• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 02/12/2019
UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Số: 7742/2002/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vũng Tàu, ngày 17 tháng 9 năm 2002

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU

Về việc Ban hành qui định về điều kiện, trình tự thủ tục và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (QSH) nhà ở và quyền sử dụng (QSD) đất ở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ Bộ Luật Dân sự ngày 28/10/1995;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 14/7/1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02/12/1998 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 29/6/2001;

Căn cứ Nghị định số 60/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị;

Căn cứ Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;

Căn cứ Nghị định số 79/2001/NĐ-CP ngày 01/11/2001 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/1999/NĐ- CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam;

Xét tờ trình số 121/TT-SXD-QLN ngày 17/6/2002 của Sở Xây dựng.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1: Ban hành kèm theo Qụyết định này “Qui định về điều kiện, trình tự thủ tục và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Điều 2: Giao cho Ban Tổ chức chính quyền chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh và các cấp, các ngành có liên quan sắp xếp bộ máy tổ chức để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo quyết định ghi tại Điều 1 của Quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành ngày kể từ ngày 01/01/2003. Các văn bản của UBND tỉnh trước đây trái với qui định này đều bãi bỏ.

Điều 4: Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Xây dựng, Địa chính, Tài chính - Vật giá, Cục Trưởng Cục Thuế, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định này thi hành./.

 

                                                                                      TM. UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

                                                                                                          CHỦ TỊCH

                                                                      

                                                                                                  Nguyễn Tuấn Minh

 

 

 

QUY ĐỊNH

Về điều kiện, trình tự thủ tục và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (QSH) nhà ở và quyền sử dụng (QSD) đất ở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

(Ban hành kèm theo Quyết định số 7742/2002/QĐ-UBND ngày 17/9/2002 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)

_________

 

Chương I

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1: Phạm vi áp dụng.

Quy định này áp dụng để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (gọi chung là người sử dụng nhà) trên địa bàn Tỉnh; Trừ các trường hợp sau:

1. Nhà thuộc sở hữu nhà nước (sẽ có qui định riêng).

2. Nhà ở thuộc các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3. Nhà, đất mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế có cam kết khác.

4. Nhà, đất nằm trong khu vực quy hoạch không phải là khu dân cư (trường hợp đã có giấy tờ hợp lệ về nhà, đất được quy định tại Điều 5 Quy định này thì vẫn thuộc phạm vi áp dụng của Quyết định này).

Điều 2: Thẩm quyển cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

1. Ủy ban Nhân dân Tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với các trường hợp sau:

a- Nhà ở của các Tổ chức trong nước.

b- Nhà ở liên quan đến chính sách quản lý, cải tạo về nhà đất của Nhà nước qua các thời kỳ.

c- Nhà ở có liên quan đến yếu tố nước ngoài.      

d- Các trường hợp bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ. Riêng đối với Huyện Côn Đảo do địa bàn xa với đất liền cho nên sau khi Hội đồng bán nhà Huyện Côn Đảo thực hiện xong các thủ tục bán nhà theo qui định, thì UBND Huyện Côn Đảo thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở cho người mua.

2. Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban Nhân dân cấp Huyện) cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo qui định tại Nghị định 81/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ và giải quyết hồ sơ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho các trường hợp chủ sở hữu đã được cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở theo Nghị định 60/CP.

Điều 3: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở

1. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo mẫu thống nhất do Bộ Xây dựng phát hành.

2. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được lập thành 02 (hai) bản; 01 bản “Màu hồng” cấp cho chủ sở hữu, 01 bản “Màu xanh” lưu tại cơ quan cấp Huyện. Riêng trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do Ủy ban Nhân dân Tỉnh cấp thì lưu tại Sở Xây dựng.

3. Trường hợp trên đất ở có nhà ở tạm (nhà làm bằng vật liệu nhẹ như tranh, nứa, lá...) thì chỉ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ), không cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở.

Điều 4: Hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở

1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân bao gồm:

a- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (theo mẫu do Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố phát hành).

b- Bản chính giấy tờ về nhà, đất quy định tại Điều 5 của Quy định này. (Trường hợp không có giấy tờ hợp lệ thì bổ sung hồ sơ theo qui định tại Điều 6 của Quy định này).

c- Bản chính hoặc bản sao các giấy tờ về nghĩa vụ tài chính (nếu có).

