• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/02/2018
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 49/2017/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 21 tháng 12 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thu dọn các công trình, thiết bị và phương tiện

phục vụ hoạt động dầu khí

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 09 tháng 6 năm 2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thu dọn các công trình, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí:

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định việc thu dọn các công trình, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí (sau đây gọi là công trình dầu khí) của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân).

Điều 2. Áp dụng các thoả thuận trong hợp đồng dầu khí

1. Các quy định của Quyết định này được áp dụng cho các hợp đồng dầu khí và các công trình khí có quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền trước và sau ngày Quyết định này có hiệu lực.

2. Trường hợp trong các hợp đồng dầu khí đã ký kết có thoả thuận cụ thể về nghĩa vụ bảo đảm tài chính khác với quy định về việc trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động thu dọn công trình dầu khí tại Chương IV của Quyết định này thì tổ chức, cá nhân thực hiện theo thoả thuận trong các hợp đồng dầu khí đó.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí được Bộ Công Thương phê duyệt và phải tuân thủ quy định tại Quyết định này và văn bản pháp luật có liên quan. Trường hợp kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt nhưng Bộ Công Thương yêu cầu không thu dọn toàn bộ hoặc một phần công trình dầu khí thì tổ chức, cá nhân thực hiện theo yêu cầu đó.

2. Việc thu dọn công trình dầu khí phải bảo đảm an toàn với con người, bảo vệ môi trường; các yêu cầu về bảo vệ lòng đất, khôi phục môi trường, an toàn giao thông và các nguồn lợi khác của biển và trên đất liền nơi xây dựng công trình.

3. Công trình dầu khí phải được thiết kế để bảo đảm khả năng thu dọn được khi kết thúc dự án hoặc không còn cần sử dụng cho hoạt động dầu khí hoặc không đảm bảo an toàn cho con người, môi trường.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Công trình tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí” là các phương tiện nổi, tổ hợp các thiết bị, các kết cấu công trình được xây dựng, trang bị và lắp đặt cố định, tạm thời trên đất liền, vùng biển để phục vụ các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.

2. “Công trình khí” là các công trình, thiết bị phục vụ cho việc thu gom, xử lý và vận chuyển khí, đường ống dẫn khí ngoài khơi, đường ống dẫn khí trên bờ, nhà máy chế biến - xử lý khí, trạm phân phối, đường ống dẫn khí từ nhà máy chế biến - xử lý khí đến hộ tiêu thụ (không bao gồm đường ống dẫn khí thấp áp hoặc các đường ống tương tự cung cấp cho các hộ tiêu thụ).

3. “Đường ống chôn ngầm” là đường ống được chôn dưới mặt đất, mặt đáy biển theo thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

4. “Đoạn ống lộ” là đoạn ống chôn ngầm nhưng theo thời gian lớp phủ bị bào mòn làm cho đoạn ống lộ ra hoặc dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu hoặc được đặt trên bề mặt biển, mặt đất hoặc bề mặt sông, hồ.

5. “Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí” là tài liệu bao gồm những nội dung có liên quan đến phương án thu dọn, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, môi trường, tổng chi phí, tiến độ thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí.

6. “Khối chân đế" là các kết cấu thép, được cố định bằng các cọc thép hoặc bê tông, đóng sâu xuống đáy biển để đỡ khối thượng tầng;

7. “Khối thượng tầng” là phần trên cùng của công trình, gồm các kết cấu và các thiết bị đặt trên chân đế;

8. “Nhà máy chế biến - xử lý khí” là nơi tiếp nhận và chế biến, xử lý khí.

9. “Thiết bị” là tổ hợp các linh kiện cơ khí, điện tử được lắp đặt và sử dụng để phục vụ hoạt động dầu khí.

10. “Trạm phân phối khí” là nơi tiếp nhận nguồn khí sau khi được xử lý để phân phối đến các tổ chức, cá nhân tiêu thụ.

 

Chương II

LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH

THU DỌN, BÁO CÁO HOÀN THÀNH VIỆC THU DỌN

Điều 5. Trình kế hoạch thu dọn công trình dầu khí

Trong thời hạn 9 (chín) tháng, kể từ khi khai thác thương mại hoặc 1 (một) năm kể từ ngày đưa công trình dầu khí vào hoạt động, tổ chức, cá nhân phải lập kế hoạch thu dọn công trình dầu khí, trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Điều 6. Trình phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí

1. Tổ chức, cá nhân nộp 1 (một) bộ hồ sơ theo hình thức trực tiếp tại Bộ Công Thương hoặc qua đường bưu điện.

2. Hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí;

b) Văn bản chấp thuận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về kế hoạch thu dọn công trình dầu khí (áp dụng đối với các nhà thầu dầu khí và doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình);

c) 01 bản kế hoạch thu dọn công trình dầu khí;

d) 25 (hai mươi lăm) bản tóm tắt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí.

