• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/11/1987
BỘ NỘI THƯƠNG
Số: 16-NT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1987

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI THƯƠNG SỐ 16/NT NGÀY 14-11-1987

HƯỚNG DẪN VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ KINH DOANH

CỦA NGÀNH NỘI THƯƠNG Ở CẤP TỈNH VÀ HUYỆN

Để thi hành thống nhất Nghị quyết (dự thảo) số 113/HĐBT ngày 15-7-1987 của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Nội thương hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước và hệ thống tổ chức thương nghiệp quốc doanh thuộc ngành Nội thương ở các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) và ở các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là huyện) như sau:

I. Sở thương nghiệp

Sở Thương nghiệp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, đồng thời là cơ quan cấp dưới của Bộ Nội thương làm chức năng quản lý Nhà nước về thương nghiệp và thị trường, bao gồm quản lý hành chính Nhà nước đối với mọi hoạt động thương nghiệp và thị trường tại địa phương và quản lý kinh tế - kỹ thuật đối với các tổ chức thương nghiệp hợp tác xã do địa phương quản lý.

Sở Thương nghiệp thực hiện chức năng trên theo đúng đường lối chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, được giao nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo việc lưu thông vật phẩm tiêu dùng, kinh doanh ăn uống công cộng, khác sạn và dịch vụ; tổ chức sản xuất - chế biến và gia công một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; chỉ đạo công tác cải tạo thương nghiệp tư nhân và quản lý thị trường.

a) Nhiệm vụ cụ thể và quyền hạn của Sở Thương nghiệp:

1. Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển ngành (gồm thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán) trên địa bàn, xây dựng các chương trình mục tiêu, các kế hoạch lưu chuyển hàng hoá dài hạn, 5 năm, hàng năm, bảo đảm những cân đối chủ yếu tại thị trường địa phương và các kế hoạch biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội được giao.

2. Tổ chức chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ về thương nghiệp và thị trường ở địa phương, nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Bộ bổ sung, sửa đổi các chính sách, chế độ cho phù hợp với nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của địa phương.

3. Chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị kinh doanh sản xuất trực thuộc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch thu mua hàng nông sản thực phẩm và hàng công nghiệp tiêu dùng, gia công tự sản xuất chế biến, tổ chức dự trữ và bán ra, kinh doanh ăn uống công cộng và dịch vụ.

4. Căn cứ vào chủ trương, chính sách về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân và quản lý thị trường của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo hướng dẫn của Bộ để chỉ đạo thực hiện việc cải tạo và quản lý thị trường tại địa phương.

5. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phát triển mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, các cơ sở vật chất kỹ thuật thương nghiệp, bảo đảm phục vụ thuận tiện sản xuất và đời sống nhân dân, tổ chức lưu thông hàng hoá thông suốt; hợp lý.

6. Thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên mọi hoạt động của các tổ chức kinh doanh tại địa phương, giám sát và kiểm tra chất lượng hàng hoá và đo lường theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.

7. Tổ chức xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch của các đơn vị trực thuộc.

8. Nghiên cứu, cải tiến nghiệp vụ, kỹ thuật kinh doanh, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, văn minh thương nghiệp, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác.

9. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên về nghiệp vụ quản lý và nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh. Quản lý trực tiếp những cán bộ theo sự phân cấp của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

10. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh - sản xuất trực thuộc thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật và các chế độ quản lý tài sản, vật tư, tiền vốn, lao động tiền lương đã được Nhà nước, Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành.

11. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổng kết phong trào thi đua khen thưởng, động viên các đơn vị và cá nhân có thành tích trong hoạt động của ngành; xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và chống mọi hiện tượng tiêu cực trong ngành.

b) Tổ chức bộ máy Sở thương nghiệp:

Sở thương nghiệp do một Giám đốc điều khiển; giúp việc có từ 1 đến 2 (nhiều nhất 3 phó đối với thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội) Phó giám đốc chỉ đạo từng phần việc do Giám đốc phân công.

Giám đốc chịu trách nhiệm trước Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Bộ Nội thương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn ghi ở điểm a, phần I.

Trong phạm vi quyền hạn được giao và căn cứ vào các chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước, của Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở thương nghiệp được ra các quyết định, chỉ thị, các văn bản cho các tổ chức kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, khách sạn, dịch vụ trên địa bàn thực hiện.

Bộ máy cơ quan Sở Thương nghiệp cần tổ chức gọn, nhẹ nhưng có hiệu lực, đủ sức làm tốt nhiệm vụ được giao. Cơ quan Sở có các phòng, ban như sau:

1. Phòng kế hoạch - nghiệp vụ (bao gồm các công tác vật giá, thống kê).

2. Phòng tài chính - kế toán.

3. Phòng Cải tạo, quản lý thị trường.

4. Phòng tổ chức, cán bộ, lao động tiền lương - hành chính, quản trị (gọi tắt là Phòng tổ chức - hành chính).

5. Ban thanh tra.

thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể bố trí nhiều phòng hơn (như phòng kế hoạch thống kế, phòng nghiệp vụ - kinh doanh).

Ngoài các phòng, ban nói trên, Sở còn có Ban quản lý hợp tác xã mua bán tỉnh, trường dạy nghề thương nghiệp, các đơn vị kinh doanh trực thuộc.

c) Mối quan hệ của Sở Thương nghiệp với các cơ quan có liên quan.

1. Với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu:

Sở Thương nghiệp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Uỷ ban Nhân dân tỉnh thông qua Sở Thương nghiệp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương nghiệp, ăn uống công cộng, dịch vụ, quản lý thị trường và các đơn vị kinh doanh thuộc ngành Nội thương ở địa phương. Sở Thương nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi quyết định, chỉ thị của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

2. Với Bộ nội thương.

Sở Thương nghiệp là cơ quan cấp dưới thuộc hệ thống quản lý ngành dọc của Bộ Nội thương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ về các mặt thuộc phạm vi quản lý của Bộ như Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ đã quy định; có nhiệm vụ chấp hành mọi chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ, các chỉ tiêu kế hoạch, các định mức kinh tế - kỹ thuật, giá cả, nghiệp vụ kinh doanh và quản lý kinh tế thương nghiệp.

Trường hợp có những điểm không nhất trí giữa địa phương và Bộ về chính sách, chế độ, giá cả, phương thức và tổ chức lưu thông hàng hoá thì phải căn cứ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ để thực hiện và báo cáo với Bộ để nghiên cứu có ý kiến với địa phương.

3. Với các tổ chức thương nghiệp địa phương.

Sở Thương nghiệp quản lý trực tiếp và toàn diện đối với các công ty, xí nghiệp thương nghiệp, ăn uống công cộng và dịch vụ trực thuộc.

4. Với phòng thương nghiệp huyện, quận, thị xã.

Sở Thương nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Thương nghiệp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thương nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân và quản lý thị trường trên địa bàn huyện, quận, thị xã.

II. Cơ quan thương nghiệp huyện

(Phòng Thương nghiệp hoặc bộ phận, tổ công tác)

Trong lúc chờ đợi sự kiện toàn, sắp xếp các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân huyện theo chủ trương chung của Trung ương, trước mắt cần kiện toàn các Phòng Thương nghiệp huyện, thị xã (gọi tắt là huyện) theo hướng sau đây:

1. Phòng Thương nghiệp huyện (hoặc bộ phận, tổ công tác) là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân huyện, đồng thời là cơ quan cấp dưới của Sở Thương nghiệp thuộc hệ thống Bộ Nội thương. Phòng Thương nghiệp chịu sự chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của Uỷ ban Nhân dân huyện và chịu sự chỉ đạo theo ngành của Sở Thương nghiệp.

Nơi nào đã bỏ Phòng Thương nghiệp, nay tuỳ theo điều kiện thực tế của từng huyện mà lập lại phòng hoặc tổ chức một bộ phận công tác đúng nhu Nghị quyết số 113-HĐBT ngày 15-7-1987 của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Phòng Thương nghiệp có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Quản lý Nhà nước về thương nghiệp ăn uống công cộng và dịch vụ đối với các thành phần thương nghiệp, ăn uống công cộng và dịch vụ hoạt động trên địa bàn huyện; kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ, phương thức kinh doanh đối với các tổ chức kinh doanh thương nghiệp, ăn uống công cộng và dịch vụ trên địa bàn huyện.

- Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch thương nghiệp ở huyện, bảo đảm các quan hệ cân đối phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở huyện. Hướng dẫn các tổ chức kinh doanh thương nghiệp trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch lưu chuyển hàng hoá, các kế hoạch biện pháp theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Uỷ ban Nhân dân huyện và Sở Thương nghiệp.

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch mua bán và các chính sách, chế độ, thể lệ về thương nghiệp của các tổ chức kinh doanh ở huyện.

- Phối hợp với các ngành và đoàn thể quần chúng tổ chức thực hiện các chính sách, biện pháp cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân và quản lý thị trường.

3. Tổ chức bộ máy phòng Thương nghiệp huyện.

Phòng Thương nghiệp huyện, quận, thị xã do một trưởng phòng phụ trách, giúp việc trưởng phòng có một phó trưởng phòng.

Biên chế của Phòng Thương nghiệp có từ 5 đến 7 người.

4. Các mối quan hệ của Phòng Thương nghiệp huyện.

a) Với Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, Phòng thương nghiệp huyện chịu trách nhiệm và giúp Uỷ ban Nhân dân huyện chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao và có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động thương nghiệp và thị trường trên địa bàn huyện cho Uỷ ban nhân dân huyện.

b) Với Sở Thương nghiệp, Phòng Thương nghiệp là cơ quan cấp dưới thuộc hệ thống hành dọc của Sở Thương nghiệp, chịu trách nhiệm trước Sở về các mặt công tác thương nghiệp, và thị trường trên địa bàn huyện.

c) Với các phòng, ban chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân huyện - là những cơ quan cùng cấp, Phòng Thương nghiệp có quan hệ phối hợp, hợp tác với nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

d) Với các đơn vị kinh doanh thương nghiệp trên địa bàn huyện, Phòng Thương nghiệp giúp Uỷ ban Nhân dân huyện và Sở Thương nghiệp hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo cắc mặt công tác về thương nghiệp trên địa bàn huyện, nhưng không phải là đơn vị cấp trên của các tổ chức kinh doanh mà chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra giám sát để báo cáo phản ảnh với Uỷ ban Nhân dân huyện và Sở Thương nghiệp để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

III. Chấn chỉnh, kiện toàn các tổ chức kinh doanh của thương nghiệp quốc doanh địa phương

(Hệ thống hợp tác xã mua bán sẽ có thông tư hướng dẫn riêng)

Thực hiện Nghị quyết (dự thảo) số 113-HĐBT ngày 15-7-1987 của Hội đồng Bộ trưởng, cần phải sắp xếp lại các tổ chức thương nghiệp quốc doanh của tỉnh, huyện theo hướng giảm bớt đầu mối, bỏ bớt khâu nấc trung gian, giảm bớt biên chế gián tiếp, củng cố và xây dựng các tổ chức thương nghiệp quốc doanh vững mạnh, kinh doanh có hiệu quả, đủ sức vươn lên mở rộng kinh doanh, phục vụ và thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triên, nắm được nhiều hàng, làm chủ thị trường, phục vụ tốt đời sống nhân dân. Thương nghiệp quốc doanh ở các địa phương tổ chức lại theo mô hình như sau:

1. Tổ chức thương nghiệp quốc doanh tỉnh và đặc khu.

Tuỳ theo doanh số, khối lượng kinh doanh và phạm vi hoạt động của từng địa phương mà tổ chức 1, 2 hay 3 công ty thương nghiệp quốc doanh.

những tỉnh mà diện tích không rộng, doanh số không lớn, nguồn hàng chủ yếu để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tại địa phương thì tổ chức một công ty thương nghiệp tổng hợp, làm nhiệm vụ mua, bán trong tỉnh và trao đổi với các tỉnh khác những hàng hoá thuộc quỹ hàng hoá của tỉnh, đồng thời liên kết với các công ty Trung ương trong việc khai thác nguồn hàng; hợp lý hoá vận động hàng hoá, kết hợp bán buôn của các tổ chức thương nghiệp quốc doanh Trung ương với bán lẻ của các tổ chức thương nghiệp quốc doanh địa phương, mở rộng hình thức đại lý mua bán cho nhau.

các tỉnh diện tích rộng, có nguồn hàng phong phú, doanh số lớn thì tổ chức một công ty kinh doanh công nghệ phẩm và một công ty nông sản thực phẩm.

Nơi nào có nhu cầu lớn về kinh doanh hàng vật liệu xây dựng và chất đốt thì tổ chức thêm công ty vật liệu xây dựng và chất đốt tỉnh.

Các công ty thương nghiệp quốc doanh tỉnh đều trực tiếp tổ chức bán lẻ tại thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (tỉnh lỵ). Riêng những thành phố trực thuộc tỉnh có số dân từ 250.000 người trở lên, công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, có nhiều đầu mối giao thông đi các tỉnh khác như thành phố Vinh, Đà nẵng, Cần Thơ... thì có thể tổ chức Công ty bán lẻ hàng công nghiệp tiêu dùng riêng để phục vụ nhân dân của thành phố, Công ty công nghệ phẩm tỉnh làm nhiệm vụ bán buôn là chủ yếu. Các thành phố, thị xã khác tuy số dân ít hơn nhưng ở xa tỉnh lỵ thì cũng có thể tổ chức công ty bán lẻ hàng công nghiệp tiêu dùng riêng.

Về tổ chức kinh doanh ăn uống công cộng và dịch vụ:

Mỗi tỉnh tổ chức công ty ăn uống công cộng và dịch vụ trực tiếp kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thị xã và các đầu mối giao thông quan trọng trong tỉnh. \'ebnhững tỉnh có nhiều đầu mối giao thông tập trung, nhu cầu ăn uống lớn, các hoạt động dịch vụ phát triển và được giao thêm nhiệm vụ kinh doanh khách sạn và du lịch nội địa thì tổ chức một công ty ăn uống khách sạn và một công ty dịch vụ, hoặc một công ty ăn uống khách sạn và du lịch và một công ty dịch vụ. Các thành phố lớn trực thuộc tỉnh tổ chức một công ty ăn uống công cộng và một công ty dịch vụ trực thuộc thành phố.

2. các thành phố lớn.

Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng trên cơ sở hệ thống tổ chức hiện nay mà sắp xếp lại tổ chức các công ty chuyên doanh hoặc liên hiệp công ty vừa làm nhiệm vụ bán buôn, vừa làm nhiệm vụ bán lẻ cho dân cư trên địa bàn thành phố, có các cửa hàng thương nghiệp tổng hợp trực thuộc Sở Thương nghiệp. Tuỳ khối lượng hàng hoá luân chuyển và sức mua của dân cư mà tổ chức từ 5 đến 9 công ty chuyên doanh. Các công ty này đều có mạng lưới cửa hàng, quầy hàng ở các quận để làm nhiệm vụ bán lẻ cho người tiêu dùng, không tổ chức các công ty thương nghiệp quận.

mỗi quận được tổ chức một công ty ăn uống khách sạn và dịch vụ, nơi có nhu cầu dịch vụ lớn thì tổ chức công ty dịch vụ riêng.

Tổ chức lại Sở ăn uống công cộng và phục vụ thành Liên hiệp các xí nghiệp ăn uống - khách sạn và Liên hiệp xí nghiệp dịch vụ thành phố bao gồm các công ty ăn uống - khách sạn, công ty dịch vụ thành phố và các công ty ăn uống - khách sạn và công ty dịch vụ các quận.

Các công ty công nghệ phẩm của thành phố liên kết chặt chẽ với các công ty Trung ương, trước hết các công ty ngành hàng điện máy - kim khí, vải sợi may mặc, bách hoá để tổ chức nguồn hàng, hợp lý việc vận động hàng hoá, cung ứng thẳng hàng hoá đến các đơn vị bán lẻ của thành phố, giảm chi phí lưu thông.

