HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY ĐỊNH
Chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn,
trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND
ngày 13 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định các chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng theo điểm c, d khoản 7 Điều 14 Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi là Thành phố) bao gồm:
1. Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.
2. Quy định chính sách, trình tự, thủ tục hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.
3. Quyết định các chương trình, dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.
2. Doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 136/2024/QH15.
3. Cá nhân học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tham gia các chương trình, dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng.
4. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo tham gia quản lý nhà nước, thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trên địa bàn Thành phố.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Lĩnh vực vi mạch bán dẫn là lĩnh vực bao gồm các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.
2. Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực công nghệ số mô phỏng trí thông minh của con người nhằm mục đích đưa ra nội dung, dự báo, đề xuất, quyết định dựa trên tập hợp các mục tiêu do con người xác định. Trong đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo là sản phẩm công nghệ số ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng thông tin, dữ liệu số để tự động phân tích, suy luận, đưa ra các nội dung, dự báo, khuyến nghị, quyết định dựa trên tập hợp các mục tiêu do con người xác định.
3. Liên minh đào tạo vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo Thành phố (sau đây gọi tắt là Liên minh đào tạo) là liên minh bao gồm Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng và các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia tổ chức giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (trong và ngoài địa bàn Thành phố) có ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.
Chương II
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
NGUỒN NHÂN LỰC VI MẠCH BÁN DẪN, TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Điều 4. Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố
1. Tiêu chí
a) Có năng lực chuyên môn xuất sắc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;
b) Có năng lực tập hợp, quy tụ và phát triển đội ngũ thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;
c) Chấp hành Pháp luật của nhà nước Việt Nam.
2. Tiêu chuẩn tuyển dụng
a) Trong 05 năm tính đến thời điểm tuyển dụng, chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo phải đáp ứng tối thiểu một trong các tiêu chuẩn sau:
- Đã từng có mức thu nhập từ 01 tỷ đồng/năm đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Việt Nam hoặc có mức thu nhập từ 05 tỷ đồng/năm đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc ở nước ngoài.
- Có học vị tiến sĩ trở lên và có hoạt động khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
- Có số năm kinh nghiệm và số văn bằng bảo hộ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thoả mãn công thức sau:
Số năm kinh nghiệm + (5 ´ Số văn bằng bảo hộ) ³ 20
Trong đó: Văn bằng bảo hộ được cấp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Có tối thiểu 03 năm đảm nhiệm một trong các vai trò quan trọng như giám đốc, quản lý, kỹ sư cao cấp tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, có doanh thu toàn cầu từ 2.500 tỷ đồng trở lên; hoặc tại cơ sở giáo dục có ngành thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nằm trong 400 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của The Times Higher Education (THE) hoặc Quacquarelli Symonds (QS) hoặc Webometrics.
b) Các chuyên gia, nhà khoa học phải được các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tuyển dụng với thời gian tối thiểu 01 năm.
3. Chính sách hỗ trợ đối với các chuyên gia, nhà khoa học được tuyển dụng làm việc trong doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, tổ chức trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố được quy định như sau:
a) Được hưởng một lần thu nhập ban đầu 100 triệu đồng/người.
b) Được hỗ trợ chi phí lưu trú tại Thành phố với mức không quá 20 triệu đồng/tháng trong thời gian công tác tại Thành phố (có hoá đơn chứng từ hợp pháp). Thời gian hỗ trợ không quá 01 năm.
c) Được hỗ trợ thu nhập từ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố như sau:
- Được hỗ trợ số tiền thu nhập bằng mức chi phí công bố bài báo khoa học do chuyên gia, nhà khoa học chủ trì trên các tạp chí khoa học uy tín được lựa chọn theo chính sách của Thành phố về khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ;
- Được hỗ trợ 25 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố tại Việt Nam; được hỗ trợ 50 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố quốc tế.
4. Chính sách hỗ trợ đối với các chuyên gia, nhà khoa học được tuyển dụng làm việc theo từng chương trình, dự án tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố được quy định như sau:
a) Được hưởng mức thu nhập tối đa 50 triệu đồng/tháng trong thời gian làm việc theo chương trình, dự án và không quá 01 năm.
b) Được hỗ trợ chi phí lưu trú tại Thành phố với mức không quá 20 triệu đồng/tháng trong thời gian làm việc theo chương trình, dự án tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố (có hoá đơn chứng từ hợp pháp). Thời gian hỗ trợ không quá 01 năm.
c) Được hỗ trợ thu nhập từ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố như sau:
- Được hỗ trợ số tiền thu nhập bằng mức chi phí công bố bài báo khoa học do chuyên gia, nhà khoa học chủ trì trên các tạp chí khoa học uy tín được lựa chọn theo chính sách của Thành phố về khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ;
- Được hỗ trợ 25 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố tại Việt Nam; được hỗ trợ 50 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố quốc tế.
