QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy định về chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước
đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
______________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Khóa V tại kỳ họp lần thứ 4 về việc sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 600/TTr-SNV ngày 11 tháng 12 năm 2012 về việc ban hành Quyết định kèm theo Quy định về chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Quy định gồm 03 chương, 12 điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 56/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2008 của UBND tỉnh ban hành quy định về chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước đối với cán bộ, công chức, viên chức được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trần Minh Sanh
|
QUY ĐỊNH
Về chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước đối với cán bộ,
công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2012/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12
năm 2012 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
__________________
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể như sau:
1. Đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả các trường hợp đang thực hiện chế độ tập sự) đang làm việc tại các cơ quan Đảng, Đoàn thể, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội;
b) Công chức, viên chức (bao gồm cả các trường hợp đang thực hiện chế độ tập sự) đang làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước;
c) Công chức, viên chức (bao gồm cả các trường hợp đang thực hiện chế độ tập sự) đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
đ) Những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ dân cư thuộc xã, phường, thị trấn;
e) Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
g) Cán bộ, công chức, viên chức trong chỉ tiêu được giao đang làm viêc tại các Hội quần chúng có tính chất đặc thù;
h) Đối tượng dự nguồn cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền của tỉnh phê duyệt và cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước theo Chương trình, Đề án thu hút cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Các đối tượng quy định nêu trên được gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức.
2. Các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh
Bao gồm các cơ quan, đơn vị: Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Cục Thống kê, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh.., ngoài nguồn kinh phí được Trung ương cấp, căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tùy thuộc vào điều kiện ngân sách, hàng năm tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng do cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định.
Điều 2. Điều kiện được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
Cán bộ, công chức, viên chức nêu tại khoản 1, Điều 1 Quy định này được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng khi đủ các điều kiện sau:
1. Được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm;
2. Có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng;
3. Phải đạt kết quả theo yêu cầu của chương trình học, khóa học;
4. Chấp hành sự phân công, bố trí của cơ quan có thẩm quyền về quản lý cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành khóa học.
Điều 3. Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng
Nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng được quy định như sau:
1. Đối với các cơ quan Đảng, Đoàn thể, Mặt trận, Tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, các Hội quần chúng có tính chất đặc thù sử dụng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương trong dự toán ngân sách hàng năm được UBND tỉnh giao.
2. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh
a) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh do ngân sách đảm bảo toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động sử dụng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương trong dự toán ngân sách hàng năm được UBND tỉnh giao.
b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, sử dụng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp theo quy định về quản lý tài chính.
Điều 4. Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng
Cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngoài các khoản kinh phí được hỗ trợ theo quy định này còn được bảo đảm các quyền lợi sau:
1. Được hưởng nguyên lương, chế độ phụ cấp (nếu có), các khoản tiền thưởng, chế độ phúc lợi theo quy định do cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chi trả.
2. Các quyền lợi khác: theo quy định của nhà nước.
Điều 5. Các trường hợp không được hưởng chế độ, chính sách theo Quy định này
1. Cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh thuộc một trong các trường hợp sau đây không được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo Quy định này:
a) Cán bộ, công chức, viên chức không có trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm; không có quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan có thẩm quyền (trừ các trường hợp được quy định tại điều 10 của Quy định này).
b) Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhưng không đạt kết quả học tập, phải học lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng của khóa học.
2. Cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng đã được hưởng chế độ, chính sách theo Quy định này thì không được hưởng chế độ công tác phí theo Quy định tại Thông tư 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
3. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng nếu sử dụng nguồn kinh phí của chương trình dự án, đề án thì thực hiện theo nội dung và mức hỗ trợ của chương trình dự án, đề án đó.
4. Trong trường hợp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và các tổ chức khác đã hỗ trợ một trong các khoản chế độ (ăn, nghỉ, tiền tài liệu, chi phí đi lại) thì cán bộ, công chức, viên chức không được hưởng các khoản tương ứng theo định mức của quy định này.
Điều 6. Quy định về thời gian được tính hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
1. Đối với các khoản hỗ trợ theo khóa: Theo thời gian quy định của chương trình khóa đào tạo, bồi dưỡng.
2. Đối với các khoản hỗ trợ được tính theo tháng
Khóa bồi dưỡng có thời gian học thực tế từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.
3. Đối với các khoản hỗ trợ được tính theo năm
a) Nếu thời gian học thực tế từ 07 (bảy) tháng trở lên được tính là 01 (một) năm.
b) Nếu thời gian học thực tế dưới 07 (bảy) tháng được tính theo những tháng học thực tế.
