• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/11/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/05/2010
CHÍNH PHỦ
Số: 128/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 11 tháng 10 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản

 

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

 

NGHỊ ĐỊNH:

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản là những hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuỷ sản do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản;

b) Vi phạm các quy định về khai thác thuỷ sản và quản lý tầu cá;

c) Vi phạm các quy định về nuôi trồng thuỷ sản;

d) Vi phạm các quy định về chế biến, kinh doanh, thu gom, bảo quản, vận chuyển thuỷ sản; vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản;

e) Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thuỷ sản

4. Việc xử phạt hành vi xâm phạm vùng biển của Việt Nam để hoạt động thuỷ sản được áp dụng theo quy định tại Điều 10 và Điều 20 Nghị định số 137/2004/NĐ-CP ngày 16/6/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng bị xử phạt

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản trên phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan, trừ trường hợp các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

2. Việc xử phạt người chưa thành niên vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản được áp dụng theo các quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 3 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 4. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng áp dụng trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này được thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 6 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản là 01 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện; riêng đối với các vi phạm hành chính liên quan các lĩnh vực bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản, xuất, nhập khẩu hàng hoá thuỷ sản thì thời hiệu là 02 năm.

Nếu quá các thời hạn nói trên thì không xử phạt nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Các tính thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 6. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cách tính thời hạn trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 7. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Ngoài hình thức xử phạt chính, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại nguyên trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;

d) Buộc tiêu huỷ vật phẩm, vật nuôi, cây trồng gây hại đến sức khoẻ con người, gây hại đến động vật, thực vật thuỷ sản và gây ô nhiễm môi trường.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện các biện pháp nói trên.

Chương II

CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUỶ SẢN,

HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC XỬ PHẠT

Mục A

VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Điều 8. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi xả nước thải, dầu mỡ, hoá chất, các loài động vật, thực vật có độc tố hoặc các chất thải có hại khác vào môi trường sống, sinh sản, sinh trưởng tự nhiên của các loài thuỷ sản hoặc vào môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản, vượt tiêu chuẩn cho phép dưới hai lần.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xả các chất thải quy định tại khoản 1 Điều này vượt tiêu chuẩn cho phép từ hai lần trở lên.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xả các chất đặc biệt nguy hại vào môi trường sống, sinh sản, sinh trưởng tự nhiên của các loài thuỷ sản hoặc vào môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản vượt tiêu chuẩn cho phép.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phá dỡ hoặc xây dựng các công trình nổi, công trình ngầm ở các vùng nước làm thay đổi nơi cư trú, sinh trưởng, sinh sản của các loài thuỷ sản mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không theo đúng quy định ghi trong giấy phép;

b) Khai thác, huỷ hoại trái phép các rạn đá ngầm, rạn san hô, các bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn và hệ sinh cảnh khác, trừ hành vi neo đậu tầu cá trong trường hợp bất khả kháng; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép san hô;

c) Phá huỷ, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thuỷ sản.

5. Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển liên quan đến lĩnh vực thuỷ sản thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 121/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

6. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại nguyên trạng ban đầu đối với các hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (trừ tầu cá) đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 9. Vi phạm các quy định về bảo vệ các loài thuỷ sản

1. Mức phạt đối với hành vi khai thác thuỷ sản nếu khối lượng các loài thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác vượt quá mức cho phép khai thác lẫn như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn từ 20 kg đến dưới 100 kg;

b) Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn từ 100 kg đến dưới 500 kg;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn trên 1.000 kg.

2. Mức phạt đối với hành vi khai thác thuỷ sản tại khu vừc cấm khai thác hoặc trong thời gian cấm khai thác như sau:

a) Phạt cảnh cáo nếu vi phạm lần đầu và khối lượng thuỷ sản dưới 10 kg;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn từ 100 kg đến dưới 500 kg;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn trên 1.000 kg.

2. Mức phạt đối với hành vi khai thác thuỷ sản tại khu vực cấm khai thác hoặc trong thời gian cấm khai thác như sau:

a) Phạt cảnh cáo nếu vi phạm lần đầu và khối lượng thuỷ sản dưới 10 kg;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 10 kg đến dưới 100 kg hoặc khối lượng thuỷ sản dưới 10 kg nhưng tái phạm từ lần thứ 2 trở lên;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 100 kg đến dưới 500 kg;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;

đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản trên 1.000 kg.

