• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/11/2005
QUỐC HỘI
Số: 55/2005/QH11
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 29 tháng 11 năm 2005

NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Về kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ,

Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao,

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

 

QUỐC HỘI

 

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Căn cứ vào Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

1. Quốc hội tán thành báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về đánh giá kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và một số giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Việc bảo đảm tiến độ cũng như việc thực hiện quy định về thẩm quyền, trình tự và thủ tục ban hành văn bản đã có nhiều tiến bộ; nội dung các văn bản về cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, góp phần quan trọng vào việc tiếp tục thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, làm cho hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đầy đủ hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết nhìn chung còn chậm, không ít trường hợp quá chậm, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện ngay sau khi luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực. Công tác thẩm định có trường hợp còn hình thức, chất lượng chưa cao, chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các Bộ, ngành; một số văn bản có nội dung còn thiếu chi tiết, chưa phù hợp với quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết hoặc còn chồng chéo, mâu thuẫn. Việc kiểm tra các văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên và xử lý kịp thời.

Quốc hội nhấn mạnh một số nguyên nhân chủ yếu sau đây của những hạn chế, khuyết điểm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Thứ nhất, lãnh đạo một số cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo văn bản pháp luật chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như là một trong những hoạt động chủ yếu của công tác quản lý nhà nước, là chức năng cơ bản của cơ quan nhà nước, nên chưa đầu tư thích đáng thời gian, công sức cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, việc ban hành thường không kịp thời, một số dự thảo văn bản không đạt yêu cầu. Sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản liên ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và còn hình thức. Việc xử lý vi phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa tốt;

Thứ hai, trong một số luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhiều quy định còn thiếu chi tiết, cụ thể, mới dừng lại ở những nguyên tắc chung, chưa xác định rõ những nội dung cụ thể cần hướng dẫn thi hành cũng như chưa chỉ rõ số lượng văn bản, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, thời hạn ban hành nên đã gây khó khăn cho cơ quan được giao nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành;

Thứ ba, nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, nghiên cứu, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật ở các cơ quan có thẩm quyền còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Một số lãnh đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có biểu hiện cục bộ đã đưa ra những quy định tạo thuận lợi cho hoạt động của Bộ, ngành hoặc lĩnh vực do mình quản lý;

Thứ tư, chưa đầu tư kinh phí hợp lý cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Thứ năm, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do mình phụ trách.

2. Để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

a) Đề cao trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết; nâng cao chất lượng công tác thẩm định của Bộ Tư pháp và công tác thẩm tra của Văn phòng Chính phủ đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên kiểm tra việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện kịp thời và xử lý những tồn tại, vướng mắc trong công tác này. Trước mắt cần tổ chức rà soát, xử lý ngay những văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm về nội dung, hình thức, thẩm quyền ban hành và báo cáo kết quả với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, trong báo cáo công tác hằng năm trước Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần bổ sung nội dung đánh giá, kiểm điểm việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của mình;

b) Cơ quan trình dự án cần chỉ đạo Ban soạn thảo bảo đảm tiến độ chuẩn bị dự án; nghiên cứu, soạn thảo các dự thảo luật, pháp lệnh quy định cụ thể để khi được ban hành có thể thi hành được ngay, hạn chế tối đa việc phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn; thực hiện đúng quy định khi trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết phải kèm theo đầy đủ các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành. Quy định rõ ngay trong luật, pháp lệnh những điều, khoản, điểm cần ban hành văn bản hướng dẫn, cơ quan ban hành, hình thức văn bản và thời hạn ban hành theo đúng quy định tại Điều 7 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

c) Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả về số lượng và chất lượng; xây dựng cơ chế huy động sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học vào công tác xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục đổi mới cách thức phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan tham gia; đối với những luật, pháp lệnh qua thực tế áp dụng có những nội dung cần giải thích thì các cơ quan phải có văn bản đề nghị cụ thể và phải chuẩn bị dự thảo văn bản giải thích trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; chuẩn bị kịp thời, có chất lượng các dự án luật, pháp lệnh đã được phân công;

d) Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện tốt văn bản quy phạm pháp luật về quy trình soạn thảo, thẩm định và thông qua văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ;

đ) Hàng năm, Chính phủ dự toán một khoản ngân sách hợp lý cho việc xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trình Quốc hội quyết định.

3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; đối với những văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp và không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đã được phát hiện thì tiến hành giám sát theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và báo cáo Quốc hội./.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn An

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.