• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/08/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2007
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 238/HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 3 tháng 8 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành điều lệ quân nhân chuyên nghiệp

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30-12-1981;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ quân nhân chuyên nghiệp.

Điều 2. - Điều lệ này thi hành từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 4. - Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thi hành Nghị định này.

 

ĐIỀU LỆ

QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

(Ban hành kèm theo Nghị định số 238-HĐBT ngày 3-8-1991

của Hội đồng Bộ trưởng)

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Quân nhân chuyên nghiệp là quân nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật và nghiệp vụ cần thiết cho công tác chỉ huy, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội, tự nguyện phục vụ trong quân đội dài hạn hoặc từng thời hạn 3 năm.

Điều 2. - Tuỳ theo trình độ đào tạo, quân nhân chuyên nghiệp được chia thành quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp, trung cấp và cao cấp kỹ thuật nghiệp vụ.

Bộ trưởng Quốc phòng quy định vị trí, chức danh quân nhân chuyên nghiệp trong biểu biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 3. - Quân nhân chuyên nghiệp có phù hiệu, cấp hiệu riêng, được hưởng lương theo bảng lương của quân nhân chuyên nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng quy định; được hưởng các khoản phụ cấp theo lương và các quyền lợi khác như sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có mức lương tương đương.

CHƯƠNG II

CHẾ ĐỘ PHỤC VỤ CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

Điều 4. - Khi quân đội có nhu cầu biên chế, các đối tượng sau đây có thể được xét chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp:

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ tốt nghiệp các trường kỹ thuật, nghiệp vụ của quân đội, đăng ký tiếp tục phục vụ ít nhất 6 năm (2 thời hạn) trong quân đội.

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ hết hạn phục vụ tại ngũ, có trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của quân đội, tự nguyện đăng ký phục vụ tại ngũ ít nhất 3 năm (1 thời hạn) trong quân đội.

3. Công nhân, viên chức quốc phòng có trình độ kỹ thuật nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của quân đội, tự nguyện chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp; đăng ký phục vụ dài hạn trong quân đội, được huấn luyện quân sự theo quy định của Bộ Quốc phòng.

4. Công dân ngoài tuổi nhập ngũ theo quy định tại Điều 12 của Luật nghĩa vụ quân sự được động viên vào quân đội, có trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với nhu cầu của quân đội.

Điều 5. - Quân nhân chuyên nghiệp được bố trí chủ yếu ở các đơn vị từ cấp sư đoàn trở xuống và một số vị trí trực tiếp bảo đảm cho công tác chỉ huy, huấn luyện ở các đơn vị từ cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng trở lên.

Điều 6. - Quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp gồm có:

Thượng sