• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2024
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 43/2023/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 29 tháng 12 năm 2023

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 và Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm

_________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 và Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây viết tắt là Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT), Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 (sau đây viết tắt là Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT) và Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm (sau đây viết tắt là Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT)

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xe cơ giới là các phương tiện giao thông đường bộ được định nghĩa, phân loại tại các tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6211 và TCVN 7271 (trừ xe mô  tô, xe gắn máy).

2. Tổng thành của xe cơ giới gồm: động cơ; khung; buồng lái, thân xe hoặc thùng xe; thiết bị chuyên dùng lắp trên xe.

3. Hệ thống của xe cơ giới gồm: hệ thống truyền lực; hệ thống chuyển động; hệ thống treo; hệ thống phanh; hệ thống lái; hệ thống nhiên liệu; hệ thống điện; hệ thống chiếu sáng và tín hiệu.

4. Xe cơ giới trước cải tạo là xe cơ giới đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu; chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo; chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

5. Cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi đặc điểm của xe cơ giới quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này dẫn đến không cùng kiểu loại với xe cơ giới trước cải tạo liền kề trước đó.

6. Cơ sở thiết kế là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, thực hiện dịch vụ thiết kế xe cơ giới.

7. Cơ sở cải tạo là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, thực hiện dịch vụ thi công cải tạo xe cơ giới.

8. Thẩm định thiết kế là việc xem xét, đối chiếu và đánh giá các nội dung của hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới với các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo được quy định tại Thông tư này.

9. Nghiệm thu xe cơ giới cải tạo là việc kiểm tra xe cơ giới được thi công cải tạo theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định đạt yêu cầu, theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

10. Cơ quan nghiệm thu là đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định, thực hiện việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo đáp ứng theo yêu cầu tại Thông tư này.”.

2. Sửa đổi, bổ sung đoạn trích dẫn Điều 4; khoản 3, khoản 5, khoản 8, khoản 12, khoản 16, khoản 19, khoản 20, khoản 21 Điều 4 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn trích dẫn Điều 4 như sau:

“Các hạng mục cải tạo xe cơ giới phải phù hợp với các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Việc cải tạo xe cơ giới phải tuân thủ các quy định sau đây:”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau:

“3. Không cải tạo thùng xe của xe tải chưa qua sử dụng được nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong thời gian 06 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định lần đầu đến ngày nộp hồ sơ thiết kế (trừ trường hợp cải tạo thành xe tập lái, xe sát hạch lái xe; cải tạo lắp đặt thêm mui phủ của xe tải thùng hở).”.

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 4 như sau:

“5. Không cải tạo các hệ thống phanh, hệ thống treo và hệ thống lái của xe cơ giới, trừ các trường hợp sau:

  1. Cải tạo lắp đặt hoặc tháo bỏ bàn đạp phanh phụ trên xe tập lái, xe sát hạch lái xe;

b) Cải tạo để cung cấp năng lượng và điều khiển hệ thống phanh của rơ moóc, sơ mi rơ moóc;

c) Cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch;

d) Cải tạo các cơ cấu điều khiển và ghế ngồi phù hợp với chức năng vận động của người khuyết tật điều khiển xe;

đ) Cải tạo theo đề nghị của nhà sản xuất xe (có văn bản xác nhận của nhà sản xuất xe hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất xe nêu rõ nội dung đề nghị cải tạo kèm theo tài liệu hướng dẫn và danh sách các linh kiện, cụm linh kiện được sử dụng để thay thế) đối với một số trường hợp sau:

Đối với hệ thống phanh: thay đổi một số linh kiện, cụm linh kiện của hệ thống phanh nhằm loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn hoặc để nâng cao hiệu quả phanh;

Đối với hệ thống lái: thay đổi một số linh kiện, cụm linh kiện của hệ thống lái nhằm loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn hoặc để nâng cao tính tiện nghi và an toàn;

Đối với hệ thống treo: thay đổi một số linh kiện, cụm linh kiện của hệ thống treo bằng cách lắp đặt các linh kiện, cụm linh kiện có khả năng chịu tải tương đương (không nhằm mục đích tăng khối lượng hàng chuyên chở) nhằm loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn.”.

d) Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 4 như sau:

“8. Không cải tạo lắp đặt giường nằm loại hai tầng lên xe chở người, trừ trường hợp ô tô trước cải tạo là ô tô khách có giường nằm hai tầng.”.

