• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/10/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 05/07/2008
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 190/2003/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 16 tháng 9 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH 

Về chính sách di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003 - 2010

____________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tờ trình số 223/BNN-ĐCĐC ngày 30 tháng 01 năm 2003) và ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Tư pháp và Ủy ban Dân tộc,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chính sách di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003 - 2010, bao gồm những nội dung sau:

1. Mục tiêu:

Từ nay đến năm 2010 bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết nhằm khai thác tiềm năng lao động, đất đai phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống của người dân; hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng dân di cư tự do; đồng thời hình thành các điểm dân cư mới, có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội một cách bền vững cho người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

2. Phạm vi áp dụng:

Chính sách này áp dụng cho việc di dân nhằm thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư theo kế hoạch của Nhà nước thuộc khu vực nông thôn. Riêng trường hợp di dân và ổn định dân cư tại các xã biên giới Việt - Trung thực hiện theo quy định tại Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Đối tượng áp dụng:

a) Hộ phải di dân vì điều kiện sản xuất và đời sống quá khó khăn, bao gồm: hộ du canh du cư; hộ mất đất ở, đất sản xuất do thiên tai; hộ sống ở nơi đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; hộ di dân đến khu kinh tế - quốc phòng và hộ dân cần phải đưa ra khỏi các khu rừng đặc dụng.

b) Hộ di dân đến các xã biên giới, hải đảo.

c) Cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, trí thức trẻ đang làm nhiệm vụ ở các vùng dự án di dân, có nhu cầu đưa gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con) đến định cư lâu dài hoặc lập gia đình mới và tự nguyện định cư lâu dài tại vùng dự án.

d) Hộ tự nguyện di dân đến các vùng kinh tế mới để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và phát triển ngành nghề khác.

d) Hộ di dân tự do đang ở trong các khu rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cần phải chuyển ra khỏi các khu rừng đó.

4. Nguyên tắc chung thực hiện chính sách:

a) Nhà nước tạo điều kiện xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phát triển các dịch vụ sản xuất để khuyến khích các hộ tham gia khai hoang, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và phát triển ngành nghề khác.

b) Tập trung đầu tư và ưu tiên hỗ trợ cho cộng đồng dân cư vùng dự án và các hộ chuyển đến định cư ở xã biên giới, hải đảo, các hộ ở vùng bị thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn và các hộ cần phải bố trí lại nhằm ổn định sản xuất và đời sống tại chỗ cho đồng bào, hạn chế dân di cư tự do.

Điều 2. Những chính sách cụ thể

1. Nguyên tắc và nội dung hỗ trợ:

a) Đất ở và đất sản xuất: Ban Quản lý dự án tổ chức khai hoang hoặc giao cho hộ tự khai hoang để bố trí đất ở, đất sản xuất cho hộ di dân tại nơi định cư mới. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân tỉnh) quy định cụ thể về mức diện tích đất bố trí cho các hộ. Việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ thực hiện theo quy định hiện hành.

b) Chi phí di chuyển người, hành lý, thuốc phòng bệnh, ăn uống trên đường di chuyển tính theo cự ly di chuyển.

c) Hỗ trợ làm mới hoặc chuyển nhà từ nơi ở cũ đến nơi định cư mới.

d) Cấp tiền mua lương thực trong thời gian 12 tháng đầu tính từ khi đến vùng dự án.

đ) Xây dựng giếng nước hoặc ống dẫn nước, bể chứa nước.

e) Hỗ trợ mua sắm công cụ sản xuất; giống cây lương thực, phân bón cho vụ đầu; tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công.

Ngoài nội dung hỗ trợ nêu trên hộ di dân khi đến nơi dịnh cư mới được hưởng các quyền lợi khác như người dân tại chỗ.

2. Mức hỗ trợ cụ thể:

a) Đối với hộ di dân thuộc các đối tượng quy định tại mục a, b, c khoản 3 Điều 1 của Quyết định này được hỗ trợ.

Hỗ trợ khai hoang xây dựng đồng ruộng hoặc nương cố định: từ 2 triệu đồng/ha đến 5 triệu đồng/ha.

Hộ di dân đến xã biên giới: 15 triệu đồng/hộ.

Hộ di dân ra hải đảo: từ 50 triệu đồng/hộ đến 100 triệu đồng/hộ.

Hộ di dân do điều kiện sống và sản xuất quá khó khăn đến các dự án trong tỉnh và ngoài tỉnh: từ 2 triệu đồng/hộ đến 8 triệu đồng/hộ.

Ngoài mức hỗ trợ nêu trên hộ di dân đến vùng trũng thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ thêm 700.000 đồng/hộ để mua 01 chiếc xuồng làm phương tiện đi lại; hộ di dân từ vùng đồng bằng, trung du, miền núi lên vùng cao được hỗ trợ thêm tiền di chuyển 500.000 đồng/hộ (tên xã, huyện thuộc vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc).

b) Đối với hộ thuộc đối tượng tự nguyện di dân đến các vùng kinh tế mới để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và phát triển ngành nghề khác:

Tự lo chi phí di chuyển, làm nhà ở, đầu tư cho sản xuất và đời sống.

