QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 49/HĐBT NGÀY 22-5-1989
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ MẪU HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT
CÔNG NGHIỆP, DỊCH VỤ CÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG, VẬN TẢI
(gọi tắt là hợp tác xã công nghiệp)
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Nghị định số 28/HĐBT ngày 9-3-1988 và Nghị định số 146-HĐBT ngày 24-9-1988 bổ sung, sửa đổi Nghị định số 28-HĐBT;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.- Ban hành kèm theo Quyết định này bản Điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải (gọi tắt là hợp tác xã công nghiệp).
Các hợp tác xã công nghiệp căn cứ vào Điều lệ mẫu này để xây dựng điều lệ của hợp tác xã mình. Điều lệ của hợp tác xã có hiệu lực thi hành sau khi đại hội xã viên thông qua và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh công nhận.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ tướng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
ĐIỀU LỆ
MẪU HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, DỊCH VỤ CÔNG NGHIỆP,
XÂY DỰNG, VẬN TẢI (GỌI TẮT LÀ HỢP TÁC XÃ CÔNG NGHIỆP)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49-HĐBT ngày 22-5-1989
của Hội đồng Bộ trưởng)
CHƯƠNG 1
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG, TÊN GỌI, NHIỆM VỤ,
TRỤ SỞ VÀ THỜI HẠN HOẠT ĐỘNG
Điều 1.- Hợp tác xã công nghiệp là đơn vị kinh tế tập thể hoạt động theo nguyên tắc tự quản của tập thể xã viên, quyết định mọi vấn đề sản xuất kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về thu nhập và lỗ lãi, có tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý bình đẳng trước pháp luật.
Hợp tác xã công nghiệp tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, do các thành viên là những lao động tự góp vốn, góp sức lao động cùng nhau tiến hành sản xuất kinh doanh, thực hiện những dịch vụ phù hợp với khả năng nhu cầu xã hội.
Điều 2.- Tên gọi của hợp tác xã là:
................................ ........................................
Tên gọi của hợp tác xã trong quan hệ đối ngoại (nếu có) là: ........
Điều 3.- Trụ sở của hợp tác xã tại số......................... phố................... phường (xã)............... quận (huyện) ....... thành phố (tỉnh)................
Việc thay đổi địa điểm đăt trụ sở của hợp tác xã đến một địa điểm khác do Ban quản trị quyết định.
Điều 4.- Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ chính của hợp tác xã là:
1.....................................................................
2.....................................................................
3.....................................................................
(Tuỳ từng hợp tác xã mà ghi 1 hoặc cả 2, 3 nhiệm vụ).
Điều 5.- Thời hạn hoạt động của hợp tác xã kể từ ngày chính thức thành lập theo giấy phép đăng ký kinh doanh số....... ngày..../..... của.......... (cơ quan cấp đăng ký).
CHƯƠNG II
VỐN PHÁP ĐỊNH, GÓP VỐN, TĂNG VÀ GIẢM VỐN
Điều 6.- Tổng số vốn xác định của hợp tác xã xin đăng ký là:............ đồng.
Trong đó:
1. Vốn của những người xin thành lập là..................... đồng
2. Vốn của xã viên là ...................................... đồng.
Toàn bộ phần góp vốn của mỗi người vào vốn pháp định của hợp tác xã phải góp đủ trong một lần. Trường hợp ngoại lệ do đại hội và xã viên quyết định.
Điều 7.- Vốn pháp định của hợp tác xã đã đăng ký, có thể được tăng lên hoặt giảm do:
1. Gọi thêm phần góp vốn mới;
2. Bổ sung các khoản dự trữ của hợp tác xã vào vốn pháp định;
3. Giá trị đồng tiền thay đổi, giá cả thiết bị vật tư thay đổi;
4. Trả vốn xã viên xin rút ra khỏi hợp tác xã.
Khi có thay đổi về vốn pháp định, Ban quản trị phải báo cáo cho chính quyền địa phương đã cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã biết.
