• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/01/2016
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 51/2015/TT-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 26 tháng 11 năm 2015

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số nội dung thanh tra chuyên ngành khoáng sản

_________________________

 

Căn cứ Luật khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm, vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chánh Thanh tra Bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số nội dung thanh tra chuyên ngành khoáng sản,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung thanh tra chuyên ngành khoáng sản, bao gồm: thanh tra hoạt động thăm dò khoáng sản, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công chức thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là Sở Tài nguyên và Môi trường).

2. Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chương II

THANH TRA HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ KHOÁNG SẢN

Điều 3. Thanh tra việc thực hiện quy định về thông báo kế hoạch thăm dò; báo cáo hoạt động thăm dò khoáng sản; điều kiện thi công Đề án thăm dò khoáng sản; thay đổi phương pháp, khối lượng thăm dò

1. Thời điểm gửi văn bản thông báo kế hoạch thăm dò; nộp báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản được xác định trên cơ sở sau đây:

a) Thời gian ghi trên bưu phẩm; thời gian ghi trên giấy biên nhận của đơn vị chuyển phát hoặc giấy tờ có liên quan;

b) Ngày đến ghi trong sổ văn bản đến tại văn thư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động thăm dò; của Bộ Tài nguyên và Môi trường/Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Khi doanh nghiệp tự thực hiện đề án thăm dò khoáng sản (dưới đây gọi tắt là đề án), việc xác định đủ điều kiện thi công đề án được xác định trên cơ sở sau đây:

a) Các hợp đồng lao động (hoặc văn bản tương đương) của người phụ trách kỹ thuật và công nhân kỹ thuật tham gia trực tiếp thi công đề án theo quy định;

b) Quyết định giao chủ nhiệm đề án, người phụ trách kỹ thuật và hồ sơ cá nhân, văn bằng có liên quan kèm theo;

c) Thống kê các thiết bị, máy móc chuyên dùng sử dụng để thi công đề án tại thời điểm thanh tra.

3. Khi tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản không trực tiếp thi công đề án, việc xác định đủ điều kiện thi công đề án căn cứ trên cơ sở sau đây:

a) Hợp đồng thi công đề án giữa tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản với đơn vị trực tiếp thi công đề án;

b) Đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập của tổ chức hợp đồng thi công đề án;

c) Các hợp đồng lao động (hoặc văn bản tương đương) của người phụ trách kỹ thuật và công nhân kỹ thuật tham gia trực tiếp thi công đề án theo quy định;

d) Quyết định giao chủ nhiệm đề án, người phụ trách kỹ thuật và hồ sơ cá nhân, văn bằng có liên quan kèm theo;

e) Thống kê thiết bị, công cụ chuyên dùng để thi công công trình thăm dò khoáng sản phù hợp với đề án.

4. Căn cứ xác định đủ điều kiện được thay đổi phương pháp thăm dò hoặc thay đổi khối lượng thăm dò có chi phí lớn hơn 10% dự toán bao gồm:

a) Văn bản, tài liệu của tổ chức, cá nhân báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép thăm dò về các nội dung thay đổi;

b) Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép thăm dò về phương pháp, khối lượng được phép thay đổi.

Điều 4. Thanh tra việc thực hiện quy định về khu vực được phép thăm dò khoáng sản

1. Xác định việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép thăm dò khoáng sản của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản dựa trên cơ sở sau đây:

a) Kết quả đo vẽ tọa độ các điểm khép góc ngoài thực địa; bản vẽ sơ đồ các mốc đã cắm tương ứng với các điểm khép góc khu vực thăm dò khoáng sản ghi trong Giấy phép thăm dò khoáng sản kèm theo văn bản nghiệm thu;

b) Quy cách của mốc điểm khép góc, bao gồm: vật liệu làm mốc, kích thước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mốc trắc địa hạng 4 đối với trường hợp thăm dò khoáng sản rắn; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực giao thông thủy đối với trường hợp thăm dò cát, sỏi lòng sông, cửa sông, cửa biển;

c) Biên bản bàn giao hoàn thành cắm mốc các điểm khép góc tại thực địa giữa Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động thăm dò khoáng sản, đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã với tổ chức, cá nhân được phép thăm dò.