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với tổ chức bao gồm:

a- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (theo mẫu do Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố phát hành)

b- Giấy tờ về tạo lập nhà hợp pháp theo quy định hiện hành của Nhà nước.

c- Giấy tờ về pháp nhân đảm bảo đủ điều kiện được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam.

d- Bản chính hoặc bản sao các giấy tờ về nghĩa vụ tài chính (nếu có).

Chương II

ĐIỀU KIỆN VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở

 

Mục 1

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở

 

Điều 5: Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với trường hợp có giấy tờ hợp lệ về nhà, đất.

Người sử dụng nhà có một trong các giấy tờ về nhà và về đất sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở:

1. Giấy tờ về nhà:

a- Giấy tờ về sở hữu nhà do Sở Xây dựng hoặc Ủy ban Nhân dân cấp Huyện cấp trước khi UBND Tỉnh triển khai Nghị định số 60/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị.

b- Các giấy tờ hợp lệ về nhà do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam hoặc Nhà nước CHXHCN Việt Nam cấp (như giấy phép xây dựng, quyết định cấp nhà, giấy chứng nhận QSH nhà…).

c- Giấy tờ thanh lý nhà đất, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do các cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 5/7/1994 (ngày ban hành Nghị định số 61/CP của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở).

d- Các giấy tờ hợp lệ về nhà do cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ cấp (như giấy phép xây dựng, quyết định cấp nhà, giấy tờ mua bán nhà v.v) nếu không thuộc diện đã giao cho người khác sử dụng do thực hiện các chính sách của Nhà nước.

2. Giấy tờ vế đất: Là một trong tám loại giấy được quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 79/2001/NĐ-CP ngày 01/11/2001 của Chính phủ; Cụ thể được xác định trong qui định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở như sau:

a- Quyết định giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo qui định của pháp luật về đất đai.

b- Những giấy tờ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai trong từng thời kỳ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam mà người được giao đất vẫn liên tục sử dụng đất từ đó đến nay.

c- Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tạm thời do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ địa chính mà không có tranh chấp.

d- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất ở mà người đó vẫn sử dụng đất liên tục từ đó đến nay và không có tranh chấp.

e- Giấy tờ về thừa kế nhà đất; tặng cho nhà đất được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận và đất đó không có tranh chấp.

f- Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật hoặc giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.

g- Giấy tờ giao nhà tình nghĩa.

h- Giấy tờ chuyển nhượng đất đai, mua bán nhà ở kèm theo chuyển nhượng quyền sử dụng đất được UBND xã, phường, thị trấn thẩm tra là đất đó không có tranh chấp và dược UBND Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh xác nhận kết quả thẩm tra của UBND xã, phường, thị trấn.

Tất cả các loại giấy tờ đất trên đây phải dược xem xét đủ điều kiện công nhận là đất ở theo quy định của pháp luật.

Điều 6: Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với trường hợp không có giấy tờ hợp lệ về nhà, đất.

Trường hợp người sử dụng nhà đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nhưng không có một trong những giấy tờ quy định tại Điều 5 Quy định này thì đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở phải có xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) sở tại xác nhận về nguồn gốc nhà, đất (ghi rõ thời điểm bắt đầu sử dụng và không thuộc đất lấn chiếm của Nhà nước) và hiện trạng nhà, đất đó không có tranh chấp; cơ quan quản lý quy hoạch trực thuộc cấp huyện (Phòng Xây dựng hoặc Phòng Kinh tế) chịu trách nhiệm xác nhận nhà, đất đó phù hợp với quy hoạch là khu dân cư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Các trường hợp này phải bị truy nộp các khoản về nghĩa vụ tài chính theo qui định hiện hành của pháp luật; Đồng thời xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Sau khi người sử dụng nhà chấp hành các xử lý mới xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Điều 7: Trường hợp nhà, đất có tranh chấp, khiếu nại.

Đối với nhà, đất đang có tranh chấp, khiếu nại thì việc xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở chỉ được xem xét sau khi đã giải quyết xong tranh chấp, khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Mục 2

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở DO UBND TỈNH CẤP

 

Điều 8: Trách nhiệm lập và tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

1. Người sử dụng nhà thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 4 của Quy định này tại Ủy ban nhân dân cấp Huyện.

