CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Về việc triển khai thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước
___________
Thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã triển khai nhiều công tác nhằm đảm bảo cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ ở địa phương tham gia quản lý Nhà nước theo tinh thần Quyết định 163/HĐBT ngày 19/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Kết quả vai trò trách nhiệm của Hội phụ nữ các cấp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực từng bước được nâng lên, vai trò của phụ nữ trong các hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội ngày càng dược phát huy, từ đó đã góp phần tích cực cùng chính quyền địa phương thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 163/HĐBT trên địa bàn tỉnh cũng còn những tồn tại nhất định, đó là việc các cấp chính quyền phối hợp và tạo điều kiện cho Hội Phụ nữ cùng cấp ở địa phương tham gia hoạt động quản lý Nhà nước chưa được thường xuyên, nề nếp, một số nội dung, lĩnh vực quản lý Nhà nước cần có sự tham gia trực tiếp của các cấp Hội Phụ nữ như góp ý văn bản, tham gia các tổ chức tư vấn về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là tại một số địa phương trong tỉnh, chính quyền chưa chủ động phối hợp hoạt động và chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, có nơi việc triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, chất lượng thấp.
Ngày 07/3/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2003/NĐ-CP quy định trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước. Nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ, từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong quá trình thực hiện Quyết định 163/HĐBT ngày 19/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ tại các địa phương trong tỉnh. Thành viên bao gồm:
- Đồng chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã làm Trưởng ban chỉ đạo.
- Đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ là Phó ban thường trực.
- Đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Chính quyền là phó ban chỉ đạo (cấp huyện là đại diện lãnh đạo phòng Tổ chức lao động TBXH là phó ban chỉ đạo).
- Các thành viên khác gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Tư pháp, Liên đoàn lao động, tổ chức đảng và đồng chí Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Ban chỉ đạo các cấp có trách nhiệm cụ thể hóa xây dựng và tổ chức chỉ đạo, thực hiện kế hoạch triển khai Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban chỉ đạo. Gắn kế hoạch triển khai Nghị định 19/2003/NĐ-CP với kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tỉnh BR-VT.
Ban chỉ đạo các cấp xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên, quy định lề lối làm việc và mối quan hệ công tác của Ban chỉ đạo.
2. Tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp trong tỉnh, nhất là các đồng chí lãnh đạo chính quyền và Hội phụ nữ nắm vững tinh thần, nội dung của Nghị định để chỉ đạo và tổ chức thực hiện thống nhất từ trên xuống dưới.
Giao Ban Tổ chức Chính quyền tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai ở cấp tỉnh.
Trên cơ sở Hội nghị quán triệt và triển khai ở cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Hội phụ nữ cùng cấp tổ chức hội nghị quán triệt ở cấp mình và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ tới từng ban, ngành chức năng và thôn, ấp, khu phố.
3. Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp ở địa phương (UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp) có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội phụ nữ cùng cấp tham gia các hoạt động quản lý Nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em, cụ thể là:
3.1 Mời đại diện Hội phụ nữ cùng cấp tham gia thảo luận hoặc gửi dự thảo văn bản để Hội phụ nữ góp ý kiến khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; khi xây dựng bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
Sở Tư pháp tham mưu trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh.
3.2 Mời đại diện Hội phụ nữ cùng cấp tham gia với tư cách là thành viên chính thức của các tổ chức tư vấn (Hội dồng, Ban chỉ đạo...) về các vấn đề có liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát lại các tổ chức tư vấn về các vấn đề có liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Nếu các tổ chức tư vấn đó chưa có đại diện Hội phụ nữ tham gia làm thành viên chính thức, cần kịp thời bổ sung.
3.3 Định kỳ hàng quý phối hợp với Hội phụ nữ cùng cấp tổ chức các cuộc họp để thu thập ý kiến về tình hình thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách và phát hiện những hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, trẻ em để giải quyết kịp thời.
4. Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của các cấp Hội phụ nữ như hỗ trợ kinh phí, điều kiện và phương tiện làm việc, các hoạt động gây quỹ Hội, tổ chức sản xuất, dịch vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ phù hợp với luật pháp và chính sách của Nhà nước.
Sở Tài chính - Vật giá và các sở, ban, ngành chức năng liên quan phối hợp với Hội phụ nữ tỉnh có kế hoạch tạo điều kiện và hỗ trợ cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt.
5. Sở Văn hóa - Thông tin, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có kế hoạch tuyên truyền về bình đẳng giới, luật pháp chính sách đối với phụ nữ và nội dung tinh thần Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao trách nhiệm và thu hút sự tham gia rộng rãi của các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện.
6. Nhằm duy trì mối quan hệ phối hợp giữa UBND với Hội phụ nữ, để UBND thực hiện tốt chức trách của mình trong việc bảo đảm cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước, UBND tỉnh quy định:
- Ít nhất 6 tháng 1 lần, Thường trực UBND tỉnh; 3 tháng 1 lần Thường trực UBND huyện, thị xã, thành phố và xã phường, thị trấn làm việc với Ban thường trực Hội phụ nữ cùng cấp về tình hình hoạt động của Hội phụ nữ, việc thực hiện luật pháp, chính sách và đề xuất của Hội phụ nữ về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; kiểm điểm việc thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP và Chỉ thị này, đồng thời thảo luận và xây dựng kế hoạch phối hợp cho các hoạt động tiếp theo.
- Mỗi năm một lần sơ kết ở cấp huyện, xã và hai năm 1 lần sơ kết ở cấp tỉnh.
7. Đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp ở tỉnh:
- Rà soát lại thực trạng đội ngũ cán bộ Hội; trên cơ sở đó đề ra và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ để cán bộ Hội phụ nữ tham gia có chất lượng trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội có liên quan theo quy định.
- Chủ động phối hợp với cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp ở địa phương để thực hiện và phát huy vai trò của mình trong việc tham gia quản lý Nhà nước theo quy định; kịp thời phản ánh, kiến nghị các cơ quan hành chính Nhà nước những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em và những vấn đề khác nhằm duy trì và thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp trong quản lý Nhà nước giữa cơ quan hành chính Nhà nước với Hội phụ nữ cùng cấp.
Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP của tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc chấp hành Chỉ thị này và định kỳ hàng quý báo cáo UBND tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện./.