3. Nội dung cơ bản của kế hoạch thu dọn công trình dầu khí bao gồm:

a) Giới thiệu về kế hoạch thu dọn công trình dầu khí;

b) Tóm tắt nội dung kế hoạch thu dọn công trình dầu khí;

c) Danh mục các phương tiện, tổ hợp thiết bị, các kết cấu công trình của công trình dầu khí cần thu dọn;                             

d) Mô tả chi tiết các phương tiện, tổ hợp thiết bị, các kết cấu công trình của công trình dầu khí cần thu dọn;

đ) Các giải pháp và phương án kỹ thuật thực hiện việc thu dọn;

e) Kế hoạch quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển (trong đó mô tả rõ các nội dung về chủng loại, khối lượng chất thải, việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải trong quá trình thu dọn công trình dầu khí); kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

g) Tổng chi phí thu dọn, kế hoạch và tiến độ trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí;

h) Tiến độ thực hiện;

i) Quản lý dự án và chế độ kiểm tra;

k) Các kết quả nghiên cứu hỗ trợ (nếu có);

n) Các nội dung khác.

Điều 7. Quy trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí

1. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ kế hoạch thu dọn công trình dầu khí theo quy định của Quyết định này, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thẩm định. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày thẩm định, Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí.

2. Trường hợp kết quả thẩm định cho thấy cần phải sửa đổi, bổ sung kế hoạch thu dọn công trình dầu khí, trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày thẩm định, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện hoặc giải trình ý kiến thẩm định.

Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình về kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của tổ chức, cá nhân, Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Điều 8. Cập nhật, điều chỉnh kế hoạch thu dọn công trình dầu khí

1. Tổ chức, cá nhân phải cập nhật, điều chỉnh kế hoạch thu dọn công trình dầu khí khi có một trong các trường hợp sau:

a) Kế hoạch phát triển mỏ hoặc kế hoạch khai thác sớm hoặc dự án xây dựng đường ống hoặc công trình dầu khí được phê duyệt điều chỉnh hoặc công trình dầu khí được nâng cấp, mở rộng, đầu tư hạng mục bổ sung dẫn đến dự báo thay đổi từ hai mươi phần trăm 20% tổng chi phí thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt gần nhất;

b) Trong thời hạn 1 (một) năm trước khi kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc kết thúc thời hạn khai thác dầu khí hoặc kết thúc hoạt động của công trình khí;

c) Công trình dầu khí không đảm bảo an toàn để duy trì hoạt động và hoặc bị sự cố không có khả năng sửa chữa, khắc phục;

d) Thu dọn từng phần hoặc hoãn thu dọn công trình dầu khí.

2. Tổ chức, cá nhân nộp 1 (một) bộ hồ sơ trình kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều này theo hình thức trực tiếp tại Bộ Công Thương hoặc qua đường bưu điện.

3. Hồ sơ trình kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh;

b) Văn bản chấp thuận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh (áp dụng đối với các nhà thầu dầu khí và doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình);

c) 1 (một) bản kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh;

d) 25 (hai mươi lăm) bản tóm tắt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh.

4. Nội dung cơ bản của kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh bao gồm:

a) Các nội dung đã được phê duyệt;

b) Các nội dung thay đổi so với nội dung đã được phê duyệt, nêu rõ lý do thay đổi;

c) 1 (một) bản sao các quyết định phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí; kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh trước đó (nếu có).

5. Trình tự xem xét, phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.

Điều 9. Lập và phê duyệt báo cáo hoàn thành việc thu dọn công trình dầu khí

1. Trong thời hạn 9 (chín) tháng kể từ khi kết thúc hoạt động thu dọn, tổ chức, cá nhân phải lập báo cáo hoàn thành việc thu dọn công trình dầu khí, trình Bộ Công Thương phê duyệt.

2. Nội dung cơ bản của báo cáo hoàn thành việc thu dọn công trình dầu khí bao gồm:

a) Mô tả công trình dầu khí và hoạt động thu dọn thực tế đã được thực hiện;

b) Tiến độ thực hiện việc thu dọn;

c) Trình bày và đánh giá nội dung thay đổi giữa hoạt động thu dọn thực tế với phương án được phê duyệt (nếu có);

d) Chi phí thu dọn thực tế;

đ) Tóm tắt các công tác bảo đảm an toàn môi trường đã được thực hiện bao gồm: phương án thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác thải, phế thải đã thực hiện,…

e) Cam kết trách nhiệm đối với công trình để lại (nếu có);

g) Kết luận và kiến nghị (nếu có).

3. Trình tự, thủ tục phê duyệt báo cáo hoàn thành việc thu dọn công trình dầu khí thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.


