• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/06/1998
UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Số: 258/1998/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vũng Tàu, ngày 5 tháng 6 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU

V/v Ban hành Quy chế về Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

_________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU

 

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21-6-1994;

Căn cứ Quyết định số 734/TTg ngày 6-9- 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14-1-1998 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ Hướng dẫn thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 6-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách;

Theo đề nghị của Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1: Nay ban hành Quy chế về Tổ chức và Hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quy chế gồm 07 chương và 24 điều.

Điều 2: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

                                                                                     TM. UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

                                                                                                          CHỦ TỊCH

                                                                      

 

                                                                                                Nguyễn Trọng Minh

 

 

 

QUY CHẾ

Về Tổ chức và hoạt động của

Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

(Ban hành kèm theo Quyết định số 258/1998/QĐ-UB ngày 05/6/1998 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)

 

Chương I

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi tắt là Trung tâm) là tổ chức sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, tương đương cấp phòng thuộc Sở Tư pháp tỉnh, có con dấu riêng, tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 2: Trung tâm chịu sự quản lý của Sở Tư pháp tỉnh theo quy định đối với đơn vị thuộc Sở đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp.

Chương II:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3: Chức năng

Trung tâm có chức năng trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này hiện cư trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 4: Nhiệm vụ

Tư vấn, đại diện, bào chữa miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách trong các vụ việc liên quan đến pháp luật về:

+ Hình sự, tố tụng hình sự.

+ Dân sự, hôn nhân gia đình và tố tụng.

+ Hành chính và khiếu nại, tố cáo.

+ Lao động, việc làm.

+ Đất đai, nhà ở.

+ Và các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của công dân không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

Điều 5: Quyền hạn

- Trung tâm được mời luật sư thực hiện đại diện và bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng trên trong những trường hợp có yêu cầu của đối tượng hoặc của các cơ quan, tổ chức hữu quan; trợ giúp bào chữa trong các trường hợp người nghèo, đối tượng chính sách phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý.

- Trung tâm được sử dụng cộng tác viên theo quy chế cộng tác viên do Bộ Tư pháp ban hành.

Chương III:

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 6: Những đối tượng sau đây được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí

- Người nghèo, bao gồm những người thuộc hộ đói, nghèo được xác định theo mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ/tháng và đang hưởng chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước.

- Đối tượng chính sách bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Anh hùng lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 60% trở lên; vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, con liệt sĩ dưới 18 tuổi; người có công giúp đỡ cách mạng.

- Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Điều 7: Các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình giấy chứng nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội nơi đang làm việc (đối với người nghèo); xuất trình giấy chứng nhận hoặc thẻ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp hoặc chứng nhận (đối với người thuộc đối tượng chính sách). Trong trrường hợp đặc biệt, khi đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý gặp khó khăn trong việc đi lại thì có thể ủy quyền cho thân nhân của họ để yêu cầu việc trợ giúp.

- Các đối tượng được miễn án phí theo quy định tại Điều 26 và Điều 31 Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Tòa án, cụ thể là;

+ Người lao động đòi tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

+ Người lao động đòi bồi thường thiệt hại hoặc khởi kiện vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

+ Đương sự là người lao động có khó khăn về kinh tế (UBND xã, phường, thị trấn xác nhận) khởi kiện yèu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp lao động, khiếu kiện về các quyết định hành chính nêu trên.

Chương IV

PHẠM VI VÀ PHƯƠNG THỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 8: Phạm vi trợ giúp pháp lý

- Giải đáp pháp luật.

- Hướng dẫn soạn thảo, góp ý kiến cho đơn từ, văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân.

- Hướng dẫn những thủ tục cần thiết và cung cấp địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc; cung cấp thông tin pháp lý.

- Đại diện hoặc tham gia trong các hoạt động thương lượng, ký kết, hòa giải trước cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan về các vấn đề dân sự, hôn nhân gia đình, lao động và các vấn đề pháp luật khác không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

- Trực tiếp kiến nghị hoặc đề xuất cơ quan quản lý cấp trên kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Trực tiếp mời luật sư bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp trước Tòa án cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Điều 9: Phương thức trợ giúp pháp lý

- Tư vấn trực tiếp bằng miệng, bằng văn bản, bằng thư tín, bằng điện thoại.

- Tổ chức tư vấn lưu động ở các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

- Mời cộng tác viên tư vấn, bào chữa hoặc đại diện.

- Các phương thức trợ giúp pháp lý khác.

Chương V

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ

Điều 10: Tổ chức bộ máy

- Đứng đầu Trung tâm là Giám đốc, giúp việc Giám đốc có Phó Giám đốc và các chuyên viên trợ giúp pháp lý.

+ Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Điều 11: Biên chế của Trung tâm do UBND tỉnh giao trong tổng chỉ tiêu biên chế hành chính sự nghiệp của tỉnh, gồm:

- Giám đốc, Phó Giám đốc.

- Các chuyên viên trợ giúp pháp lý về các lĩnh vực pháp luật chủ yếu sau đây:

+ Hình sự, tố tụng hình sự.

+ Dân sự, hôn nhân gia đình và tố tụng.

+ Hành chính và khiếu nại, tô cáo.

+ Lao động, việc làm.

+ Đất đai, nhà ở.

- Kế toán chuyên trách kiêm công tác hành chính, văn thư.

