• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/01/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 13/11/2014
UBND TỈNH LÀO CAI
Số: 02/2003/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 23 tháng 1 năm 2003

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÀO CAI

Về việc đẩy mạnh công tác y dược học cổ truyền

__________________________

Trong những năm qua, Ngành Y tế đã cùng các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức xã hội tỉnh Lào Cai kiên trì thực hiện chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước về công tác y, dược học cổ truyền (YDHCT) và đã đạt được một số thành tích đáng kể, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; Tuy nhiên, so với tiềm năng, công tác YDHCT còn bộc lộ nhiều hạn chế: Việc phối hợp giữa y học hiện đại với YDHCT còn yếu; công tác điều tra, tổng kết nghiên cứu khoa học, thừa kế, ứng dụng, điều trị và nuôi trồng, phát triển chế biến dược liệu chưa được thực hiện một cách đầy đủ, rộng khấp; Mạng lưới hoạt động về YDHCT từ tỉnh đến huyện, xã còn nhiều khiếm khuyết; Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu, việc liên doanh, liên kết khai thác và chế biến dược liệu còn manh mún, cơ sở vật chất về YDHCT còn nhiều hạn chế. Để khắc phục những tồn tại, nhược điểm, phát huy những ưu điểm, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực YDHCT cũng như Chỉ thị 25/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành làm tốt các công việc sau đây:

1. Giao cho Sở Y tế cùng các ngành liên quan tập trung chỉ đạo, tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng khám và điều trị của Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT), tăng cường phối hợp giữa YHCT và y học hiện đại nhằm phát huy thế mạnh vốn có của YHCT trong nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

2. Tập trung củng cố mạng lưới YDHCT theo tinh thần Thông tư 02/BYT-TT ngày 28/2/1997, các Trung tâm y tế huyện, thị xã chú trọng thành lập khoa đông y có 5 - 10 giường bệnh, nơi chưa đủ điều kiện thì thành lập tổ đông y trong khoa nội có phòng riêng; Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khoa đông y riêng biệt.

3. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các đơn vị, địa phương bạn có truyền thống và kinh nghiệm để phát triển YDHCT; cần tập trung cho công tác nuôi trồng, chế biến phát triển dược liệu có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế, đầu tư cơ sở khám chữa bệnh bằng YDHCT, bảo tồn gen những loại dược liệu quý hiếm.

4. Ngành Y tế phối hợp các ngành: Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Giáo dục - Đào tạo; Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu những bài thuốc có giá trị, thừa kế, ứng dụng vào việc phòng, chữa bệnh cho nhân dân, biên soạn và lưu trữ các tài liệu và bài thuốc hay, kinh nghiệm quý, đặc biệt là kinh nghiệm phòng chữa bệnh bằng YDHCT của đồng bào dân tộc; Bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ hội viên Hội Đông y, tổ chức kiện toàn mạng lưới tại các huyện, thị xã và các xã, phường đưa hoạt động các cấp hội vào nề nếp; Chỉ đạo các trường phổ thông trồng vào vườn thực vật của trường một số cây thuốc, nhóm thuốc, đặc biệt là cây thuốc sẩn có ở địa phương. Hướng dẫn cách sử dụng một số loại cây thuốc chữa bệnh thông thường cho học sinh.

5. UBND các huyện, thị xã, UBND xã, phường cùng các ngành, các tổ chức xã hội có trách nhiệm chỉ đạo phát triển YDHCT trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các Hội Đông y, Hội Châm cứu hoạt động, phát triển và góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thực hiện tốt công tác YDHCT là đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo; UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Hàng năm vào tháng 11 Ngành Y tế có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện và đề xuất các biện pháp giải quyết để đẩy mạnh phát triển công tác YDHCT của tỉnh./.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Nguyên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.