Chương III

THU DỌN CÔNG TRÌNH DẦU KHÍ

Mục 1

Thu dọn công trình

 tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí

Điều 10. Thu dọn công trình cố định trên biển

1. Thu dọn khối thượng tầng và thiết bị đi kèm

a) Các hệ thống công nghệ (cây thông, bộ gom, bình tách, bồn chứa, bơm dầu, ống dẫn,…), hệ thống dung dịch, xi măng, hệ thống năng lượng, hệ thống phòng chống cháy nổ, các khuông khoan, các ống góp khai thác, các cấu trúc bảo vệ, khối neo và điểm neo, dây neo, ống đứng và bệ ống đứng,… phải được làm sạch trước khi thu dọn hoặc đưa về bờ và xử lý theo quy định;

b) Khối thượng tầng và thiết bị đi kèm được thu dọn hoàn toàn, thu gom và phân loại theo các mục đích: tái sử dụng, tái chế hay xử lý thải bỏ theo quy định của pháp luật;

c) Các chất thải phải được thu gom và xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Thu dọn khối chân đế và thiết bị đi kèm

a) Khối chân đế và các thiết bị đi kèm được thu dọn để tái sử dụng hoặc xử lý thải bỏ theo quy định của pháp luật;

b) Tất cả các cọc, ống, kết cấu đóng xuống đáy biển cần phải cắt sát bên dưới mặt đáy biển tự nhiên và đảm bảo không còn phần nào nhô lên trên bề mặt đáy biển, không gây cản trở các hoạt động hàng hải, khai thác biển khác. Độ sâu cắt sẽ phụ thuộc vào các điều kiện xói mòn đáy biển tại khu vực đó.

Điều 11. Thu dọn phương tiện nổi

1. Tổ chức, cá nhân phải tiến hành làm sạch dầu, hóa chất trong các phương tiện nổi, các kết cấu và thiết bị kết nối đi kèm (ống mềm, ống dẫn,…) trước khi thu dọn.

 

2. Các phương tiện nổi, các kết cấu và thiết bị đi kèm phải được đưa ra khỏi vị trí đã lắp đặt, thu dọn hoàn toàn, chuyển tới nơi khác để ưu tiên tái sử dụng hoặc đưa về bờ để cất giữ hoặc xử lý thải bỏ theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Thu dọn đường ống nội mỏ trên biển

1. Tổ chức, cá nhân phải tiến hành thu dọn toàn bộ đường ống nổi, đoạn ống treo. Việc thu dọn đường ống nổi, đoạn ống treo chỉ được tiến hành khi tổ chức, cá nhân đã làm sạch dầu, khí và các hoá chất trong đường ống đó.

2. Các phương tiện, thiết bị khác có liên quan đến công trình dầu khí (hệ thống cáp điện, cáp quang, các van ngầm dưới biển, thiết bị điều khiển,…) phải được thu dọn hoàn toàn, thu gom và phân loại theo các mục đích tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý thải theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân không phải thu dọn đường ống chôn ngầm hoặc đường ống không cần thu dọn, nhưng phải làm sạch dầu, khí và các hoá chất trong đường ống đó.

4. Phương án để lại đường ống chôn ngầm hoặc đường ống không cần thu dọn, làm sạch đường ống cần được đề cập trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí. Kết quả của hoạt động làm sạch đường ống cần được đề cập trong báo cáo hoàn thành việc thu dọn.

Điều 13. Bảo quản hoặc hủy bỏ giếng khoan dầu khí

Trường hợp hủy bỏ giếng khoan dầu khí hoặc bảo quản giếng khoan dầu khí khi hết thời hạn hoạt động nhưng chưa thể thu dọn, việc bảo quản hoặc hủy bỏ giếng khoan dầu khí phải tuân theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 14. Thu dọn công trình dầu khí trên đất liền

Việc thu dọn công trình dầu khí trên đất liền được thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 12 và Điều 13 của Quyết định này và phải đảm bảo an toàn cho con người, môi trường theo quy định của pháp luật.

Mục 2

Thu dọn công trình khí

Điều 15. Thu dọn các công trình, thiết bị phục vụ cho việc thu gom, xử lý, vận chuyển khí và đường ống dẫn khí trên biển

1. Việc thu dọn các công trình, thiết bị phục vụ cho việc thu gom, xử lý và vận chuyển khí trên biển được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Quyết định này

2. Việc thu dọn đường ống dẫn khí trên biển được thực hiện theo quy định Điều 12 Quyết định này.

Điều 16. Thu dọn đường ống dẫn khí trên bờ, qua sông, hồ, công trình cố định

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải thu dọn đường ống dẫn khí trên bờ, qua sông, hồ. Việc thu dọn đường ống chỉ được tiến hành khi tổ chức, cá nhân đã làm sạch dầu, khí và các hoá chất trong đường ống đó.

2. Trường hợp đường ống dẫn khí nằm dưới các công trình cố định hoặc chôn ngầm qua sông hồ, kênh rạch không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy thì tổ chức, cá nhân không phải thu dọn nhưng phải làm sạch dầu khí và các hoá chất trong đường ống đó. Phương án để lại đường ống không cần thu dọn nhưng phải làm sạch đường ống cần được đề cập trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí. Kết quả của hoạt động làm sạch đường ống cần được đề cập trong báo cáo hoàn thành việc thu dọn.