2. Ủy ban nhân dân cấp Huyện có trách nhiệm tiếp nhận, thụ lý và giao hồ sơ về cho Sở Xây dựng trình UBND Tỉnh. Đối với các trường hợp bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ, Sỏ Xây dựng tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo qui trình bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

Điều 9: Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

1. Khi nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp Huyện có trách nhiệm:

a- Kiểm tra ngay hồ sơ theo quy định tại Điều 4 của Quy định này. Trường hợp hồ sơ chưa đúng hoặc chưa đủ thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn cụ thể để đương sự hoàn tất hồ sơ theo quy định. Sau đó, tổ chức thẩm tra và xác nhận vào đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận về nguồn gốc nhà, đất và hiện trạng nhà, đất không có tranh chấp, khiếu nại. Trường hợp có tranh chấp, khiếu nại thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn để đương sự đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại theo quy định của pháp luật.

b- Vào sổ đăng ký nhà đất để theo dõi quản lý.

c- Cơ quan quản lý quy hoạch trực thuộc cấp Huyện thẩm tra và xác nhận về quy hoạch.

d- Tiến hành kiểm tra hiện trạng nhà, đất để đối chiếu với hồ sơ pháp lý và xử lý hồ sơ theo quy định.

e- Khi hồ sơ đủ điểu kiện để cấp giấy chứng nhận thì thể hiện các nội dung vào giấy chứng nhận và thông báo cho đương sự thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

g- Sau khi người sử dụng nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định thì chuyển hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận về Sở Xây dựng.

2, Sở Xây dựng có trách nhiệm:

a- Thẩm tra hồ sơ.

b- Khi hồ sơ đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận thì lập tờ trình, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ký giấy chứng nhận.

3. Sau khi Ủy ban nhân dân Tỉnh ký giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thì chuyển hồ sơ cho Sở Xây dựng.

4. Khi nhận giấy chứng nhận đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh ký ban hành, Sở Xây dựng có trách nhiệm vào sổ đăng ký sở hữu nhà ở, thông báo và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp Huyện để Ủy ban nhân dân cấp Huyện giao trả Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở cho người sử dụng nhà.

5. Thời gian tiến hành việc cấp giấy chứng nhận tối đa không quá 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cụ thể như sau:

a- Thời gian giải quyết hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp Huyện: không quá 25 ngày.

b- Thời gian thẩm tra, giải quyết hồ sơ tại Sở Xây dựng: không quá 12 ngày.

c- Thời gian giải quyết ký giấy chứng nhận tại Ủy ban nhân dân Tỉnh: không quá 8 ngày.

Thời gian trên không tính ngày được nghỉ theo quy định của pháp luật và những ngày do đương sự tự làm chậm trễ (chẳng hạn do chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính...).

Trong quá trình thẩm tra ở mỗi cấp (không quá 02 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ), nếu phát hiện hồ sơ có thiếu sót hoặc còn thiếu các giấy tờ có liên quan thì phải có văn bản thông báo (một lần) cho đương sự biết để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Mục 3

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN Ở HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở DO UBND CẤP HUYỆN CẤP

 

Điều 10: Trách nhiệm lập và tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

1. Người sử dụng nhà thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 4 của Quy định này tại Ủy ban nhân dân cấp xã để được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các nội dung công việc thuộc trách nhiệm qui định tại Khoản 1 Điều 11 qui định này và giao hồ sơ về cho UBND cấp Huyện.

Điều 11: Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

1- Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

a- Kiểm tra ngay hồ sơ theo quy định tại Điều 4 của Quy định này. Trường hợp hồ sơ chưa đúng hoặc chưa đủ thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn cụ thể để đương sự hoàn tất hồ sơ theo quy định. Sau đó, tổ chức thẩm tra và xác nhận vào đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận về nguồn gốc nhà, đất và hiện trạng nhà, đất không có tranh chấp, khiếu nại. Trường hợp có tranh chấp, khiếu nại thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn để đương sự đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại theo quy định của pháp luật.

b- Vào sổ đăng ký nhà đất để theo dõi, quản lý, chuyển hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy tới Ủy ban nhân dân cấp Huyện.

