• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 23/12/2010
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 32/2004/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 21 tháng 12 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

Quy định về tổ chức, hoạt động của cảng vụ đường thủy nội địa

___________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về tổ chức, hoạt động và phạm vi hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam và Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính (sau đây gọi chung là Sở Giao thông vận tải).

Điều 3. Vị trí và chức năng của Cảng vụ đường thủy nội địa

1. Cảng vụ đường thủy nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

2. Cảng vụ đường thủy nội địa có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước bảo đảm và từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Những từ ngữ trong quy định này được hiểu như sau:

Vùng nước cảng, bến thủy nội địa bao gồm: vùng nước trước cầu cảng bến, vùng neo đậu phương tiện, luồng nối từ luồng chạy tàu thuyền đến vùng nước trước cảng, bến, vùng nước chuyển tải, vùng nước dành cho dịch vụ được quy định tại giấy phép hoạt động của cảng, bến đó.

CHƯƠNG II

PHẠM VI QUẢN LÝ VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 5. Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa

1. Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại các cảng, bến thủy nội địa (trừ bến khách ngang sông) đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động.

2. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại:

a. Cảng, bến thủy nội địa thuộc tuyến đường thủy nội địa quốc gia;

b. Cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng trên luồng chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia.

3. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại:

a. Cảng, bến thủy nội địa trên những luồng đường thủy nội địa địa phương;

b. Cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng trên luồng chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ đường thủy nội địa

1. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện, tàu biển trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

2. Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của phương tiện, tàu biển; kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa.

3. Không cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa khi cảng, bến hoặc phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn hoặc cảng, bến không đủ điều kiện pháp lý hoạt động.

4. Thông báo tình hình luồng cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa.

5. Kiểm tra điều kiện an toàn đối với cầu tàu, bến, luồng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa; khi phát hiện có dấu hiệu mất an toàn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý kịp thời.

6. Giám sát việc khai thác, sử dụng cầu tàu, bến bảo đảm an toàn, yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác cảng, bến thủy nội địa tạm ngừng khai thác cầu tàu, bến khi xét thấy có ảnh hưởng đến an toàn cho người, phương tiện hoặc công trình.

7. Tổ chức tìm kiếm, cứu người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển bị nạn trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

8. Huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực trong khu vực cảng, bến thủy nội địa để tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển trong trường hợp khẩn cấp và xử lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa.

9. Tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả tai nạn.

10. Xử phạt vi phạm hành chính; lưu giữ phương tiện; thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

11. Chủ trì phối hợp hoạt động với các cơ quan quản lý nhà nước khác tại cảng, bến thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện, tàu biển nước ngoài.

12. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; tham gia xây dựng quy hoạch phát triển cảng, bến thủy nội địa trong phạm vi quản lý khi có yêu cầu.

13. Quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí, định biên được giao và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.

14. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao.

Điều 7. Mối quan hệ của Cảng vụ đường thủy nội địa

1. Thường xuyên quan hệ chặt chẽ và yêu cầu các đơn vị quản lý đường thủy nội địa có cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý cung cấp các thông tin về luồng chạy tàu thuyền để thông báo tình hình luồng cho phương tiện ra, vào cảng, bến thủy nội địa.

2. Thường xuyên quan hệ chặt chẽ và phối hợp với các đơn vị hoa tiêu đường thủy nội địa trong việc chỉ dẫn cho thuyền trưởng về tình hình luồng khu vực dẫn phương tiện, tàu biển ra vào cảng, bến thủy nội địa.

3. Quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 8. Hệ thống tổ chức Cảng vụ đường thủy nội địa:

1. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam được tổ chức theo khu vực và do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập.

2. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập (Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng cảng, bến thủy nội địa ít thì có thể thành lập Ban Quản lý cảng, bến thủy nội địa thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1, 2, 3, 5, 6, 8, 9 Điều 6 Quyết định này).

Điều 9. Nguyên tắc hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa

1. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam chịu sự lãnh đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam.

2. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải chịu sự lãnh đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Giao thông vận tải; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Đường sông Việt Nam.

Điều 10. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Cảng vụ đường thủy nội địa

1. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Cảng vụ đường thủy nội địa gồm có:

a. Tổ chức giúp việc Giám đốc là các phòng nghiệp vụ;

b. Các Văn phòng Đại diện cảng vụ đường thủy nội địa.

2. Văn phòng Đại diện cảng vụ đường thủy nội địa được sử dụng con dấu riêng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa hoặc cụm cảng, bến thủy nội địa được giao.

3. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng nghiệp vụ, Văn phòng Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa do Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải quyết định theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa.

Điều 11. Cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa

1. Cảng vụ đường thủy nội địa do Giám đốc lãnh đạo, có Phó Giám đốc giúp việc. Giám đốc là người đứng đầu cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa, điều hành hoạt động Cảng vụ theo chế độ thủ trưởng; Phó Giám đốc giúp Giám đốc thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về phần việc được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, có một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành Cảng vụ.

Văn phòng Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa do Trưởng Văn phòng Đại diện lãnh đạo, có Phó Trưởng Văn phòng Đại diện giúp việc.

2. Đối với Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam:

a. Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa do Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm;

b. Phó Giám đốc do Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa;

c. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh khác thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa theo phân cấp quản lý cán bộ của Cục Đường sông Việt Nam.

3. Đối với Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải:

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bố trí cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa địa phương thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 12. Biên chế và chế độ đối với cán bộ, nhân viên Cảng vụ

1. Biên chế của Cảng vụ đường thủy nội địa do:

a. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao hàng năm cho Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam;

b. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao hàng năm cho Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải.

2. Cán bộ, viên chức Cảng vụ đường thủy nội địa trước mắt được tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định của Bộ luật Lao động (khi nào được Bộ Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ thực hiện theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức); được xếp lương, trả lương và hưởng các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, viên chức Cảng vụ đường thủy nội địa được cấp trang phục theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định và sử dụng trang phục khi làm việc.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 2873/1997/QĐ-BGTVT ngày 13 tháng 10 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Điều lệ tạm thời về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

2. Chánh Văn phòng, các Vụ trưởng, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.