• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2023
QUỐC HỘI
Số: 85/2014/QH13
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 28 tháng 11 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ

chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

___________________

 

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị quyết này quy định việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

c) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

3. Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân.

4. Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

5. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

6. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 09 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.

2. Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

Điều 3. Mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.

Điều 4. Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

2. Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

3. Bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

Điều 5. Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm

Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gồm:

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

2. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm đúng đối tượng, nguyên tắc, thời hạn và quy trình theo quy định của Nghị quyết này.

2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham gia lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân; cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện mức độ tín nhiệm.

3. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.

4. Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân trước kỳ họp.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 7. Thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Điều 8. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

1. Người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết này có báo cáo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

3. Trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.

4. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội có yêu cầu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.

5. Tại kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

7. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.

9. Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 9. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân

1. Người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này có báo cáo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp (nếu có) đến đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.

3. Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.

4. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể gửi văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân có yêu cầu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.

5. Tại kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Hội đồng nhân dân thảo luận tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo trước Hội đồng nhân dân kết quả thảo luận tại Tổ đại biểu.

6. Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu.

7. Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.

9. Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Điều 10. Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm

1. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Điều 11. Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp sau đây:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;

b) Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

c) Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội;

d) Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong các trường hợp sau đây:

a) Có kiến nghị của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

b) Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp;

c) Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Điều 12. Thủ tục đề nghị, kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm

1. Việc đề nghị, kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 11 của Nghị quyết này được thực hiện như sau:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình quyết định việc trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi xét thấy cần thiết;

b) Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc khi có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số thành viên Hội đồng dân tộc, thành viên Uỷ ban của Quốc hội về việc xem xét bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Thường trực Hội đồng, Thường trực Uỷ ban có trách nhiệm báo cáo Hội đồng, Uỷ ban quyết định. Trong trường hợp có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng, thành viên Uỷ ban bỏ phiếu tán thành kiến nghị đó thì Hội đồng, Uỷ ban kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm;

c) Đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng cách gửi văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Khi nhận được kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội đối với một người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Việc tổng hợp số lượng kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm được tính trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp này đến ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo của Quốc hội.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân kiến nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu bằng cách gửi văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân. Khi nhận được kiến nghị của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đối với một người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu thì Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Việc tổng hợp số lượng kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân về việc bỏ phiếu tín nhiệm được tính trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp này đến ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo của Hội đồng nhân dân.

Điều 13. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội.

2. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội.

3. Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

4. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

7. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

9. Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 14. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu

1. Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

2. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng nhân dân.

3. Hội đồng nhân dân thảo luận.

4. Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu.

5. Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

6. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

7. Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Điều 15. Hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm

Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó.

Điều 16. Phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc xác định phiếu hợp lệ

1. Phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này, gồm các phiếu riêng đối với từng chức vụ và nhóm chức vụ. Trên từng phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “tín nhiệm cao”,“tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này thì trên phiếu tín nhiệm ghi đầy đủ các chức vụ đó.

Phiếu sử dụng trong bỏ phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này, gồm phiếu riêng đối với từng người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

2. Những trường hợp sau đây là phiếu không hợp lệ:

a) Phiếu không theo mẫu quy định do Ban kiểm phiếu phát ra;

b) Phiếu không xác định mức độ tín nhiệm hoặc lựa chọn nhiều hơn một mức độ tín nhiệm.

3. Trường hợp phiếu ghi tên nhiều người mà phần thể hiện mức độ tín nhiệm đối với một người không hợp lệ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì chỉ xác định kết quả không hợp lệ đối với người đó, kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

Trường hợp phiếu có ghi thêm tên của người ngoài danh sách đã có trong phiếu do Ban kiểm phiếu phát ra thì phần ghi thêm đó không có giá trị; kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

Điều 17. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp gồm các nội dung sau đây:

a) Họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm;

b) Tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

c) Tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân;

d) Tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân;

đ) Tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp gồm các nội dung sau đây:

a) Họ tên, chức vụ của người được bỏ phiếu tín nhiệm;

b) Tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

c) Tổng số phiếu “tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân;

d) Tổng số phiếu “không tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Tổng số đại biểu Quốc hội, tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được sử dụng làm căn cứ để tính tỷ lệ phiếu là số đại biểu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đang bị tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đại biểu không được tính vào tổng số này.

4. Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm ghi rõ thời gian lấy phiếu tín nhiệm, tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm; đánh giá chung về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm và kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người; xác định những người thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị quyết này.

5. Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ghi rõ thời gian, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, xác định người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân không tín nhiệm.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2014.

 

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.