3. Mức phạt đối với hành vi khai thác các loài thuỷ sản trong danh mục cấm khai thác như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản dưới 50 kg;

b) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 50 kg đến dưới 100 kg;

c) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 100 kg đến dưới 300 kg;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 300 kg đến dưới 500 kg;

đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản trên 500 kg.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu số thuỷ sản đã khai thác trái phép và buộc thả số thuỷ sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (trừ tầu cá) và tước quyền sử dụng giấy phép 06 tháng (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Mục B

VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC THUỶ SẢN VÀ QUẢN LÝ TẦU CÁ

Điều 10. Vi phạm các quy định về khai thác thuỷ sản

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tầu cá không có đủ trang thiết bị cứu sinh, phương tiện theo dõi dự báo thời tiết hoặc không có trang thiết bị bảo đảm thông tin liên lạc (đối với loại tầu cá theo quy định của Bộ Thuỷ sản);

b) Không có Sổ nhật ký khai thác, không ghi chép nhật ký khai thác thuỷ sản hoặc không thực hiện chế độ báo cáo khai thác thuỷ sản theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

c) Không đánh dấu ngư cụ đang đườc sử dụng tại ngư trường bằng dấu hiệu dễ nhận biết theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

d) Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi:

a) Sử dụng đèn chiếu sáng để khai thác thuỷ sản mà tổng công suất đèn vượt quá quy định hoặc khoảng cách giữa các điểm đặt các cụm đèn chiếu sáng so với các ngư cụ khác không đúng quy định của Bộ Thuỷ sản;

b) Sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thuỷ sản.

3. Mức phạt đối với hành vi sử dụng Giấy phép khai thác thuỷ sản đã quá hạn như sau:

a) Phạt cảnh cáo đối với trường hợp Giấy phép đã hết thời hạn không quá 30 ngày;

b) Phạt tiền theo quy định tại khoản 7 Điều này đối với trường hợp Giấy phép đã hết thời hạn từ 30 ngày trở lên.

4. Mức phạt đối với hành vi hoạt động sai nội dung ghi trong Giấy phép khai thác thuỷ sản về nghề khai thác, tuyến khai thác như sau:

a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá không lắp máy hoặc lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 30 sức ngựa;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 30 đến dưới 90 sức ngựa;

c) Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 đến dưới 200 sức ngựa;

d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 200 sức ngựa trở lên.

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng, tàng trữ trên tầu cá hoá chất độc hoặc thực vật có độc tố để khai thác thuỷ sản;

b) Sử dụng các loại công cụ khai thác thuỷ sản trong danh mục cấm sử dụng theo quy định của Bộ Thuỷ sản, trừ trường hợp đã được cơ quan quản lý thuỷ sản có thẩm quyền cho phép để thu hoạch thuỷ sản nuôi của mình.

6. Mức phạt đối với hành vi tàng trữ, sử dụng kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tầu cá để khai thác thuỷ sản như sau ;

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá không lắp máy hoặc lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 30 sức ngựa;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 30 đến dưới 90 sức ngựa;

c) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa trở lên.

7. Mức phạt đối với hành vi khai thác thuỷ sản bằng tầu cá có trọng tải từ 0,5 tấn trở lên mà không có Giấy phép khai thác thuỷ sản như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá không lắp máy hoặc lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 30 sức ngựa;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 30 đến dưới 90 sức ngựa;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 đến dưới 200 sức ngựa;

d) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 200 sức ngựa trở lên.

8. Mức phạt đối với hành vi sử dụng các Giấy phép khai thác thuỷ sản được làm giả, bị tẩy xoá, sửa chữa như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá không lắp máy hoặc lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 30 sức ngựa;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 30 đến dưới 90 sức ngựa;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 đến dưới 200 sức ngựa;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tầu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 200 sức ngựa trở lên.

9. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất nổ để khai thác thuỷ sản hoặc tàng trữ trái phép chất nổ, kíp nổ, dây cháy chậm trên tầu cá.

