• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/11/2000
UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Số: 6048/2000/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vũng Tàu, ngày 30 tháng 11 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU

V/v Phê duyệt quy trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính

theo mô hình “một cửa” của Sở Khoa học Công nghệ và môi trường

tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

____________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU

 

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994.

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 27/12/1993.

Căn cứ Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.

Căn cứ Pháp lệnh chất lượng hàng hóa (sửa đổi) ngày 24/12/1999.

Căn cứ Pháp lệnh đo lường (sửa đổi) ngày 06/10/1999.

Căn cứ Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về bãi bó các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Căn cứ Nghị định số 30/2000/NĐ-CP ngày 11/08/2000 của Chính phủ về bãi bỏ một số giấy phép và chuyển một số giấy phép thành điều kiện kinh doanh.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ - Môi trường và Ban chỉ đạo cải cách hành chính Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1: Nay phê duyệt Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” tại Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường số 414/ĐASKH ngày 23/10/2000 của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường (có đề án kèm theo).

Điều 2: Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” tại Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường số 414/ĐASKH ngày 23/10/2000 của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường được phê duyệt tại Quyết định này thay thế cho hai văn bản sau:

- Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” số 1086/ĐASKH ngày 19/09/1998 của Sở Khoa Học Công nghệ và Môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định số 2321/QĐ.UBT ngày 05/10/1998 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Quy định tạm thời về trình tự giải quyết các thủ tục hành chính về thẩm định môi trường, cấp giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm, cấp giấy phép môi trường, giấy chứng nhận kiểm định, bản đăng ký chất lượng hàng hóa được ban hành kèm theo Quyết định số 2323/1998/QĐ-UBT ngày 05/10/1998 của UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 3: Giao trách nhiệm cho giám đốc Sở Khoa học công nghệ và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện đề án này.

Điều 4: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.

 

                                                                                                  TM. UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

                                                                                                                  KT. CHỦ TỊCH

                                                                                                               PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

                                                                                                              Nguyễn Văn Nhân

 

 

 

 

Đề án

cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” tại Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường số 414/ĐASKH ngày 23/10/2000 của Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường

 

A- THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT CÁC THỦ TỤC VỀ MÔI TRƯỜNG:

Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường là một đơn vị hành chính - sự nghiệp; là cơ quan chức năng của UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Khoa học, công nghệ và môi trường với những nhiệm vụ cụ thể là: Tham mưu cho UBND Tỉnh trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về khoa học công nghệ và môi trường; quản lý các đề tài, dự án khoa học công nghệ; quản lý về môi trường; thông tin tuyên truyền về khoa học công nghệ và môi trường và quản lý sở hữu công nghiệp; quản lý các hoạt động về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; Thanh tra khoa học công nghệ và môi trường, giải quyết những đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và tổ chức có liên quan đến khoa học công nghệ môi trường.

Trong các nhiệm vụ trên, thực tế cho thấy trong thời gian qua Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường đã đáp ứng yêu cầu của mọi tổ chức, công dân, thủ tục được giải quyết nhanh gọn và kịp thời. Tuy nhiên ngoại trừ thủ tục giải quyết liên quan đến môi trường, đo lường, chất lượng trong thời gian thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể như sau:

- Thời gian quy định của các Thông tư hướng dẫn để giải quyết các thủ tục về môi trường còn quá dài, không phù hợp và gây khó khăn cho các dự án đầu tư.

- Việc tiếp nhận hồ sơ và trả hồ sơ cho các tổ chức và công dân chưa nhất quán. Đối với hồ sơ xin thẩm định môi trường nơi tiếp nhận có thể là: Phòng hành chính tổ chức của Sở, phòng quản lý môi trường hoặc phòng kinh tế các huyện, thành phố và thị xã, và nơi nhận hồ sơ đã xử lý về công tác thẩm định môi trường có thể: Phòng quản lý môi trường, phòng kinh tế các huyện hoặc văn phòng UBND Tỉnh, do đó đã gây khó khăn cho các tổ chức công dân phải đi lại nhiều lần và liên hệ nhiều nơi.