Điều 17. Thu dọn công trình nhà máy chế biến - xử lý khí

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm làm sạch trước khi thu dọn các công trình nhà máy chế biến - xử lý khí.

2. Công trình và thiết bị đi kèm được thu dọn hoàn toàn, thu gom và phân loại theo các mục đích: Tái sử dụng, tái chế hay thải bỏ theo quy định của pháp luật.

3. Các chất thải, vật thải phải được thu gom và xử lý trước khi thải theo quy định của pháp luật.

Mục 3

Các yêu cầu chung đối với việc thu dọn công trình dầu khí

Điều 18. Xử lý và quản lý chất thải

          Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý và quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Công tác đảm bảo an toàn

1. Tổ chức, cá nhân phải đảm bảo tất cả hoạt động thu dọn được thực hiện một cách an toàn và tuân thủ theo các quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí và hoạt động hàng hải.

2. Trước khi tiến hành thu dọn công trình dầu khí, tổ chức, cá nhân phải trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt các tài liệu an toàn, bao gồm: chương trình quản lý an toàn; báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

3. Nội dung và trình tự phê duyệt chương trình quản lý an toàn; báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình thực hiện thu dọn công trình dầu khí, tổ chức, cá nhân thực hiện các yêu cầu sau:

a) Thiết lập, duy trì và phát triển hệ thống quản lý an toàn đảm bảo kiểm soát các rủi ro trong toàn bộ hoạt động thu dọn;

b) Bảo đảm các rủi ro từ hoạt động thu dọn phải được xác định, phân tích, đánh giá, triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro và chứng minh các rủi ro nằm trong mức rủi ro chấp nhận được theo quy định pháp luật;

c) Đảm bảo thiết lập và duy trì hệ thống ứng cứu khẩn cấp để các biện pháp ứng cứu cần thiết được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra các sự cố, tai nạn gây nguy hại cho người, môi trường hoặc tài sản;

d) Đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh lao động cho người lao động khi tham gia thu dọn công trình dầu khí;

đ) Thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, tài sản, bảo vệ môi trường và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong trường hợp sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn đối với người, tài sản, môi trường.

Điều 20. Công tác bảo vệ môi trường

1. Quan trắc môi trường cho hoạt động thu dọn công trình dầu khí

a) Trước khi thực hiện thu dọn, tổ chức, cá nhân phải thực hiện và lập báo cáo quan trắc môi trường, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nội dung kết quả quan trắc cần được đề cập trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã tiến hành quan trắc môi trường trong thời hạn 2 (hai) năm kể từ ngày kết thúc quan trắc đến trước ngày thực hiện thu dọn thì tổ chức, cá nhân được sử dụng số liệu trong báo cáo quan trắc đó để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Trong thời hạn 9 (chín) tháng kể từ khi kết thúc hoạt động thu dọn, tổ chức, cá nhân phải thực hiện và lập báo cáo quan trắc môi trường, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo quan trắc môi trường phải đánh giá được các tác động của quá trình thu dọn, những tác động tồn dư của toàn bộ quá trình thu dọn cũng như khả năng phục hồi tự nhiên của môi trường. Kết quả quan trắc sau thu dọn phải được đề cập trong báo cáo hoàn thành việc thu dọn công trình dầu khí;

c) Mạng lưới các trạm quan trắc, các thông số phân tích và đánh giá môi trường được thực hiện tương tự như tổ chức quan trắc trong quá trình khai thác dầu khí, vận hành công trình dầu khí.

2. Phạm vi, mạng lưới, loại mẫu và thông số quan trắc môi trường

a) Đối với hoạt động thu dọn công trình dầu khí được thực hiện như đợt quan trắc cuối cùng trong giai đoạn khai thác, vận hành công trình dầu khí;

b) Đối với hoạt động thu dọn đường ống: được thực hiện như đợt quan trắc môi trường trước khi lắp đặt đường ống.

3. Thu dọn rác vụn và làm sạch hiện trường

a) Hoạt động thu dọn và khảo sát rác vụn cần được đề cập trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí;

b) Sau khi hoàn thành mỗi đợt thu dọn, tổ chức cá nhân cần thực hiện khảo sát rác vụn để xác định và thu hồi rác vụn phát sinh từ quá trình thu dọn hoặc từ quá trình khai thác trước đó vẫn còn nằm lại trên đáy biển;

c) Phạm vi khảo sát rác vụn được tính từ mép ngoài của công trình dầu khí

- Đối với giếng khoan: trong vòng bán kính tối thiểu 90 m;

- Đối với giàn khai thác: trong vòng bán kính tối thiểu 100 m;

- Đối với các đầu giếng ngầm và cụm phân phối ngầm: trong vòng bán kính tối thiểu 90 m.