2. Ủy ban nhân dân cấp Huyện có trách nhiệm:

a- Thẩm tra hồ sơ, trường hợp phải xác nhận về quy hoạch theo quy định tại Điều 6 Quy định này thì xác nhận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật.

b- Tiến hành kiểm tra hiện trạng nhà, đất để đối chiếu với hồ sơ pháp lý và xử lý hồ sơ theo quy định.

c- Khi hồ sơ đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận thì thể hiện các nội dung vào giấy chứng nhận và thông báo cho đương sự thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

d- Sau khi người sử dụng nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định (trừ các trường hợp được ghi nợ tiền sử dụng đất), Ủy ban Nhân dân cấp Huyện ký giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

e- Vào sổ đăng ký sở hữu nhà ở, thông báo và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã để Ủy ban nhân dân cấp xã trả Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở cho người sử dụng nhà và điều chỉnh biến động về nhà, đất.

3. Thời gian tiến hành việc cấp giấy chứng nhận tối đa không quá 50 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cụ thể như sau:

a- Thời gian giải quyết hồ sơ tại ủy ban nhân dân cấp xã: không quá 25 ngày.

b- Thời gian giải quyết hồ sơ tại ủy ban nhân dân cấp Huyện: không quá 25 ngày.

Thời gian trên không tính ngày được nghỉ theo quy định của pháp luật và những ngày do đương sự tự làm chậm trễ (chẳng hạn do chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính...).

4. Trong quá trình thẩm tra ở mỗi cấp (không quá 02 ngày kể từ khi nhận hồ sơ), nếu phát hiện hồ sơ có thiếu sót hoặc còn thiếu các giấy tờ có liên quan thì phải có văn bản thông báo (một lần) cho đương sự biết để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Mục 4

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT HỒ SƠ CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở SAU KHI CHỦ SỞ HỮU ĐÃ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QSH NHÀ Ở VÀ QSD ĐẤT Ở

 

Điều 12: Thủ tục hồ sơ:

1 - Trường hợp chuyền quyền toàn bộ nhà ở, đất ở:

a- Hai bản chính Hợp đồng chuyển QSH nhà ở và QSD đất ở có xác nhận của công chứng.

b- Bản chính và một bản sao y công chứng Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở.

c- Bản chính tờ khai nộp thuế và bản sao biên lai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà, đất.

2- Trường hợp chuyển quyền một phần nhà ở, đất ở hoặc chuyển quyền nhà ở, đất ở kèm theo diện tích đất không phải là đất ở:

a- Hai bản chính Hợp đồng chuyển QSH nhà ở và QSD đất ở có xác nhận của công chứng.

b- Bản chính và một bản sao y công chứng Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở.

c- Bản vẽ phân chia diện tích nhà ở, phân chia diện tích đất ở (hoặc đất khác) do cơ quan có tư cách pháp nhân thực hiện.

Điều 13: Trình tự các bước giải quyết hồ sơ:

1- Trường hợp chuyển quyền toàn bộ nhà ở, đất ở:

a- Bước 1: Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (gọi chung là các đương sự) lập hợp đồng chuyển QSH nhà ở và QSD đất ở (theo mẫu) và đến cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp Huyện (theo phân định địa hạt) để được chứng nhận hợp đồng theo qui định của pháp luật (01 ngày).

b- Bước 2: Một trong hai bên đương sự liên hệ với Cơ quan thuế để làm thủ tục nộp thuế và lệ phí trước bạ theo qui định. Tờ khai nộp thuế do các đương sự tự khai, không phải xác nhận của chính quyền sở tại (07 ngày).

c- Bước 3: Một trong hai bên đương sự liên hệ với ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố để nộp hồ sơ theo qui định tại Khoản 1 Điều 12 Qui định này. Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố ký xác nhận sự chuyển dịch sở hữu chủ trong Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở đã cấp cho chủ cũ trước đó hoặc ký Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở mới để cấp cho bên mua (12 ngày).

Tổng cộng thời gian giải quyết hồ sơ là: 20 ngày.

Thời gian trên không tính ngày được nghỉ theo quy định của pháp luật và những ngày do đương sự tự làm chậm trễ (chẳng hạn do chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính...).      