đ) Sửa đổi, bổ sung khoản 12 Điều 4 như sau:

“12. Không cải tạo thay đổi khoảng cách giữa các trục của xe cơ giới, trừ các trường hợp: cải tạo thành xe chuyên dùng, xe đầu kéo; cải tạo thu ngắn chiều dài cơ sở khi cải tạo trở lại thành xe cơ giới trước cải tạo lần đầu và cải tạo để giảm chiều dài toàn bộ, kích thước thùng xe của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải phù hợp quy định tại Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT ngày 15 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thùng xe của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải tham gia giao thông đường bộ.”.

e) Sửa đổi, bổ sung khoản 16 Điều 4 như sau:

“16. Khối lượng toàn bộ, khối lượng toàn bộ phân bố lên từng trục cho phép tham gia giao thông của xe cơ giới sau cải tạo phải bảo đảm không vượt quá giá trị khối lượng toàn bộ, khối lượng toàn bộ phân bố lên từng trục theo thiết kế của nhà sản xuất và quy định về giới hạn tải trọng trục xe và giới hạn tổng trọng lượng của xe.”.

g) Sửa đổi, bổ sung khoản 19 Điều 4 như sau:

“19. Không sử dụng lại động cơ của xe cơ giới đã có thời gian sử dụng quá 15 năm tính từ năm sản xuất để thay thế hoặc cải tạo. Động cơ thay thế có công suất lớn nhất theo công bố của nhà sản xuất nằm trong khoảng từ 90% đến 120% so với công suất lớn nhất của động cơ được thay thế.”.

h) Sửa đổi, bổ sung khoản 20 Điều 4 như sau:

“20. Cần cẩu, xi téc chở hàng nguy hiểm, xi téc chở khí nén, khí hóa lỏng khi lắp lên xe cơ giới cải tạo phải được kiểm tra, chứng nhận về tính năng, chất lượng, an toàn kỹ thuật bởi các tổ chức đã được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.”.

i) Sửa đổi, bổ sung khoản 21 Điều 4 như sau:

“21. Xe cơ giới chỉ được cải tạo thay thế một trong hai tổng thành chính là động cơ hoặc khung trong suốt quá trình sử dụng.”.

3. Bổ sung Điều 4a vào Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

“Điều 4a. Trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo

1. Các trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo, bao gồm:

a) Thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa);

b) Thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như: bịt kín hoặc thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng; thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng (Hc) quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ;

c) Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô PICKUP nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe;

d) Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời;

đ) Thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, QCVN 35:2017/BGTVT mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt;

e) Thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn;

g) Thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư này. Việc lắp đặt thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất xe hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất xe;

h) Thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió;

i) Lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.

2. Việc thay đổi của các xe cơ giới quy định tại khoản 1 Điều này mà không làm thay đổi kiểu loại xe quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này và đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng thì được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 5 Điều 6; bổ sung khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11, khoản 12 Điều 6 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau:

          “3. Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô PICKUP làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng nhưng không làm thay đổi kích thước bao của xe.”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 6 như sau:

“5. Tháo bỏ hệ thống cung cấp nhiên liệu sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) hoặc khí thiên nhiên nén (CNG) cho động cơ của xe đối với xe cơ giới đã cải tạo lắp đặt thêm hệ thống cung cấp nhiên liệu (LPG, CNG) trở về chỉ sử dụng hệ thống cung cấp nhiên liệu của xe cơ giới trước khi cải tạo hệ thống cung cấp nhiên liệu.”.

c) Bổ sung khoản 8 Điều 6 như sau:

“8. Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc của ô tô con tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất mà không làm thay đổi chiều rộng toàn bộ của xe.”.

d) Bổ sung khoản 9 Điều 6 như sau:

“9. Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ mui gió trên nóc ca bin ô tô đầu kéo.”.

