LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12, Luật số 72/2014/QH13 và Luật số 48/2019/QH14.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Chức vụ, chức danh của sĩ quan
1. Chức vụ cơ bản của sĩ quan gồm có:
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
b) Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
c) Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;
d) Phó Tổng Tham mưu trưởng; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
đ) Chủ nhiệm Tổng cục, Tổng cục trưởng, Chính ủy Tổng cục;
Tư lệnh, Chính ủy: Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn;
e) Phó Chủ nhiệm Tổng cục, Phó Tổng cục trưởng, Phó Chính ủy Tổng cục;
Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy: Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn;
g) Tư lệnh, Chính ủy: Binh chủng, Vùng Hải quân;
h) Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy: Binh chủng, Vùng Hải quân;
i) Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn; Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
k) Phó Sư đoàn trưởng, Phó Chính ủy Sư đoàn; Phó Chỉ huy trưởng, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Phó Chỉ huy trưởng, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
Lữ đoàn trưởng, Chính ủy Lữ đoàn;
l) Phó Lữ đoàn trưởng, Phó Chính ủy Lữ đoàn;
Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
m) Phó Trung đoàn trưởng, Phó Chính ủy Trung đoàn; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
n) Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn;
o) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn;
p) Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội;
q) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội;
r) Trung đội trưởng.
2. Chức vụ, chức danh tương đương với chức vụ quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định; chức vụ, chức danh tương đương với chức vụ quy định tại các điểm h, i, k, l, m, n, o, p, q và r khoản 1 Điều này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
“Điều 13. Tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan
1. Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm:
Cấp Úy: 50;
Thiếu tá: 52;
Trung tá: 54;
Thượng tá: 56;
Đại tá: 58;
Cấp Tướng: 60.
2. Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 05 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy Quân đoàn quy định tại điểm đ, điểm e và chỉ huy, quản lý đơn vị quy định tại các điểm g, h, i, k, l, m, n, o, p, q và r khoản 1 Điều 11 của Luật này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng không vượt quá hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
“Điều 15. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan
1. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan được quy định như sau:
a) Đại tướng, số lượng không quá 03, bao gồm:
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
b) Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, số lượng không quá 14, bao gồm:
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân: số lượng không quá 06;
Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: mỗi chức vụ số lượng không quá 03;
Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng;
c) Các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân; Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân: số lượng không quá 398;
d) Các chức vụ, chức danh quy định tại các điểm h, i, k, l, m, n, o, p, q và r khoản 1 Điều 11 của Luật này và các chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp Tá, cấp Úy.
2. Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng.
3. Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái có chức vụ, chức danh cao hơn quy định tại khoản 2 Điều này và trường hợp đặc biệt được phong, thăng quân hàm cấp Tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Chính phủ quy định vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp Tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp Tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
5. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp Tá, cấp Úy do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 17 như sau:
“3. Tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác, trường hợp không còn đủ 03 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.
4. Sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc nhưng không vượt quá cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm.
Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản này để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp Tướng vượt bậc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản này để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp Tá, cấp Úy vượt bậc.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
“Điều 18. Thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn
1. Sĩ quan được xét thăng quân hàm trước thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này trong các trường hợp sau đây:
a) Trong chiến đấu lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác được khen thưởng;
b) Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ, chức danh mà sĩ quan đang đảm nhiệm từ hai bậc trở lên hoặc cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ chỉ huy, quản lý.
2. Sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn nếu trong chiến đấu lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác được khen thưởng.
3. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn tại khoản 1 Điều này để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp Tướng trước thời hạn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp Tá, cấp Úy và nâng lương sĩ quan trước thời hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”.
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 29 như sau:
“1. Thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và được hưởng quyền lợi như sĩ quan đang công tác trong quân đội; được cơ quan, tổ chức nơi đến biệt phái bảo đảm điều kiện làm việc và sinh hoạt; khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái được xem xét, bố trí chức vụ phù hợp; trường hợp bố trí chức vụ thấp hơn chức vụ biệt phái thì được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái.”.
7. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 32 như sau:
“3. Sĩ quan do yêu cầu nhiệm vụ mà không được bố trí nghỉ hằng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 33 như sau:
“Điều 33. Chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ
1. Sĩ quan tại ngũ được bảo đảm chăm sóc sức khỏe; khi bị thương, ốm đau, thai sản, tai nạn, rủi ro nghề nghiệp được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và được hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.
2. Cha đẻ, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp; cha đẻ, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông của sĩ quan tại ngũ không có chế độ bảo hiểm y tế thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.”.
9. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 36 như sau:
“3. Hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định tại Điều 13 của Luật này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu.”.
10. Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 1 Điều 37 như sau:
“e) Được hưởng chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần theo quy định của Chính phủ.”.
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 38 như sau:
“Điều 38. Tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị
1. Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị quy định như sau:
Cấp Úy: 53;
Thiếu tá: 55;
Trung tá: 57;
Thượng tá: 59;
Đại tá: 61;
Cấp Tướng: 63.
2. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.”.
12. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 41 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở, căn cứ trình độ đã được đào tạo, kết quả học tập, rèn luyện được phong quân hàm sĩ quan dự bị.”.
b) Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 như sau:
“6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 5 Điều này.”.
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 46 như sau:
“1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về sĩ quan; ban hành chế độ, chính sách đối với sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng quy định tại Điều 34, sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ và sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b, c và đ khoản 2, điểm a khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 37 của Luật này; ban hành cơ chế, chính sách đặc biệt về điều kiện, môi trường làm việc, lương, thưởng, chăm sóc sức khỏe và các chính sách khác để thu hút, trọng dụng nhân tài đối với Quân đội; quy định chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù đối với cán bộ Tình báo và người cộng tác với lực lượng Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng.
2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về sĩ quan; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện việc quản lý nhà nước về sĩ quan; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.”.
14. Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 47 như sau:
“5. Bố trí đất từ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai để bàn giao cho Bộ Quốc phòng làm cơ quan chủ quản, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng.”.
15. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ sau đây:
a) Bổ sung từ “, chức danh” vào sau từ “chức vụ” tại khoản 2 Điều 12 và điểm b khoản 1 Điều 25;
b) Bổ sung cụm từ “; Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng” vào sau cụm từ “Tư lệnh, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam” tại điểm b khoản 1 Điều 25;
c) Bổ sung cụm từ “, cùng ngành nghề làm việc” vào sau cụm từ “cùng điều kiện làm việc” tại khoản 1 Điều 31;
d) Bổ sung cụm từ “chính sách về đất ở, ” vào trước cụm từ “phụ cấp nhà ở” tại khoản 7 Điều 31;
đ) Thay thế từ “hộ khẩu” bằng từ “thường trú” tại điểm d khoản 1 Điều 37;
e) Thay thế cụm từ “kế hoạch của Chính phủ” bằng cụm từ “quyết định của Thủ tướng Chính phủ” tại Điều 40;
g) Bỏ cụm từ “; được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích” tại khoản 1 Điều 43.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2023/QH15, Luật số 30/2023/QH15 và Luật số 38/2024/QH15
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:
“Điều 25. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân
1. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân được quy định như sau:
a) Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;
b) Thượng tướng, số lượng không quá 07, bao gồm:
Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 06;
Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội;
c) Các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng, số lượng không quá 197.
2. Chính phủ quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng, tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp tướng và cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái có chức vụ, chức danh cao hơn chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và trường hợp đặc biệt được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tá trở xuống do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 29 như sau:
“2. Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được hưởng chế độ, chính sách như sĩ quan đang công tác trong Công an nhân dân. Việc phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm đối với sĩ quan biệt phái thực hiện như đối với sĩ quan đang công tác trong Công an nhân dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này.
Sĩ quan Công an nhân dân khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái được xem xét, bố trí chức vụ tương đương chức vụ biệt phái; được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái.”.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2024.