Trong quá trình thẩm tra ở mỗi cấp, nếu phát hiện hồ sơ có thiếu sót hoặc còn thiếu các giấy tờ có liên quan thì phải hướng dẫn ngay cho đương sự bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

2- Trường hợp chuyển quyền một phần nhà ở, đất ở hoặc chuyền quyền nhà ở, đất ở kèm theo diện tích đất không phải là đất ở:

a- Bước 1: Một trong hai bên đương sự liên hệ với Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố để lập thủ tục vẽ tách nhà và đất theo ranh giới mà các bên thỏa thuận chuyển nhượng (05 ngày).

b- Bước 2: Các đương sự lập hợp đồng chuyển QSH nhà ở và QSD đất ở (theo mẫu) và đến cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp Huyện để được chứng nhận hợp đồng theo qui định của pháp luật (01 ngày).

c- Bước 3: Một trong hai bên đương sự liên hệ với Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố để nộp hồ sơ theo qui định tại khoản 2 Điều 12 Qui định này. Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố lập thủ tục thông báo thuế về đất và thuế về nhà phần chuyển dịch (05 ngày).

d- Bước 4: Một trong hai bên đương sự liên hệ với Cơ quan thuế để làm thủ tục nộp thuế và lệ phí trước bạ theo qui định. Tờ khai nộp thuế do các đương sự tự khai và không phải xác nhận của chính quyền sở tại nếu diện tích đất chuyển nhượng hoàn toàn là đất ở (05 ngày).

e- Bước 5: Một trong hai bên đương sự liên hệ với Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố để nộp lại biên lai thuế, Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố ký xác nhận sự chuyển dịch sở hữu chủ trong Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở đã cấp cho chủ cũ trước đó để giao lại cho chủ cũ và ký Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở mới để cấp cho bên mua (10 ngày).

Tổng cộng thời gian giải quyết hồ sơ là: 26 ngày.

Thời gian trên không tính ngày được nghỉ theo quy định của pháp luật và những ngày do đương sự tự làm chậm trễ (chẳng hạn do chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính...).

Trong quá trình thẩm tra ở mỗi cấp, nếu phát hiện hồ sơ có thiếu sót hoặc còn thiếu các giấy tờ có liên quan thì phải hướng dẫn ngay cho đương sự để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Chương III

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ KHÁC

 

Điều 14: Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với trường hợp không đúng tên trong các giấy tờ hợp lệ về nhà, đất.

Trường hợp người sử dụng nhà đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 5 trên đây nhưng không đúng tên trong các giấy tờ đó thì đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyến sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở phải có xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã về việc mua bán, tặng cho, thừa kế và xác nhận hiện nhà, đất đó không có tranh chấp. Người sử dụng nhà bị truy nộp các khoản thuế và lệ phí trước bạ theo qui định của pháp luật.

Điều 15: Đối với các trường hợp nhà xây thô hoàn thiện mặt tiền đúng theo qui hoạch trong các Dự án phát triển nhà ở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được xét cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở với điều kiện sau:

1- Người mua nhà phải có văn bản đồng ý xin được cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở khi nhà chưa hoàn thiện; Đồng thời phải cam kết nếu chuyển nhượng cho người khác thì phải hoàn thiện nhà, nội dung cam kết ghi chú rõ trong giấy chứng nhận.

2- Chủ đầu tư và người mua nhà có trách nhiệm nộp đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo qui định của pháp luật theo giá trị căn nhà đã hoàn thiện.

Điều 16: Đối với các trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở gắn liền diện tích đất không phải là đất ở, nhưng diện tích đất không phải là đất ở người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì giải quyết như sau:

1- Trường hợp người sử dụng đất có một trong các giấy tờ qui định tại khoản 2 Điều 5 của Qui định này thì thủ tục chuyển quyền sử dụng đất thực hiện theo qui định tại Nghị định số 79/2001/NĐ-CP ngày 01/11/2001 của Chính phủ. UBND cấp Huyện có trách nhiệm xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất, bao gồm đất ở và đất không phải là đất ở. Sau đó xét cấp cho người nhận chuyển nhượng cả hai giấy một lúc: Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở đối với diện tích đất ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích không phải là đất ở.

2- Trường hợp người sử dụng đất chưa có giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất thì yêu cầu các bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng phải cam kết tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng đất theo qui định của pháp luật. Bản cam kết phải có xác nhận của UBND cấp xã. UBND cấp Huyện chỉ xác nhận việc chuyển nhượng diện tích đất ở vào hợp đồng theo qui định tại khoản 1 Điều 13 của Qui định này.

