• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/06/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
CHÍNH PHỦ
Số: 37/2012/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 24 tháng 4 năm 2012

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao

________________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao; hình thức xử phạt, mức xử phạt; thẩm quyền xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thể dục, thể thao do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này phải bị xử phạt hành chính.

3. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Vi phạm quy định pháp luật về các hành vi bị cấm trong hoạt động thể dục, thể thao;

b) Vi phạm quy định pháp luật về hoạt động thể thao thành tích cao;

c) Vi phạm quy định pháp luật về hoạt động, kinh doanh, dịch vụ thể dục, thể thao.

4. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong hoạt động thể dục, thể thao không quy định tại Nghị định này thì được áp dụng theo quy định của các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử lý theo quy định của Nghị định này.

Điều 3. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức phạt bổ sung:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng có thời hạn Giấy chứng nhận Huấn luyện viên, Giấy chứng nhận Trọng tài;

b) Tịch thu trang thiết bị, dụng cụ sử dụng, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người luyện tập, thi đấu thể thao hoặc mang tính chất đồi trụy, khiêu dâm, kích động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc hủy bỏ kết quả tuyển chọn đối với hành vi gian lận về thành tích để tuyển chọn người vào đội tuyển thể thao, các trung tâm và trường năng khiếu thể dục thể thao;

b) Buộc hủy bỏ kết quả phong cấp đối với hành vi phong đẳng cấp vận động viên, phong cấp huấn luyện viên, trọng tài không đúng quy định pháp luật;

c) Buộc hủy bỏ hoặc tháo dỡ và chịu mọi chi phí cho việc hủy bỏ, tháo dỡ đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trong hoạt động thể dục, thể thao.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC, THỂ THAO, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Mục 1

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CÁC HÀNH VI BỊ CẤM TRONG HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC, THỂ THAO

Điều 4. Hành vi sử dụng chất kích thích bị cấm trong luyện tập và thi đấu thể thao

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dùng chất kích thích bị cấm trong luyện tập, thi đấu thể thao.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi để vận động viên sử dụng chất kích thích bị cấm trong luyện tập, thi đấu thể thao.

Điều 5. Hành vi sử dụng phương pháp bị cấm trong luyện tập và thi đấu thể thao

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp luyện tập và thi đấu thể thao mang tính chất đồi trụy, khiêu dâm, kích động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp luyện tập và thi đấu thể thao gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người luyện tập, thi đấu, trừ những bài tập, môn thể thao, phương pháp luyện tập và thi đấu được pháp luật cho phép.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu các trang thiết bị, dụng cụ sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 6. Hành vi gian lận trong hoạt động thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gian lận tên, tuổi trong hoạt động thể dục, thể thao;

b) Gian lận giới tính trong hoạt động thể dục, thể thao;

c) Gian lận khác về hồ sơ để tuyển chọn, thi đấu thể thao không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b khoản này.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận các điều kiện về hồ sơ để được tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gian lận về thành tích để tuyển chọn người vào đội tuyển thể thao, các trung tâm và trường năng khiếu thể dục thể thao.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ kết quả tuyển chọn đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.

Điều 7. Hành vi bạo lực trong hoạt động thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đe dọa xâm phạm sức khỏe, uy tín, bí mật đời tư; đe dọa xâm phạm hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm vận động viên, trọng tài, thành viên Ban tổ chức, người đang thi hành công vụ, huấn luyện viên, trưởng đoàn.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi hành hung vận động viên, trọng tài, thành viên Ban tổ chức, người đang thi hành công vụ, huấn luyện viên, trưởng đoàn.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chơi thô bạo hoặc gây chấn thương, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vận động viên khác trong luyện tập, thi đấu thể thao trái với luật thi đấu của từng môn thể thao;

b) Có hành vi quá khích hoặc lôi kéo nhóm người quá khích gây ảnh hưởng tới hoạt động và thi đấu thể thao.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi cố ý gây thương tích cho trọng tài trong thi đấu thể thao.

Điều 8. Hành vi cản trở hoạt động thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cố ý cản trở hoạt động thể dục, thể thao hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao.

