• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/03/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 16/07/2015
BỘ NỘI VỤ
Số: 28/2005/QĐ-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 25 tháng 2 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức y tế công cộng

 

BÔ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

 

Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Nội vụ;

Căn cứ đề nghị của Bộ Y tế tại công văn số 766/YT-TCCB ngày 28 tháng 01 năm 2005;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức y tế công cộng (có bản tiêu chuẩn nghiệp vụ kèm theo) gồm:

1. Y tế công cộng - Mã số ngạch 16a.198.

2. Y tế công cộng chính - Mã số ngạch 16a.197.

Điều 2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch trên là căn cứ để các Bộ, ngành và địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức trong lĩnh vực y tế công cộng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TIÊU CHUẨN

Nghiệp vụ các ngạch viên chức y tế công cộng

 

(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2005/QĐ-BNV ngày 25/02/2005

của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Y TẾ CÔNG CỘNG

1. Chức trách:

Là viên chức chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế thực hiện phòng bệnh, phòng chống dịch, chẩn đoán tình trạng sức khoẻ của cộng đồng; xác định được những nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ liên quan tới tình trạng sức khoẻ bệnh tật của cộng đồng; tham gia xây dựng phương hướng và tham gia đề xuất các giải pháp bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng.

Nhiệm vụ cụ thể:

a) Chẩn đoán sức khoẻ của cộng đồng:

- Tham gia xây dựng và triển khai các nghiên cứu Dịch tễ học cơ bản nhằm xác định những nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ tác động đến sức khoẻ của cộng đồng.

- Tham gia thảo luận nhóm cùng với các đại diện của cộng đồng và tiến hành các bước để chẩn đoán sức khoẻ cộng đồng, xác định những vấn đề sức khoẻ ưu tiên để giải quyết.

- Tham gia xây dựng hệ thống giám sát liên tục về tình trạng sức khoẻ của cộng đồng, đánh giá những điểm mạnh, yếu của một hệ thống giám sát để phát hiện được những khả năng gây sai số chính của hệ thống giám sát đó.

- Phân tích những tư liệu thu thập được qua hệ thống giám sát để rút ra những kết luận có ý nghĩa, phục vụ cho việc lập kế hoạch chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

b) Lập kế hoạch xử lý các vấn đề sức khoẻ ưu tiên đã được chẩn đoán:

- Tổng hợp những kết quả nghiên cứu và các số liệu từ hệ thống giám sát để xác định những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề sức khoẻ ưu tiên đã được xác định.

- Tham gia xây dựng kế hoạch xử lý các vấn đề sức khoẻ ưu tiên dựa trên cơ sở những nguồn lực sẵn có trong cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng, đề xuất những giải pháp thích hợp nhằm giải quyết có hiệu quả nhất các vấn đề sức khoẻ ưu tiên của cộng đồng.

- Tham gia xây dựng kế hoạch giám sát hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch xử lý các vấn đề sức khoẻ cộng đồng.

- Đưa ra các đề xuất làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách trên cơ sở những bằng chứng nghiên cứu khoa học chính xác và dựa trên những giá trị công cộng cũng như những ý kiến của cộng đồng.

c) Thực hiện kế hoạch đề ra và đánh giá hiệu quả:

- Tổ chức điều phối và tham gia thực hiện các giải pháp theo kế hoạch đã đề ra.

- Tổ chức thực hiện việc huy động các nguồn lực của cộng đồng cùng tham gia thực hiện các giải pháp theo kế hoạch đề ra.

- Thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, hướng dẫn các biện pháp thích hợp để quản lý sức khoẻ cho các đối tượng trong cộng đồng, tham gia công tác chỉ đạo tuyến trước và chăm sóc sức khoẻ ban đầu khi có yêu cầu.

- Tham gia giám sát, đánh giá tiến độ, hiệu quả việc thực hiện kế hoạch đề ra và đề xuất bổ sung, sửa đổi kế hoạch khi cần thiết.

- Thực hiện việc thống kê, báo cáo với các cấp có liên quan tiến trình thực hiện kế hoạch và những nhu cầu nảy sinh.

- Tham gia đề xuất các biện pháp để duy trì và mở rộng các kế hoạch chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

d) Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, cấp tỉnh.

đ) Hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành cho viên chức các ngạch thấp hơn thuộc chuyên ngành khác hoặc học sinh và sinh viên đến thực tập.

e) Quản lý các nguồn lực thuộc phạm vi được phân công phụ trách.

2. Hiểu biết:

- Chức năng, nhiệm vụ của viên chức hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

- Có các kiến thức về khoa học xã hội - hành vi và giáo dục sức khoẻ, khoa học cơ bản, y học cơ sở, khoa học quản lý y tế, khoa học về sức khoẻ cộng đồng, khoa học về sức khoẻ môi trường - vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, các chủ trương chính sách của Nhà nước, của ngành y tế và phương hướng phát triển chuyên môn kỹ thuật của chuyên ngành Y tế công cộng ở Việt Nam.

- Thực tiễn sản xuất, xã hội và đời sống liên quan đến hoạt động của nhiệm vụ được giao.

- Phương pháp nghiên cứu khoa học về Y tế công cộng.

3. Yêu cầu trình độ:

- Tốt nghiệp đại học thuộc các chuyên ngành Y tế công cộng.

- Sử dụng được một ngoại ngữ trình độ A; trường hợp công tác tại vùng có người dân tộc thiểu số nếu sử dụng được một thứ tiếng dân tộc trong hoạt động chuyên môn thì được thay thế ngoại ngữ trình độ A.

