tích từ 150 tấn trở lên và các tàu không phải tàu dầu có tổng dung tích từ 400 tấn trở lên hoạt động trong vùng nước thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải có trang thiết bị phòng chống ô nhiễm môi trường và giấy chứng nhận Quốc tế về chống ô nhiễm môi trường biển (IOPP) phù hợp theo công ước Marpol 73/78 quy định.
Điều 5: Tất cả các phương tiện giao thông thủy (trừ các phương tiện giao thông thủy nêu tại Điều 4 của quy chế này) khi hoạt động trong vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải trang bị két thu hồi và thùng chứa đủ lớn để chứa dầu thải, cặn dầu, nước thải, các chất thải độc hại khác và rác thải do hoạt động của phương tiện giao thông thủy thải ra.
Điều 6:
1. Tất cả các cảng sông, cảng biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải trang bị các thiết bị dưới đây:
a) Các thiết bị chứa chất thải rắn phải đủ sức chứa có nhu cầu của cảng và các phương tiện giao thông thủy khi cập cảng.
b) Các thiết bị chứa chất lỏng bao gồm: Dầu thải, cặn dầu, hỗn hợp nước lẫn dầu, các chất thải độc hại khác có nhu cầu của cảng và các phương tiện giao thông thủy khi cập cảng;
c) Các thiết bị chứa và vận chuyển chất thải có hại và rác thải lấy từ các phương tiện giao thông thủy hoạt động trong khu vực quản lý của cảng.
2. Tất cả các đơn vị: cảng sông, cảng biển, kho xăng dầu, trạm bán xăng dầu thương phẩm, dầu thô trên sông, biển, ụ nổi, phương tiện chuyển tải phải trang bị thiết bị ứng cứu sự cố tràn dầu (hoặc phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng) và các trang thiết bị để ứng cứu sự cố tràn dầu khi xảy ra trong vùng nước thuộc phạm vi quản lý của dơn vị.
3. Tất cả các cảng sông, cảng biển và các phương tiện hoạt động dịch vụ thu gom rác thải, nước thải lẫn dầu, dầu cặn và chất thải độc hại phải có đủ thiết bị và giấy phép của sở khoa học công nghệ và môi trường.
Điều 7: Trên mọi giàn khoan, thăm dò, khai thác và cảng không bến để chứa và tiêu thụ dầu thô đều phải có sẵn các trang thiết bị để sẵn sàng ứng cứu tại chỗ sự cố tràn dàu dưới 15 tấn.
CHUƠNG III
CHỐNG Ô NHIỄM DO DẦU VÀ CHẤT ĐỘC HẠI TỪ CÁC HOẠT
ĐỘNG GIAO THÔNG ĐUỜNG THỦY GÂY RA
Điều 8: Tất cả các phương tiện giao thông thủy khi hoạt động trong vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhu cầu thải dầu, các chất lỏng độc hại hoặc chất rắn độc hại ra ngoài đều phải thông qua các phương tiện dịch vụ của các cảng sông, cảng biển hoặc các phương tiện hoạt động dịch vụ đổ rác ở các khu vực neo đậu, sang mạn, chuyển tải.
Điều 9: Cấm tất cả các đối tượng nêu ở Điều 3 thải các chất lỏng, chất rắn độc hại, dầu, cặn dầu, nước la canh, nước lẫn dầu vượt quá tiêu chuẩn cho phép xuống vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 10:
1. Hàm lượng dầu và các chất gây ô nhiễm khác trong nước dằn tàu thải ra vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không được vượt quá TCVN 5945-1995 đối với từng vị trí thải.
2. Nước dằn tàu thải ra vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không được mang các loài tảo độc và mầm bệnh dịch theo quy định của điều lệ kiểm dịch Việt Nam.
Điều 11: Việc thải các chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của các công trình dầu khí biển thuộc vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải tuân theo các quy định sau:
1. Không được thải xuống sông, biển cặn dầu, dầu thải và nước lẫn dầu, các dung dịch khoan thải nền dầu, các chất rắn chứa dầu, các chất thải lỏng độc hại và rắn độc hại khác. Các chất thải nói trên phải được thu gom, vận chuyển vào đất liền để xử lý theo quy định.
2. Không được thải xuống sông, biển các loại nước thải, mùn khoan có hàm lượng dầu vượt quy định của Quy chế bảo vệ môi trường trong việc tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí và các dịch vụ liên quan, các chất độc hại dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.