10. Xử phạt hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa khi khai thác thuỷ sản thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa.

11. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện quy định của Bộ Thuỷ sản đối với hành vi quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu số bóng đèn tương ứng công suất vượt quá mức quy định đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Tịch thu bộ phận lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

d) Tịch thu thuỷ sản đã khai thác đối với hành vi quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4, điểm b khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều này;

đ) Buộc tiêu huỷ thuỷ sản đã khai thác và các loại hoá chất độc, thực vật có độc tố đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

e) Tịch thu và tiêu huỷ ngư cụ bị cấm sử dụng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 5, khoản 6 và khoản 9 Điều này;

g) Tịch thu và huỷ Giấy phép giả, Giấy phép bị tẩy xoá, sửa chữa đối với hành vi quy định tại khoản 8 Điều này;

h) Tịch thu chất nổ, kíp nổ, dây cháy chậm tàng trữ trên tầu cá đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này; tịch thu tầu cá trong trường hợp tái phạm sử dụng chất nổ để khai thác thuỷ sản.

Điều 11. Vi phạm các quy định về quản lý tầu cá

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Không thực hiện quy định của Bộ Thuỷ sản về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên tầu cá;

b) Sử dụng trang thiết bị cứu sinh chưa được cơ quan có thẩm quyền đăng kiểm;

c) Người hành nghề khai thác thuỷ sản khi đi trên tầu cá mà không mang theo người Sổ thuyền viên hoặc Chứng minh thư nhân dân theo quy định của pháp luật;

d) Không viết số đăng ký tầu cá đã được cấp hoặc viết số đăng ký trên tầu cá không đúng quy định hoặc để số đăng ký mờ;

đ) Không có Sổ danh bạ thuyền viên đối với loại tầu quy định phải có Sổ danh bạ thuyền viên.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vi phạm nội quy cảng, bến cá hoặc gây mất trật tự tại cảng, bến cá;

b) Chủ tầu cá khai thác thuỷ sản xa bờ không mua bảo hiểm cho mỗi thuyền viên.

3. Xử phạt đối với tầu cá có hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa; quy định về kiểm tra, kiẻm soát trên đường thuỷ nội địa; quy tắc giao thông và quy định về tín hiệu của phương tiện khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa thực hiện theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23 Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đánh dấu nhận biết tầu cá phù hợp tuyến biển được phép hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Người lái tầu cá, vận hành máy tầu cá không có đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật.

5. Mức phạt đối với hành vi sử dụng tầu cá mà Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tầu cá đã quá hạn sử dụng như sau:

a) Cảnh cáo đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã hết thời hạn không quá 30 ngày;

b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã hết thời hạn từ 30 ngày đến 60 ngày;

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với trường hợp Giấy chứng nhận hết thời hạn quá 60 ngày.

6. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng tầu cá chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật vào hoạt động thuỷ sản;

b) Không đăng ký, đăng kiểm lại đối với tầu cá thuộc diện phải đăng kiểm sau khi đã cải hoán.

7. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng được làm giả để lái tầu, vận hành máy tầu cá;

b) Sử dụng giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm tầu cá được làm giả hoặc bị tẩy xoá, sửa chữa;

c) Không trang bị các trang thiết bị về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện theo quy định của pháp luật.

8. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với chủ tầu cá khi đóng mới hoặc cải hoán tầu cá đối với loại tầu cá thuộc diện đăng kiểm có một trong các hành vi sau đây:

a) Không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

b) Không có hồ sơ thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

9. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định của Bộ Thuỷ sản đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

b) Tịch thu và tiêu huỷ các loại giấy tờ giả, giấy tờ bị xoá, sửa chữa đối với hành vi quy định tại các điểm a và b khoản 7 Điều này.

Mục C

VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN

Điều 12. Vi phạm các quy định trong lĩnh vực giống thuỷ sản

1. Việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, giống cây trồng được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 47/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, Nghị định số 57/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng và các quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, và 6 Điều này.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống có một trong các hành vi sau đây:

a) Địa điểm xây dựng cơ sở không theo quy hoạch;

b) Không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường đối với ao, bể, các trang thiết bị, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

c) Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản quá hạn sử dụng.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản có chứa các chất trong danh mục hạn chế sử dụng không theo đúng quy định của Bộ Thuỷ sản.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật hoá chất dùng trong sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thuộc danh mục cấm sử dụng, cấm lưu hành tại Việt Nam do Bộ Thuỷ sản quy định;

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển giống thuỷ sản hoặc thả ra môi trường tự nhiên các loài thuỷ sản không có tên trong danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh.

6. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đối với các hành vi quy định tại điểm a va b khoản 2 Điều này;

b) Buộc tiêu huỷ các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong sản xuất kinh doanh giống thuỷ sản quá hạn sử dụng hoặc thuộc danh mục cấm đối với hành vi quy định tại điểm 2 khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này;

c) Tịch thu thuỷ sản và buộc cơ sở sản xuất phải thực hiện quy định của pháp luật về khảo nghiệm giống mới; buộc thả giống thuỷ sản quý hiếm cần bảo tồn trở lại môi trường sống của chúng, buộc tiêu huỷ sinh vật lạ gây hại đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 13. Vi phạm các quy định về nuôi trồng thuỷ sản

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với cơ sở nuôi trồng thuỷ sản có một trong các hành vi sau đây:

a) Địa điểm xây dựng cơ sở không theo quy hoạch, trừ cơ sở quy mô nhỏ theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

b) Không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

c) Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất có chứa chất thuộc danh mục hạn chế sử dụng mà không theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

d) Sử dụng các loại thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất đã quá hạn sử dụng;

đ) Không thực hiện quy định của Bộ Thuỷ sản về kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi;

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng các loại thức ăn nuôi thuỷ sản, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc có chứa chất trong danh mục cấm sử dụng;

b) Nuôi trồng giống, loài thuỷ sản thuộc danh mục các loài thuỷ sản cấm nuôi trồng và không có tên trong danh mùc được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt nam do Bộ Thuỷ sản quy định;

c) Nuôi trồng giống, loài thuỷ sản thuộc danh mục giống, loài thuỷ sản hạn chế nuôi trồng mà không theo quy định của Bộ Thuỷ sản hoặc quy định của địa phương.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại điểm a, b, đ khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này;

b) Buộc tiêu huỷ các loại thức ăn nuôi thuỷ sản, thuốc, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất quá hạn sử dụng hoặc trong danh mục cấm sử dụng hoặc không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam đối với hành vi quy định tại điểm c và d khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này.

c) Tịch thu thuỷ sản nuôi trồng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

Điều 14. Vi phạm các quy định về phòng ngừa dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối hành vi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bắt buộc theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản khi có quyết định công bố dịch;

b) Đưa vào hoặc mang ra khỏi vùng có dịch thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố;

c) Mang ra khỏi vùng có dịch các loại thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, chất thải động vật thuỷ sản có khả năng làm lây lan dịch bệnh đã công bố;

d) Vận chuyển động vật thuỷ sản dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố qua vùng có dịch không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

đ) Không cách ly động vật thuỷ sản mắc bệnh, nhiễm bệnh, ghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

e) Không chấp hành quy định xử lý động vật thuỷ sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

g) Không chấp hành quy định lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh định kỳ của cơ quan thú y thuỷ sản;

h) Không chấp hành việc kiểm tra vệ sinh thú y định kỳ theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không khai báo và gửi hồ sơ kiểm dịch theo quy định của pháp luật khi vận chuyển, lưu thông động vật thuỷ sản, sản phẩm động vật thuỷ sản có trong danh mục động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản thuộc diện phải kiểm dịch;

b) Không đăng ký, khai báo, gửi hồ sơ kiểm dịch theo quy định của pháp luật khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửu khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam các loại động vật thuỷ sản, sản phẩm động vật thuỷ sản;

c) Không thực hiện kiểm dịch giống thuỷ sản trước khi đưa ra khỏi cơ sở sản xuất giống thuỷ sản;

d) Vận chuyển giống thuỷ sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc vượt quá số lượng giống ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch;