- Đối với đường ống và các công trình dầu khí khác: trong vòng bán kính tối thiểu 10m.

4. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường (nếu xảy ra).

5. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có công trình dầu khí về kế hoạch, nguồn lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình thu dọn công trình dầu khí.

Điều 21. Trường hợp đặc biệt

1. Trong quá trình hoạt động dầu khí, công trình dầu khí bị hư hỏng nặng hoặc có nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động dầu khí thì tổ chức, cá nhân phải tiến hành ngay việc thu dọn từng phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí, đồng thời báo cáo Bộ Công Thương.

2. Khi tiến hành thu dọn công trình dầu khí nếu gặp phải nguyên nhân không lường trước được, làm cản trở công việc thu dọn, dẫn đến không thể hoàn thành việc thu dọn theo kế hoạch thu dọn được phê duyệt, tổ chức, cá nhân phải lập các nội dung cần điều chỉnh bổ sung so với kế hoạch thu dọn đã được phê duyệt, trình Bộ Công Thương.

Tổ chức, cá nhân nộp báo cáo về các nội dung cần điều chỉnh trực tiếp tại Bộ Công Thương hoặc qua đường bưu điện. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Công Thương phải thông báo cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Điều 22. Hoãn thu dọn công trình dầu khí

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí hoặc tổ chức, cá nhân sở hữu công trình khí liên quan có thể đề xuất việc hoãn thu dọn công trình dầu khí theo quy định của khoản 2, 3, 4 của Điều này.

2. Điều kiện để công trình dầu khí được xem xét hoãn thu dọn

a) Công trình dầu khí được đảm bảo duy trì tính toàn vẹn, không có rủi ro đến những hoạt động thu dọn trong tương lai;

b) Việc hoãn thu dọn công trình dầu khí đáp ứng các yêu cầu về an toàn chung, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế;

c) Việc hoãn thu dọn công trình dầu khí có ý nghĩa đối với nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh hoặc các trường hợp cần thiết khác;

d) Quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính thu dọn công trình dầu khí tương ứng được trích, nộp đủ theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt;

đ) Đối với các giếng khoan chỉ được phép hoãn thu dọn khi tổ chức, cá nhân chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các vấn đề có thể phát sinh do hoãn thu dọn.

e) Công trình dầu khí còn công năng sử dụng và đảm bảo yêu cầu về an toàn.

3. Tổ chức, cá nhân nộp đề xuất hoãn thu dọn công trình dầu khí trực tiếp tại Bộ Công Thương hoặc qua đường bưu điện. Nội dung đề xuất hoãn thu dọn công trình dầu khí bao gồm:

- Hiện trạng công trình dầu khí;

- Phương án triển khai thu dọn công trình dầu khí;

- Lý do đề xuất hoãn thu dọn công trình dầu khí;

- Quản trị các rủi ro có thể xảy ra;

- Thời gian dự kiến hoãn thu dọn;

- Các giải pháp đảm bảo tính toàn vẹn của các công trình.

- Kết luận và kiến nghị.

4. Trình tự, thủ tục phê duyệt việc hoãn thu dọn công trình dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.

Điều 23. Để lại công trình dầu khí

1. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã thực hiện trích lập đầy đủ nghĩa vụ bảo đảm tài chính theo kế hoạch thu dọn đã được phê duyệt thì việc để lại toàn bộ hoặc từng phần công trình dầu khí được xem xét một trong các trường hợp sau:

a) Không khả thi về mặt kỹ thuật để thực hiện thu dọn công trình dầu khí;

b) Các giải pháp thu dọn công trình dầu khí được đưa ra nhưng vẫn không thể thu hồi công trình một cách an toàn;

c) Thu dọn công trình dầu khí có thể gây nguy hại đến tính mạng con người hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển nhưng không ảnh hưởng đến an toàn hàng hải;

d) Các đường ống biển chưa chôn ngầm nhưng bị chôn vùi tự nhiên toàn bộ theo thời gian và đang tồn tại như trạng thái chôn ngầm hoặc phần đường ống biển còn nổi nhưng tổ chức, cá nhân thực hiện giải pháp chôn vùi;

đ) Thiết bị đầu giếng; công trình ngầm; cọc, ống, khối neo bằng bê tông, kết cấu đóng xuống đáy biển của khối chân đế tại vùng biển có độ sâu mực nước tối thiểu 500 m, trừ trường hợp có các lý do đặc biệt liên quan đến quốc phòng.

e) Việc cắt bỏ ống chống của giếng khoan, cọc, ống và các kết cấu được đóng xuống đáy biển từ mặt đáy biển trở lên;

g) Các công trình chứng minh được lợi ích khi để lại.