- Đạt trình độ cơ bản về tin học, sử dụng được một số phần mềm để phân tích số liệu trong Y tế.

Y TẾ CÔNG CỘNG CHÍNH

1. Chức trách:

Là viên chức chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế, chủ trì tổ chức và thực hiện công tác phòng bệnh, phòng chống dịch, chẩn đoán tình trạng sức khỏe của cộng đồng; xác định được những nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ liên quan đến tình trạng sức khỏe, bệnh tật của cộng đồng; xác định được phương hướng và đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

Nhiệm vụ cụ thể:

a) Chẩn đoán sức khoẻ của cộng đồng:

- Chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai các nghiên cứu khoa học để xác định những nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ tác động đến những vấn đề sức khỏe ưu tiên của cộng đồng.

- Chủ trì tổ chức xây dựng một hệ thống giám sát liên tục về tình trạng sức khoẻ của cộng đồng và tổ chức thực hiện các biện pháp hạn chế được những khả năng gây sai số chính của hệ thống giám sát đó.

- Chủ trì tổ chức xác định vấn đề sức khoẻ và những vấn đề sức khoẻ ưu tiên của cộng đồng dựa trên những kết luận rút ra từ những tư liệu thu thập được thông qua hệ thống giám sát.

- Chủ trì tổ chức và điều hành nhóm làm việc để cùng thảo luận với những đại điện của cộng đồng nhằm tiến hành chẩn đoán sức khoẻ cộng đồng, xác định những vấn đề sức khoẻ ưu tiên để giải quyết.

b) Lập kế hoạch xử lý những vấn đề sức khoẻ ưu tiên đã được chẩn đoán:

- Chủ trì việc lập kế hoạch và tổ chức điều hành quá trình triển khai thực hiện kế hoạch về chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

- Chủ trì tổ chức lựa chọn, cân nhắc những giải pháp có hiệu quả cao nhất trong việc giải quyết các vấn đề sức khoẻ ưu tiên của cộng đồng dựa trên cơ sở những nguồn lực sẵn có trong cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng.

- Chủ trì tổ chức xây dựng kế hoạch giám sát hỗ trợ và kế hoạch đánh giá quá trình triển khai thực hiện kế hoạch khi được phân công.

- Tổng hợp và phân tích các đề xuất cho việc hoạch định xây dựng chính sách về sức khoẻ cộng đồng dựa trên những bằng chứng nghiên cứu khoa học chính xác và những giá trị công cộng cũng như những ý kiến của cộng đồng.

c) Thực hiện kế hoạch đề ra và đánh giá hiệu quả:

- Chủ trì điều phối và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra.

- Chủ trì tổ chức thực hiện việc huy động các nguồn lực của cộng đồng cùng tham gia thực hiện các giải pháp theo kế hoạch đề ra.

- Chủ trì tổ chức thực hiện công tác thông tin giáo dục và truyền thông bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng; xác định và tổ chức thực hiện các biện pháp thích hợp để quản lý sức khỏe của cộng đồng.

- Chủ trì tổ chức giám sát, đánh giá tiến độ, hiệu quả việc thực hiện kế hoạch đề ra và bổ sung, sửa đổi kế hoạch khi cần thiết.

- Tổ chức thực hiện việc thông báo thường xuyên với các cấp có liên quan tiến trình thực hiện kế hoạch và những nhu cầu nảy sinh.

- Chủ trì việc đề xuất và tổ chức thực hiện các biện pháp để duy trì và mở rộng các kể hoạch chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

d) Chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp ngành, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia.

đ) Trực tiếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành cho viên chức Y tế công cộng ngạch thấp hơn hoặc học sinh, sinh viên thực tập.

e) Tổ chức hoặc trực tiếp tham gia chỉ đạo tuyến trước về chuyên môn kỹ thuật thuộc chuyên ngành Y tế công cộng.

g) Tham gia đánh giá, phê duyệt kế hoạch chăm sóc bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi có yêu cầu.

2. Hiểu biết:

- Chức năng, nhiệm vụ của viên chức hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

- Những kiến thức cơ bản của các môn học về khoa học xã hội – hành vi và giáo dục sức khoẻ, khoa học cơ bản, y học cơ sở, khoa học quản lý y tế, khoa học về sức khoẻ cộng đồng, khoa học về sức khoẻ môi trường - vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp; ứng dụng vào công tác phòng bệnh, vệ sinh phòng dịch, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

- Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các luật có liên quan, cũng như các văn bản hướng dẫn những chủ trương chính sách của Nhà nước, của ngành Y tế.

- Am hiểu thực tiễn sản xuất, xã hội và đời sống liên quan đến các nhiệm vụ được giao.

- Phương hướng phát triển chuyên môn kỹ thuật của chuyên ngành Y tế công cộng ở trong nước và trên thế giới.

- Phương pháp nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Y tế công cộng.

3. Yêu cầu trình độ:

- Là viên chức ở ngạch Y tế cộng cộng có thâm niên tối thiểu là 9 năm, đạt những tiêu chuẩn trên.

- Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Y tế công cộng hoặc Chuyên khoa cấp I.

- Sử dụng được một ngoại ngữ trình độ B; trường hợp công tác tại vùng có người dân tộc thiểu số nếu sử dụng thành thạo được một thứ tiếng dân tộc trong hoạt động chuyên môn thì được thay thế ngoại ngữ trình độ B.

- Sử dụng thành thạo các phần mềm tin học ứng dựng trong việc phân tích các số liệu trong y tế.

- Có ít nhất một đề án sáng tạo hoặc công trình nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học cấp ngành hoặc cấp tỉnh thừa nhận và áp dụng có hiệu quả./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Quang Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.