Điều 7. Quy định về đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng
Cán bộ, công chức, viên chức cử đi đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan, đơn vị cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định này phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Cán bộ, công chức, viên chức tự ý không tham gia khóa học khi đã làm đầy đủ các thủ tục nhập học và đã được cơ quan cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hoặc cán bộ, công chức, viên chức tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc thôi việc trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
2. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia khóa học đầy đủ thời gian theo quy định (kể cả có xác nhận của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng) nhưng không được cấp văn bằng, chứng chỉ chứng nhận đã hoàn thành khóa học do nguyên nhân chủ quan.
3. Cán bộ, công chức đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng tốt nghiệp (áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo trình độ từ trung cấp trở lên, đào tạo ngoại ngữ, tin học nâng cao) nhưng bỏ việc hoặc thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian theo quy định.
4. Nội dung và cách tính đền bù chi phí đào tạo áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương 2.
NỘI DUNG, MỨC HỖ TRỢ VÀ HÌNH THỨC CHI TRẢ, THANH TOÁN CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ
Điều 8. Nội dung, mức hỗ trợ và hình thức chi trả, thanh toán chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước, cử thi nâng ngạch
Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước, cử thi nâng ngạch được hỗ trợ như sau:
1. Hỗ trợ lệ phí ôn thi, học phí
Hỗ trợ lệ phí ôn thi, lệ phí thi đầu vào, ôn thi nâng ngạch và học phí theo phiếu thu (hoặc chứng từ thu) của cơ sở đào tạo, cơ quan tổ chức thi nâng ngạch.
2. Hỗ trợ ăn, nghỉ, chi phí đi lại
a) Học ngoài tỉnh:
- Hỗ trợ chi phí ăn, nghỉ theo hình thức khoán theo ngày học thực tế: 175.000 đồng/người/ngày, trong đó:
+ Tiền ăn: 50.000 đồng/người/ngày.
+ Tiền thuê phòng nghỉ: 125.000 đồng/người/ngày-đêm.
- Hỗ trợ tiền đi lại theo hình thức khoán theo đợt học tập trung:
+ Đào tạo, bồi dưỡng mỗi đợt học tập trung dưới 01 tháng: 01 lần (lượt đi và về).
+ Đào tạo, bồi dưỡng mỗi đợt học tập trung từ 01 tháng đến dưới 01 năm: 02 lần (mỗi lần một lượt đi và về).
+ Đào tạo, bồi dưỡng mỗi đợt học tập trung từ 01 năm trở lên: 03 lần/năm (mỗi lần một lượt đi và về).
- Phương tiện đi lại bằng tàu, xe theo loại giá cước thông thường. Trong trường hợp các cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học đã bố trí phương tiện đưa đón thì cán bộ, công chức, viên chức không được hỗ trợ khoản chi phí này.
Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý hoặc đang hưởng lương ngạch chuyên viên chính và tương đương bậc 5,42 trở lên được hỗ trợ phương tiện đi lại bằng máy bay hoặc xe do cơ quan bố trí.
- Mức hỗ trợ tiền đi lại: Giao cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học căn cứ vào loại giá cước thông thường tại thời điểm cán bộ, công chức, viên chức đi học để thực hiện chi trả, thanh toán theo hình thức khoán.
b) Học trong tỉnh có khoảng cách từ nơi làm việc đến nơi học tập từ 15 km trở lên:
- Hỗ trợ chi phí ăn, nghỉ, đi lại theo hình thức khoán theo ngày học thực tế: 106.000 đồng/người/ngày, trong đó:
+ Tiền ăn: 50.000 đồng/người/ngày.
+ Tiền thuê phòng nghỉ: 50.000 đồng/người/ngày.
+ Tiền đi lại: 6.000 đồng/người/ngày.
c) Học trong tỉnh có khoảng cách từ nơi làm việc đến nơi học tập dưới 15 km. Mức hỗ trợ chung khoán theo ngày học thực tế: 50.000 đồng/người/ngày.
3. Tiền tài liệu (hỗ trợ khoán theo khóa hoặc tháng tương ứng với từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng):
a) Đào tạo Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I, Dược sĩ chuyên khoa I: 1.500.000 đồng/người/năm (tính theo khóa là 3.000.000 đồng/người/khóa).
b) Đào tạo Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II, Dược sĩ chuyên khoa II: 3.000.000 đồng/người/năm (tính theo khóa là 9.000.000 đồng/người/khóa).
c) Đào tạo Đại học:
- Loại hình đào tạo 2,5 năm: 1.500.000 đồng/người/khóa.
- Loại hình đào tạo từ 4 năm trở lên: 2.500.000 đồng/người/khóa.
d) Đào tạo Cao đẳng: 1.000.000 đồng/người/khóa.
