• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/11/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2008
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ NGOẠI GIAO
Số: 88/2001/TTLT/BTC-BGDĐT-BNG
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 6 tháng 11 năm 2001

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý và cấp phát nguồn kinh phí ngân sách nhà nước

dành cho Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở các cơ sở

đào tạo nước ngoài"

____________________

 

Căn cứ Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án " Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng Ngân sách Nhà nước".

Căn cứ Quyết định số 77/2001/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chi phí cho việc đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước.

Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện việc quản lý và cấp phát nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước dành cho Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học,kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài " như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng đào tạo:

Trong Thông tư này đối tượng đào tạo theo đề án "Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở các cơ sở đào tạo nước ngoài " được hiểu là tất cả các đối tượng đào tạo được nêu tại điểm 2a Điều 1 của Quyết định 322/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Lưu học sinh), cụ thể bao gồm:

Cán bộ khoa học, kỹ thuật, các nhà giáo, cán bộ quản lý khoa học, kỹ thuật đang công tác tại các trường đại học, các viện nghiện cứu khoa học, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các trung tâm công nghệ cao, cán bộ khoa học kỹ thuật đang trực tiếp chỉ đạo sản xuất kinh doanh, tham gia hoạch định chính sách phát triển kinh tế- xã hội, học sinh, sinh viên giỏi có tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt, theo các độ tuổi: dưới 40 tuổi đối với đào tạo trình độ tiến sĩ, dưới 35 tuổi đối với đào tạo thạc sĩ, dưới 50 tuổi đối với thực tập, khảo sát khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn, dưới 22 tuổi đối với đào tạo trình độ đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn và gửi đi đào tạo tại các cơ sở nước ngoài.

2. Chi phí cho đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước bao gồm :

2.1 Chi phí cho cơ sở đào tạo và lưu học sinh:

a/ Đối với hình thức đào tạo ở nước ngoài: Ngân sách nhà nước đài thọ toàn bộ.

b/ Đối với hình thức đào tạo ở cơ sở đào tạo nước ngoài nhưng đặt tại Việt Nam: Ngân sách nhà nước đài thọ phần chi phí phải trả cho cơ sở đào tạo, Lưu học sinh được hưởng mức hỗ trợ cho học tập theo qui định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

c/ Đối với hình thức đào tạo hỗn hợp: Ngân sách nhà nước đài thọ theo thoả thuận cụ thể của hiệp định Chính phủ hoặc hợp đồng đào tạo cụ thể.

d/ Đối với hình thức đào tạo phối hợp (hình thức đào tạo sandwich - tức là Lưu học sinh học tập tại Việt Nam một thời gian nhất định và phần thời gian còn lại Lưu học sinh học tập tại cơ sở đào tạo ở nước ngoài): Ngân sách nhà nước đài thọ toàn bộ hoặc một phần theo thoả thuận của hiệp định hoặc hợp đồng đào tạo cụ thể.

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cử nhân sự đi đào tạo cần ghi rõ về thời gian đào tạo, cấp bậc đào tạo, hình thức đào tạo và phương thức đài thọ chi phí đào tạo từ ngân sách nhà nước để có căn cứ cấp phát cho đối tượng được cử đi đào tạo.

2.2 Các chi phí khác:

- Phí dịch vụ trả cho tổ chức dịch vụ theo hợp đồng ( nếu có)

- Chi phí bồi dưỡng ngoại ngữ trong nước cho các cán bộ khoa học kỹ thuật được cử đi học.

- Chi phí tổ chức tuyển chọn, chi đoàn ra, đoàn vào và chi phí văn phòng có liên quan đến đề án...

3. Trách nhiệm của các cơ quan :

3.1 Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm tuyển sinh, tiếp nhận và quản lý kinh phí do Nhà nước cấp phát (cả nội tệ và ngoại tệ) của đề án và thực hiện chi trả cho các đối tượng qui định tại mục 1, 2 phần I Thông tư này. Việc quản lý, lập dự toán, quyết toán kinh phí thuộc Đề án được thực hiện theo chế độ hiện hành.

3.2 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (kể cả những nơi đã có cán bộ chuyên trách của Bộ giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác quản lý Lưu học sinh theo quy định hiện hành và trong trường hợp được Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ quyền, tiến hành kí kết hợp đồng đào tạo với cơ sở đào tạo nước ngoài, tiếp nhận kinh phí đào tạo, thực hiện thanh toán cho cơ sở đào tạo và cấp phát sinh hoạt phí cho Lưu học sinh; báo cáo thanh, quyết toán với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3.3 Bộ Tài chính thực hiện việc cấp phát kinh phí đào tạo cho Lưu học sinh (kể cả nội tệ và ngoại tệ) theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hình thức cấp phát bằng lệnh chi tiền theo dự toán kinh phí chi đào tạo đề án của quí/năm đồng thời có trách nhiệm kiểm tra quyết toán các khoản chi của đề án, và kiến nghị những biện pháp xử lý cần thiết đối với các trường hợp chi trả sai đối tượng hoặc vượt quá qui định của thông tư này.

