NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu
____________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu.
2. Hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu là hành vi của cá nhân, tổ chức cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này bị xử phạt vi phạm hành chính.
3. Các hành vi vi phạm hành chính khác về kinh doanh xăng dầu không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu trong phạm vi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu trong phạm vi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều 3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
3. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại các điều của Chương II Nghị định này.
Điều 4. Áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính; áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT
Mục 1
VI PHẠM VỀ GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU XĂNG DẦU, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XĂNG DẦU
Điều 5. Vi phạm về sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực;
b) Tự tẩy xóa, sửa chữa Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu;
c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu;
d) Làm giả hoặc sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu giả.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
c) Tịch thu Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu giả đối với vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
Điều 6. Vi phạm về sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tự tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu;
b) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu;
c) Làm giả hoặc sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu giả.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh xăng dầu khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đã hết hiệu lực hoặc đã bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi;
b) Kinh doanh xăng dầu khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
c) Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu giả đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Mục 2
VI PHẠM VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XĂNG DẦU
Điều 7. Vi phạm về điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh xăng dầu.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Có cầu cảng nhưng không đúng quy định;
b) Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu nhưng không đúng quy định;
c) Có phương tiện vận tải xăng dầu nhưng không đúng quy định;
d) Có hệ thống phân phối xăng dầu nhưng không đúng quy định;
đ) Có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay nhưng không đúng quy định.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có cầu cảng chuyên dụng;
b) Không có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu;
c) Không có phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng;
d) Không có hệ thống phân phối xăng dầu;
đ) Không có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 8. Vi phạm về điều kiện sản xuất xăng dầu
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất xăng dầu khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh xăng dầu.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân sản xuất xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Cơ sở sản xuất xăng dầu không theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt;
b) Có phòng thử nghiệm, đo lường nhưng không đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu sản xuất theo quy định.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với thương nhân sản xuất xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Cơ sở sản xuất xăng dầu không được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư;
b) Không có phòng thử nghiệm, đo lường để kiểm tra chất lượng xăng dầu sản xuất theo quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 9. Vi phạm về điều kiện kinh doanh của tổng đại lý kinh doanh xăng dầu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh xăng dầu khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh xăng dầu;
b) Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu không được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Có kho, bể chứa xăng dầu nhưng không đúng quy định;
b) Có hệ thống phân phối xăng dầu nhưng không đúng quy định;
c) Có phương tiện vận tải xăng dầu nhưng không đúng quy định.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có kho, bể chứa xăng dầu;
b) Không có hệ thống phân phối xăng dầu;
c) Không có phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh của tổng đại lý kinh doanh xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 10. Vi phạm về điều kiện kinh doanh của đại lý bán lẻ xăng dầu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với đại lý bán lẻ xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh xăng dầu khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh xăng dầu;
b) Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu không được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với đại lý bán lẻ xăng dầu không có cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh của đại lý bán lẻ xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 11. Vi phạm về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu không được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Địa điểm của cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu;
b) Không có đủ trang thiết bị tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định hoặc trang thiết bị tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đạt tiêu chuẩn theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Địa điểm của cửa hàng bán lẻ xăng dầu không phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Không có trang thiết bị tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tháo dỡ cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;
b) Buộc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với vi phạm quy định tại Điều này.