2. Việc xác định diện tích thăm dò vượt ra ngoài phạm vi khu vực được phép thăm dò khoáng sản theo nội dung, trình tự sau đây:

a) Xác định vị trí, tọa độ trung tâm của công trình thăm dò đã thi công tại thực địa nằm ngoài phạm vi khu vực được phép thăm dò;

b) Đưa tọa độ trung tâm của công trình quy định tại điểm a Khoản này lên bản đồ khu vực được phép thăm dò (có cùng hệ tọa độ và tỷ lệ). Nối từng điểm của công trình nằm ngoài ranh giới khu vực được phép thăm dò với 02 (hai) điểm mốc khu vực được phép thăm dò gần nhất để xác định hình tam giác của diện tích vượt;

c) Diện tích thăm dò vượt trong thực tế bằng tổng diện tích của các hình tam giác có diện tích vượt quy định tại điểm b Khoản này sau khi đã trừ đi các diện tích chồng lấn giữa các tam giác (nếu có).

Điều 5. Thanh tra nội dung kỹ thuật thăm dò khoáng sản

1. Sự phù hợp của các dạng công tác, công trình thi công, mạng lưới công trình thăm dò trong thực tế so với đề án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và nội dung Giấy phép thăm dò khoáng sản.

2. Hiện trạng thi công các công trình thăm dò; đối chiếu thông số kỹ thuật các công trình trong hồ sơ, tài liệu với số liệu tại thực địa (mốc và số liệu, kích cỡ, quy trình thi công); các loại mẫu đã lấy (vị trí, số lượng, chủng loại mẫu; quy trình lấy mẫu; trọng lượng của từng mẫu; cách thức bảo quản mẫu).

Điều 6. Thanh tra việc thực hiện các quy định khác trong thăm dò khoáng sản

1. Xác định việc chấp hành nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong thăm dò khoáng sản bao gồm:

a) Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nêu trong đề án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định; san lấp các công trình thăm dò đã hoàn thành (giếng, lò, hào, hố v.v...) theo quy định;

b) Thực hiện biện pháp khắc phục khi đã gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thăm dò khoáng sản độc hại.

2. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác bao gồm:

a) Việc báo cáo các loại khoáng sản không phải là loại khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm ghi trong Giấy phép thăm dò khoáng sản;

b) Văn bản, tài liệu báo cáo các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong ranh giới khu vực được phép thăm dò khoáng sản (nếu có).

3. Xác định nghĩa vụ trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản khi đã hoàn thành công tác thăm dò được được xác định trên cơ sở sau đây:

a) Đơn đề nghị phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo thăm dò;

b) Văn bản tiếp nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Xác định nghĩa vụ nộp báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản gồm:

a) Văn bản xác nhận nộp lưu trữ của Trung tâm Thông tin, Lưu trữ địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đối với trường hợp khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Văn bản xác nhận nộp lưu trữ của Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh nơi có khoáng sản được thăm dò, Trung tâm Thông tin, Lưu trữ địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đối với trường hợp khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Việc tổ chức, cá nhân thăm dò lợi dụng hoạt động thăm dò để khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở: vị trí lấy mẫu; khối lượng mẫu khoáng sản đã khai đào; tổng khối lượng mẫu vận chuyển thực tế so với đề án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và Giấy phép thăm dò khoáng sản.

Chương III

THANH TRA HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 7. Thanh tra việc thực hiện các quy định về xây dựng cơ bản mỏ; báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản; thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản

1. Việc xác định thời điểm gửi văn bản đăng ký/thông báo ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác; nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản được thực hiện trên cơ sở sau đây:

a) Thời gian ghi trên bưu phẩm hoặc thời gian ghi trên giấy biên nhận của cơ quan chuyển phát hoặc giấy tờ liên quan;

b) Ngày đến ghi trong sổ văn bản đến tại văn thư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có hoạt động khai thác; của Bộ Tài nguyên và Môi trường/Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Trách nhiệm thông báo khối lượng, thời gian thăm dò nâng cấp trữ lượng của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản căn cứ trên cơ sở sau đây:

a) Văn bản thông báo kế hoạch, khối lượng, thời gian thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi khu vực được phép khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước khi thực hiện;

b) Hợp đồng thi công, hồ sơ năng lực của tổ chức thi công các công trình thăm dò nâng cấp trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không trực tiếp thi công; hồ sơ, tài liệu lưu giữ thông tin về kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi khu vực được phép khai thác khoáng sản;

c) Báo cáo bằng văn bản và hồ sơ kèm theo gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo quy định.