5. Uỷ ban nhân dân Thành phố định kỳ đề xuất danh sách các chuyên gia, nhà khoa học được thụ hưởng các chính sách quy định tại Điều này, trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét và quyết định.
Điều 5. Chính sách hỗ trợ đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố
1. Tiêu chí, điều kiện để các doanh nghiệp đối tác chiến lược được hỗ trợ chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao
a) Doanh nghiệp được hỗ trợ phải là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 136/2024/QH15.
b) Có nhân lực có trình độ chuyên môn cao đáp ứng một trong các tiêu chí như sau:
- Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp;
- Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
- Kỹ sư có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và có tối thiểu 02 năm làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có doanh thu toàn cầu từ 2.500 tỷ đồng trở lên.
- Kỹ sư có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và có tối thiểu 02 năm làm việc tại các cơ sở giáo dục có ngành thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nằm trong 400 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của The Times Higher Education (THE) hoặc Quacquarelli Symonds (QS) hoặc Webometrics.
2. Chính sách hỗ trợ
Hỗ trợ 30% chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố trong 05 năm đầu tiên, với tổng mức hỗ trợ tối đa 01 tỷ đồng/năm/doanh nghiệp.
3. Thủ tục, trình tự hưởng chính sách tại Điều này được quy định tại Điều 9 Nghị quyết này.
Điều 6. Các chương trình, dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo
1. Các chương trình, dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:
a) Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo được tổ chức thực hiện tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố hoặc Liên minh đào tạo vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo Thành phố Đà Nẵng thuộc mã nhóm ngành đào tạo (được quy định tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học) là 75103 (Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông), 75202 (Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông), 74801 (Máy tính), 74802 (Công nghệ thông tin).
b) Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của các cơ sở đào tạo nước ngoài nằm trong 400 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của The Times Higher Education (THE) hoặc Quacquarelli Symonds (QS) hoặc Webometrics.
c) Các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo do doanh nghiệp là đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo hoặc các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo thuộc Liên minh đào tạo vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo Thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện.
2. Chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tham gia chương trình, dự án quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 6 Nghị quyết này
a) Đối tượng áp dụng: Cá nhân học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố.
b) Chính sách hỗ trợ
- Được cho vay số tiền bằng học phí nộp cho các cơ sở đào tạo với lãi suất ưu đãi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo từng thời kỳ đối với chương trình tín dụng học sinh, sinh viên từ Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố. Tổng mức cho vay cho toàn bộ chương trình đào tạo không vượt quá 180 triệu đồng.
- Được miễn 100% số tiền nợ gốc và lãi tiền vay cần phải trả nếu sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng và làm việc ít nhất 03 năm tại các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.
3. Chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tham gia chương trình, dự án quy định tại điểm b, c khoản 1, Điều 6 Nghị quyết này.
a) Đối tượng áp dụng: Các cá nhân đang giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.
b) Điều kiện
- Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải thực hiện thời gian làm việc, giảng dạy, nghiên cứu với thành phố theo cam kết tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố (được quy định cụ thể trong hợp đồng đào tạo).
- Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định thời gian cam kết làm việc, giảng dạy, nghiên cứu sau đào tạo phù hợp với từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
- Trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn 100% kinh phí đã được hỗ trợ.
c) Chính sách hỗ trợ:
- Được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, bồi dưỡng. Được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần các chi phí khác liên quan đến khóa đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc (nếu có) phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước tùy theo từng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
- Đối với hình thức bồi dưỡng sau tiến sĩ: cá nhân trúng tuyển bồi dưỡng sau tiến sĩ (có đề cương nghiên cứu và được tiếp nhận thực hiện nghiên cứu tại một cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ uy tín nước ngoài) được xem xét, hỗ trợ một khoản kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu theo đề cương nghiên cứu được duyệt bởi cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nước ngoài với mức kinh phí hỗ trợ tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng.
4. Ủy ban nhân dân Thành phố định kỳ rà soát, đề xuất danh sách đối tượng, kinh phí hỗ trợ được hưởng chính sách theo khoản 2 và 3 của Điều này, trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét và quyết định.