3. Tổ chức kinh doanh thương nghiệp huyện.

a) mỗi huyện trên cả nước tổ chức một công ty thương nghiệp tổng hợp. Công ty thương nghiệp làm nhiệm vụ thu mua trên địa bàn huyện, theo kế hoạch và theo hợp đồng mà giao hàng cho các xí nghiệp công nghiệp, các tổ chức kinh doanh khác được phân công, các công ty tỉnh và Trung ương thuộc ngành, theo kế hoạch của tỉnh mà bán buôn theo các huyện khác trong tỉnh và ngoài tỉnh; trao đổi với các huyện khác những hàng ngoài kế hoạch của tỉnh; tổ chức bán lẻ quỹ hàng hoá của huyện và cung ứng hàng hoá cho hợp tác xã mua bán xã; tổ chức kinh doanh ăn uống và dịch vụ sinh hoạt; sản xuất chế biến một số mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại huyện và góp phần tạo nguồn hàng xuất khẩu.

Đối với các huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí minh nơi nào có nhu cầu ăn uống - dịch vụ lớn thì tổ chức thêm một công ty ăn uống và dịch vụ.

Những huyện là vành đai thực phẩm của thành phố chỉ tổ chức các trạm,

cửa hàng thực phẩm, rau quả trực thuộc công ty thực phẩm và công ty rau quả thành phố đóng tại huyện để tổ chức nguồn hàng đưa vào thành phố và bán lẻ tại thị xã, thị trấn huyện.

Công ty thương nghiệp huyện vừa trực thuộc Sở Thương nghiệp tỉnh, thành phố, vừa chịu sự quản lý song trùng của Uỷ ban Nhân dân huyện.

Sở thương nghiệp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn công ty thương nghiệp huyện về quy hoạch, kế hoạch, giao chỉ tiêu kế hoạch lưu chuyển hàng hoá (mua bán) và các kế hoạch biện pháp; chỉ đạo hướng dẫn thực hiện các chính sách phương thức mua, bán và các định mức kinh tế - kỹ thuật thương nghiệp; quản lý thống nhất về mạng lưới thương nghiệp; xét cấp vốn kinh doanh và hướng dẫn hạch toán. Cùng với Uỷ ban Nhân dân huyện xét duyệt và công nhận hoàn thành kế hoạch của các công ty thương nghiệp huyện, thực hiện việc quản lý cán bộ từ chánh, phó giám đốc, kế toán trưởng.

Uỷ ban Nhân dân huyện có trách nhiệm cụ thể hoá chỉ tiêu mua và điều động hàng hoá mà Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Sở Thương nghiệp giao để hướng dẫn các tổ chức kinh doanh ở huyện xây dựng kế hoạch; chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện các chính sách thể lệ mua bán hàng hoá, cải tạo thương nghiệp tư nhân và quản lý thị trường. Quản lý quỹ hàng hoá mà tỉnh giao cho huyện, chỉ đạo, kiểm tra việc phân phối bán ra của các tổ chức thương nghiệp ở huyện, xét duyệt kế hoạch và địa điểm bố trí mạng lưới; Uỷ ban Nhân dân huyện quản lý cán bộ, công nhân viên của các tổ chức thương nghiệp tại huyện theo chế độ của Nhà nước và Bộ Nội thương ban hành. Riêng đối với cán bộ đại học, trung học thương nghiệp, nếu Uỷ ban Nhân dân huyện muốn điều động ra khỏi ngành Nội thương thì phải được sự đồng ý của Sở Thương nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 113-HĐBT ngày 15-7-1987 của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ sẽ chỉ đạo làm thử việc tổ chức các cửa hàng thương nghiệp huyện trực thuộc công ty thương nghiệp tỉnh; tổ chức các liên hiệp xí nghiệp bán buôn, bán lẻ ở một số trung tâm thương nghiệp để rút kinh nghiệm.

Căn cứ vào nội dung Thông tư này, yêu cầu các Sở Thương nghiệp báo cáo với Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương để chỉ đạo thực hiện thống nhất trong cả nước.

Các văn bản trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Minh Thắng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.