3. Căn cứ xác định đủ điều kiện thi công các công trình thăm dò nâng cấp trữ lượng thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

Điều 8. Thanh tra việc thực hiện các quy định về khu vực khai thác khoáng sản

1. Xác định cắm mốc các điểm khép góc của khu vực được phép khai thác khoáng sản trên cơ sở sau đây:

a) Kết quả đo vẽ tọa độ các điểm khép góc ngoài thực địa; bản vẽ sơ đồ các mốc đã cắm tương ứng với các điểm khép góc khu vực khai thác khoáng sản ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản;

b) Quy cách của mốc điểm khép góc, bao gồm: vật liệu làm mốc, kích thước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mốc trắc địa hạng 3 đối với trường hợp khai thác khoáng sản rắn; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực giao thông thủy đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa sông, cửa biển;

c) Biên bản bàn giao mốc các điểm khép góc tại thực địa giữa Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự tham gia của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

2. Việc xác định diện tích khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác khoáng sản khi khai thác bằng phương pháp lộ thiên (trừ nước khoáng, nước nóng) được xác định theo nội dung, trình tự sau đây:

a) Đo đạc tọa độ các điểm góc, xác định diện tích thực tế của từng khu vực;

b) Đưa tọa độ các điểm góc của từng khu vực đã khai thác nêu tại điểm a Khoản này lên bản đồ khu vực khai thác (trên cùng một hệ tọa độ và tỷ lệ);

c) Diện tích khai thác vượt là tổng diện tích các khu vực quy định tại điểm a Khoản này sau khi đã trừ các diện tích chồng lấn với diện tích khu vực được phép khai thác.

3. Việc xác định diện tích khai thác thực tế vượt ra ngoài phạm vi khu vực được phép khai thác khoáng sản khi khai thác bằng phương pháp hầm lò được xác định theo nội dung, trình tự sau đây:

a) Xác định vị trí các đường lò, đo đạc tọa độ các điểm cuối đường lò; xác định diện tích của từng đường lò;

b) Đưa tọa độ các điểm đầu, điểm trung gian (nếu có) và điểm cuối của đường lò, công trình khai thác nêu tại điểm a Khoản này lên bản đồ khu vực được phép khai thác (trên cùng một hệ tọa độ và cùng tỷ lệ);

c) Diện tích khai thác vượt là tổng diện tích các khu vực quy định tại điểm a Khoản này sau khi đã trừ các diện tích chồng lấn với diện tích khu vực được phép khai thác.

4. Độ cao khai thác thực tế vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (trừ nước khoáng, nước nóng) được xác định theo nội dung, trình tự sau đây:

a) Xác định và đo đạc trị số độ cao, tọa độ các vị trí khai thác cao nhất, hoặc thấp nhất thuộc moong khai thác thực tế (đối với mỏ khai thác bằng phương pháp lộ thiên); của nóc lò chợ tại vị trí cao nhất, hoặc nền lò chợ tại vị trí thấp nhất (đối với mỏ khai thác bằng phương pháp hầm lò);

b) Đưa các vị trí khai thác, vị trí lò chợ nêu tại điểm a Khoản này lên mặt cắt tương ứng; vẽ đường thẳng đứng đi qua các vị trí nêu trên để xác định giao điểm gần nhất với đường giới hạn độ cao được phép khai thác thể hiện trên bản đồ khu vực khai thác (trên cùng hệ tọa độ và tỷ lệ);

c) Độ cao khai thác vượt thực tế là giá trị tuyệt đối của hiệu số độ cao vị trí khai thác, vị trí lò chợ nêu tại điểm a Khoản này với độ cao giao điểm tương ứng nêu tại điểm b Khoản này.