CHƯƠNG III
XÃ VIÊN
Điều 8.- Mọi người lao động (không phải là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước tại chức) tán thành Điều lệ của hợp tác xã, tự nguyện góp cổ phần và tham gia lao động theo sự phân công của hợp tác xã, đều có quyền xin gia nhập hợp tác xã, sau khi được đại hội xã viên quyết định thì chính thức trở thành xã viên.
Điều 9.- Nghĩa vụ của xã viên:
- Thực hiện Điều lệ của hợp tác xã, Nghị quyết của đại hội xã viên, quyết định của Ban quản trị hợp tác xã;
- Tích cực tham gia lao động và các công việc quản lý sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội của hợp tác xã; tiết kiệm, bảo vệ tài sản của hợp tác xã, đấu tranh với mọi hoạt động tham ô, lãng phí và các hành động tiêu cực khác trong hợp tác xã;
- Góp một phần thu nhập của mình vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quyết định của đại hội xã viên;
- Tuyên truyền phát triển xã viên.
Điều 10.- Quyền lợi của xã viên:
- Được bố trí làm việc theo khả năng, được trả công theo lao động đã làm cho hợp tác xã và được hưởng lãi chia cho cổ phần đã đóng góp;
- Được tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng trong sản xuất kinh doanh và phân phối nội bộ hợp tác xã khi đưa ra đại hội xã viên;
- Được ứng cử, bầu cử vào Ban quản trị, Ban kiểm tra của hợp tác xã;
- Được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội theo Điều lệ của hợp tác xã;
- Được xin ra hợp tác xã và được hợp tác xã trả lại vốn cổ phần;
- Xã viên đi làm nghĩa vụ quân sự vẫn được chia lãi cho cổ phần đã đóng góp, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, vẫn được công nhận là xã viên của hợp tác xã.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC, BỘ MÁY QUẢN LÝ
Điều 11.- Cơ quan quyền lực cao nhất của hợp tác xã là đại hội xã viên hoặc đại hội đại biểu xã viên, mỗi năm họp ít nhất một lần, không kể trường hợp bất thường do hơn một nửa số xã viên yêu cầu hoặc do Ban quản trị thấy cần thiết triệu tập. Đại hội xã viên có nhiệm vụ bàn bạc và quyết định:
- Việc tổ chức sản xuất kinh doanh của hợp tác xã; việc tham gia hay không tham gia các hình thức liên hiệp sản xuất, liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế khác;
- Kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn và hàng năm;
- Thông qua Điều lệ của hợp tác xã hoặc bổ sung, sửa đổi Điều lệ đã có;
- Việc phân phối trong nội bộ hợp tác xã và mức cổ phần của xã viên; việc xây dựng và sử dụng quỹ tích luỹ, quỹ dự trữ, quỹ phúc lợi của hợp tác xã;
- Việc sáp nhập, tách hoặc giải thể hợp tác xã; việc kết nạp xã viên mới và chủ trương thuê mướn thêm lao động trong những khâu kỹ thuật phức tạp hoặc đòi hỏi tay nghề tinh xảo và trong thời vụ sản xuất khẩn trương;
- Số lượng và thành phần Ban quản trị. Ban kiểm tra, bầu hoặc bãi miễn Chủ nhiệm, các thành viên trong Ban quản trị và Ban kiểm tra.
Điều 12.- Ban quản trị là cơ quan quản lý giữa hai kỳ đại hội xã viên, có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Cụ thể hoá các quyết định của đại hội xã viên thành các kế hoạch từng quý; kiểm tra, đôn đốc chủ nhiệm hợp tác xã trong việc thực hiện nghị quyết đại hội xã viên; xem xét các báo cáo, dự thảo phương án, kế hoạch trước khi đưa ra đại hội xã viên;
- Quyết định chủ trương cụ thể về việc thuê mướn thêm lao động trong những khâu kỹ thuật phức tạp hoặc đòi hỏi tay nghề tinh xảo và trong thời vụ sản xuất khẩn trương;
- Tuyên truyền phát triển xã viên mới;
- Triệu tập đại hội xã viên theo định kỳ và bất thường.