đ) Không thực hiện kiểm dịch đối với động vật thuỷ sản thương phẩm, sản phẩm động vật thuỷ sản trước khi đưa ra khỏi huyện trong trường hợp đang xảy ra dịch bệnh thuỷ sản tại huyện đó.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch giả mạo hoặc tẩy xoá, sửa chữa.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đổ, thải thức ăn chăn nuôi, nước rửa, xác các loài thuỷ sản đã nhiễm bệnh vào các vùng nước tự nhiên, vùng nước nuôi thuỷ sản khác;

b) Xả nước hoặc các chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định từ nơi có dịch bệnh thuỷ sản sang các vùng nước nuôi thuỷ sản khác.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1, các điểm 1, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này;

b) Buộc tiêu huỷ số thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi hoặc chất thải động vật thuỷ sản đã nhiễm bệnh đối với hành vi quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều này;

c) Buộc thực hiện các quy định về kiểm dịch đối với các hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Tịch thu và huỷ giấy chứng nhận giả; tịch thu giấy chứng nhận bị tẩy xoá, sửa chữa đôi với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.

Mục D

VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ CHẾ BIẾN, KINH DOANH, THU GOM,

BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN THUỶ SẢN, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

THUỶ SẢN

Điều 15. Vi phạm các quy định về chế biến thuỷ sản

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các cơ sở chế biến thuỷ sản có một trong các hành vi sau đây:

a) Xây dựng cơ sở mới không theo quy hoạch;

b) Không công bố chất lượng sản phẩm của mình hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng;

c) Không bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn như cơ sở đã công bố;

d) Chế biến các loài thuỷ sản trong thời gian cấm khai thác trên phạm vi toàn quốc;

đ) Sử dụng các loại phụ gia, hoá chất bị cấm sử dụng, không được phép lưu hành ở Việt Nam hoặc sử dụng không đúng quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cơ sở chế biến thuỷ sản theo phương thức công nghiệp có một trong các hành vi sau đây:

a) Không có cán bộ kỹ thuật hoặc nhân viên kỹ thuật có trình độ theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

b) Không áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận về chất lượng hàng hoá;

c) Nguyên liệu thuỷ sản đưa vào chế biến không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

3. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi chế biến các loài thuỷ sản trong danh mục cấm khai thác.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chế biến thuỷ sản có xuất xứ ở vùng cấm thu hoạch.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 1, khoản 2 Điều này;

b) Tịch thu thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 3 Điều này;

c) Buộc tiêu huỷ thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 16. Vi phạm các quy định về kinh doanh, thu gom, bảo quản và vận chuyển thuỷ sản

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh, thu gom, bảo quản, vận chuyển, thuỷ sản tươi sống hoặc đã chế biến không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thu gom, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh các loài thuỷ sản được khai thác trong thời gian cấm khai thác trên phạm vi toàn quốc hoặc được khai thác bằng chất nổ, xung điện;

b) Thu gom, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thuỷ sản có xuất xứ từ vùng cấm thu hoạch;

c) Sử dụng các loại thuốc thú y, hoá chất, phụ gia chế biến bị cấm sử dụng, không được phép lưu hành ở Việt Nam hoặc sử dụng không đúng quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thu gom, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh các loài thuỷ sản trong danh mục cấm khai thác.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

Tịch thu thuỷ sản và buộc thả số thuỷ sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 17. Vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thuỷ sản

Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Mục Đ

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NGÀNH NGHỀ DỊCH VỤ THUỶ SẢN

Điều 18. Vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn nuôi thuỷ sản, thuốc, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chủ hoặc người trực tiếp bán hàng của cơ sở kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản không có Chứng chỉ hành nghề thú y do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chủ hoặc người phụ trách kỹ thuật của cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y thuỷ sản, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản không có Chứng chỉ hành nghề thú y do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Người có Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này mà cho thuê, cho mượn Chứng chỉ hành nghề thú ý.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vi phạm các quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn nuôi thuỷ sản; thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản;

b) Sử dụng các loại Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này là chứng chỉ giả hoặc bị tẩy xoá, sửa chữa.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại thức ăn nuôi thuỷ sản; thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản không công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở kinh doanh các loại thức ăn nuôi thuỷ sản; thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản quá hạn sử dụng;

c) Cơ sở sản xuất thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản đã được cấp sổ đăng ký lưu hành nhưng có những thay đổi một trong các trường hợp sau đây mà không làm lại hồ sơ đăng ký lưu hành: thay đổi thành phần, công thức; thay đổi dạng bào chế; thay đổi tiêu chuẩn chất lượng; thay đổi cách dùng; thay đổi phương pháp, quy trình sản xuất làm thay đổi chất lượng sản phẩm; đánh giá lại chất lượng, hiệu quả, độ an toàn của sản phẩm theo quy định của pháp luật.

5. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển thức ăn nuôi thuỷ sản, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản sau đây:

a) Không có tên trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

b) Cấm sử dụng theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

c) Không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

d) Không rõ nguồn gốc.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này là của tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu hàng hoá.

7. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các hành vi quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, các điểm a và c khoản 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Tịch thu và tiêu huỷ các loại chứng chỉ hành nghề thú y giả hoặc bị tẩy xoá, sửa chữa đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Tịch thu hàng hoá đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

đ) Buộc tiêu huỷ hàng hoá đối với hành vi quy định tại điểm b và c khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều này.

Điều 19. Vi phạm các quy định về dịch vụ thú y thuỷ sản

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người hành nghề chẩn đoán, kê đơn, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ động vật thuỷ sản, tư vấn, dịch vụ kỹ thuật về thú y thuỷ sản không có Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng chứng chỉ hành nghề hết hạn sử dụng.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chủ hoặc người phụ trách kỹ thuật của cơ sở kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản không có Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Chủ hoặc người phụ trách kỹ thuật của cơ sở xét nghiệm bệnh động vật thuỷ sản không có Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Người có Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản quy định tại khoản 1, các điểm a và b khoản 2 Điều này mà cho thuê, cho mượn Chứng chỉ hành nghề.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản quy định tại khoản 1, các điểm a và b khoản 2 Điều này là chứng chỉ giả hoặc bị sửa chữa, tẩy xoá.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong hoạt động thuỷ sản.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Buộc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại khoản 1, các điểm a và b khoản 2, khoản 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản trong 3 tháng đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Tịch thu và tiêu huỷ các loại Chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản giả hoặc bị sửa chữa, tẩy xoá đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 20. vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh trang thiết bị cứu sinh

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi:

a) Sản xuất trang thiết bị cứu sinh không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố;

b) Kinh doanh các trang thiết bị cứu sinh chưa được đăng kiểm.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh trang thiết bị cứu sinh quá hạn sử dụng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu hàng hoá đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc thực hiện đăng kiểm đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Buộc tiêu huỷ hàng hoá đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 21. Vi phạm các quy định hoạt động cảng cá

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vứt, đổ rác hoặc các đồ vật khác từ tầu cá xuống vùng nước đậu tầu hoặc cầu cảng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cảng cá không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Cảng cá, bến cá không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của Bộ Thuỷ sản hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý cảng cá, bến cá.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc thực hiện các quy định của Bộ Thuỷ sản hoặc của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 22. Vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tầu cá

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cơ sở đóng mới hoặc cải hoán tầu cá có một trong các hành vi sau đây:

a) Địa điểm xây dựng cơ sở không theo quy hoạch;

b) Nhà xưởng, trang thiết bị không phù hợp yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

c) Hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

d) Không có nhân viên kỹ thuật có trình độ theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh một số ngành, nghề thuỷ sản;

đ) Đóng mới, cải hoán tầu cá mà chủ tầu cá chưa có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 23. Vi phạm các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với cơ sở có một trong các hành vi sau đây:

a) Cơ sở vật chất kỹ thuật không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở sản xuất không có nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xuất xưởng trang thiết bị khai thác thuỷ sản chưa được đăng kiểm;

b) Kinh doanh trang thiết bị khai thác thuỷ sản chưa được đăng kiểm;

c) Sản xuất, kinh doanh các loại ngư cụ, trang thiết bị khai thác thuỷ sản không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật;

d) Sản xuất kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển các loại ngư cụ, trang thiết bị khai thác thuỷ sản thuộc danh mục cấm sử dụng do Bộ Thuỷ sản hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2 Điều này;

b) Tịch thu hàng hoá đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều này.