đ) Bổ sung khoản 10 Điều 6 như sau:

“10. Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ bơm, thùng dầu và hệ thống đường ống thủy lực của xe đầu kéo để dẫn động cho hệ thống nâng hạ thùng hàng của sơ mi rơ moóc tải tự đổ.”.

e) Bổ sung khoản 11 Điều 6 như sau:

“11. Thay đổi bố trí chỗ ngồi hành khách hoặc cửa xếp dỡ hàng hóa của thùng hàng hoặc vật liệu bọc, lót thùng hàng.”.

g) Bổ sung khoản 12 Điều 6 như sau:

“12. Ô tô tải lắp thêm hoặc thay thế thiết bị nâng hạ hàng hóa của thùng hàng đã có giấy chứng nhận an toàn của Cơ quan có thẩm quyền hoặc tháo bỏ thiết bị này.”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 5, khoản 6 Điều 7 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 2 Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT và khoản 4 Điều 7 của Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT) như sau:

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 7 như sau:

“5. Trình tự, thủ tục thẩm định thiết kế

a) Cơ sở thiết kế nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế đến cơ quan thẩm định thiết kế;

b) Cơ quan thẩm định thiết kế tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp và qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) hoặc thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trong 02 ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính); trường hợp hồ sơ đầy đủ, cơ quan thẩm định thiết kế cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ (bản chính đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bản điện tử đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến) theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Cơ quan thẩm định thiết kế tiến hành thẩm định thiết kế theo quy định, nếu thiết kế đạt yêu cầu, sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thiết kế, cơ quan thẩm định thiết kế cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Trường hợp không cấp, cơ quan thẩm định thiết kế thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Cơ sở thiết kế sau 02 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định;

d) Trường hợp thành phần hồ sơ thiết kế đầy đủ nhưng có nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung, cơ quan thẩm định thiết kế thông báo cho Cơ sở thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này để bổ sung, sửa đổi hồ sơ thiết kế. Cơ sở thiết kế có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thiết kế và nộp lại trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung, nếu hồ sơ thiết kế đạt yêu cầu thì Cơ quan thẩm định thiết kế cấp Giấy chứng nhận thiết kế; nếu hồ sơ không đạt yêu cầu thì cơ quan thẩm định thiết kế thông báo hồ sơ thiết kế xe cơ giới không đạt theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này. Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà Cơ sở thiết kế không thực hiện sửa đổi, bổ sung, Cơ quan thẩm định thiết kế sẽ cấp Thông báo hồ sơ thiết kế xe cơ giới không đạt theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Cơ quan thẩm định thiết kế phải ghi nhận vào Phiếu kiểm soát toàn bộ quá trình thẩm định thiết kế theo quy định tại khoản này theo mẫu quy định tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Cơ sở thiết kế có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan thẩm định thiết kế hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 7 như sau:

“6. Hồ sơ thiết kế đã được thẩm định đạt yêu cầu và được cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế được lưu tại cơ quan thẩm định thiết kế 01 bộ và cấp cho cơ sở thiết kế 01 bộ đối với trường hợp nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính. Trường hợp cơ sở thiết kế nộp thiết kế qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến thì được trả kết quả trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.”.  

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

Điều 8. Trách nhiệm thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới đối với:

a) Cải tạo các loại xe khác thành xe chuyên dùng, ô tô đầu kéo;

b) Cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch;

c) Các trường hợp quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 4 Thông tư này.

2. Sở Giao thông vận tải thực hiện thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”.

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

Điều 9. Thi công cải tạo

1. Việc thi công cải tạo xe cơ giới phải hoàn thiện tại xưởng của cơ sở cải tạo.

2. Xe cơ giới sau thi công cải tạo phải phù hợp với thiết kế đã được thẩm định đạt yêu cầu.

3. Xe cơ giới sau thi công cải tạo phải được cơ sở cải tạo kiểm tra và lập Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Thành phần nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo bao gồm chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo của cơ sở cải tạo.