Chương III
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC VÀ TRÌNH TỰ XÉT HỖ TRỢ
Điều 7. Kinh phí thực hiện chính sách
1. Nguồn kinh phí
a) Nguồn kinh phí chi cho chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng được Ngân sách Thành phố bố trí hàng năm.
b) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc sử dụng kinh phí
a) Các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo phải đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.
b) Việc hỗ trợ bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng và không trùng lắp.
Điều 8. Thẩm quyền quyết định hỗ trợ
1. Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định phê duyệt hồ sơ có kinh phí hỗ trợ từ 05 tỷ đồng trở lên.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định phê duyệt hồ sơ có kinh phí hỗ trợ từ 01 tỷ đồng đến dưới 05 tỷ đồng.
3. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông quyết định phê duyệt hồ sơ có tổng kinh phí hỗ trợ dưới 01 tỷ đồng.
Điều 9. Trình tự, thủ tục thực hiện, thành phần hồ sơ hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.
1. Trình tự thực hiện
a) Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ về Sở Thông tin và Truyền thông.
b) Bước 2: Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng thẩm định để tiến hành thẩm định hồ sơ.
c) Bước 3: Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định gửi Sở Thông tin và Truyền thông.
d) Bước 4:
- Trường hợp thuộc thẩm quyền của Sở Thông tin và Truyền thông: Sở Thông tin và Truyền thông quyết định hỗ trợ
- Trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố: Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.
đ) Bước 5: Sở Thông tin và Truyền thông trả kết quả cho doanh nghiệp.
2. Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ
a) Thành phần hồ sơ
- Đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu của Phụ lục;
- Văn bản công nhận/chứng nhận là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của cấp có thẩm quyền;
- Bản sao hợp đồng ký kết giữa nhân lực với đối tác chiến lược;
- Hồ sơ chứng minh nhân lực đạt điều kiện tại điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị quyết này;
- Sao kê tài khoản ngân hàng.
b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ (bản chính).
3. Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc
a) Hội đồng thẩm định: 05 ngày làm việc.
b) Sở Thông tin và Truyền thông: 05 ngày làm việc (bao gồm thời gian thành lập hội đồng và thời gian xem xét kết quả thẩm định của hội đồng).
c) UBND thành phố: 05 ngày làm việc.
4. Cơ quan giải quyết
a) Cơ quan trực tiếp thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông;
b) Cơ quan quyết định:
- Trường hợp dưới 01 tỷ đồng: Sở Thông tin và Truyền thông;
- Trường hợp trên 01 tỷ đồng: Ủy ban nhân dân Thành phố.
Điều 10. Hội đồng thẩm định
Hội đồng thẩm định do Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành lập, bao gồm các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ có liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số hoặc theo nguyên tắc quá bán. Trường hợp ý kiến của thành viên ngang nhau (50/50) thì quyết định theo bên có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm:
a) Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này;
b) Cân đối bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật;
c) Định kỳ hoặc kịp thời rà soát, bổ sung danh mục các chương trình, dự án bồi dưỡng, đào tạo, nghiên cứu phát triển hằng năm theo yêu cầu thực tiễn và cân đối ngân sách của Thành phố;
d) Định kỳ hoặc kịp thời rà soát, bổ sung danh sách các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đáp ứng các điều kiện hưởng chính sách tại Điều 4, Điều 6 Nghị quyết này để kịp thời trình Hội đồng nhân dân Thành phố hỗ trợ.
đ) Báo cáo Chính phủ, Hội đồng nhân dân Thành phố về tình hình và kết quả thực hiện các nội dung trước ngày 30/12 hằng năm;
e) Thực hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm theo khoản 7 Điều 14 Nghị quyết số 136/2024/QH15.
2. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố định kỳ hoặc kịp thời rà soát, bổ sung các chương trình, dự án bồi dưỡng, đào tạo, nghiên cứu phát triển hằng năm theo yêu cầu thực tiễn và cân đối ngân sách của Thành phố;
b) Tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố định kỳ hoặc kịp thời rà soát, bổ sung danh sách các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đáp ứng các điều kiện hưởng chính sách tại Điều 4 và 6 Nghị quyết này để kịp thời trình Hội đồng nhân dân Thành phố hỗ trợ;
c) Chủ trì tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, trả kết quả xử lý hồ sơ;
d) Báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về quá trình hỗ trợ trước ngày 30/11 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu; đề xuất cơ chế quản lý phù hợp và các yêu cầu quản lý đối với các đối tượng được hưởng chính sách;
3. Tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách có trách nhiệm tuân thủ các nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo các quy định hiện hành;
4. Trong trường hợp có sự thay đổi, điều chỉnh về trình tự, thủ tục thực hiện các nội dung chính sách, Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.