đ) Đào tạo Trung cấp: 500.000 đồng/người/khóa.
e) Cao cấp Chính trị - Hành chính: 600.000 đồng/người/khóa.
g) Trung cấp Chính trị - Hành chính: 400.000 đồng/người/khóa.
h) Đào tạo nâng cao tin học, ngoại ngữ: 100.000 đồng/người/tháng.
i) Các khóa bồi dưỡng khác từ 01 tháng trở lên: 50.000 đồng/người/tháng.
4. Hỗ trợ thực hiện và bảo vệ luận án, đồ án, luận văn tốt nghiệp (nếu có).
a) Thạc sĩ; Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa I: 20.000.000 đồng/người/khóa.
b) Tiến sĩ; Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa II: 40.000.000 đồng/người/khóa.
5. Hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, người dân tộc thiểu số và cán bộ, công chức, viên chức công tác tại huyện Côn Đảo theo hình thức khoán, cụ thể như sau:
a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ đi đào tạo, bồi dưỡng:
- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng tập trung học từ 01 tháng trở lên:
+ Học ngoài tỉnh: 300.000 đồng/người/tháng.
+ Học trong tỉnh: 220.000 đồng/người/tháng.
- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng học tập trung dưới 01 tháng: 10.000 đồng/người/ngày.
b) Hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đi học:
- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng tập trung học từ 01 tháng trở lên.
+ Học ngoài tỉnh: 900.000 đồng/người/tháng.
+ Học trong tỉnh: 600.000 đồng/người/tháng.
- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng học tập trung dưới 01 tháng: 30.000 đồng/người/ngày.
c) Hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng:
- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng tập trung học từ 01 tháng trở lên:
+ Học ngoài tỉnh: 300.000 đồng/người/tháng.
+ Học trong tỉnh: 220.000 đồng/người/tháng.
- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng tập trung học dưới 01 tháng: 10.000 đồng/người/ngày.
d) Hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, viên chức huyện Côn Đảo vào đất liền đi học:
- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng tập trung học từ 01 tháng trở lên: 300.000 đồng/người/tháng.
- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng tập trung học dưới 01 tháng: 10.000 đồng/người/ngày.
- Hỗ trợ tiền vé tàu biển theo loại giá cước thông thường tại thời điểm đi học.
+ Đào tạo, bồi dưỡng mỗi đợt học tập trung dưới 01 tháng: 01 lần (lượt đi và về).
+ Đào tạo, bồi dưỡng mỗi đợt học tập trung từ 01 tháng đến dưới 01 năm: 02 lần (mỗi lần một lượt đi và về).
+ Đào tạo, bồi dưỡng mỗi đợt học tập trung từ 01 năm trở lên: 03 lần/năm (mỗi lần một lượt đi và về).
Giao cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học căn cứ vào phương tiện tàu biển theo loại giá cước thông thường tại thời điểm cán bộ, công chức, viên chức đi học để thực hiện chi trả, thanh toán theo hình thức khoán.
Điều 9. Hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình dự án, đề án của Bộ, Ngành Trung ương hoặc các chương trình, dự án do phía Việt Nam phối hợp với tổ chức nước ngoài hoặc do nước ngoài phối hợp tổ chức
Căn cứ vào kinh phí đã được chương trình dự án, đề án tài trợ, cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ thêm những khoản kinh phí nếu mức hỗ trợ đó thấp hơn hoặc chưa hỗ trợ theo Quy định này.
Điều 10. Hỗ trợ chế độ khuyến khích tự đào tạo sau đại học
1. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I, Dược sĩ chuyên khoa I: 10.000.000 đồng/người/khóa.
b) Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II, Dược sĩ chuyên khoa II: 20.000.000 đồng/người/khóa.
2. Chế độ này áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức tự đào tạo sau đại học không nằm trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng phải đủ các điều kiện sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành xong chương trình đào tạo sau đại học có văn bằng (bản sao) gửi cho cơ quan, đơn vị cử đi học;
b) Bằng cấp sau đào tạo phải phù hợp với vị trí công tác;
c) Phải còn đủ thời gian công tác tại cơ quan nhà nước ít nhất từ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp sau đại học;
d) Được sự đồng ý của cơ quan, đơn vị đang công tác và tạo điều kiện về thời gian cho tự đào tạo sau đại học;
đ) Trong thời gian đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
1. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính:
a) Ban hành văn bản hướng dẫn đối tượng, điều kiện, quy trình, hồ sơ, thủ tục và hình thức chi trả, tạm ứng, thanh quyết toán chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Quy định này; hướng dẫn việc chuyển tiếp từ thực hiện Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 56/2008/QĐ-UBND ngày 26/8/2008 của UBND tỉnh sang thực hiện Quy định này;
b) Theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy định này đến các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
Điều 12. Thời điểm áp dụng
Quy định này được áp dụng kể từ ngày 01/01/2013.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo về UBND tỉnh để xem xét, bổ sung cho phù hợp./.