Về đất ở, đất sản xuất: nếu là hộ thuộc diện nghèo thì được Ban Quản lý dự án khai hoang hoặc giao cho hộ tự khai hoang để bố trí đất ở, đất sản xuất và được cấp có thẩm quyền giao đất không thu tiền sử dụng đất. Các hộ khác được Ban Quản lý dự án khai hoang bố trí đất ở, đất sản xuất và được cấp có thẩm quyền giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định hiện hành. Mức diện tích đất để bố trí cho các hộ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

c) Đối với hộ di dân tự do đang ở trong các khu rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cần phải chuyển ra khỏi các khu rừng:

Nếu hộ tự nguyện chấp hành theo bố trí của chính quyền các cấp ở địa phương nơi đến thì được xem xét giao đất ở, đất sản xuất theo mức và điều kiện giao đất do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

Trường hợp là hộ dân tộc thiểu số, đời sống quá khó khăn thì được xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để di chuyển, mua lương thực trong thời gian đầu, mua giống cây lương thực, phân bón và giải quyết nước sinh hoạt. Mức hỗ trợ cụ thể do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định nhưng không quá 3 triệu đồng/hộ; được xem xét hỗ trợ làm nhà ở áp dụng theo quy định tại Quyết định số 155/2002/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và hộ dân tộc thuộc diện chính sách ở các tỉnh vùng Tây Nguyên mua trả chậm nhà ở.

Đối với hộ không chấp hành định cư theo bố trí của chính quyền các cấp ở địa phương thì Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có dân đến tiến hành cưỡng chế ra khỏi các khu rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và thông báo cho chính quyền địa phương nơi có dân đi tự bố trí kinh phí, tổ chức đón họ trở lại nơi ở cũ (nơi có đăng, ký hộ khẩu thường trú) và tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định lại đời sống và sản xuất.

3. Chính sách hỗ trợ cộng đồng vùng dự án:

a) Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng bao gồm: đường giao thông nội vùng, thủy lợi nhỏ, phòng học, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt, xây dựng trạm hạ thế và đường dây điện từ trạm hạ thế đến trung tâm khu dân cư hoặc trạm thủy điện nhỏ ở những nơi có điều kiện, khai hoang đất ở, đất sản xuất tại những vùng dự án di dân tập trung.

b) Ở những xã tiếp nhận các hộ thuộc đối tượng quy định tại mục a, khoản 3 Điều 1 của Quyết định này, đến định cư xen ghép thì xã nhận dân được hỗ trợ một khoản kinh phí là 20 triệu đồng/hộ để làm các việc:

Điều chỉnh đất ở và đất sản xuất để giao cho các hộ mới đến, bao gồm: khai hoang, đền bù theo quy định khi thu hồi đất của tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất để giao cho hộ.

Xây dựng mới hoặc nâng cấp một số công trình hạ tầng thiết yếu như: lớp học, trạm xá, thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, công trình cấp nước công cộng. Việc lựa chọn xây dựng thêm hoặc nâng cấp công trình phải có sự bàn bạc dân chủ, thống nhất với nhân dân trong xã hoặc thôn bản.

Điều 3. Trách nhiệm của hộ di dân:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và những quy định của chính quyền địa phương nơi đi, nơi đến.

b) Thực hiện đầy đủ các quy định về di dân, chế độ đăng ký hộ tịch, hộ khẩu tại nơi định cư mới; sử dụng đất đai và các tài nguyên theo đúng pháp luật; đoàn kết, tôn trọng phong tục, tập quán và tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc tại nơi định cư mới.

c) Sử dụng kinh phí hỗ trợ của nhà nước đúng quy định và có hiệu quả.

Điều 4. Về nguồn vốn đầu tư:

Ngân sách trung ương đầu tư cho các dự án: di dân ra biên giới, hải đảo; di dân vì điều kiện sản xuất quá khó khăn; di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở nơi diện tích đất hoang hóa còn lớn, tập trung, có khả năng tiếp nhận nhiều dân cư ngoài vùng.

Đối với dự án ổn định dân di cư tự do, tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét việc đầu tư.

Ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các dự án di dân nội vùng nhằm thực hiện việc bố trí lại dân cư, khai thác đất hoang hóa phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển ngành nghề.

Điều 5. Tổ chức thực hiện:

1. Trách nhiệm của các bộ, ngành:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh:

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch về lĩnh vực di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư toàn quốc.

Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch về di dân tại các địa phương; đề xuất các giải pháp để tổ chức quản lý và thực hiện có hiệu quả chính sách di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư.

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh về quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện dự án di dân theo quy định hiện hành.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện chính sách di dân quy định tại Quyết định này.

Xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức chuyên ngành từ trung ương đến địa phương đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước về di dân.

b) Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp kế hoạch dài hạn và hàng năm về di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của từng ngành và bố trí vốn đầu tư cho các dự án di dân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Quyết định này.

d) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tổ chức vận động nhân dân, tham gia giám sát các cấp, các ngành thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh:

a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về di dân, bố trí dân cư, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Chỉ đạo việc lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư, công bố các dự án, chính sách di dân và hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện; hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện di dân báo cáo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.

c) Kiểm tra, giám sát việc quản lý, tổ chức thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hiệu quả về hỗ trợ và đầu tư nhằm tạo điều kiện để người dân sớm ổn định sản xuất và đời sống tại nơi định cư mới.

d) Huy động và lồng ghép các nguồn vốn bao gồm vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp để đầu tư cho dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và việc làm, Chương trình 135...; bố trí nguồn vốn được ngân sách trung ương đầu tư và ngân sách địa phương, nguồn vốn vay tín dụng, vốn viện trợ (nếu có) trên cùng một địa bàn để thực hiện dự án và đảm bảo hiệu quả đầu tư.

đ) Phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm theo pháp luật những hành vi lừa đảo, dụ dỗ đồng bào rời bỏ quê hương di cư tự do gây hậu quả xấu hoặc vi phạm pháp luật.

e) Xây dựng, củng cố cơ quan chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ di dân, quy hoạch, bố trí dân cư của địa phương.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.