4. Trách nhiệm của Lưu học sinh:

4.1 Hết năm học và khi kết thúc khoá học, Lưu học sinh phải gửi báo cáo kết quả học tập (có xác nhận của nhà trường và cơ quan đại diệnViệt Nam tại nước sở tại) cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc gửi thẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Công tác Chính trị ) nếu ở nước sở tại không có cơ quan đại diện Việt Nam.

Nếu Lưu học sinh không thực hiện đúng cam kết theo qui định của nhà trường và bị kéo dài thời gian học tập so với quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Lưu học sinh phải chịu mọi chi phí đào tạo cho đến khi nhận được bằng tốt nghiệp, Ngân sách nhà nước không đài thọ chi phí đào tạo cho thời gian kéo dài .

Trường hợp đặc biệt vì lí do khách quan dẫn tới thời gian học tập cần được kéo dài, Lưu học sinh phải có đơn trình bày gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (có xác nhận của nhà trường và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại) để xem xét và quyết định. Trường hợp Lưu học sinh được phép kéo dài thời gian học tập thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định bổ sung và thông báo cho Bộ Tài chính và cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để có căn cứ cấp phát và quản lý .

4.2 Những Lưu học sinh đã được đào tạo xong nhưng không chịu về nước hoặc về nước nhưng không nhận công tác theo sự phân công của Nhà nước thì phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo. Việc bồi hoàn chi phí đào tạo được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 75/2000/TTLB/BTC-GDDT ngày 20/07/2000 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và đào tạo.

5. Những khoản thu được từ Lưu học sinh: tiền bồi hoàn do Lưu học sinh tự ý ở lại nước ngoài, thu lại khoản tiền do ngân sách nhà nước đài thọ, phải nộp vào quĩ tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nếu như khoản thu này phát sinh tại nước ngoài) hoặc nộp vào Ngân sách nhà nước (nếu như khoản thu này phát sinh tại Việt Nam).

II. QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1. Chi phí cho việc đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bao gồm: học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, tiền vé máy bay khi đi và về nước cho Lưu học sinh. Cụ thể là:

1.1. Học phí: là khoản kinh phí phải thanh toán cho cơ sở đào tạo nước ngoài được xác định trên cơ sở:

a / Mức học phí được thoả thuận trong hợp đồng ký giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc cá nhân Lưu học sinh (có xác nhận của Đại diệnViệt Nam ở nước sở tại) với cơ sở đào tạo nước ngoài.

b/ Mức học phí được các cơ sở đào tạo thông báo trong giấy báo tiếp nhận đối với Lưu học sinh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận.

1.2 Sinh hoạt phí của Lưu học sinh được tính toán để bảo đảm nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt của Lưu học sinh (bao gồm tiền ăn, ở, chi phí đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập). Lưu học sinh được hưởng mức sinh hoạt phí qui định tại phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

Trường hợp giá sinh hoạt tại nước có Lưu học sinh đang theo học có sự tăng nhanh, ảnh hưởng tới đời sống của người Việt Nam đang công tác và học tập tại đó thì việc xem xét điều chỉnh sinh hoạt phí cho Lưu học sinh được thực hiện đồng thời với việc xem xét điều chỉnh sinh hoạt phí cho cán bộ cơ quan đại diệnViệt nam ở nước ngoài .

Tiền sinh hoạt phí được cấp cho Lưu học sinh 06 tháng 1 lần tính từ thời điểm Lưu học sinh nhập học (có xác nhận của cơ sở đào tạo hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại).

Đối với Lưu học sinh đào tạo ở nước ngoài, trước khi lên đường đi học sẽ được cấp tạm ứng 03 tháng sinh hoạt phí đầu tiên.

1.3. Bảo hiểm y tế: Mức bảo hiểm y tế đối với Lưu học sinh được cấp theo mức bảo hiểm y tế tối thiểu áp dụng chung cho Lưu học sinh học nước ngoài ở nước sở tại.