Điều 9. Thanh tra việc thực hiện các quy định về thiết kế mỏ

1. Việc xác định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã nộp thiết kế mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản (trừ khai thác nước khoáng, nước nóng, khai thác tận thu khoáng sản) trên cơ sở sau đây:

a) Thời gian ghi trên bưu phẩm hoặc thời gian ghi trên giấy biên nhận của cơ quan chuyển phát hoặc giấy tờ liên quan;

b) Ngày đến ghi trong sổ văn bản đến tại văn thư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác; của Bộ Tài nguyên và Môi trường/Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

2. Việc xác định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản áp dụng công nghệ khai thác, phương pháp khai thác trên cơ sở sau đây:

a) Phương pháp khai thác thực tế (lộ thiên/hầm lò/phương pháp khác) so với phương pháp khai thác đã xác định trong Giấy phép khai thác khoáng sản; dự án đầu tư khai thác hoặc thiết kế mỏ đã phê duyệt;

b) Vị trí, chiều dài các hào mở vỉa, hào chuẩn bị (đối với khai thác mỏ lộ thiên); vị trí, tiết diện và chiều dài hệ thống các công trình giếng/lò bằng/đường lò xuyên vỉa, dọc vỉa; các đường lò mức thông gió, mức vận chuyển và lò khai thác (đối với khai thác mỏ hầm lò) tại thời điểm thanh tra so với dự án đầu tư khai thác, thiết kế mỏ đã duyệt;

c) Công nghệ khai thác; hệ thống khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác, thiết kế mỏ với thực tế khai thác, bao gồm: trình tự khai thác, hướng tiến công trình mỏ; trị số thực tế của từng thông số hệ thống khai thác;

d) Ngoài nội dung tại điểm c Khoản này còn phải đối chiếu trị số của từng thông số hệ thống khai thác với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật - an toàn trong khai thác mỏ.

Điều 10. Thanh tra việc thực hiện quy định về Giám đốc điều hành mỏ

1. Việc xác định thông tin về Giám đốc điều hành mỏ trên cơ sở sau đây:

a) Hợp đồng lao động ký kết giữa tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản với người được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mỏ;

b) Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (nếu có) hoặc chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân của Giám đốc điều hành mỏ đã được tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chi trả từ nguồn tiền lương, tiền công lao động theo Hợp đồng lao động đã ký;

c) Quyết định bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản.

2. Việc xác định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã thông báo về trình độ chuyên môn, năng lực của Giám đốc điều hành mỏ trên cơ sở sau đây:

a) Thời gian ghi trên bưu phẩm hoặc thời gian ghi trên giấy biên nhận của cơ quan chuyển phát hoặc giấy tờ liên quan;

b) Ngày đến ghi trong số văn bản đến tại văn thư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác; của Bộ Tài nguyên và Môi trường/Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Điều 11. Thanh tra việc thực hiện các quy định về lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản

1. Các bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực đang khai thác, bao gồm:

a) Bản đồ, bản vẽ mặt cắt kết thúc giai đoạn xây dựng cơ bản mỏ;

b) Bản đồ, bản vẽ mặt cắt cập nhật hiện trạng khu vực khai thác 6 tháng đầu năm và tại thời điểm kết thúc năm của kỳ báo cáo theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Bản đồ, bản vẽ mặt cắt (cập nhật) khi có sự thay đổi cơ bản về thông số thân khoáng sản thực tế khai thác so với thông số thân khoáng sản tương ứng trong báo cáo thăm dò, dự án đầu tư khai thác, thiết kế mỏ.

2. Đối chiếu các thông tin, số liệu trên bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng quy định tại khoản 1 Điều này với khai trường hoặc các đường lò tại thời điểm thanh tra.

3. Xác minh thông tin, số liệu thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản trên cơ sở văn bản, tài liệu sau đây:

a) Báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản;

b) Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản;

c) Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác;

d) Hệ thống số liệu, sổ sách, chứng từ liên quan đến thống kê, xác định chất lượng khoáng sản (chỉ tiêu cơ lý, hàm lượng biên, hàm lượng trung bình v.v....); tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thuế tài nguyên khoáng sản; phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; hệ số thu hồi, hệ số tổn thất thực tế; sổ theo dõi việc lấy mẫu và kết quả phân tích mẫu khai trường, trước và sau khi tuyển, rửa, làm giàu;

đ) Trữ lượng khoáng sản địa chất được phép khai thác ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản;

e) Trữ lượng khoáng sản tăng/giảm theo kết quả thăm dò nâng cấp tính đến thời điểm kiểm kê được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác định trong quá trình lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng.