+ Việc tuyển dụng công chức, viên chức tại Trung tâm phải đảm bảo theo yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh của ngạch công chức, viên chức do Nhà nước quy định.

Điều 12: Giám đốc là người quản lý điều hành, chịu trách nhiệm toàn bộ về các hoạt động của Trung tâm, Giám đốc có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Xây dựng kế hoạch công tác để thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động đã được Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh phê duyệt.

- Tổ chức quản lý, bố trí cán bộ thực hiện các nhiệm vụ của Trung tâm.

- Đại diện cho Trung tâm quan hệ với các tổ chức, cá nhân khi giải quyết các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Trung tâm.

- Lập báo cáo về tình hình hoạt động của Trung tâm theo yêu cầu của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh và Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất.

Điều 13: Phó Giám đốc là người giúp việc Giám đốc và thực hiện các mặt công tác được Giám đốc phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về kết quả thực hiện các nhiệm vụ đó.

+ Khi được Giám đốc ủy quyền, Phó Giám đốc phải chịu trách nhiệm và báo cáo với Giám đốc về kết quả thực hiện công việc được ủy quyền.

Điều 14: Chuyên viên trợ giúp pháp lý là công chức Nhà nước phải có tiêu chuẩn sau đây:

- Là công dân Việt Nam.

- Có bằng cử nhân Luật hoặc tương đương và có thời gian công tác trong lĩnh vực Pháp luật từ 2 năm trở lên.

- Có phẩm chất chính trị vững vàng và tư cách đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao

- Có năng lực hành vi đầy đủ, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang chấp hành hình phạt hoặc tiền án mà chưa được xóa án.

Điều 15: Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, chuyên viên trợ giúp pháp lý và các cộng tác viên phải tuân theo những nguyên tắc nghiệp vụ cơ bản sau đây:

- Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

- Đảm bảo việc thực hiện trợ giúp pháp lý đúng đối tượng, đúng thủ tục theo từng loại việc một cách chính xác, kịp thời, khách quan và công bằng.

- Giữ uy tín và danh dự nghề nghiệp, uy tín của tổ chức trợ giúp pháp lý.

- Không được từ chối vụ việc đã nhận, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

- Không được trợ giúp pháp lý cho đối tượng có quyền lợi đối kháng trong cùng vụ việc, trừ trường hợp giải đáp pháp luật hoặc thực hiện công việc hòa giải.

- Không tiết lộ thông tin bí mật của đối tượng được trợ giúp mà mình biết khi thực hiện trợ giúp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đối tượng trợ giúp đồng ý.

- Không được hứa hẹn kết quả vụ việc đối với đối tượng trợ giúp.

- Không được đòi hỏi đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí phải trả thù lao.

- Chuyên viên trợ giúp pháp lý chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động nghề nghiệp của mình.

Điều 16: Chuyên viên trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp theo sự phân công và phải chịu trách nhiệm về phần việc được giao.

- Đề nghị tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp văn bản, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc trợ giúp pháp lý.

- Tuân thủ quy chế, nội quy của Trung tâm và các quy định về hoạt động trợ giúp pháp lý.

- Nghiên cứu, đề xuất báo cáo Giám đốc về những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết công việc cụ thể.

- Ghi chép nội dung trợ giúp đã thực hiện vào hồ sơ trợ giúp pháp lý, đối với trường hợp tư vấn pháp luật bằng miệng thì phải ghi âm, hoặc ghi trên giấy nội dung tóm tắt trợ giúp, đọc lại cho đối tượng được trợ giúp nghe và ký xác nhận, lưu giữ văn bản trợ giúp pháp lý theo quy định.

- Thực hiện việc phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân.

Chương VI:

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 17: Đối với Cục Trợ giúp pháp lý Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp     

- Trung tâm chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp.

- Trung tâm có trách nhiệm báo cáo, phản ánh, xin ý kiến hoặc đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc, vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện công tác trợ giúp pháp lý để Cục hướng dẫn về mặt chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều 18: Đối với Sở Tư pháp tỉnh

- Trong quá trình hoạt động Trung tâm chịu sự kiểm tra, giám sát trực tiếp của Sở Tư pháp tỉnh trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.

- Báo cáo kịp thời theo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình hoạt động của Trung tâm theo yêu cầu của Sở.

Điều 19: Đối với các sở, ban, ngành và tương đương Trung tâm có trách nhiệm phối hợp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 20: Về kinh phí, hàng năm căn cứ vào chế độ, quy định của Nhà nước, nội dung hoạt động, nhu cầu chi tiêu, Trung tâm lập dự toán gửi Sở Tư pháp tỉnh, để tổng hợp chung vào dự toán kinh phí của Sở trình UBND tỉnh duyệt cấp.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Việc bổ sung sửa đổi quy chế này do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Điều 22: Tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật có thành viên làm cộng tác viên tình nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí được Trung tâm xác nhận để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện chính sách đối với tổ chức đó theo quy định.

Điều 23: Người nào vi phạm pháp luật trong khi trợ giúp pháp lý thì tùy theo mức độ nặng, nhẹ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại vật chất theo quy định của pháp luật.

Điều 24: Giám đốc, Phó Giám đốc, chuyên viên trợ giúp pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý có trách nhiệm triển khai tổ chức thực hiện quy chế này.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Trọng Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.