2. Tổ chức, cá nhân nộp đề xuất để lại công trình dầu khí trực tiếp tại Bộ Công Thương hoặc qua đường bưu điện. Nội dung đề xuất để lại công trình dầu khí bao gồm:

a) Hiện trạng công trình dầu khí;

b) Lý do đề xuất để lại công trình dầu khí;

c) Quản trị các rủi ro có thể xảy ra;

d) Các giải pháp đảm bảo tính toàn vẹn của các công trình;

đ) Kết luận và kiến nghị.

3. Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận việc để lại công trình dầu khí thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này. Trình tự, thủ tục phê duyệt để lại công trình dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.

4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để lại công trình dầu khí

a) Gửi hồ sơ đề nghị đưa báo hiệu hàng hải tới cơ quan có thẩm quyền để thông báo hàng hải;

b) Thiết lập các thiết bị cảnh báo hàng hải đối với các công trình dầu khí để lại

c) Chuyển giao toàn bộ quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí tương ứng, tài liệu pháp lý liên quan cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý và sử dụng cho việc thu dọn sau này.

 

Chương IV

BẢO ĐẢM NGHĨA VỤ TÀI CHÍNH

CHO VIỆC THU DỌN CÔNG TRÌNH DẦU KHÍ

Mục 1

Bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình

tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí

          Điều 24. Nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò

          1. Trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí phục vụ hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí (giếng khoan, thiết bị, phương tiện khác) khi không còn cần thiết hoặc không sử dụng cho hoạt động dầu khí nữa theo chương trình công tác và ngân sách hàng năm (không phải đóng quỹ).

2. Chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động thu dọn là chi phí hoạt động dầu khí vì mục đích thu hồi theo quy định của hợp đồng dầu khí.

Điều 25. Phương thức bảo đảm nghĩa vụ tài chính để thu dọn công trình dầu khí khi dự án dầu khí có hoạt động khai thác

Việc bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí được thực hiện theo phương thức lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp áp dụng phương thức đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí khác theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này.

Điều 26. Thời điểm lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

1. Trong thời hạn 1 (một) năm, kể từ thời điểm khai thác dòng dầu, khí đầu tiên, tổ chức, cá nhân phải lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho hoviệc thu dọn công trình dầu khí trên cơ sở kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt.

2. Đối với tổ chức, cá nhân đang tiến hành khai thác dầu khí nhưng chưa lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí thì phải lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính ngay sau khi Quyết định này có hiệu lực, trừ trường hợp áp dụng phương thức bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí khác theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quyết định này.

3. Hàng năm, việc trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính được thực hiện theo kế hoạch thu dọn đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Trong trường hợp tại thời điểm 1 (một) năm kể từ thời điểm khai thác dòng dầu, khí đầu tiên mà kế hoạch thu dọn chưa được Bộ Công Thương phê duyệt thì việc lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính được thực hiện tạm thời theo số liệu trong kế hoạch phát triển mỏ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc kế hoạch khai thác sớm đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Giá trị trích lập quỹ hàng năm sẽ được điều chỉnh sau khi Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch thu dọn.

Điều 27. Nguyên tắc trích lập, điều chỉnh, sử dụng và quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

Việc trích lập, điều chỉnh và quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 77, Điều 78 và Điều 79 Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.

Điều 28. Mức trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

Mức trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính hàng năm cho việc thu dọn công trình dầu khí được xác định theo công thức sau:

An x (Bn – C (n-1) – I (n-1))

En = ----------------------------------------

Dn

Trong đó:

- En: Mức trích lập quỹ năm n, đơn vị tính là USD.

- An: Sản lượng khai thác năm n, được xác định bằng sản lượng khai thác thực trong năm tương ứng, đơn vị tính là thùng dầu quy đổi.

- Bn: Tổng chi phí thu dọn cập nhật tại năm n, Bn = (b1 – b2), trong đó:

+ b1: Tổng chi phí thu dọn ước tính trong kế hoạch thu dọn (được phê duyệt gần nhất), đơn vị tính là USD.

+ b2: Ước tính chi phí được xác định trong kế hoạch thu dọn (được phê duyệt gần nhất) tương ứng với hạng mục thiết bị, tài sản hoặc công trình đã được thu dọn đến năm (n-1), đơn vị tính là USD.

- C(n-1): Số dư quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm (n-1) được xác định bằng tổng số dư của tất cả các tài khoản mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi quỹ của mỏ tương ứng, được các ngân hàng thương mại liên quan xác nhận bằng văn bản, đơn vị tính là USD.

- I(n-1): Số lãi tiền gửi ngân hàng mà tổ chức, cá nhân được nhận sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (nếu có) cho năm n-1.

- Dn: Trữ lượng có thể thu hồi còn lại, Dn = d1-d2, trong đó:

+ d1: Trữ lượng có thể thu hồi được xác định trong kế hoạch phát triển hoặc kế hoạch khai thác sớm đã được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền tính đến cuối năm thứ n, đơn vị tính là thùng dầu quy đổi.