Mục 2

HÀNH VI VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO

Điều 9. Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao trong thời gian tập luyện, thi đấu thể thao

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện chương trình, bài tập của huấn luyện viên;

b) Không thực hiện đúng quy định của luật thi đấu thể thao, điều lệ giải thể thao.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không sơ cứu, cấp cứu kịp thời cho vận động viên;

b) Không có hoặc không có đầy đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn cho vận động viên khi luyện tập, thi đấu thể thao.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chi trả hoặc chi trả không đúng chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền công, tiền thưởng và chế độ khác của vận động viên.

Điều 10. Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao trong thời gian huấn luyện, thi đấu thể thao

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng hoặc không thực hiện kế hoạch, chương trình, giáo án huấn luyện.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành quy định của luật thi đấu thể thao, điều lệ giải thể thao;

b) Không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho vận động viên.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không chi trả hoặc chi trả không đúng tiền thưởng và các chế độ khác theo quy định pháp luật đối với huấn luyện viên đã huấn luyện được vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thể thao quốc gia và quốc tế.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận Huấn luyện viên 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 11. Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định của luật thi đấu thể thao, điều lệ giải thể thao.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không chi trả tiền hoặc chi không đúng tiền thù lao theo quy định của pháp luật đối với trọng tài thể thao thành tích cao.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu thể thao.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận Trọng tài 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và 3 Điều này.

Điều 12. Hành vi vi phạm trong việc tuyển chọn vận động viên tham gia đội tuyển thể thao

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không tuyển chọn vận động viên đội tuyển thể thao có đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao không đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ kết quả, quyết định tuyển chọn đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về phong cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao thành tích cao

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phong đẳng cấp vận động viên không đúng quy định pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi phong cấp huấn luyện viên, trọng tải không đúng quy định pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp, phong cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này.

Mục 3

HÀNH VI VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG, KINH DOANH DỊCH VỤ THỂ DỤC, THỂ THAO

Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể dục, thể thao

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động, kinh doanh, dịch vụ thể dục, thể thao không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể dục, thể thao.

Điều 15. Hành vi vi phạm các điều kiện về cơ sở vật chất và vùng hoạt động của hoạt động, kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có bảng nội quy, bảng hướng dẫn, cờ hiệu, phao neo, phao tiêu;

b) Không có khu vực thay đồ, gửi quần áo, nhà vệ sinh, nơi để xe;

c) Không đảm bảo về kiểu dáng, thiết kế, màu sắc, độ phẳng, độ trơn trượt phù hợp đối với từng môn thể thao theo quy định pháp luật;

d) Không đảm bảo các điều kiện về âm thanh, ánh sáng theo tiêu chuẩn của từng môn thể thao theo quy định pháp luật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Địa điểm tổ chức không đảm bảo diện tích theo quy định pháp luật;

b) Không đảm bảo về mặt bằng, mặt sàn, kích thước, độ sâu, độ dốc, độ gấp khúc, chiều cao, mái che phù hợp đối với từng môn thể thao theo quy định pháp luật;

c) Không đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng nước bể bơi theo quy định pháp luật;

d) Không đảm bảo về tiêu chuẩn mật độ người tham gia luyện tập theo quy định pháp luật;

đ) Không bảo đảm các yêu cầu về khoảng cách giữa các dụng cụ, trang thiết bị theo quy định pháp luật.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đảm bảo vùng hoạt động đối với các môn thể thao có điều kiện về vùng hoạt động theo quy định pháp luật;

b) Bến bãi neo đậu phương tiện hoạt động thể dục, thể thao không phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Không có hệ thống tiếp nhận dầu thải từ các phương tiện khi tham gia hoạt động thể thao trên biển;

d) Vị trí ra vào của mỗi bến bãi neo đậu phương tiện không đúng quy định pháp luật;

đ) Không bảo đảm các điều kiện khác về cơ sở vật chất trong hoạt động dịch vụ thể dục, thể thao theo quy định pháp luật.

Điều 16. Hành vi vi phạm quy định về trang thiết bị, phương tiện đối với từng môn thể thao

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Sử dụng dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện không đảm bảo các yêu cầu về kích thước, kiểu dáng, mẫu mã, công suất, công năng sử dụng theo quy định pháp luật.

2. Sử dụng dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy chứng nhận về tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo quy định pháp luật đối với từng môn thể thao.

Điều 17. Hành vi vi phạm về huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Không có hoặc không đủ huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn theo quy định pháp luật.