Điều 12. Thanh tra việc thực hiện quy định về công suất được phép khai thác ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản

Sản lượng khoáng sản khai thác thực tế so với công suất được phép khai thác được xác định trên cơ sở đối chiếu số liệu của các tài liệu, văn bản sau đây:

1. Báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản;

2. Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản hàng năm;

3. Sổ theo dõi, thống kê khối lượng mỏ (gồm khoáng sản và đất đá thải) của từng năm, kèm theo hóa đơn/phiếu xuất kho; biên bản nghiệm thu khối lượng của từng khâu công nghệ (chuẩn bị đất đá, xúc bốc, vận tải, thải đá) trong năm và số liệu cập nhật tại thời điểm thanh tra; số liệu về khối lượng khoáng sản tại các kho chứa/bãi chứa tạm tại thời điểm thanh tra;

4. Các sổ sách, tài liệu khác gồm: hóa đơn, chứng từ liên quan đến nghĩa vụ tài chính (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường v.v...).

Điều 13. Thanh tra khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc trường hợp không phải cấp Giấy phép khai thác khoáng sản

1. Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình được xác định trên cơ sở sau đây:

a) Phạm vi, diện tích đã khai thác thực tế so với dự án;

b) Hồ sơ pháp lý liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản trong trường hợp chủ đầu tư xây dựng công trình không trực tiếp khai thác xác định thông qua hợp đồng hoặc văn bản khác có liên quan;

c) Hồ sơ đăng ký diện tích khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác; văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án xây dựng công trình;

d) Khối lượng khoáng sản đã khai thác, khối lượng khoáng sản đã sử dụng cho công trình đó.

đ) Kết quả thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

2. Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân được xác định trên cơ sở sau đây:

a) Phạm vi, diện tích đã khai thác so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và văn bản, tài liệu liên quan;

b) Khối lượng khoáng sản đã khai thác; khối lượng khoáng sản đã sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đất ở.

Điều 14. Thanh tra việc thực hiện quy định về đóng cửa mỏ khoáng sản

1. Việc xác định nội dung và kết quả đóng cửa mỏ dựa trên cơ sở sau đây:

a) Vị trí, diện tích; số lượng, khối lượng và các hạng mục công trình, thời gian, kết quả thực hiện;

b) Hiện trạng và mức độ an toàn của các hạng mục công trình đóng cửa mỏ;

c) Biên bản nghiệm thu thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

2. Việc xác định nội dung và kết quả thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi thực hiện việc đóng cửa mỏ như sau:

a) Vị trí, diện tích; số lượng, khối lượng và các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường;

b) Hiện trạng và kết quả thực hiện nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Văn bản xác nhận hoặc nghiệm thu khối lượng thực hiện các công việc cải tạo, phục hồi môi trường; văn bản liên quan đến việc hoàn trả tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Điều 15. Thanh tra việc thực hiện quy định sử dụng thông tin về khoáng sản của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản

1. Văn bản, tài liệu xác định việc tổ chức, cá nhân đã sử dụng thông tin về khoáng sản của cơ quan nhà nước nước có thẩm quyền.

2. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin về khoáng sản phục vụ thăm dò khoáng sản hoặc sử dụng thông tin về khoáng sản phục vụ khai thác khoáng sản phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản; văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định kết quả thực hiện việc hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản.

Điều 16. Thanh tra việc thực hiện các quy định khác trong khai thác khoáng sản

1. Xác định nghĩa vụ sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản:

a) Văn bản tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản;

b) Văn bản tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản.

2. Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi khu vực được phép khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân.

a) Văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản khi phát hiện khoáng sản mới (nếu có) trong quá trình khai thác khoáng sản;

b) Kết quả và hiện trạng việc lưu giữ, bảo vệ khoáng sản đã khai thác mà chưa sử dụng do chưa có nhu cầu hoặc không bảo đảm yêu cầu về chất lượng.

