QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012-2020
_________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg ngày 29/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 59/2011/QĐ-UBND ngày 27/09/2011 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 14/02/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Tờ trình số 41/TTr-SCT ngày 09 tháng 7 năm 2012 về việc đề nghị phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012- 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012- 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển.
- Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh giai đoạn 2011-2020 xét đến 2025, nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư các dự án của ngành công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng;
- Phát triển các cụm công nghiệp nhằm tập trung các dự án sản xuất công nghiệp, để thuận tiện cho công tác quản lý và cung ứng các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.
- Phát triển các cụm công nghiệp nhằm huy động năng lực của mọi thành phần kinh tế, cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho nhu cầu đầu tư của ngành công nghiệp.
- Phát triển các cụm công nghiệp phải phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 là đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút các dự án CNHT của Nhật Bản vào hoạt động.
2. Định hướng phát triển:
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025 và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; định hướng thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp gồm các ngành nghề chính như sau:
a) Ngành cơ khí chế tạo.
- CNHT cơ khí cho các ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm tiêu dùng (ôtô, xe máy, điện - điện tử...);
- CNHT cơ khí cho phục vụ khai thác và chế biến dầu khí;
- CNHT cơ khí phục vụ công nghiệp tàu thủy;
- Các dự án cơ khí dân dụng phục vụ cho nhu cầu đóng mới và sửa chữa máy móc thiết bị công nghiệp nông thôn.
- Xử lý chất lượng bề mặt sản phẩm cơ khí và xử lý nhiệt.
- Sản xuất và chế tạo khuôn mẫu và đồ gá.
b) Ngành điện - điện tử.
- CNHT điện - điện tử cho các ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm tiêu dùng (ô tô, xe máy, điện - điện tử dân dụng, ...).
- CNHT điện - điện tử chuyên dùng (CN đóng tàu, khai thác và chế biến dầu khí, thiết bị hàng hải, y tế...).
- Các dự án sản xuất và lắp ráp các thiết bị điện gia dụng, điện tử.
c) Ngành chế biến nông - lâm - sản.
- Thu hút các dự án chế biến nông - lâm - sản chủ yếu như: Hạt điều, cà phê, tiêu, chế biến gỗ...
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại sản xuất các mặt hàng có lợi thế của tỉnh, nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.
d) Ngành may mặc - giày da.
- Chỉ phát triển ngành may mặc - giày da hạn chế ở một số địa phương như: Tân Thành, Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc nhằm ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.
- Yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từng bước chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, giảm gia công, tăng cường công tác nghiên cứu thiết kế, để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm....
đ) Ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
- Tập trung thu hút các dự án sản xuất vật liệu xây dựng như: Sứ vệ sinh, gạch men, gạch trang trí, đá mỹ nghệ, sản phẩm trang trí nội ngoại thất,...
- Ưu tiên thu hút các dự án sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường.
3. Mục tiêu phát triển:
Trong giai đoạn 2012 - 2020, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật 29 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.523 ha, vốn đầu tư hạ tầng dự kiến khoảng 4.570 tỷ đồng. Dự kiến thu hút vốn đầu tư sản xuất khoảng 21.320 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 26.650 người. Các cụm công nghiệp được phân bổ ở từng địa phương như sau:
a) Huyện Tân Thành:
Phát triển 11 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 614 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 1.842 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 8.600 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10.750 lao động.
b) Huyện Châu Đức:
Phát triển 07 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 480 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 1.440 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 6.720 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 8.400 lao động.
c) Thị xã Bà Rịa:
Phát triển 03 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 100 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 300 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 1.400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.750 lao động.
d) Huyện Long Điền:
Phát triển 03 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 139 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 417 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 1.946 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.450 lao động.
đ) Huyện Đất Đỏ:
Phát triển 02 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 100 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 300 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 1.400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.750 lao động.
e) Huyện Xuyên Mộc:
Phát triển 01 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 30 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 90 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 420 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 530 lao động.
g) Thành phố Vũng Tàu:
Phát triển 01 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 40 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 120 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 560 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động.
h) Huyện Côn Đảo:
Phát triển 01 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 20 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 60 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 280 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 350 lao động.
4. Một số giải pháp chung để thực hiện quy hoạch.
a) Giải pháp về tài chính:
- Dự kiến tổng mức vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2012-2020 là 4.570 tỷ đồng, vốn đầu tư này sẽ được huy động từ mọi thành phần kinh tế, nhưng chủ yếu là vốn kêu gọi từ các nhà đầu tư có năng lực, để triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.
- Nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí để xây dựng các hạng mục kỹ thuật (đường giao thông, thoát nước thải, đường dân sinh...) ngoài hàng rào các cụm công nghiệp.
- Vốn ngân sách (liên kết với kinh phí của doanh nghiệp), để thực hiện các chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư (trong và ngoài nước) vào các cụm công nghiệp.
b) Giải pháp về lao động.