1.4. Tiền vé máy bay khi đến nhập học và khi về nước:

a/ Vé máy bay lúc đi được cấp theo giấy báo giá của Quầy ngân sách của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam hoặc giấy báo giá của Hãng hàng không nước ngoài có giá thấp hơn Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

b/ Vé máy bay lúc về nước được cấp thanh toán theo hình thức PTA thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, hoặc cấp trực tiếp cho Lưu học sinh. Trong trường hợp Lưu học sinh tự mua vé lượt về thì khi về nước sẽ thanh toán hoàn trả trực tiếp cho Lưu học sinh theo hoá đơn thu tiền và cuống vé máy bay, nhưng tối đa chỉ bằng mức gửi vé PTA tại Việt Nam cho hạng thường (hạng Economy) và tuyến bay trực tiếp ngắn nhất.

1.5 Chi phí đi đường (để bù đắp các khoản lệ phí sân bay Việt Nam và thuê phương tiện từ sân bay về nơi ở) được cấp một lần với mức khoán: 100 USD/ một lần/ người.

2. Mức chi phí đào tạo toàn phần theo hợp đồng trọn gói (bao gồm học phí và sinh hoạt phí của Lưu học sinh) do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc cơ quan đại diện Việt nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ quyền kí hợp đồng với cơ sở đào tạo nước ngoài, hoặc thông báo của cơ sở đào tạo nước ngoài (được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận) được thanh toán theo hợp đồng đào tạo trọn gói đã kí với cơ sở đào tạo nước ngoài nhưng không vượt quá mức chi phí đào tạo toàn phần (bao gồm tiền học phí do nhà trường qui định và mức sinh hoạt phí của Lưu học sinh qui định tại phụ lục 1).

3. Thủ tục cấp phát:

3.1 Việc quản lí tài chính từ khâu lập dự toán, cấp phát và quyết toán các khoản chi thuộc đề án thực hiện theo các qui định tài chính hiện hành

3.2 Hàng quí /năm, Bộ Giáo dục và đào tạo gửi cho Bộ Tài chính dự toán chi Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở các cơ sở đào tạo nước ngoài " kèm những tài liệu sau đây:

Danh sách những người trúng tuyển được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Bảng danh sách cần ghi rõ: nước đến học, bậc học, thời gian học (thời điểm nhập học và thời gian toàn khoá học).

Dự toán này cần thể hiện rõ:

- Số tiền trả học phí/trường/nước.

- Số tiền trả sinh hoạt phí/tháng/Lưu học sinh/nước.

- Số tiền trả bảo hiểm y tế/Lưu học sinh/nước.

- Tiền vé máy bay/Lưu học sinh/nước. (theo qui định tại mục 1.4 phần II Thông tư này)

- Tên Ngân hàng, số tài khoản, tên và địa chỉ của người thụ hưởng,

4. Loại tiền cấp phát:

4.1 Chi trong nước: bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ (trong trường hợp cơ sở đào tạo nước ngoài tại Việt Nam được phép thu ngoại tệ) .

4.2 Chi ngoài nước : bằng đôla Mỹ (USD), hoặc đồng tiền của nước sở tại tuỳ thuộc quy chế ngoại hối của nước sở tại .

5. Hình thức cấp phát:

5.1 Căn cứ vào dự toán đào tạo ngoài nước của đề án, Bộ Tài chính cấp một khoản ngoại tệ ban đầu (mức trần) vào tài khoản đặc biệt của Bộ Giáo dục và đào tạo mở tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam. Mức trần sẽ được điều chỉnh phù hợp với tiến độ giải ngân thực tế .

5.2 Ngân hàng ngoại thương Việt Nam giải ngân tài khoản đặc biệt trên cơ sở đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rõ về việc chuyển tiền thanh toán tiền học phí, tiền sinh hoạt phí, tiền vé máy bay, tiền bảo hiểm cho Lưu học sinh đang học ở nước ngoài và tài khoản của cá nhân, đơn vị được thụ hưởng.

5.3 Cuối mỗi quí hoặc khi số dư tài khoản đặc biệt bằng 50% mức trần(tuỳ thuộc vào thời điểm nào đến trước), Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các chứng từ đã chi thanh toán cho Lưu học sinh và đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra cấp bổ sung số tiền đã chi hợp lệ.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các trường hợp Lưu học sinh đã được Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Tài chính tạm ứng mức sinh hoạt phí phát sinh sau khi có quyết định số 322 /QĐ-TTg ngày 19/4/2001 và quyết định số 77/2001/QĐ-TTg ngày 14/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ thì được điều chỉnh theo mức sinh hoạt phí đã được qui định tại mục 1 phần II Thông tư này .

2. Trong quá trình thực hiện, mọi vướng mắc của Lưu học sinh có liên quan đến vấn đề kinh phí đề nghị phản ảnh về Bộ Giáo dục và đào tạo và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính để giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Ngoại giao
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Lê Thị Băng Tâm

Lê Vũ Hùng

Chu Tuấn Cáp

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.