- Các loại thủ tục chưa được biểu mẫu hóa, không có cán bộ chuyên trách đến hướng dẫn về chuyên môn do đó tổ chức và công dân trong quá trình nộp hồ sơ phải bổ sung nhiều lần, gây tốn kém và lãng phí thời gian.

- Để khắc phục tình trạng trên, việc cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “MỘT CỬA” tại Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường là cần thiết

B- YÊU CẦU CỦA VIỆC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:

Việc cải cách thủ tục hành chính về môi trường phải đáp ứng được các yêu cầu sau đây:

- Thực hiện cơ chế “MỘT CỬA”: Tổ chức và công dân chỉ tiếp xúc trực tiếp với 1 bộ phận của Văn phòng Sở và Văn phòng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng để giải quyết tất cả các thủ tục về môi trường và thủ tục về đo lường, chất lượng hàng hóa.

- Giải quyết hồ sơ cho tổ chức và công dân một cách công khai, rút ngắn thời gian, một lần nộp hồ sơ và một lần nhận kết quả tại một đầu mối, không gây phiền hà góp phần chống tiêu cực.

C- NỘI DUNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH THEO MÔ HÌNH "MỘT CỬA":

Mô hình “MỘT CỬA” trong giải quyết các thủ tục về môi trường thể hiện ở chỗ tổ chức và công dân chỉ tiếp xúc với 1 phòng chức năng của văn phòng sở Khoa học Công nghệ và Môi trường là Phòng Tổ chức để nộp hồ sơ, nhận phiếu hẹn và nhận kết quả giải quyết. Văn phòng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là Phòng Hành chính tổng hợp.

Như vậy từ chỗ hiện nay tổ chức và công dân phải đi lại nhiều lần, làm việc với nhiều phòng trực thuộc Sở. Với mô hình mới, tổ chức và công dân chỉ quan hệ với phòng chức năng 02 lần để nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Nội dung mô hình “MỘT CỬA” trong giải quyết các thủ tục liên quan đến môi trường tại Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ tập trung vào các phần sau: Thẩm định môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, bản kê khai các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường); cấp giấy phép về môi trường, cấp giấy chứng nhận kiểm định, cấp bản đăng ký chất lượng hàng hóa (về trình tự giải quyết các thủ tục hành chính có bản phụ lục kèm theo đề án này).

I/. Thủ tục thẩm định môi trường (gồm thẩm định các bản kê khai các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn đến môi trường, báo cáo đánh giá tác động đến môi trường), cấp giấy phép về môi trường.

- Mục đích của việc thẩm định môi trường là xem xét các tác động tiêu cực có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên từ các loại chất thải do quá trình hoạt động của nhà máy, xí nghiệp, công ty ... (gọi tắt là các đơn vị sản xuất) tạo ra do quá trình sản xuất. Trên cơ sở đó Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường yêu cầu các đơn vị sản xuất phải nghiên cứu công nghệ và đầu tư kinh phí để xử lý các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Đây còn là thủ tục cần thiết để xem xét và phê duyệt dự án. Việc thẩm định môi trường được phân thành nhiều loại như trên (báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, bản kê các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường) là dựa vào quy mô và loại hình hoạt động của dự án. Thẩm định môi trường hiện nay thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 1420-MTg ngày 26/11/1997 và Thông tư 490/1998/TT.BKHCNMT ngày 29/4/2000 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

- Mục đích của cấp giấy phép môi trường thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 2781/TT-KCM của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ngày 03/12/1996.

1. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp Quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo mô hình “MỘT CỬA” thì việc tiếp nhận và giao trả hồ sơ và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được tập trung đầu mối là phòng tổ chức hành chính, phòng tổ chức hành chính có trách nhiệm hướng dẫn làm hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ đã đầy đủ thủ tục chưa, nếu đủ thì viết giấy hẹn, trong phiếu hẹn ghi thời gian từ khi nộp đủ hồ sơ đến ngày nhận kết quả, nếu thiếu hướng dẫn bổ túc hồ sơ. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ phòng tổ chức hành chính chuyển giám đốc Sở xem xét và sau dó chuyển lên Phòng quản lý môi trường để giải quyết. Phòng quản lý môi trường xem xét hồ sơ, tổ chức khảo sát khi cần thiết và tổ chức họp Hội đồng thẩm định, tổng hợp số liệu, ý kiến nhận xét của các thành viên Hội đồng thẩm định (trong trường hợp thẩm định báo cáo đánh giá tác động đến môi trường) và chuyển hồ sơ được giải quyết cho Giám đốc sở xem xét và sau đó chuyển đến Phòng tổ chức hành chính. Phòng tổ chức hành chính chuyển hồ sơ xin phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường đến UBND và nhận kết quả giao trả cho tổ chức, công dân.

- So sánh quy trình giải quyết và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đang thực hiện thì quy trình cải cách này có thuận lợi hơn cho tổ chức và công dân như:

- Giảm thời gian giải quyết: thời gian thẩm định và cấp phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường: 33 ngày (theo quy định 60 ngày của Thông tư 490/1998/TT- BKHCNMT ngày 19/4/1998) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian xem xét và cấp giấy phép môi trường: 28 ngày (theo quy định 40 ngày của Thông tư 2781 -TTKCM của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ngày 03/12/1996) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Giảm thời gian đi lại cho các tổ chức và công dân và liên hệ nhiều nơi để giải quyết hồ sơ: không cần phải liên hệ nhiều lần với Phòng quản lý môi trường để hướng dẫn thủ tục, từ khi nộp đến khi nhận kết quả chỉ liên hệ 02 lần, 01 lần đến Phòng tổ chức hành chính hướng dẫn thủ tục và nộp hồ sơ và 01 đến Phòng tổ chức hành chính nhận phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động đến môi trường. Đồng thời không cần liên hệ nhiều nơi để nhận kết quả giải quyết như trước đây (liên hệ nộp hồ sơ tại Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, nhận kết quả tại UBND tỉnh).

- Đơn vị biết ngay thời gian có kết quả, không phải chờ đợi.

- Người giải quyết hồ sơ không trực tiếp quan hệ với tổ chức hoặc công dân có nhu cầu giải quyết hồ sơ nên đã hạn chế nhũng nhiễu tiêu cực.

2. Thẩm định cấp phiếu xác nhận bảng đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cấp giấy phép về môi trường:

Theo mô hình “MỘT CỬA” thì việc tiếp nhận hồ sơ và giao trả hồ sơ về thẩm định và cấp phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cấp giấy phép về môi trường được tập trung vào đầu mối là Phòng tổ chức hành chính, Phòng tổ chức hành chính có trách nhiệm hướng dẫn làm hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ đã đầy đủ thủ tục chưa, nếu đủ thì viết phiếu hẹn, trong phiếu hẹn ghi thời gian từ khi nộp đủ hồ sơ đến ngày nhận kết quả, nếu thiếu hướng dẫn bổ túc hồ sơ. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ Phòng tổ chức hành chính chuyển Giám đốc Sở xem xét và chuyển đến Phòng quản lý môi trường để giải quyết. Phòng quản lý môi trường xem xét hồ sơ, tổ chức khảo sát khi cần thiết và đề xuất Giám đốc Sở huớng giải quyết và sau đó chuyển hồ sơ đã giải quyết cho Phòng tổ chức hành chính. Phòng tổ chức hành chính trả kết quả đã được giải quyết cho các tổ chức hoặc công dân.