Điều 13.- Ban kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Kiểm tra việc thực hiện điều lệ của hợp tác xã và các quyết định của đại hội xã viên;
- Kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các phương án phân phối trong nội bộ đã được đại hội xã viên thông qua;
- Xem xét các kiến nghị và khiếu nại của xã viên.
Điều 14.- Chủ nhiệm hợp tác xã có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã theo kế hoạch đã được đại hội xã viên thông qua và theo kế hoạch từng quý của Ban quản trị;
- Thay mặt hợp tác xã giao dịch với khách hàng và ký kết các hợp đồng kinh tế;
- Làm chủ tài khoản của hợp tác xã;
- Xây dựng dự án phát triển sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác của hợp tác xã để Ban quản trị thảo luận trước khi đưa ra đại hội xã viên;
- Chủ nhiệm hợp tác xã bị miễn nhiệm trong trường hợp không tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã được đại hội xã viên thông qua, hoặc do vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tài chính, kế toán, các pháp luật hiện hành.
Điều 15.- Phó chủ nhiệm và Kế toán trưởng là người giúp việc Chủ nhiệm, do Chủ nhiệm đề nghị, Ban quản trị quyết định.
Phó chủ nhiệm và kế toán trưởng bị miễn nhiệm theo quyết định của Ban quản trị trên cơ sở đề nghị của Chủ nhiệm hoặc trên một nửa số thành viên Ban quản trị.
CHƯƠNG V
QUYẾT TOÁN VÀ PHÂN CHIA LỢI NHUẬN
Điều 16.- Hợp tác xã thực hiện chế độ thống kê, kế toán theo Pháp luận thống kê, kế toán của Nhà nước, sử dụng sổ sách kế toán thống nhất có đăng ký với cơ quan tài chính và hoá đơn do cơ quan tài chính phát hành.
Theo định kỳ, hợp tác xã thực hiện quyết toán hoạt động sản xuất kinh doanh để báo cáo với xã viên. Báo cáo quyết toán này phải gửi đến chính quyền địa phương đã cấp đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã.
Điều 17.- Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, trả lãi tín dụng, nộp phạt vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có), Ban quản trị dự kiến phương án phân phối thu nhập của hợp tác xã đưa ra đại hội xã viên bàn bạc, quyết định. Trong đó có:
- Quỹ tích luỹ để mở rộng sản xuất kinh doanh;
- Quỹ dự trữ để đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra, bảo đảm cho sản xuất kinh doanh tiến hành bình thường;
- Quỹ phúc lợi tập thể;
- Tỷ lệ trích lập các quỹ và chia lãi cho cổ phần và vốn đã góp do đại hội xã viên bàn bạc, quyết định, Chủ nhiệm hợp tác xã thực hiện. Quỹ phúc lợi tập thể do đại hội xã viên quyết định sử dụng.
Điều 18. - Hợp tác xã mở tài khoản chính và giao dịch tại Ngân hàng... và mở tài khoản tiền gửi và tiền vay phụ (nếu có) tại Ngân hàng.
CHƯƠNG VI
SÁP NHẬP, TÁCH VÀ GIẢI THỂ HỢP TÁC XÃ
Điều 19. - Hợp tác xã có quyền tự lựa chọn việc sáp nhập với một hợp tác xã khác hoặc tách hợp tác xã thành nhiều hợp tác xã, và xin điều chỉnh đăng ký sản xuất kinh doanh với chính quyền địa phương đã cấp đăng ký trước đây. Vốn, tài sản khi sáp nhập hoặc tách ra do đại hội xã viên quyết định.
Khi làm ăn thua lỗ phải giải thể hoặc do 2/3 số xã viên muốn giải thể thì hợp tác xã họp đại hội xã viên để bàn bạc quyết định. Nếu giải thể hợp tác xã phải thanh toán vốn, tài sản của hợp tác xã và của xã viên, thanh toán các hợp đồng kinh tế đã ký kết, và báo cáo với chính quyền địa phương đã cấp đăng ký trước đây để giải quyết thủ tục giải thể theo đúng pháp luật.