• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/12/2023
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2024
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 13/2023/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 31 tháng 10 năm 2023

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về cấp Giấy phép, tổ chức, hoạt động và hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về cấp Giấy phép, tổ chức, hoạt động và hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 13 Điều 2 như sau:

“5. Ngân hàng liên doanh là ngân hàng thương mại được thành lập tại Việt Nam, bằng vốn góp của Bên Việt Nam (gồm tối thiểu một ngân hàng Việt Nam và tối đa một doanh nghiệp Việt Nam không phải ngân hàng) và Bên nước ngoài (gồm tối thiểu một ngân hàng nước ngoài và tối đa một doanh nghiệp nước ngoài không phải ngân hàng) trên cơ sở hợp đồng liên doanh; là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam. Ngân hàng liên doanh được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nhưng không quá 05 thành viên, trong đó một thành viên và người có liên quan không được sở hữu vượt quá 50% vốn điều lệ.”

“13. Thành viên góp vốn là ngân hàng, doanh nghiệp không phải ngân hàng góp vốn vào ngân hàng liên doanh; là tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn vào ngân hàng 100% vốn nước ngoài.”

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b(iii) và điểm b(vi) khoản 3 Điều 15 như sau:

“(iii) Giấy phép thành lập hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản tương đương (trừ doanh nghiệp Việt Nam);”

“(vi) Bản sao hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đại diện vốn góp của tổ chức tại ngân hàng (đối với người không có quốc tịch Việt Nam);”

3. Bổ sung điểm b(iii) vào điểm b khoản 3 Điều 31 như sau:

“(iii) Đối tác mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài;

- Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn vào ngân hàng liên doanh theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp là doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;

- Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của ngân hàng liên doanh;

- Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;

- Kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;

- Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;

- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;

- Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.”

4. Thay thế Phụ lục 02a, Phụ lục 03, Phụ lục 04, Phụ lục 05a, Phụ lục 05b, Phụ lục 07 bằng Phụ lục 02a, Phụ lục 03, Phụ lục 04, Phụ lục 05a, Phụ lục 05b, Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Bổ sung điểm b(iii) vào điểm b khoản 2 Điều 16 như sau:

“(iii) Đối với bên mua, nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp không phải ngân hàng, hồ sơ bao gồm:

- Giấy phép thành lập hoặc chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương (trừ doanh nghiệp Việt Nam);

- Văn bản ủy quyền người đại diện vốn góp tại ngân hàng theo quy định của pháp luật;

- Bản sao hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đại diện vốn góp của doanh nghiệp tại ngân hàng (đối với người không có quốc tịch Việt Nam);

- Văn bản của cấp có thẩm quyền chấp thuận cho doanh nghiệp được tham gia góp vốn vào ngân hàng;

- Báo cáo về việc đáp ứng các điều kiện đối với đối tác mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp của ngân hàng liên doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam;

- Báo cáo tài chính 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán;

- Báo cáo khả năng tài chính tham gia góp vốn ngân hàng liên doanh của doanh nghiệp không phải ngân hàng theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê khai thông tin về lịch sử quan hệ tín dụng của doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Văn bản của cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp;

- Văn bản cam kết không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.”

2. Bổ sung Phụ lục 01, Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này vào Thông tư số 50/2018/TT-NHNN.

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 14  tháng 12 năm 2023.

2. Bãi bỏ khoản 9, khoản 19 Điều 1 và khoản 3 Điều 2 Thông tư số 28/2018/TT-NHNN ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đoàn Thái Sơn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.