So sánh quy trình giải quyết và cấp phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cấp giấy phép về môi trường đang thực hiện thi qui trình cải cách này có thuận lợi hơn cho tổ chức và công dân như:

- Giảm thời gian giải quyết: thời gian cấp phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường: 15 ngày (theo quy định 20 ngày của Thông tư 490/TT-TTBKHCNMT ngày 29/4/1998) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian cấp giấy phép môi trường là 15 ngày (theo quy định là 40 ngày của Thông tư 2781 - TT.KCM của Bộ KHCNMT) kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ.

- Giảm thời gian di lại cho tổ chức và công dân: Không cần phải liên hệ nhiều làn với Phòng quản lý môi trường để hướng dẫn thủ tục. Từ khi nộp đến khi nhận kết quả chỉ liên hệ 02 lần, 01 lần đến Phòng tổ chức hành chính hướng dẫn thủ tục và nộp hồ sơ, 01 lần đến Phòng tổ chức hành chính nhận phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy phép về môi trường.

- Đơn vị biết ngay thời gian có kết quả, không phải chờ đợi

- Người giải quyết hồ sơ không trực tiếp quan hệ với tổ chức hoặc công dân có nhu cầu giải quyết hồ sơ nên đã hạn chế sự nhũng nhiễu tiêu cực.

3. Thẩm định các bản kê khai các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và cấp giấy phép môi trường (Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh do UBND các huyện cấp giấy phép kinh doanh).

Việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định các bản kê khai các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh do UBND các huyện cấp giấy phép kinh doanh dưới mức vốn pháp định theo NĐ 66/CP của Chính phủ (nay được thay bằng Nghị định 02/2000/NĐ-CP ngày 13/02/2000 của Chính phủ). Sở Khoa học Công Nghệ và Môi trường thực hiện theo công văn ủy quyền số: 1224/CV.UBT ngày 12/05/1997 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu V/v ủy quyền cho Sở khoa học công nghệ và Môi trường cấp giấy phép môi trường cho các đơn vị sản xuất kinh doanh quy mô đầu tư nhỏ. Đối với mô hình này việc giải quyết thủ tục về thẩm định bản kê khai các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, cụ thể như:

- Đối với các đơn vị sản xuất UBND huyện cấp giấy phép thông thường có kinh phí đầu tư nhỏ, quy mô gia đình, đòi hỏi giải quyết nhanh thủ tục hoạt động theo thời vụ trong khi hồ sơ phải chuyển từ Phòng kinh tế các huyện đến sở giải quyết đòi hỏi phải tốn thời gian. Ngoài ra thủ tục hành chính về môi trường còn rườm rà, đặc biệt đối với các cơ sở ở quy mô đầu tư nhỏ và trong quá trình hoạt động không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, ngoại trừ một số ngành như: Sơ chế hải sản, khai thác đá chẻ.

- Do đó, để thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường đề nghị UBND Tỉnh ủy quyền cho UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện nhiệm vụ này và chỉ yêu cầu một số cơ sở sản xuất kinh doanh sau đây đối với cấp huyện quản lý phải thực hiện các thủ tục về môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh như: Những cơ sở sau đây phải có phép về môi trường khi sản xuất, kinh doanh: Gia công, chế biến hải sản, sản xuất tận thu khoáng sản, xay xát, gia công sản xuất đồ mộc, sửa chữa tàu thuyền; gia công sửa chữa cơ khí; chăn nuôi qui mô công nghiệp (trên 50 con heo, 500 con gà).

- UBND Tỉnh chấp thuận thì quy trình thẩm định các bản kê khai các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường cho các huyện, thành phố, thị xã sẽ theo quy trình sau đây:

Theo mô hình “MỘT CỬA" thì việc tiếp nhận và giao trả hồ sơ về thẩm định môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh do UBND các huyện, thị, thành phố cấp giấy phép kinh doanh tập trung vào một đầu mối là tiếp nhận hồ sơ. Tổ tiếp nhận hồ có trách nhiệm hướng dẫn làm hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ đã đầy đủ thủ tục chưa, nếu đủ thì viết phiếu hẹn, trong phiếu hẹn ghi thời gian từ khi nộp đủ hồ sơ đến ngày nhận kết quả, nếu thiếu hướng dẫn bổ túc hồ sơ. Sau đó tổ tiếp nhận hồ sơ chuyển hồ sơ đến Phòng kinh tế để đề xuất hướng giải quyết và trình Chủ tịch UBND huyện\ thị, thành phố xem xét ký.

So sánh quy trình giải quyết và cấp văn bản thẩm định về môi trường và cấp giấy phép môi trường đang thực hiện thì quy trình cải cách này có thuận lợi hơn cho tổ chức và công dân như:

- Xác định rõ thời gian giải quyết: Thời gian cấp văn bản thẩm định về môi trường: 07 ngày (theo cách giải quyết trước đây không xác định được thời gian do hồ sơ phải chuyển nhiều nơi từ huyện đến sở và ngược lại). Thời gian cấp giấy phép môi trường là 10 ngày (theo quy định của Thông tư 2781-TTKCM của Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường).

- Giảm thời gian đi lại cho tổ chức và công dân: Không cần liên hệ nhiều như trước đây: (Phòng quản lý môi trường thuộc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường và Phòng Kinh tế các huyện). Từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả chỉ cần 02 lần: 01 lần đến tổ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn thủ tục và nộp hồ sơ và 01 lần đến tổ tiếp nhận hồ sơ nhận văn bản thẩm định môi trường và cấp giấy phép môi trường.

- Đơn vị biết ngay thời gian có kết quả, không phải chờ đợi.

- Người giải quyết hồ sơ không trực tiếp quan hệ với tổ chức hoặc công dân có nhu cầu giải quyết hồ sơ nên đã hạn chế sự nhũng nhiễu, tiêu cực.

II/. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM ĐỊNH, BẢN ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

Theo mô hình “MỘT CỬA" thì việc tiếp nhận và giao trả hồ sơ và cấp giấy chứng nhận kiểm định, bản đăng ký chất lượng hàng hóa được tập trung vào đầu mối là Phòng hành chính tổng hợp của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Phòng hành chính tổng hợp của Chi cục có trách nhiệm hướng dẫn làm hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ đã đầy đủ thủ tục viết phiếu hẹn đến ngày nhận kết quả, nếu thiếu hướng dẫn bổ túc hồ sơ. Sau đó chuyển hồ sơ đến Chi cục trưởng xem xét ký chứng nhận kiểm định đo lường hoặc bản đăng ký chất lượng hàng hóa. Sau khi hồ sơ đã được giải quyết chuyển đến Phòng hành chính tổng hợp, Phòng hành chính tổng hợp chuyển giấy chứng nhận hoặc bản đăng ký chất lượng hàng hóa đến tổ chức, công dân.

So sánh quy trình giải quyết về cấp giấy chứng nhận kiểm định đang thực hiện thì quy trình cải cách này có thuận lợi hơn cho tổ chức và công dân như:

- Giảm thời gian giải quyết: Thời gian cấp giấy chứng nhận kiểm định: 05 ngày (theo qui định sau 10 ngày của Quyết định số 108/TĐC-QĐ ngày 20/07/1991 của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian cấp bản đăng ký chất lượng  03 ngày nếu chỉ xem xét hồ sơ, 10 ngày nếu cần khảo sát thêm tại thực địa của quyết định số 2596/QĐ-TĐC ngày 28/10/1996 của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

-  Giảm thời gian đi lại cho các tổ chức và công dân: Không cần phải đi lại nhiều lần. Từ khi nộp đến khi nhận kết quả chỉ liên hệ 02 lần, 01 lần đến Phòng hành chính tổng hợp hướng dẫn thủ tục và nộp hồ sơ và 01 lần đến Phòng tổ chức hành chính nhận giấy chứng nhận kiểm định.