Mục E

CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THUỶ SẢN

Điều 24. Xử phạt hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thuỷ sản

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi cản trở công tác điều tra, thăm dò nguồn lợi thuỷ sản; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; thu thập số liệu đánh giá hiện trạng hoạt động các lĩnh vực thuỷ sản.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi cản trở công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lăng mạ, làm nhục, chống lại người đang làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra;

b) Cố ý trì hoãn hoặc trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính của người, cơ quan có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ hoặc tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính;

b) Tẩu tán, làm thay đổi, đánh tráo tang vật, phương tiện đang bị kiểm tra hoặc tạm giữ.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thi hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2, điểm b khoản 3 Điều này;

b) Thu hồi các tang vật, phương tiện bị tẩu tán đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

Chương III

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT

VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỦY SẢN

Điều 25. Thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân các cấp

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản theo quy định tại các Điều 28, Điều 29 và Điều 30 của Pháp lệnh Xửlý vi phạm hành chính.

Điều 26. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra Thuỷ sản

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính Thanh tra viên chuyên ngành Thuỷ sản các cấp, Chánh Thanh tra chuyên ngành Thuỷ sản của Sở Thuỷ sản hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản, Chánh Thanh tra chuyên ngành Thuỷ sản của Bộ Thuỷ sản theo quy định tại Điều 38 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 107/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra thuỷ sản.

Điều 27. Thẩm quyền của cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, Quản lý thị trường, Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ nội địa

1. Người có thẩm quyền của các cơ quan: Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, cơ quan Thuế, Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc cảng vụ thuỷ nội địa quy định tại Điều 31, 32, 33, 34, 36, 37 và 39 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản theo Nghị định này đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực ngành mình quản lý.

2. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 28. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

1. Khi xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải thực hiện theo đúng thủ tục được quy định từ Điều 53 đến Điều 63 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Đối với tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu để gây cháy nổ như thuốc nổ, kíp nổ, dây cháy chậm…, người có thẩm quyền xử phạt phải làm thủ tục chuyển giao nhanh nhất cho cơ quan Công an hoặc quân sự địa phương để quản lý theo quy định của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi chuyển giao phải lập biên bản có chữ ký của người có thẩm quyền xử phạt và đại diện bên nhận, biên bản được lập thành ít nhất hai bản.

3. Tổ chức, cá nhân có tang vật vi phạm bị xử lý tiêu huỷ phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý. Trường hợp không xác định được chủ của tang vật vi phạm hoặc chủ của tang vật vi phạm bỏ trốn thì kinh phí xử lý được lấy từ nguồn ngân sách địa phương.

Điều 29. Chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành

1. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính ở một địa phương nhưng lại cư trú hoặc có trụ sở ở địa phương khác mà không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại nơi bị xử phạt, thì quyết định xử phạt được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cùng cấp ở nơi cá nhân cư trú, nơi tổ chức có trụ sở để thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, nơi tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành. Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan ký quyết định xử lý vi phạm lưu giữ.

2. Cơ quan nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính chuyển đến có trách nhiệm giao quyết định xử phát và tổ chức việc thi hành cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt theo quy định tại Điều 64 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và thông báo kết quả cho cơ quan chuyển quyết định biết.

3. Việc chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng để thu tiền nộp phạt. Các hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) phải được thực hiện ngay tại nơi vi phạm. Trường hợp đối tượng không tự nguyện chấp hành hoặc không có điều kiện chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) thì các chi phí cho việc thực hiện đó được ghi rõ vào quyết định xử phạt để chuyển quyết định xử phạt.

Điều 30. áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính

1. Các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính và việc áp dụng các biện pháp đó được quy định tại Điều 43 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản được thực hiện theo quy định tại từ Điều 44 đến Điều 49 của Pháp lậnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 31. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính

Việc xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vừc thuỷ sản tuân thủ theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 32. Khiếu nại, tố cáo

Quyền khiếu nại của tổ chức, cá nhân về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính; quyền tố cáo của mọi công dân về hành vi trái pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 118 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33. Hiệu lực của Nghị định

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 70/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.

3. Các quy định trước đây về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 34. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định

1. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.