+ d2: Tổng sản lượng đã được khai thác cộng dồn từ (các) mỏ liên quan tính đến năm (n-1), đơn vị tính là thùng dầu quy đổi.     

Điều 29. Nghĩa vụ trích nộp quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính trong trường hợp tổ chức, cá nhân chấm dứt khai thác mỏ hoặc hợp đồng dầu khí chấm dứt hiệu lực

          1. Trước khi chấm dứt khai thác mỏ hoặc chấm dứt hợp đồng dầu khí trước thời hạn, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ trích lập đủ quỹ theo quy định của Quyết định này.

          2. Trường hợp công trình dầu khí chưa phải thu dọn ngay tại thời điểm chấm dứt khai thác mỏ hoặc chấm dứt hiệu lực hợp đồng dầu khí, tổ chức, cá nhân phải chuyển giao đủ quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Điều 30. Đồng tiền trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

Đồng tiền trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính là đồng Đô la Mỹ.

Điều 31. Quản lý quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

1. Việc quản lý quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện.

2. Trong thời gian chưa sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi số tiền của quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính của từng mỏ hoặc từng hợp đồng dầu khí vào các tài khoản tại các ngân hàng thương mại có hoạt động ổn định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp danh sách. Tiền lãi phát sinh hàng năm sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước được ghi tăng vào quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính.

3. Nghĩa vụ nộp thuế khi quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính có phát sinh lãi

Trường hợp quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính có phát sinh lãi, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiền lãi phát sinh của quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính phải được theo dõi riêng để áp dụng nghĩa vụ thuế theo quy định.

Điều 32. Sử dụng, kiểm tra và quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

1. Quỹ được sử dụng cho mục đích thu dọn công trình dầu khí.

Tổ chức, cá nhân được sử dụng số tiền trong quỹ để thực hiện nghĩa vụ thu dọn theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt và chương trình công tác và ngân sách thu dọn đã được phê duyệt hàng năm. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày kể từ ngày nhận được đề nghị gọi vốn từ quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí của tổ chức, cá nhận và các chứng từ liên quan, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm chuyển tiền quỹ tương ứng với giá trị mà tổ chức, cá nhân đã trích lập quỹ đối với từng hạng mục công trình theo kế hoạch thu dọn đã được phê duyệt. Các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đóng góp theo tỷ lệ quyền lợi tham gia đối với phần chênh lệch giữa chi phí thực tế để thực hiện công việc thu dọn và số tiền tối đa mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể chuyển tiền được từ quỹ theo gọi vốn để Người điều hành thực hiện công việc thu dọn.

Chi phí thu dọn ước tính của hạng mục công trình đã được thu dọn sẽ được đưa ra khỏi tổng chi phí thu dọn được xác định tại kế hoạch thu dọn đã được phê duyệt gần nhất để làm cơ sở điều chỉnh giá trị trích lập quỹ tiếp theo.

2. Kiểm tra việc sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

Hàng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt nam thực hiện việc kiểm toán và xác nhận chi phí thực tế bằng tiền mà tổ chức, cá nhân sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí.

3. Quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

a) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo hoàn thành việc thu dọn công trình dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với tổ chức, cá nhân quyết toán chi phí thực hiện thu dọn công trình dầu khí.

b) Trong trường hợp sau quyết toán, số dư quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính lớn hơn 0, số tiền còn lại trong quỹ sẽ được xử lý như sau:

- Nếu tổ chức, cá nhân đã thu hồi toàn bộ số tiền trích quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính, số dư quỹ sẽ được chia cho tổ chức, cá nhân và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo tỷ lệ chia dầu lãi của thang sản lượng cao nhất đã áp dụng tại hợp đồng dầu khí.

- Nếu tổ chức, cá nhân chưa thu hồi hết số tiền trích quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính, số tiền còn lại trong quỹ sẽ được ưu tiên hoàn trả cho tổ chức, cá nhân để bù đắp phần trích quỹ chưa được thu hồi này. Phần dư của quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính sau khi thực hiện việc bù đắp này (nếu có) sẽ được chia cho tổ chức, cá nhân và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo tỷ lệ chia dầu lãi của thang sản lượng cao nhất đã áp dụng tại hợp đồng dầu khí.

4. Hàng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt nam phải báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng, kiểm tra và quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí.

Điều 33. Xử lý phần chênh lệch quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận và thực hiện việc thu dọn công trình dầu khí

1. Trường hợp quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính lớn hơn chi phí thu dọn thực hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính, phân bổ theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính nhỏ hơn chi phí thu dọn thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được phép phân bổ chi phí thiếu hụt trong thời gian tối đa 5 (năm) năm vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để bù đắp.

Mục 2

Bảo đảm nghĩa vụ tài chính

cho việc thu dọn công trình khí

Điều 34. Phương thức bảo đảm nghĩa vụ tài chính để thu dọn công trình khí

1. Việc bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình khí được thực hiện theo phương thức lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính.