4. Để đảm bảo thực hiện được đúng, đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này đối với các trường hợp cải tạo toàn bộ buồng lái, thân xe, khoang chở khách của xe chở người; cải tạo lắp mới thùng xe của xe tải thành xe tải thùng kín (có hai mặt của vách thùng xe được bọc kín), xe tải bảo ôn, xe tải đông lạnh thì cơ sở cải tạo phối hợp với chủ phương tiện thông báo đến cơ quan nghiệm thu để kiểm tra và nghiệm thu trước phần kết cấu khung xương của thân xe, thùng xe theo thiết kế tại cơ sở cải tạo trước khi hoàn thiện toàn bộ nội dung thi công theo hồ sơ thiết kế.”.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

“Điều 10. Nghiệm thu xe cơ giới cải tạo

1. Hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo bao gồm:

a) Bản chính hoặc bản sao điện tử (đối với trường hợp thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao hoặc bản sao điện tử Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế và hồ sơ thiết kế đã được thẩm định có xác nhận của Cơ sở thiết kế hoặc bản điện tử đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trừ các trường hợp miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

c) Bản chính hoặc bản điện tử ảnh chụp tổng thể góc khoảng 45 độ phía trước và phía sau góc đối diện của xe cơ giới sau cải tạo chụp tại xưởng của cơ sở cải tạo; ảnh chụp chi tiết các hệ thống, tổng thành cải tạo, trừ các trường hợp miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

d) Bản chính hoặc bản điện tử Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo, trừ các trường hợp miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

đ) Bản chính hoặc bản điện tử bảng kê các tổng thành, hệ thống thay thế theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này, trừ các trường hợp miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

e) Bản sao hoặc bản điện tử các tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế và tài liệu xác nhận nguồn gốc của các hệ thống, tổng thành cải tạo (có xác nhận của cơ sở cải tạo), trừ các trường hợp miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

g) Bản sao hoặc bản điện tử Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật đối với cần cẩu, thiết bị nâng, xi téc chở hàng nguy hiểm, xi téc chở khí hóa lỏng, xi téc chịu áp lực và các thiết bị chuyên dùng theo quy định (có xác nhận của cơ sở cải tạo);

h) Riêng trường hợp các xe cơ giới cải tạo có cùng nhãn hiệu, số loại, thông số kỹ thuật thì được sử dụng cùng một thiết kế. Hồ sơ để nghiệm thu đối với xe cơ giới sử dụng cùng một thiết kế ngoài các thành phần quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có Văn bản đồng ý sử dụng chung hồ sơ thiết kế của Cơ sở thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trình tự, thủ tục nghiệm thu:

a) Chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật nộp 01 bộ Hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan nghiệm thu trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định, cơ quan nghiệm thu hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) hoặc thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trong 02 ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính);

c) Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan nghiệm thu cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ (bản chính đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bản điện tử đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến) theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nghiệm thu tiến hành nghiệm thu xe cơ giới cải tạo và lập Biên bản kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu cơ quan nghiệm thu cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận cải tạo), Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới sau cải tạo; trường hợp kết quả nghiệm thu không đạt yêu cầu, cơ quan nghiệm thu cấp Thông báo không đạt theo mẫu quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này cho chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật đưa phương tiện đi khắc phục các nội dung không đạt và nghiệm thu lại từ đầu theo quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật phải nộp các khoản giá, phí, lệ phí liên quan theo quy định của pháp luật;

đ) Cơ quan nghiệm thu phải thực hiện ghi nhận vào Phiếu kiểm soát toàn bộ quá trình nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo quy định tại khoản 2 Điều này và theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nội dung nghiệm thu:

a) Đơn vị đăng kiểm căn cứ nội dung hồ sơ thiết kế của xe cơ giới cải tạo đã được thẩm định đạt yêu cầu và quy trình chung nghiệm thu xe cơ giới cải tạo được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này để tiến hành nghiệm thu xe cơ giới;

b) Việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo phải sử dụng các thiết bị, dụng cụ kiểm tra phù hợp để kiểm tra các hạng mục, hệ thống, tổng thành liên quan đến nội dung cải tạo;

c) Thành phần nghiệm thu xe cơ giới cải tạo bao gồm: chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật, đăng kiểm viên nghiệm thu, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định.

4. Việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo đối với xe cơ giới đang lưu hành đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định trước ngày 15/02/2024 được thực hiện như sau:

a) Xe cơ giới đang lưu hành có kích thước bao và hình ảnh phù hợp với Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp lần gần nhất nhưng khác về khối lượng bản thân hoặc kích thước lòng thùng hàng thì không phải thực hiện lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo và chỉ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo để ghi nhận lại theo thực tế nhưng phải phù hợp quy định hiện hành đối với: kích thước lòng thùng hàng và khối lượng bản thân. Khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông được tính toán và ghi nhận tương ứng với sự thay đổi của khối lượng bản thân thực tế đã thay đổi. Hồ sơ đề nghị nghiệm thu chỉ bao gồm văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Xe cơ giới đang lưu hành có một trong các yếu tố khối lượng bản thân, kết cấu, kích thước thùng hàng, kích thước bao khác với Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp lần gần nhất thì phải lập Hồ sơ thiết kế kỹ thuật cải tạo xe cơ giới để tiến hành thủ tục thẩm định thiết kế và nghiệm thu xe cơ giới để ghi nhận sự thay đổi. Hồ sơ đề nghị nghiệm thu chỉ bao gồm các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.”.

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 7 của Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT) như sau:

“Điều 11. Cấp Giấy chứng nhận cải tạo

1. Xe cơ giới sau cải tạo phải được thực hiện nghiệm thu và kiểm định theo quy định tại Phụ lục VI ban hành theo Thông tư này, nếu kết quả đạt yêu cầu thì được cấp Giấy chứng nhận cải tạo gồm 02 liên để làm thủ tục kiểm định và cấp cho chủ xe để làm thủ tục cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, đồng thời được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định.

2. Trường hợp xe cơ giới thực hiện kiểm định ở lần kiểm định tiếp theo kể từ thời điểm nghiệm thu đạt yêu cầu, nếu chủ phương tiện chưa thực hiện việc cấp đổi chứng nhận đăng ký xe theo quy định thì đơn vị đăng kiểm xe cơ giới từ chối việc kiểm định. 

3. Trường hợp Giấy chứng nhận cải tạo bị mất, chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật phải gửi thông báo bằng văn bản cho đơn vị đăng kiểm đã nghiệm thu, trình báo và có xác nhận của cơ quan công an nơi mất giấy tờ, thực hiện thông báo tìm kiếm trên phương tiện thông tin đại chúng. Sau 30 ngày kể từ ngày đơn vị đăng kiểm nhận được văn bản thông báo, nếu không tìm được giấy tờ đã mất thì chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này kèm theo các giấy tờ liên quan cùng các bằng chứng đã thông báo tìm kiếm, giấy xác nhận của cơ quan công an đến đơn vị đăng kiểm để được in lại Giấy chứng nhận cải tạo trong 01 ngày làm việc kể từ ngày khai báo. Trường hợp Giấy chứng nhận cải tạo bị hỏng, rách thì chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này và nộp lại Giấy chứng nhận cải tạo bị hỏng, rách đến đơn vị đăng kiểm đã nghiệm thu để được để được in lại trong 01 ngày làm việc kể từ ngày khai báo.

4. Giấy chứng nhận cải tạo được in từ Chương trình phần mềm quản lý công tác cải tạo xe cơ giới.”.

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 12; bổ sung khoản 7, khoản 8 Điều 12 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 như sau:

“1. Tổ chức kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Thông tư này. Trường hợp phát hiện vi phạm thì thực hiện xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Đăng nhập thông tin cảnh báo đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cải tạo xe cơ giới vi phạm quy định tại Thông tư này lên chương trình phần mềm quản lý công tác cải tạo xe cơ giới.”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 như sau:

“3. Thẩm định thiết kế theo quy định tại Thông tư này.”.

c) Bổ sung khoản 7 Điều 12 như sau:

“7. Quản lý danh sách các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cải tạo xe cơ giới trên phạm vi cả nước.”.

d) Bổ sung khoản 8 Điều 12 như sau:

 “8. Cung cấp tài khoản đăng nhập Chương trình phần mềm quản lý công tác cải tạo xe cơ giới cho những người thẩm định thiết kế, nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Thông tư này và công bố danh sách những người được cấp tài khoản trên Trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.”.