3. Thực hiện các quy định khác liên quan đến pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường (trong việc ký quỹ, công tác phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo Đề án/Dự án/Phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản; văn bản xác nhận đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền).

4. Thực hiện quy định về bảo hiểm tài sản, phương tiện, công trình phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản theo quy định.

5. Mức độ thu hồi tối đa khoáng sản; tỷ lệ phần trăm (%) tổn thất khoáng sản thực tế; hiệu quả kinh tế - xã hội.

6. Mục đích sử dụng khoáng sản xác định trên cơ sở hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc cung cấp khoáng sản đã khai thác so với địa chỉ sử dụng khoáng sản đã quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

Điều 17. Thanh tra thực địa tại khu vực khai thác khoáng sản

1. Đối với mỏ lộ thiên:

a) Kiểm tra hiện trạng mốc của các điểm khép góc khu vực khai thác;

b) Kiểm tra hiện trạng vị trí, ranh giới, diện tích khu vực khai thác;

c) Kiểm tra hiện trạng các thông số kỹ thuật của hệ thống khai thác; công trình khai thác, moong khai thác và công trình phụ trợ;

d) Kiểm tra hiện trạng công trình cải tạo, phục hồi môi trường; biện pháp bảo đảm an toàn đối với khu vực đã dừng hoạt động khai thác.

2. Đối với mỏ hầm lò:

a) Kiểm tra hiện trạng mốc của các điểm khép góc khu vực khai thác;

b) Kiểm tra hiện trạng vị trí, tọa độ tại cửa giếng nghiêng/lò nghiêng, lò bằng, sân công nghiệp và công trình phụ trợ so với quy định trong dự án đầu tư khai thác, thiết kế mỏ hoặc bản đồ khu vực khai thác khoáng sản;

c) Kiểm tra hiện trạng công tác đào, chống lò và củng cố sửa chữa lò;

d) Kiểm tra hiện trạng việc khai thác tại lò chợ, lò khai thác.

3. Việc chấp hành các quy định khác có liên quan:

a) Việc thực hiện xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; các công trình giảm thiểu tác động môi trường;

b) Đồng bộ thiết bị khai thác đang sử dụng; công tác an toàn, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; phương án phòng ngừa sự cố mỏ; thoát nước; niêm yết quy trình vận hành thiết bị.

c) Việc cắm các biển báo, bảng chỉ dẫn tại khu vực có nguy cơ mất an toàn; phòng chống cháy, nổ; nội quy an toàn trong mỏ;

d) Biểu hiện hoặc dấu vết của hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong ranh giới khu vực khai thác khoáng sản.

4. Trong trường hợp thấy có sai số lớn giữa số liệu, thông tin trong văn bản, tài liệu, báo cáo của tổ chức, cá nhân so với kết quả kiểm tra tại thực địa, để có đầy đủ chứng cứ, thông tin, số liệu liên quan đến kết luận thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra quyết định thực hiện hoặc trưng cầu tổ chức, cá nhân độc lập có đủ điều kiện theo quy định để thực hiện các công việc sau:

a) Đo đạc địa hình (bổ sung) tại thời điểm thanh tra để xác minh tính đúng đắn của thông tin, số liệu trên bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác; các số liệu để xác định sản lượng khai thác thực tế;

b) Lấy mẫu khoáng sản (chưa khai thác, quặng nguyên khai) tại khai trường, tại bãi thải; mẫu trước và sau khi tuyển, làm giàu khoáng sản (nếu có);

c) Đo đạc tọa độ của mốc điểm khép góc, mặt cắt, địa hình, các thông số của hệ thống khai thác (chiều cao tầng, góc nghiêng sườn tầng, thông số lò chợ, lò mở vỉa, lò vận chuyển, lò thông gió) của khu vực khai thác;

d) Lấy mẫu trong khu vực khai thác để xác định khoáng sản đi kèm đã được xác định trong Giấy phép khai thác khoáng sản, dự án đầu tư khai thác, thiết kế mỏ đã duyệt;

đ) Lấy mẫu tại khu vực khai thác, các bãi thải để kiểm tra số liệu về chất lượng khoáng sản so với Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2016.

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Thanh tra Bộ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc về nội dung Thông tư, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có liên quan phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.