• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/01/2013
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 206/2012/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2012

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc lập, quản lý và sử dụng các Quỹ tập trung

của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam

_______________

 

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 989/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 21/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam;

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 8560/VPCP-KTTH ngày 1/12/2011 của Văn phòng Chính phủ về các quỹ tập trung của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng các Quỹ tập trung của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh:

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là Công ty mẹ - Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN), các đơn vị khai thác, chế biến than - khoáng sản, các đơn vị thụ hưởng các quỹ tập trung trong Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

2. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định việc lập, quản lý, sử dụng các Quỹ tập trung tại VINACOMIN gồm:

a) Quỹ Thăm dò than - khoáng sản.

b) Quỹ Môi trường than - khoáng sản.

c) Quỹ Cấp cứu mỏ.

d) Quỹ Đào tạo, y tế.

đ) Quỹ Đổi mới cơ cấu lao động.

Điều 2. Nguồn hình thành và tỷ lệ tính để lập các quỹ.

1. Các Quỹ tập trung được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của VINACOMIN và các đơn vị sản xuất, chế biến than - khoáng sản, với mức tính cụ thể như sau:

a) Quỹ Thăm dò than - khoáng sản tính tối đa không quá 2% trên tổng doanh thu của các đơn vị sản xuất, chế biến than-khoáng sản;

b) Quỹ Môi trường than - khoáng sản được tính tối đa không quá 1,5% trên tổng doanh thu của các đơn vị sản xuất, chế biến than-khoáng sản;

c) Quỹ Cấp cứu mỏ được tính tối đa không quá 0,1% trên tổng doanh thu của các đơn vị sản xuất, chế biến than-khoáng sản;

d) Quỹ Đào tạo, y tế được tính tối đa không quá 0,3% trên tổng doanh thu của các đơn vị sản xuất, chế biến than-khoáng sản;

đ) Doanh thu của các đơn vị chế biến than-khoáng sản để tính và lập quỹ là doanh thu bán hàng trừ đi giá trị than, khoáng sản mua vào và đã bán ra trong kỳ.

e) Doanh thu của các đơn vị sản xuất than thực hiện theo hướng dẫn của chế độ kế toán doanh nghiệp.

2. Quỹ Đổi mới cơ cấu lao động được tính từ nguồn Quỹ tiền lương thực hiện hàng năm của VINACOMIN và các đơn vị khai thác, chế biến than - khoáng sản. Tỷ lệ tính tối đa không quá 1% trên tổng quỹ lương thực hiện của Công ty mẹ và các đơn vị sản xuất, chế biến than-khoáng sản.

Hội đồng thành viên của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn ngành quy định việc tính để lập, quản lý, sử dụng Quỹ này đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan và Điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn.

3. Nguyên tắc tính để lập các quỹ tập trung: Hội đồng thành viên Tập đoàn quyết định tỷ lệ tính để lập các quỹ cụ thể hàng năm nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Tỷ lệ tính để lập các quỹ không vượt quá mức đã quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này.

b) Mức tính để lập các quỹ không vượt quá mức giao kế hoạch thu, chi các quỹ tập trung hàng năm của Tập đoàn sau khi có sự thoả thuận của Bộ Công thương (bao gồm cả nguồn kết dư của năm trước chuyển sang).

c) Việc tính vào chí phí để có nguồn nộp về VINACOMIN lập các quỹ tập trung không làm các doanh nghiệp bị lỗ. Các doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ thì không được tính vào chi phí để có nguồn nộp về VINACOMIN lập các quỹ tập trung.

4. Kết dư các Quỹ tập trung: Số dư các Quỹ tập trung của VINACOMIN được chuyển năm sau với mức tối đa không quá 10% tổng dự toán chi các quỹ của năm sau. Nếu số dư các quỹ cao hơn 10% tổng dự toán chi các quỹ của năm sau thì phần chênh lệch VINACOMIN hoàn nhập vào thu nhập chịu thuế tại Công ty mẹ.

5. Căn cứ vào quyết định phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch thu, chi các quỹ tập trung của VINACOMIN; tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc đối tượng tính vào chi phí để có nguồn nộp về VINACOMIN lập các quỹ tập trung, hàng quý, Hội đồng thành viên của VINACOMIN thông báo kế hoạch phân bổ kinh phí tính vào chi phí để các doanh nghiệp thực hiện tính vào chi phí kinh doanh, thời điểm tính là cuối các quý trong năm.

Điều 3. Nội dung chi, quy trình quản lý và sử dụng các quỹ tập trung.

1. Nội dung chi và sử dụng các quỹ

a) Quỹ Thăm dò than - khoáng sản.

- Chi điều tra khảo sát thăm dò địa chất các mỏ than và khoáng sản: Chi lập các đề án xin cấp phép thăm dò, chi lập các báo cáo tổng kết kết quả thăm dò, chi khảo sát thăm dò địa chất công trình, địa chất thủy văn, khí tượng thủy văn các mỏ than và khoáng sản.

- Chi thăm dò, thăm dò bổ sung nâng cấp trữ lượng phục vụ các dự án đầu tư.

- Chi thăm dò phát triển tài nguyên, trữ lượng.

- Chi lập các báo cáo chuyển đổi cấp tài nguyên, cấp trữ lượng.

- Chi đo đạc lập bản đồ địa hình mặt đất (bao gồm cả phương pháp chụp ảnh hàng không), quan trắc dịch động, nghiệm thu khối lượng mỏ than và khoáng sản.

- Chi xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất các mỏ than và các mỏ khoáng sản khác.

- Chi xây dựng bình đồ nham thạch, bình đồ chất lượng than, khoáng sản khác.

Các khoản chi nói trên giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam. Nếu sử dụng kinh phí để phục vụ hoạt động thăm dò ở nước ngoài thì phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

b) Quỹ Môi trường than - khoáng sản.

- Chi xây dựng, đầu tư các công trình, hệ thống thu gom, lưu trữ, xử lý, tái chế chất thải, các công trình, hệ thống phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường.

- Chi cải tạo, phục hồi môi trường, cảnh quan các bãi thải, khai trường và các khu vực sản suất khác; cải tạo, phục hồi môi trường, cảnh quan các khu vực bị ảnh hưởng.

- Chi xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước, đập, kè, cống và các công trình giao thông có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

- Chi giải quyết, khắc phục các sự cố môi trường, thiên tai.

- Chi cho các hoạt động để vận hành, sử dụng các công trình được đầu tư để xử lý ô nhiễm môi trường.

c) Quỹ Cấp cứu mỏ.

- Chi đầu tư mua sắm các trang thiết bị đặc chủng phục vụ cho công tác cấp cứu mỏ như xe chữa cháy, xe cứu thương, máy bơm nước, máy nén khí ...

- Chi phí thường xuyên cho hoạt động của Trung tâm cấp cứu mỏ thuộc Vinacomin gồm: chi phí tiền lương, phụ cấp lương, bảo hiểm xã hội, y tế, trợ cấp thất nghiệp, kinh phí công đoàn, ăn giữa ca, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định; chi phí quản lý hành chính; chi an toàn vệ sinh công nghiệp, phòng chống bão lụt, thiên tai, bảo vệ môi trường; chi thuế môn bài, lệ phí và các chi phí khác.

- Chi phí cho công tác cấp cứu mỏ gồm: Vật tư, dụng cụ chuyên dùng cấp cứu mỏ; hoá chất dụng cụ cấp cứu mỏ...

d) Quỹ Đào tạo, y tế.

- Chi cho công tác đào tạo công nhân kỹ thuật, cao đẳng gồm:

+ Chi đào tạo các ngành nghề đặc thù của Tập đoàn gồm: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò, Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò, Luyện kim, Hóa chất.

+ Chi mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị giảng dạy của các trường.

+ Chi biên soạn giáo trình giảng dạy đối với các ngành học đặc thù; tổ chức thi thợ giỏi trong và ngoài nước đối với ngành học đặc thù.

- Chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, kỹ thuật.

- Chi cho y tế:

+ Chi hỗ trợ kinh phí thường xuyên các Trung tâm y tế, bệnh viện của Tập đoàn.

+ Chi khám chữa bệnh nghề nghiệp (như bệnh bụi phổi ...).

đ) Quỹ Đổi mới cơ cấu lao động gồm:

- Chi hỗ trợ người lao động về hưu trước tuổi.

- Chi hỗ trợ người lao động thôi việc trợ cấp 1 lần.

- Mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng trên do VINACOMIN quyết định nhưng không được vượt quá mức quy định của nhà nước về chính sách lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.

e) Các khoản chi cho thăm dò than - khoáng sản, môi trường, cấp cứu mỏ, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, đổi mới cơ cấu lao động đã được bù đắp bằng các nguồn kinh phí khác thì không được cấp từ nguồn các quỹ tập trung tại VINACOMIN.

2. Quy trình sử dụng các quỹ.

a) Tại các đơn vị sử dụng Quỹ

- Hàng năm, các đơn vị sử dụng các quỹ tập trung căn cứ vào nhu cầu xây dựng mỏ mới, cải tạo mở rộng công suất mỏ; Đánh giá các tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh than, khoáng sản đến môi trường; kế hoạch hoạt động của Trung tâm cấp cứu mỏ; nhu cầu đầu tư tại các trường đào tạo, các trung tâm ý tế và kế hoạch đổi mới cơ cấu lao động để tổ chức xây dựng kế hoạch sử dụng các quỹ tập trung trình Tập đoàn thẩm định phê duyệt.

- Căn cứ vào kế hoạch sử dụng các quỹ tập trung đã được Tập đoàn phê duyệt các đơn vị triển khai tổ chức thực hiện cụ thể:

+ Lập dự toán chi tiết các khoản chi.

+ Cấp tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành hoặc chi thường xuyên, mua sắm cho công tác đầu tư, chăm sóc sức khoẻ, chi đổi mới cơ cấu lao động.

- Hết năm, các đơn vị lập báo cáo quyết toán chi theo kế hoạch đã được Tập đoàn duyệt, báo cáo quyết toán hàng năm của các đơn vị phải được kiểm toán trước khi trình Tập đoàn phê duyệt.

- Các đơn vị sử dụng quỹ thực hiện lưu trữ các quyết định phê duyệt đề án, phương án, dự toán, quyết định phân bổ dự toán, các chứng từ gốc, hợp đồng kinh tế, hồ sơ quyết toán, báo cáo quyết toán theo quy định.

b) Tại Tập đoàn: Căn cứ mục tiêu, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn lập kế hoạch thu, chi các quỹ tập trung và giao kế hoạch chi thăm dò, khảo sát than - khoáng sản; các dự án môi trường; đào tạo, y tế; cấp cứu mỏ và đổi mới cơ cấu lao động hàng năm cho các đơn vị; đồng thời phê duyệt đề án, phương án, dự toán cho từng đơn vị.

- Tổ chức giám sát, kiểm tra, nghiệm thu xác nhận khối lượng giá trị thanh toán cho từng đề án, phương án.

- Thực hiện cấp tạm ứng kinh phí theo kế hoạch, quyết toán toàn bộ kinh phí chi từ quỹ trong năm cho các đơn vị theo số quyết toán,

- Lưu giữ các tài liệu về kế hoạch, các quyết định phê duyệt dự toán, quyết định công nhận kết quả, biên bản nghiệm thu xác nhận khối lượng giá trị của từng đề án, phương án, lưu giữ hồ sơ và quyết định phê duyệt quyết toán; phê duyệt quyết toán từng dự án môi trường cho các đơn vị, kiểm tra xác nhận hoàn thành các dự án môi trường cho các đơn vị khi hoàn thành giai đoạn, hoặc nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.

- Quản lý quỹ, hạch toán thu, chi các quỹ tập trung của Vinacomin.

3. VINACOMIN có trách nhiệm:

a) Xây dựng và ban hành định mức chi đào tạo công nhân kỹ thuật các nghề đặc thù; định mức chi điều trị bệnh nghề nghiệp theo quy định để làm cơ sở cấp kinh phí cho các đơn vị sử dụng.

b) Xây dựng Quy trình quản lý sử dụng cụ thể đối với từng quỹ tập trung theo quy định của Thông tư này và các quy định của pháp luật.

c) Tổ chức quản lý các quỹ tập trung tại VINACOMIN thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Lập kế hoạch thu - chi các quỹ tập trung.

- Quản lý, cấp phát, theo dõi các quỹ tập trung.

- Tổng hợp, quyết toán các quỹ theo quy định.

- Kiểm tra, giám sát các đơn vị sử dụng quỹ đúng mục đích, nội dung, thời gian.

d) Mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại để theo dõi, hạch toán rõ ràng, đầy đủ các khoản thu - chi - kết dư các quỹ tập trung, các khoản lãi phát sinh từ việc gửi tiền từ tài khoản này được hạch toán tăng nguồn các quỹ tương ứng.

Điều 4. Kế hoạch thu - chi các quỹ tập trung.

1. Lập kế hoạch: Hàng năm, VINACOMIN lập kế hoạch thu, chi các quỹ tập trung cho năm sau gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính trước ngày 30/9 của năm lập kế hoạch. Trong phạm vi 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được công văn và đầy đủ hồ sơ về kế hoạch thu, chi các quỹ tập trung của VINACOMIN, Bộ Công thương chủ trì lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của Bộ Tài chính để có ý kiến thoả thuận bằng văn bản gửi VINACOMIN.

2. Giao kế hoạch thu, chi các quỹ: Sau khi có văn bản thoả thuận của Bộ Công thương, VINACOMIN có trách nhiệm giao kế hoạch thu, chi các quỹ tập trung cho Công ty mẹ và các các đơn vị trong Tập đoàn để triển khai thực hiện. Thời gian giao kế hoạch chậm nhất là 31/12 của năm lập kế hoạch.

Điều 5. Kế toán Quỹ và hạch toán kế toán.

VINACOMIN có trách nhiệm mở sổ kế toán, hạch toán rõ ràng, đầy đủ các khoản thu, chi phát sinh; tổ chức việc lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Tổ chức hạch toán việc tính, lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí các quỹ tập trung theo hướng dẫn của Chế độ kế toán áp dụng tại Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã được Bộ Tài chính thống nhất, hướng dẫn.