Điều 12. Vi phạm về điều kiện kinh doanh dịch vụ xăng dầu
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu hoặc kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu hoặc kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh xăng dầu;
b) Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh hoặc cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp sử dụng phương tiện vận tải không được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu có cầu cảng hoặc có kho chứa nhưng không đúng quy định;
b) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu có phương tiện vận tải xăng dầu nhưng không đúng quy định.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu không có cầu cảng chuyên dụng hoặc không có kho chứa;
b) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu không có phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Mục 3
VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ GIÁ BÁN XĂNG DẦU
Điều 13. Vi phạm về niêm yết giá bán và giá bán lẻ xăng dầu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng;
b) Bán sai giá niêm yết do thương nhân đầu mối quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối quy định.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc niêm yết giá đúng quy định đối với vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 14. Vi phạm về quy trình điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không gửi quyết định giá và phương án giá đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu;
b) Không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ xăng dầu cho các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có hành vi không chấp hành quy định về mức điều chỉnh giá, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu và thời gian tối đa giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện các quy định về điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu đối với vi phạm tại khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Mục 4
VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐO LƯỜNG, CHẤT LƯỢNG XĂNG DẦU
Điều 15. Vi phạm về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định hoặc dấu kiểm định, tem kiểm định phương tiện đo xăng dầu đã hết hiệu lực;
b) Sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
b) Làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo như tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn cho phép;
c) Sử dụng phương tiện đo bị sai, bị hỏng hoặc không đúng quy định về đo lường xăng dầu;
d) Sử dụng phương tiện đo xăng dầu không có Giấy chứng nhận kiểm định, dấu kiểm định, tem kiểm định theo quy định;
đ) Không thực hiện kiểm định phương tiện đo trong thời hạn quy định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
e) Có hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá;
c) Tịch thu Giấy chứng nhận kiểm định đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, điểm b và c khoản 2 Điều này;
d) Tịch thu phương tiện đo và các thiết bị khác đối với vi phạm quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đình chỉ sử dụng phương tiện đo vi phạm và thực hiện kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại điểm b, c và e khoản 2 Điều này.
Điều 16. Vi phạm về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Doanh nghiệp sản xuất xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông khi đưa được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không bảo đảm chất lượng theo Tiêu chuẩn công bố áp dụng;
b) Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng;
c) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu có hành vi làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc gian lận về chất lượng xăng dầu trong quá trình thực hiện dịch vụ.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu. nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 1, điểm a và b khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 1, điểm a và b khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đình chỉ lưu thông đối với xăng dầu chưa được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không đảm bảo chất lượng đối với vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thu hồi toàn bộ lượng xăng dầu chưa được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không đảm bảo chất lượng đang lưu thông trên thị trường đối với vi phạm quy định tại Điều này;
c) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với vi phạm quy định tại Điều này;
d) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng trong trường hợp không thực hiện được biện pháp quy định tại điểm c khoản 4 Điều này hoặc gây hại cho sức khỏe, an toàn, môi trường.
Mục 5
VI PHẠM QUY ĐỊNH KHÁC VỀ KINH DOANH XĂNG DẦU
Điều 17. Vi phạm về đăng ký hệ thống phân phối
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với đại lý bán lẻ xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
b) Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổng đại lý xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
b) Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp sản xuất có hệ thống phân phối, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
b) Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về đăng ký hệ thống phân phối đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 18. Vi phạm về đối tượng mua, bán xăng dầu
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối, trừ trường hợp bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có hành vi bán xăng dầu cho các đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân, trừ trường hợp bán trực tiếp cho các hộ công nghiệp và thương nhân đầu mối khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về đối tượng mua, bán xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 19. Vi phạm về giao, nhận tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với đại lý bán lẻ xăng dầu có hành vi làm đại lý bán lẻ xăng dầu vượt quá số lượng tổng đại lý hoặc thương nhân đầu mối theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có hành vi làm tổng đại lý vượt quá số lượng thương nhân đầu mối theo quy định.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thương nhân đầu mối có hành vi giao tổng đại lý, đại lý xăng dầu mà không có hợp đồng đại lý kinh doanh xăng dầu theo quy định;
b) Doanh nghiệp nhận làm tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu mà không có hợp đồng đại lý kinh doanh xăng dầu theo quy định.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có hành vi ký hợp đồng tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu với doanh nghiệp không đủ điều kiện làm tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu theo quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 20. Vi phạm về chuyển tải, sang mạn xăng dầu
1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chuyển tải, sang mạn xăng dầu không đúng vị trí quy định.
