• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2020
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 50/2012/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 18 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung Điều 40; bổ sung điều 40a của Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường Tiểu học

_______

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục.

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung Điều 40; bổ sung điều 40a của Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường Tiểu học.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 40; bổ sung thêm Điều 40a của Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường Tiểu học như sau:

1.Điều 40 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 40. Tuổi của học sinh tiểu học

1. Tuổi của học sinh tiểu học từ sáu đến mười bốn tuổi (tính theo năm).

2. Tuổi vào học lớp một là sáu tuổi; trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp một ở độ tuổi từ bảy đến chín tuổi; trẻ em khuyết tật có thể vào học lớp một ở độ tuổi từ bảy đến mười bốn tuổi.

  3. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục thực hiện xem xét đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

a) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh có đơn đề nghị với nhà trường;

b) Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: các đại diện của Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, Tổng phụ trách Đội;

c) Căn cứ kết quả khảo sát của Hội đồng tư vấn, Hiệu trưởng xem xét quyết định.

4. Học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được học ở trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Thủ tục thực hiện như sau:

a) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh gửi đơn đề nghị với nhà trường;

b) Hiệu trưởng trường tiểu học tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp.

5. Học sinh lang thang cơ nhỡ học ở lớp ngoài nhà trường dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn nếu có nguyện vọng chuyển đến học tại lớp trong trường tiểu học thì được Hiệu trưởng trường tiểu học khảo sát trình độ để xếp vào lớp phù hợp.”

2. Bổ sung Điều 40a sau điều 40 như sau:

Điều 40a. Học sinh chuyển trường

1. Học sinh trong độ tuổi tiểu học có nhu cầu học chuyển trường, được chuyển đến trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ngoài nơi cư trú nếu trường tiếp nhận đồng ý, hồ sơ gồm:

a) Đơn xin học chuyển trường của cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh;

b) Học bạ;

c) Bản sao giấy khai sinh;

d) Bảng kết quả học tập (đối với trường hợp học chuyển trường trong năm học).

2. Thủ tục chuyển trường:

a) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh gửi đơn xin học chuyển trường cho nhà trường nơi chuyển đến;

b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, hiệu trưởng trường nơi chuyển đến có ý kiến đồng ý tiếp nhận vào đơn, trường hợp không đồng ý phải ghi rõ lý do vào đơn và trả lại đơn cho cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh;

c) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh gửi đơn cho nhà trường nơi chuyển đi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, hiệu trưởng trường nơi chuyển đi có trách nhiệm trả hồ sơ cho học sinh gồm:

- Giấy đồng ý cho học sinh học chuyển trường;

- Học bạ;

- Bản sao giấy khai sinh;

- Bảng kết quả học tập (đối với trường hợp học chuyển trường trong năm học).

d) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh nộp toàn bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này cho nhà trường nơi chuyển đến;

đ) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, hiệu trưởng trường nơi đến tiếp nhận và xếp học sinh vào lớp.”

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2013.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Vinh Hiển

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.