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 và bổ sung khoản 5 Điều 13 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 như sau:

“1. Thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới theo quy định tại Thông tư này. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cải tạo xe cơ giới tại địa phương. Đăng tải thông tin cảnh báo lên Chương trình phần mềm quản lý công tác xe cơ giới cải tạo đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm được phát hiện trong quá trình thẩm định thiết kế và thanh tra, kiểm tra.”.

b) Bổ sung khoản 5 Điều 13 như sau:

“5. Quản lý thông tin các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cải tạo xe cơ giới thuộc phạm vi quản lý.”.

12. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14; bổ sung khoản 7, khoản 8 Điều 14 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 như sau:

“1. Nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận cải tạo theo quy định tại Thông tư này. Đăng tải thông tin cảnh báo đối với các cơ sở cải tạo, Cơ sở thiết kế vi phạm quy định tại Thông tư này lên Chương trình phần mềm quản lý công tác xe cơ giới cải tạo.”.

b) Bổ sung khoản 7 Điều 14  như sau:

“7. Cử đăng kiểm viên tham gia tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên để thực hiện nghiệm thu xe cơ giới cải tạo.”.

c) Bổ sung khoản 8 Điều 14 như sau:

“8. Khi nghiệm thu xe cơ giới cải tạo sử dụng chung hồ sơ thiết kế, đơn vị đăng kiểm nghiệm thu kiểm tra, đối chiếu và chỉ thực hiện nghiệm thu xe cơ giới cải tạo khi các thông tin của xe cơ giới trước cải tạo phải có cùng nhãn hiệu, số loại, thông số kỹ thuật với xe cơ giới trước cải tạo theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định. Trường hợp phát hiện văn bản đồng ý sử dụng chung thiết kế không phù hợp với xe cơ giới cải tạo, đơn vị đăng kiểm nghiệm thu cấp Thông báo không đạt theo mẫu quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này cho chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật, đồng thời đăng tải thông tin cảnh báo đối với Cơ sở thiết kế vi phạm lên Chương trình phần mềm quản lý công tác xe cơ giới cải tạo và cảnh báo phương tiện trên chương trình quản lý kiểm định.”.     

13. Bổ sung Điều 14a vào Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

“ Điều 14a. Trách nhiệm của chủ phương tiện

1. Sử dụng các tài liệu quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 14b để thực hiện việc thi công và nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Thông tư này.

2. Tham gia với đơn vị đăng kiểm trong quá trình nghiệm thu bao gồm cả việc chuẩn bị phương tiện và người điều khiển phương tiện.

3. Sử dụng phương tiện theo đúng mục đích cải tạo xe cơ giới.”.

14.  Bổ sung Điều 14b vào Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

“Điều 14b. Trách nhiệm của Cơ sở thiết kế

1. Thực hiện việc thiết kế tuân thủ các quy định tại Thông tư này.

2. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, phương pháp tính toán, kết quả tính toán trong hồ sơ thiết kế, đồng thời phải ký đầy đủ vào các bản vẽ kỹ thuật của hồ sơ thiết kế sau khi hoàn thành việc thiết kế, kiểm tra hồ sơ thiết kế và ký đóng dấu lên Hồ sơ thiết kế.   

3. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật cung cấp kèm theo hồ sơ thiết kế cho cơ quan thẩm định thiết kế; nội dung khảo sát về hiện trạng xe cơ giới trước cải tạo; chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ thiết kế theo yêu cầu của cơ quan thẩm định thiết kế.

4. Không lập và nộp hơn một hồ sơ thiết kế cho một phương tiện trong một lần cải tạo.

5. Cấp bản sao Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế và hồ sơ thiết kế đã được thẩm định hoặc bản điện tử đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho chủ phương tiện để phục vụ cho việc thi công cải tạo và nghiệm thu xe cơ giới cải tạo. 