2. Chi phí thu dọn công trình khí trích lập quỹ hàng năm được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Điều 35. Thời điểm lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

Trong thời hạn 1 (một) năm, kể từ ngày vận chuyển hoặc xử lý dòng khí đầu tiên, tổ chức, cá nhân bắt đầu trích quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính hoặc ngay sau khi kế hoạch thu dọn công trình khí được phê duyệt.

Điều 36. Mức trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

1. Mức trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình khí hàng năm được xác định như sau:

An x (B – C (n-1))

En =  ----------------------------------------

Dn

Trong đó:

- En: Mức trích lập quỹ năm n, đơn vị tính là Việt Nam Đồng;

- An: Sản lượng khí vận chuyển năm n theo kế hoạch thu dọn công trình khí được phê duyệt, đơn vị tính là triệu m3 khí;

- B: Tổng chi phí thu dọn được phê duyệt;

- C(n-1): Số dư quỹ thu dọn tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm (n-1) (bao gồm cả gốc và lãi đến hết năm (n-1)), đơn vị tính là Việt Nam Đồng;

- Dn: Tổng lượng khí vận chuyển còn lại tại năm n theo báo cáo đầu tư đã được phê duyệt, đơn vị tính là triệu m3 khí. 

Điều 37. Quản lý quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

1. Tổ chức, cá nhân sở hữu công trình khí chịu trách nhiệm trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính theo kế hoạch thu dọn được phê duyệt. Trong trường hợp công trình khí được để lại theo quy định tại Điều 23 Quyết định này, tổ chức, cá nhân sở hữu công trình khí được ghi nhận số dư quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính đó vào thu nhập của tổ chức, cá nhân.

2. Trong thời gian chưa sử dụng quỹ, tổ chức, cá nhân gửi số tiền của quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính của từng dự án khí vào các tài khoản tại các ngân hàng thương mại có hoạt động ổn định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp danh sách. Tiền lãi phát sinh hàng năm sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước được ghi tăng vào quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính.

3. Trường hợp quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính có phát sinh lãi, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiền lãi phát sinh của quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính phải được theo dõi riêng để áp dụng nghĩa vụ thuế theo quy định.

4. Hàng năm, tổ chức, cá nhân báo cáo Bộ Công Thương về tình hình trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính.

5. Trường hợp công trình khí có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia đầu tư, các nhà đầu tư đồng sở hữu tài khoản tiền gửi quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính.

Điều 38. Sử dụng, quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

1. Quỹ được sử dụng cho mục đích thu dọn công trình khí. Tổ chức, cá nhân được sử dụng số tiền trong quỹ để thực hiện nghĩa vụ thu dọn theo kế hoạch thu dọn công trình khí đã được phê duyệt.

2. Việc quyết toán quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Về số dư quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

a) Trường hợp quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính lớn hơn nhu cầu cần thiết cho việc thu dọn công trình khí thì khoản chênh lệch được xác định là thu nhập của tổ chức, cá nhân sở hữu công trình khí sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

b) Trường hợp quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính không đủ so với nhu cầu cần thiết cho việc thu dọn công trình khí thì trong thời hạn 6 (sáu) tháng trước khi công trình hết thời hạn sử dụng hoặc kết thúc hoạt động, tổ chức, cá nhân phải đóng góp đủ theo kế hoạch thu dọn công trình khí đã được phê duyệt tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp tham gia sở hữu công trình.

Điều 39. Đồng tiền trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính

Đồng tiền trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính là Việt Nam Đồng.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40. Trách nhiệm của các Bộ

1. Bộ Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thu dọn công trình dầu khí.

2. Bộ Tài chính

Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

          a) Hàng năm, cung cấp danh sách các ngân hàng thương mại có hoạt động ổn định cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tổ chức, cá nhân quản lý quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình khí vì mục đích gửi tiền quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính theo quy định của Quyết định này. 

          b) Trong trường hợp phát hiện các ngân hàng thương mại nằm trong danh sách các ngân hàng hoạt động ổn định mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo có khả năng đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc có khả năng mất khả năng chi trả, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời thông báo cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tổ chức, cá nhân quản lý quỹ thu dọn công trình khí để chủ động ứng phó.

          4. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động thu dọn công trình dầu khí.

Điều 41. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt trước ngày hiệu lực của Quyết định này, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện nội dung kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đó.

2. Đối với tổ chức, cá nhân đang tiến hành khai thác dầu khí nhưng chưa trình kế hoạch thu dọn công trình dầu khí thì phải lập kế hoạch, trình Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định của Quyết định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Đối với công trình khí đang hoạt động hoặc đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền trước ngày Quyết định này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập phương án xử lý cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng dự án để trình Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 42. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 02 năm 2018 và thay thế Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí.

Điều 43. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Trịnh Đình Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.