Điều 17: Đối với các trường hợp nhà ở, đất ở tại nông thôn nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cấp giấy thì Ủy ban nhân dân cấp Huyện thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Mẫu giấy chứng nhận sử dụng tạm thời theo mẫu giấy qui định tại Nghị định 60/CP, khi có chủ trương của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở cho nông thôn sẽ đổi lại.

Điều 18: Đối với các trường hợp xây dựng nhà ở không cần phải có giấy phép xây dựng thì việc xét cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở thực hiện như sau:

1. Đối với các trường hợp xây dựng nhà ở trong các Dự án phát triển nhà ở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt không cần phải cấp giấy phép xây dựng, khi lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở thì ngoài các hồ sơ pháp lý của Chủ Dự án và giấy tờ pháp lý về đất của Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, Chủ Dự án phải xác nhận việc xây dựng nhà ở đúng với thiết kế được duyệt và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở cho Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Trên cơ sở đề nghị của Chủ Dự án, UBND cấp Huyện tổ chức phúc tra và lập biên bản xác định việc xây dựng nhà ở để xem xét cấp giấy chứng nhận.

2. Đối với các trường hợp xây dựng nhà ở tại khu vực nông thôn thì ngoài giấy tờ pháp lý về đất thì Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải có bản tường trình về việc tạo lập nhà và có xác nhận của UBND cấp xã. Trên cơ sở đề nghị của UBND cấp xã, UBND cấp Huyện tổ chức phúc tra và lập biên bản xác định việc xây dựng nhà ở để xem xét cấp giấy chứng nhận.

Điều 19: Đối với các trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở sẽ được xét cấp lại theo nguyên tắc: Cơ quan nào cấp giấy thì cơ quan đó cấp lại. Qui trình thủ tục cấp lại thực hiện theo qui định tại Quyết định 689/2000/QĐ-UB ngày 03/02/2000 của UBND Tỉnh.

Điều 20: Cách ghi tên chủ sở hữu trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

1. Trường hợp là cá nhân thì ghi tên người đó trong giấy chứng nhận.

2. Trường hợp là tổ chức thì ghi tên tổ chức đó trong giấy chứng nhận.

3. Trường hợp là hộ gia đình thì ghi tên vợ và chồng trong giấy chứng nhận.

4. Trường hợp nhà thuộc sở hữu chung nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì ghi tên theo quy định sau đây:

a- Nhà thuộc sở hữu chung hợp nhất thì ghi tên người được các chủ sở hữu thỏa thuận ủy quyền đứng tên (đại diện cộng đồng sở hữu). Trường hợp không có thỏa thuận thì ghi đủ các chủ sở hữu nhà đó trong giấy chứng nhận;

b- Nhà thuộc sở hữu chung theo phần thì ghi tên từng chủ sở hữu đối với phần sở hữu riêng của người đó và cấp cho người đại diện của các sở hữu.

Điều 21: Nghĩa vụ tài chính.

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước phải thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người sử dụng nhà chưa có điều kiện nộp một phần hoặc toàn bộ tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định hiện hành của Nhà nước thì có thể làm đơn xin nộp chậm tiền sử dụng đất và cơ quan cấp giấy chứng nhận giải quyết cho ghi nợ tiền sử dụng đất vào giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (không giải quyết ghi nợ thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ và các loại nghĩa vụ tài chính khác). Thời hạn cho phép ghi nợ tối đa không quá 05 năm kể từ ngày nhận được thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính. Để được giải quyết cho ghi nợ, người sử dụng nhà phải có đơn đề nghị gửi cơ quan Cấp giấy chứng nhận (đơn phải có xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã về hoàn cảnh khó khăn và chữ ký của người sử dụng nhà). Khi nộp đủ số tiền sử dụng đất được phép nộp chậm thì được cấp đổi lại giấy chứng nhận. Việc thực hiện các quyền của người sở hữu nhà ở như: Bán, tặng cho, thế chấp... chỉ được thực hiện khi chủ sở hữu nộp hết tiền sử dụng đất còn nợ cho Nhà nước.

Điều 22: Theo dõi biến động về nhà, đất.