2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối chuyển tải, sang mạn xăng dầu không đúng vị trí quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện chuyển tải, sang mạn xăng dầu đúng vị trí quy định đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 21. Vi phạm về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu sản xuất xăng dầu
1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Doanh nghiệp sản xuất xăng dầu xuất khẩu xăng dầu không phải do mình sản xuất, gia công xuất khẩu;
b) Gia công xuất khẩu xăng dầu khi không phải là doanh nghiệp sản xuất xăng dầu.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu sản xuất xăng dầu khi không có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo quy định hoặc đã bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi.
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao hàng năm;
b) Sản xuất xăng dầu thấp hơn kế hoạch đã đăng ký được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận hàng năm;
c) Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xăng dầu không theo đúng kế hoạch đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và c khoản 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và c khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện đúng kế hoạch sản xuất, hạn mức nhập khẩu xăng dầu, kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xăng dầu theo quy định đối với vi phạm tại khoản 3 Điều này.
Điều 22. Vi phạm về dự trữ xăng dầu, nguyên liệu sản xuất xăng dầu
1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Duy trì mức dự trữ nguyên liệu sản xuất xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo kế hoạch đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Duy trì mức dự trữ lưu thông xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định trong trường hợp có hệ thống phân phối trên thị trường.
2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu duy trì mức dự trữ lưu thông xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu hoặc dự trữ nguyên liệu sản xuất xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 23. Vi phạm quy định về biển hiệu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không ghi tên hoặc ghi không đúng tên thương nhân đầu mối giao xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có hành vi không quy định thống nhất việc ghi tên thương nhân đầu mối trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về ghi tên thương nhân đầu mối trên biển hiệu cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 24. Vi phạm quy định về bán xăng dầu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng;
b) Niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, dễ thấy.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Cắt giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng;
b) Không bán hàng hoặc ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng;
c) Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổng đại lý, thương nhân đầu mối có hành vi cắt giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định về bán xăng dầu đối với vi phạm tại Điều này.
Điều 25. Vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán, trao đổi xăng dầu qua biên giới
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, buôn bán, trao đổi xăng dầu qua biên giới không đúng quy định nếu trị giá xăng dầu đến 10.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ 100.000.000 đồng trở lên và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu xăng dầu đối với vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
d) Tịch thu phương tiện vận chuyển xăng dầu đối với vi phạm quy định tại Điều này nếu thuộc một trong các trường hợp: hàng hóa vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên; vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá; sử dụng biển kiểm soát không phải của phương tiện vận chuyển đó hoặc biển kiểm soát phương tiện không phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; phương tiện bị hoán cải để vận chuyển hàng hóa vi phạm; có hành vi trốn tránh hoặc cản trở người thi hành công vụ, trừ các trường hợp quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Điều 26. Vi phạm về kinh doanh xăng dầu nhập lậu
Hành vi kinh doanh xăng dầu nhập lậu áp dụng Điều 22 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ để xử phạt.
Điều 27. Vi phạm quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây nếu trị giá xăng dầu đến 10.000.000 đồng:
a) Vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định;
b) Buôn bán, trao đổi xăng dầu trên biển với tàu thuyền, phương tiện đánh bắt thủy sản của nước ngoài.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ 100.000.000 đồng trở lên và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới có một trong các hành vi vi phạm quy định quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới do Bộ Công Thương ban hành mà chưa quy định tại Nghị định này.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu xăng dầu đối với vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đến 12 tháng đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên 12 tháng đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các quy định quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới đối với vi phạm tại Điều này.
Chương III
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ KINH DOANH XĂNG DẦU
Điều 28. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008.
Điều 29. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường
1. Những người có thẩm quyền của cơ quan Quản lý thị trường quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 có quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định này.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều này của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có trị giá đến 30.000.000 đồng;
d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều này của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều này của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
Điều 30. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Thanh tra chuyên ngành
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Thanh tra chuyên ngành có quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008.
Điều 31. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt và ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt và ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Điều 32. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 33. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.
2. Bãi bỏ Điều 10 Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.
Điều 34. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.