6. Cung cấp cho chủ phương tiện văn bản đồng ý sử dụng bản sao hồ sơ thiết kế do chính Cơ sở thiết kế tự thiết kế và đã được cơ quan thẩm định thiết kế thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế theo quy định tại Thông tư này cho các xe cơ giới có cùng nhãn hiệu, số loại, thông số kỹ thuật với xe cơ giới trước cải tạo, để làm cơ sở cho việc thi công và nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Thông tư này. Văn bản đồng ý được lưu tại Cơ sở thiết kế, đồng thời gửi Cơ quan thẩm định thiết kế để tổng hợp, theo dõi, quản lý.”.

15. Bổ sung Điều 14c vào Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

“Điều 14c. Trách nhiệm của cơ sở cải tạo

1. Thực hiện cải tạo xe cơ giới theo đúng thiết kế đã được thẩm định, bảo đảm xe cơ giới sau cải tạo phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư này.

2. Chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng của các linh kiện, tổng thành, vật tư thi công cải tạo.

3. Chịu trách nhiệm về việc kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe cơ giới cải tạo và lập Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Thông tư này. 

4. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các hồ sơ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này để cung cấp cho chủ phương tiện thực hiện việc nộp hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo cho cơ quan nghiệm thu.

5. Sử dụng kết quả cân khối lượng phương tiện phân bố trên từng trục của đơn vị có chức năng cân khối lượng theo quy định về pháp luật đo lường hoặc do cơ sở cải tạo tự trang bị thiết bị cân đáp ứng quy định về pháp luật đo lường.”.

16. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT như sau:

“Điều 16. Lưu trữ hồ sơ

Hồ sơ thẩm định thiết kế và hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo được lưu trữ đầy đủ, đúng quy định.

1. Hồ sơ thẩm định thiết kế được lưu trữ tại Cơ quan thẩm định thiết kế và được hủy sau 20 năm, trừ Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo. Việc lưu trữ hồ sơ thẩm định thiết kế bao gồm các thành phần sau:

a) 01 bộ hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo đối với trường hợp nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bản điện tử được in từ hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo;

b) Các giấy tờ quy định tại các điểm a, c, d khoản 4 Điều 7 đối với trường hợp nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bản điện tử được in từ hệ thống dịch vụ công trực tuyến.  

2. Hồ sơ nghiệm thu được lưu trữ tại cơ quan nghiệm thu và được hủy sau 20 năm, trừ bản sao Giấy chứng nhận cải tạo. Việc lưu trữ Hồ sơ nghiệm thu bao gồm các thành phần sau:

a) Bản sao Liên 2 của Giấy chứng nhận cải tạo;

b) Biên bản kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo;

c) Các giấy tờ, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này đối với trường hợp nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bản điện tử được in từ hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

d) Ảnh chụp khung xương và các chi tiết, bộ phận khác (đối với trường hợp phải nghiệm thu trước phần kết cấu khung xương của thân xe, thùng xe).”.

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, khoản, phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT

1. Thay thế cụm từ “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo” tại tên Chương III, khoản 5 Điều 14 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT bằng cụm từ “Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo”.

2. Thay thế Phụ lục II, IV, V, VI, VII, IX, X ban hành kèm theo Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT tương ứng bằng Phụ lục I, II, III, IV, V, VI, VII ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Bổ sung Phụ lục XI, XII, XIII, XIV, XV, XVI, XVII, XVIII, XIX vào Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT tương ứng bằng Phụ lục VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV, XV, XVI ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Bãi bỏ khoản 6, khoản 7, khoản 14, khoản 15, khoản 17, khoản 22 và khoản 23 Điều 4; khoản 2, khoản 6 và khoản 7 Điều 6; khoản 2 Điều 7 của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT.

Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.

2. Quy định chuyển tiếp

a) Các Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo và hồ sơ thiết kế đã cấp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực sẽ tiếp tục được sử dụng để thi công, nghiệm thu;

b) Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Đình Thọ

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.