2. Sử dụng đội ngũ nhân viên chuyên môn không đảm bảo các điều kiện về sức khỏe theo quy định pháp luật.

3. Sử dụng đội ngũ huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định pháp luật.

Điều 18. Hành vi vi phạm các quy định về công tác y tế trong hoạt động, kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có tủ thuốc, các loại thuốc theo danh mục, quy trình sơ cấp cứu theo quy định pháp luật;

b) Không có hoặc không có đủ các trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu theo quy định pháp luật;

c) Không có phòng trực y tế.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhân viên y tế không đảm bảo các điều kiện về chứng chỉ y học thể thao do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có nhân viên y tế theo quy định pháp luật;

b) Không có nhân viên y tế thường trực khi có người tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

Điều 9. Hành vi vi phạm các quy định về công tác cứu hộ và đảm bảo an toàn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hoặc không có đầy đủ biển báo hiệu, đèn báo hiệu hoặc bảng thông báo khu vực nguy hiểm, bảng cấm, bảng khuyến cáo theo quy định pháp luật;

b) Không có hoặc không có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao theo quy định pháp luật đối với các môn thể thao dưới nước;

c) Không đảm bảo điều kiện về thông tin liên lạc trong an toàn cứu nạn theo quy định pháp luật;

d) Không có trạm quan sát phục vụ công tác cứu nạn theo quy định pháp luật;

đ) Không đảm bảo các điều kiện khác về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác cứu hộ theo quy định pháp luật;

e) Nhân viên cứu hộ không có chứng chỉ hành nghề theo quy định pháp luật;

g) Nhân viên cứu hộ không đủ các điều kiện về sức khỏe theo quy định pháp luật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hoặc không có đủ nhân viên cứu hộ;

b) Không có nhân viên cứu hộ thường trực khi có người tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

Điều 20. Hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trong hoạt động thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đặt biển quảng cáo che khuất quốc kỳ, quốc huy, ảnh lãnh sự hoặc bảng hướng dẫn chuyên môn;

b) Đặt biển quảng cáo làm ảnh hưởng đến hoạt động thể dục, thể thao;

c) Đặt biển quảng cáo che khuất tầm nhìn của khán giả.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng hình ảnh vận động viên trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự để quảng cáo;

b) Quảng cáo các môn thể thao bị cấm;

c) Quảng cáo các phương pháp huấn luyện bị cấm;

d) Quảng cáo trái điều lệ, luật thi đấu của từng môn thể thao.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ hoặc tháo dỡ và chịu mọi chi phí cho việc hủy bỏ, tháo dỡ đối với hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này.

Điều 21. Hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi từ chối nhận quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc kê khai hoặc kê khai, khai báo không trung thực, không đúng thời hạn theo yêu cầu của người thi hành công vụ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của người thi hành công vụ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Cản trở công tác của đoàn kiểm tra, thanh tra;

d) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trì hoãn, trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính, quyết định thanh tra, kiểm tra của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

b) Tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hoặc tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính;

c) Tẩu tán, làm thay đổi, đánh tráo tang vật đang bị kiểm tra, thanh tra hoặc tạm giữ.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và c Khoản 3 Điều này.

Chương III

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 22. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Thanh tra viên Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thi hành công vụ có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Thực hiện các quyền quy định tại Điểm 1 Khoản 19 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

2. Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định này;

e) Thực hiện các quyền quy định tại Điểm 1 Khoản 19 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

3. Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa của lĩnh vực thể dục, thể thao quy định tại Nghị định này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định này;

e) Thực hiện các quyền quy định tại Điểm 1 Khoản 19 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

4. Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn quốc.

5. Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cùng cấp; thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân của trung ương và địa phương khác hoạt động thể dục, thể thao tại địa phương của mình.

Điều 23. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra ngành khác

Trong phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước được Chính phủ quy định, Thanh tra viên và Chánh Thanh tra các cơ quan thanh tra chuyên ngành khác có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao được quy định tại Nghị định này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Điều 24. Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Khoản 4 và 5 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008, Điều 30 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi tại Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xX lý vi phạm hành chính năm 2008 trong phạm vi địa bàn do mình quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao được quy định tại Nghị định này.

Điều 25. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường

Cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các Khoản 6, 7, 8, 9 và 11 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và Điều 37 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình quản lý được quy định tại Nghị định này.

Điều 26. Ban hành mẫu biểu bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính

Ban hành kèm theo Nghị định này các mẫu biên bản và quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2012. Nghị định này thay thế Nghị định số 141/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Điều 28. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.