3. Vị trí lưu giữ và xử lý chất thải lẫn dầu trên đất liền chỉ được thực hiện khi được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 12: Tất cả các phương tiện giao thông thủy chuyên chở các chất lỏng độc hại và chất rắn độc hại vào vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải có giấy chứng nhận Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do chở xô chất lỏng độc hải theo công ước Marpol 73/78 và giấy chứng nhận của cơ quan đăng kiểm có thẩm quyền.
Điều 13: Các phương tiện giao thông thủy chở các hàng hóa độc hại trước khi vào vùng nước cảng hoặc cập cảng thuộc Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải thông báo cho Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường, Cảng vụ Vũng Tàu và bộ phận quản lý về sự hiện diện của các loại hàng hóa trên tàu và chịu sự kiểm tra về chủng loại, số lượng của các loại hàng hóa độc hại.
Điều 14: Nếu các tàu tiến hành việc nhận, dỡ các chất nguy hiểm, độc hại thì phải được phép Cục môi trường (Bộ KHCN & Môi trường) và chịu sự kiểm tra, giám sát của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cảng vụ Vũng Tàu để tránh việc làm rơi vãi, thất thoát và rò rỉ ra ngoài.
CHƯƠNG IV
CHỐNG Ô NHIỄM DO NƯỚC THẢI, RÁC THẢI, CHẤT PHÓNG XẠ
TỪ CÁC HOẠT ĐỘNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY GÂY RA
Điều 15: Cấm tất cả các loại tàu thuyên chở chất phóng xạ vào vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nếu không được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam.
Điều 16: Tất cả các phương tiện giao thông thủy khi hoạt động trong vùng nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhu cầu thải nước thải gây ô nhiễm môi trường đều thông qua phương tiện tiếp nhận từ các cảng trên bờ hoặc các phương tiện lấy rác ở khu vực neo đậu, chuyển tải, sang mạn.
Điều 17:
1. Cấm thải xuống vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu các dạng chất dẻo, kể cả cáp bằng chất tổng hợp, lưới đánh cá bằng chất tổng hợp và bao đựng rác làm bằng chất dẻo.
2. Các dạng rác nêu dưới đây cấm thải xuống biển nếu khoảng cách tới bờ gần nhất:
a) Dưới 25 hải lý trong trường hợp thải các vật liệu bọc, lót và đóng gói có tính nổi và phế phẩm phân hủy trong nước.
b) Dưới 12 hải lý trong trường hợp thải các phế phẩm thức ăn và rác sinh hoạt chế tạo từ thành phần làm bằng giấy, dẻ rách, thủy tinh, kim loại, chai lọ, bát đĩa bằng sành.
3. Được phép thải xuống biển rác nêu ở điểm b khoản 2 của Điều 17 nếu rác đã được xử lý qua máy tán hoặc nghiền, còn việc thải phải được tiến hành càng xa bờ càng tốt. Nhưng trong mọi trường hợp sẽ bị cấm thải nếu khoảng cách tới bờ gần nhất dưới 3 hải lý. Rác đã được nghiền phải đảm bảo có kích thước dưới 25mm.
4. Nếu rác được trộn với các chất thải, mà việc thải các chất đó phải tuân thủ các yêu cầu riêng thì phải áp dụng các yêu cầu nghiêm khắc hơn.
5. Các rác thải không được phép thải phải được lưu giữ và vận chuyển vào các cảng trên bờ hoặc các phương tiện lấy rác ở khu vực neo đậu, chuyển tải, sang mạn để xử lý.
Điều 18: Trong quá trình neo đậu các tàu có yêu cầu làm vệ sinh, cọ rửa tàu, nhất là đối với các tàu vận chuyển chất thải độc, dầu thô thì tàu phải chứa nước thải do quá trình vệ sinh trong các hầm, két chứa nước thải của tàu và vận chuyển vào bờ để xử lý, không được thải loại nước thải này xuống vùng nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi nồng độ các chất ô nhiễm vượt TCVN 5945-1995 đối với từng vị trí thải.
CHƯƠNG V
KHẮC PHỤC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG,
SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG
Điều 19: Tổ chức, cá nhân là chủ các phương tiện giao thông thủy gây ô nhiễm môi trường vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong bất cứ trường hợp nào đều buộc phải:
1. Khôi phục trở lại môi trường nơi đã gây ra ô nhiễm.
2. Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra theo quy định của pháp luật.
3. Thanh toán mọi chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy động tham gia ứng cứu dầu tràn và trong quá trình điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm, thiệt hại và cải tạo môi trường.