Điều 6. Quyết toán các quỹ và quản lý tài sản hình thành từ nguồn các quỹ tập trung.

1. Đối với các đơn vị sử dụng kinh phí từ các quỹ tập trung: Khi kết thúc năm tài chính, các đơn vị sử dụng kinh phí từ các quỹ tập trung của VINACOMIN phải lập và gửi báo cáo quyết toán về VINACOMIN. Nội dung chính báo cáo quyết toán gồm:

a) Tổng nguồn kinh phí được cấp từ các quỹ tập trung trong năm.

b) Các khoản chi theo đúng nội dung chi các quỹ tập trung được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này.

c) Chênh lệch, nguyên nhân và kiến nghị của các đơn vị.

2. Đối với VINACOMIN: Khi nhận được báo cáo quyết toán kinh phí từ các quỹ tập trung của các đơn vị sử dụng. VINACOMIN có trách nhiệm kiểm tra, phê duyệt quyết toán kinh phí cho các đơn vị sử dụng quỹ tập trung.

3. Căn cứ vào Quyết định phê duyệt quyết toán kinh phí của VINACOMIN:

a) VINACOMIN hạch toán ghi giảm nguồn kinh phí từ các quỹ tập trung tương ứng với số quyết toán của các đơn vị sử dụng.

b) Các đơn vị sử dụng kinh phí từ các quỹ:

- Thực hiện hạch toán giảm nguồn kinh phí đối với các khoản chi thường xuyên không hình thành tài sản cố định.

- Các khoản chi hình thành tài sản cố định từ quỹ đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, các đơn vị sử dụng theo dõi, quản lý và hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

c) Các tài sản hình thành từ nguồn quỹ thăm dò than - khoáng sản là các tài liệu địa chất:

- Các tài liệu phục vụ ngay cho các dự án đầu tư xây dựng và phát triển mỏ được ghi giảm giá trị công trình.

- Các tài liệu chưa sử dụng ngay cho các dự án đầu tư và phát triển mỏ, VINACOMIN có trách nhiệm lưu trữ hoặc giao cho các đơn vị địa chất trong Tập đoàn lưu trữ theo quy định. Khi Tập đoàn có nhu cầu sử dụng, giá trị các tài liệu địa chất trên được đánh giá lại theo quy định và được tính vào tổng dự toán đầu tư xây dựng công trình.

- Trường hợp dự án điều tra, khảo sát thăm dò than - khoáng sản có rủi ro do không đủ điều kiện để làm các tài liệu địa chất phục vụ các dự án đầu tư khai thác công nghiệp, Tập đoàn hạch toán giảm nguồn kinh phí từ Quỹ tương ứng với khối lượng công việc điều tra, khảo sát thăm dò than - khoáng sản đã được Quỹ thanh, quyết toán.

d) Các tài sản cố định hình thành từ nguồn quỹ môi trường than - khoáng sản như hệ thống các trạm xử lý nước thải, đập, kè, cống, các tuyến đường vận chuyển than ngoài ranh giới các mỏ, thiết bị chuyên dùng, xe phun nước, rừng cây bảo vệ bờ mỏ ...VINACOMIN giao cho doanh nghiệp có chuyên ngành về quản lý môi trường trong Tập đoàn quản lý, bảo quản chăm sóc, sử dụng, vận hành các tài sản này theo quy định.

Điều 7. Chế độ báo cáo và lưu giữ hồ sơ.

Sau khi phê duyệt báo cáo quyết toán và điều chỉnh hạch toán các quỹ tập trung, chậm nhất 90 ngày sau khi kết thúc năm tài chính, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp và lập báo cáo quyết toán các quỹ tập trung gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính để tổng hợp kiểm tra, giám sát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo quyết toán các quỹ tập trung của VINACOMIN phải phản ánh đầy đủ, trung thực số liệu tại thời điểm lập báo cáo, tình hình thu, chi, số dư các quỹ tập trung, những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp.

VINACOMIN có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ sổ sách, chứng từ, tài liệu kế toán có liên quan đến hoạt động thu, chi các quỹ tập trung theo quy định hiện hành về kế toán để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan.

Điều 8. Xử lý vi phạm.

1. Các khoản chi không đúng chế độ, các khoản chi không có chứng từ hợp lý hợp lệ đều phải xuất toán, người nào ra lệnh chi sai phải bồi hoàn và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Đối với các khoản chi từ các quỹ tập trung của VINACOMIN đã được Tập đoàn phê duyệt quyết toán nhưng qua công tác kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan thanh tra, kiểm tra kiểm toán phát hiện sai phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Điều khoản thi hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/01/2013.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có văn bản phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Hiếu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.