- Đơn vị biết ngay thời gian có kết quả, không phải chờ đợi.

- Người giải quyết hồ sơ không trực tiếp quan hệ với tổ chức hoặc công dân có nhu cầu giải quyết hồ sơ nên đã hạn chế sự nhũng nhiễu tiêu cực.

III/. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trách nhiệm của Sở Công nghệ và Môi trường: cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “MỘT CỬA” tại Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, yêu cầu cán bộ phải hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ làm nhiệm vụ: Hướng dẫn hồ sơ thủ tục theo quy định tiếp nhận hồ sơ, đề xuất giải quyết, thu phí, dự thảo các quy định, các thủ tục hành chính trong ngành trình Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định.

2. Niêm yết công khai các thủ tục hành chính bao gồm:

- Hồ sơ cần và đủ của từng thủ tục.

- Trình tự giải quyết của từng thủ tục.

- Thời gian giải quyết mỗi thủ tục, phí, lệ phí nếu có.

3. Mở hệ thống sổ sách theo dõi các thủ tục hành chính của Sở và của chi cục.

4. Thanh tra Sở tiến hành thanh tra nội bộ định kỳ và đột xuất về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện ngăn chặn những sai sót những biểu hiện sách nhiễu cửa quyền, gây phiền hà cho công dân và tổ chức. Thực hiện hòm thư góp ý kiến xây dựng cải cách hành chính để phát hiện những sai sót của công chức viên chức liên quan đến công dân và tổ chức báo cáo ban Giám đốc, giáo dục và xử lý kịp thời.

IV/.  KIỂN NGHỊ:

Để giải quyết nhanh chóng các thủ tục liên quan đến môi trường, đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa và tạo điều kiện để khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư, Sở Khoa học công nghệ và môi trường xin kiến nghị với Bộ Khoa học công nghệ và môi trường và UBND Tỉnh như sau:

1/ Đối với Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường:

- Cần cụ thể hơn nữa đối với Thông tư hướng dẫn về thủ tục thu phí và lệ phí trong lĩnh vực môi trường của Bộ Tài chính ban hành, bổ sung khoản thu phí thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Khoản thu phí về cấp giấy phép về môi trường hiện nay là chưa hợp lý, quá cao đối với các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ.

- Cần ủy quyền cho địa phương thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án có vốn đầu tư nhỏ (Kinh phí đầu tư dưới 5 triệu USD) và loại hình công nghiệp ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Để tránh trường hợp cấp giấy phép đầu tư do địa phương cấp giấy phép trong khi đó thẩm định về môi trường lại do Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường.

2/ Đối với Ủy ban Nhân dân Tỉnh:

- Cần ủy quyền cho các huyện, thành phố thị xã thẩm định các bản kê khai các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đối với các đơn vị sản xuất do UBND các huyện, thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh. Để hạn chế cho tổ chức công dân phải liên hệ nhiều nơi (UBND huyện và Sở Khoa học công nghệ và môi trường), tránh tốn kém và lãng phí đi lại. Việc thẩm định môi trường sẽ do Phòng Kinh tế thực hiện trong giai đoạn thẩm định hồ sơ xin phép kinh doanh và trình Chủ tịch UBND các huyện xem xét, Sở Khoa học công nghệ và môi trường có trách nhiệm tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ.

- UBND Tỉnh cần xem xét và ủy quyền thêm cho Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường trong việc phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép về môi trường đối với các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khi đó việc giải quyết các thủ tục về môi trường sẽ nhanh chóng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án đầu tư.

Trên đây là đề án cải cách hành chính theo mô hình “MỘT CỬA” của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Kính đề nghị UBND Tỉnh, Ban cải cách hành chính Tỉnh xem xét quyết định.

                                                                                                                                                 GIÁM ĐỐC

                                                                                                                                                    (đã ký)

                                                                                                                                       Trương Thành Công

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.