Điều 20: Trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu hoặc các chất độc hại vào vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải kiểm tra ngay các biện pháp ứng cứu cần thiết để ngăn ngừa sự phân tán của dầu hoặc các chất độc hại, liên hệ trực tiếp với các trung tâm ứng cứu dầu tràn đồng thời thông báo khẩn cấp cho chính quyền địa phương. Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường, Cảng vụ Vũng Tàu nơi xảy ra sự cố.
Điều 21: Khi xảy ra sự cố tràn dầu thô hoặc các sản phẩm dầu mỏ tại các công trình dầu khí biển thuộc vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với lượng dầu trên 2 tấn, ngoài việc thông báo cho các nơi (như Điều 20) chủ phương tiện gây ô nhiễm nhất thiết phải thông báo ngay cho Bộ Khoa học công nghệ và môi trường và UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong vòng 24 giờ. Báo cáo đầy đủ các thông tin về sự cố tràn dầu, kết quả khắc phục và trình Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong vòng 15 ngày sau khi khắc phục xong sự cố.
Điều 22: Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ thông báo ngay các vụ vi phạm gây ô nhiễm vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dưới mọi hình thức và bằng các phương tiện thông tin cho Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thủy sản, Cảnh sát Giao thông đường thủy, Cảng vụ Vũng Tàu hoặc chính quyền địa phương gần nhất.
CHƯƠNG VI
THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG
Điều 23: Các tàu biển và tàu dầu của Việt Nam và nước ngoài khi vào vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không có nhật ký và biên lai tiếp nhận dầu cặn, rác thải của cảng ghé cuối cùng để chứng minh cho việc đổ rác thải, dầu cặn, nước có chứa lẫn dầu vào nơi quy định theo quy định của công ước Marpol 73/78 thì tàu coi như vi phạm quy chế này và được xem các chất thải đã thải xuống vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ tàu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của Nghị định 26/CP ngày 26/04/1996 và Nghị định 92/1999/NĐ.CP của Chính phủ hoặc bị từ chối không cho vào vùng nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 24:
1. Tất cả các phương tiện giao thông thủy được nêu ở Điều 5 hoạt động trong vùng nước của Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nếu không trang bị két thu hồi và hệ thống thu gom rác thải thì được xem như tất cả các loại nước thải và rác thải đều thải trực tiếp xuống vùng nước của Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ tàu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo Nghị định 26/CP ngày 26/04/1996 và Nghị định 92/1999/NĐ.CP ngày 04/09/1999 của Chính phủ.
2. Trong trường hợp tái phạm, chủ tàu sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động và tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 25: Các tổ chức cá nhân có công trong việc phát hiện các vụ vi phạm gây ô nhiễm vùng nước Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được khen thưởng. Những tổ chức cá nhân tự khai báo kịp thời những hành vi gây ô nhiễm vùng nước của Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được giảm nhẹ hình thức xử lý. Những đơn vị, cá nhân cố ý không khai báo kịp thời sẽ bị xử phạt nghiêm khắc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cá nhân, đơn vị có thành tích tốt trong công tác bảo vệ môi trường giao thông đường thủy sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành.
Điều 26: Đoàn thanh tra liên ngành của Tỉnh về bảo vệ môi trường gồm: Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cảng vụ Vũng Tàu, Sở Thủy sản, Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông đường thủy, Bộ đội biên phòng Tỉnh và các cơ quan liên quan khác do Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì có quyền thanh tra các đối tượng nêu ở Điều 3 để thực hiện:
1. Kiểm tra các loại giấy phép, giấy chứng nhận và các tài liệu liên quan khác đến phòng chống ô nhiễm môi trường.
2. Kiểm tra sổ ghi chép các hoạt động về quản lý môi trường, sao chép các tài liệu cần thiết và yêu cầu đối tượng xác nhận sao y bản chính.
3. Thanh tra việc bảo quản, sử dụng và tình trạng hoạt động của các trang thiết bị phòng chống ô nhiễm môi trường.
4. Thẩm tra các sự việc và thẩm vấn những người có liên quan đến sự cố ô nhiễm.
5. Phát hiện và giải quyết tại chỗ các vấn đề có liên quan hoặc kiến nghị UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Xử phạt theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 27: Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Thủy sản, Cảng vụ Vũng Tàu và các ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy chế này theo chức năng nhiệm vụ và quyền hạn.
Điều 28: Sở Khoa học công nghệ & Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thủy sản, Cảng vụ Vũng Tàu là cơ quan thường trực bảo vệ, kiểm soát, phòng chống ô nhiễm môi trường giao thông đường thủy Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 29: Các tổ chức, cá nhân là chủ các phương tiện thủy của Việt Nam và nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vùng nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này./.