Để thực hiện quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phải được ưu tiên hàng đầu. Chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cho các cụm công nghiệp trong giai đoạn 2012-2020 cần hướng đến các doanh nghiệp sản xuất, các ngành cơ khí và ngành điện - điện tử. Ngân sách cần dành riêng một khoản kinh phí để xây dựng chương trình trọng điểm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho các cụm công nghiệp. Cụ thể như sau:
- Đào tạo công nhân kỹ thuật cho các chuyên ngành nghề ưu tiên thu hút vào các cụm công nghiệp đặc biệt là ngành CNHT. Đổi mới chương trình đào tạo, máy móc trang thiết bị đào tạo nghề, chia sẻ thông tin, việc làm... Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho các trường công nhân kỹ thuật, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh, đi đôi với việc đổi mới chương trình và nội dung đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển của các cụm công nghiệp, chú trọng các nghề phục vụ cho ngành CNHT như: gia công chính xác, kỹ thuật điện, cơ khí chế tạo...
- Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng đất đai, cơ sở hạ tầng... hình thành các Trường dạy nghề, Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao trên địa bàn Tỉnh, phục vụ nhu cầu đào tạo nghề cho nguời lao động. Các trường dạy nghề này cần có mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo và chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ giao tiếp.
- Nâng cao năng lực của đội ngũ công nhân kỹ sư hiện có thông qua Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp thuộc các ngành CNHT mũi nhọn của tỉnh, như: Ngành cơ khí, điện - điện tử..., trong đó có sự hỗ trợ một phần kinh phí của tỉnh.
c) Giải pháp về xúc tiến thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các cụm công nghiệp, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về định hướng phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website của Sở Công Thương, qua các ấn phẩm của ngành Công Thương hoặc thông qua các brochure chuyên ngành về phát triển các cụm công nghiệp.
- Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cũng như các doanh nghiệp đầu tư các dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp. Trong đó chú trọng công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
- Tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm về các cụm công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tham gia các hoạt động này. Nguồn và mức kinh phí hỗ trợ này được thực hiện thông qua chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của Tỉnh.
- Xây dựng các mối liên kết với các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trên cả nước, để liên kết phát triển ngành nghề trong cụm công nghiệp.
d) Giải pháp về môi trường.
Để môi trường trong các cụm công nghiệp được trong sạch không gây ô nhiễm, nhằm đảm bảo phát triển bền vững, đòi hỏi các cụm công nghiệp phải tuân thủ các quy định sau:
- Trong mỗi cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải được xử lý nước đạt tiêu chuẩn theo quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trước khi thải ra môi trường; từng nhà máy trong cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ (đạt tiêu chuẩn) trước khi thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
- Chất thải rắn trong từng nhà máy phải được đăng ký, bảo quản và xử lý đúng quy định hiện hành.
- Các ngành nghề thu hút vào cụm công nghiệp phải đúng quy hoạch được duyệt, không được thu hút các ngành nghề nằm trong danh mục cấm và hạn chế thu hút đầu tư của tỉnh (trừ trường hợp được sự cho phép của tỉnh).
Điều 2. Danh mục các cụm công nghiệp quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Tổ chức thực hiện:
Để tổ chức triển khai quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, UBND Tỉnh giao trách nhiệm như sau:
1. Sở Công Thương:
- Tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát kế hoạch hành động và tham mưu đề xuất UBND Tỉnh trong việc thực hiện các nội dung trong quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, để các tổ chức, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết thực hiện.
- Xây dựng chương trình phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt để dành nguồn ngân sách đầu tư cho các hạng mục kỹ thuật ngoài hàng rào cụm công nghiệp và đầu tư cho các chương trình xúc tiến đầu phát triển các cụm công nghiệp.
- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong các kế hoạch hàng năm, hoặc 5 năm. Theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch, kịp thời đề xuất UBND tỉnh các giải pháp về điều hành thực hiện quy hoạch bảo đảm yêu cầu phát triển các cụm công nghiệp trong mối quan hệ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chức năng quản lý Nhà nước, các chính sách và giải pháp đối với việc phát triển các cụm công nghiệp.
2. Các cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp thuộc trách nhiệm của đơn vị mình; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương để xử lý các vấn đề liên quan theo đề xuất của Sở Công Thương.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm:
- Trên cơ sở các định hướng, mục tiêu phát triển các cụm công nghiệp trong quy hoạch này, tiến hành cụ thể hóa và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng trên địa bàn.
- Đưa các nội dung triển khai quy hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của từng địa phương.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế cho các Quyết định sau:
- Quyết định số 13/2007/QĐ-UBND ngày 14/02/2007 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2001-2010, xét đến 2020
- Quyết định số 36/2009/QĐ-UBND ngày 20/5/2009 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 1 Quyết định số 13/2007/QĐ-UBND ngày 14/02/2007 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2001-2010, xét đến 2020.
Điều 5. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.