1. Trường hợp có thay đổi về chủ sở hữu nhà do chuyển nhượng, tặng, cho, chia, thừa kế thì sau khi các bên thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, UBND cấp Huyện có trách nhiệm thu hồi, cắt góc (hoặc đóng dấu không lưu hành) giấy chứng nhận cũ để lưu hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mới cho chủ sở hữu mới. Đồng thời thông báo cho UBND cấp xã biết để điều chỉnh sổ bộ.

2. Trường hợp có thay đổi về diện tích đất (tách, nhập thửa) thì UBND cấp Huyện có trách nhiệm thu hồi, cắt góc (hoặc đóng dấu không lưu hành) giấy chứng nhận cũ để lưu hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mới cho chủ sở hữu mới. Đồng thời thông báo cho UBND cấp xã biết để điều chỉnh sổ bộ.

Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cũ nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không có giá trị pháp lý.

3. Trường hợp có thay đổi về diện tích, tầng cao hoặc kết cấu nhà:

a- Đối với những thay đổi có đầy đủ hồ sơ theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước:

- Sở Xây dựng xác nhận nội dung thay đổi vào giấy chứng nhận đối với trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân Tỉnh ký.

- Ủy ban Nhân dân cấp huyện xác nhận nội dung thay đổi vào giấy chứng nhận đối với trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân cấp huyện ký cấp.

b- Đối với những trường hợp không có đủ hồ sơ theo quy định: xử lý vi phạm hành chính theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Sau khi đương sự đã chấp hành các xử lý, nếu toàn bộ các thay đổi về nhà ở phù hợp với quy hoạch thì tiến hành thủ tục hợp thức hóa để xác nhận nội dung thay đổi về nhà ở trong giấy chứng nhận đã được cấp (với thẩm quyền xác nhận như điểm a nêu trên).

Điều 23: Lưu trữ và phát hành hồ sơ:

1 - Lưu trữ hồ sơ:

a- Trường hợp UBND Tỉnh ký giấy chứng nhận thì toàn bộ hồ sơ gốc được lưu tại Sở Xây dựng.

b- Trường hợp UBND cấp Huyện ký giấy chứng nhận thì toàn bộ hồ sơ gốc được lưu tại UBND cấp Huyện; Đồng thời, Ủy ban Nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sao 01 bản “Màu xanh” Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở chuyển cho Sở Xây dựng lưu để tổng hợp, theo dõi và quản lý.

2- Phát hành hồ sơ: Để tiện cho việc sử dụng về lâu dài, khi phát hành hồ sơ cho người sử dụng nhà phải giao các loại giấy tờ sau đây:

a- Bản chính Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở.

b- Bản sao bản vẽ nhà.

c- Bản sao sơ đồ vị trí lô đất

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 24: Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan.

Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Sở Tài chính-vật giá và Cục Thuế Tỉnh trong phạm vi quản lý ngành có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng Quy định này. Tất cả các văn bản hướng dẫn thực hiện của các sở ngành (nếu có) phải gửi về Ủy ban nhân dân Tỉnh để theo dõi.

Điều 25: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp Huyện.

1. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng chức năng trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ trong việc cấp giấy chứng nhận, trong việc chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đảm bảo thời gian theo Quy định này.

2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy định này trên địa bàn; định kỳ 06 tháng và 01 năm báo cáo tiến độ thực hiện để Ủy ban Nhân dân Tỉnh xem xét quyết định (Thông qua Sở Xây dựng).

Điều 26: Trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

1. Mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở, đất ở tại đô thị thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo Quy định này đều phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy và nộp tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở, đất ở tại khu vực nông thôn nếu có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thì lập hồ sơ đề nghị cấp giấy theo Quy định này và nộp tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được xem xét cấp giấy chứng nhận.

Điều 27: Xử lý vi phạm.

1- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi gian lận, giả mạo giấy tờ, không thực hiện theo các quy định của Quy định này, không chấp hành các quy định của Nhà nước về nghĩa vụ tài chính (bắt buộc) khi được cấp giấy chứng nhận thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trái với Quy định này hoặc gây khó khăn, cản trở cho người đề nghị cấp giấy chứng nhận; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy chứng nhận thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.

3. Người nào có hành vi vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mà gây thiệt hại về vật chất cho người khác thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 28: Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp tình hình và kiến nghị Ủy ban Nhân dân Tỉnh những vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung vào Quy định; Định kỳ 06 tháng và 01 năm báo cáo UBND Tỉnh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trên địa bàn Tỉnh./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Tuấn Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.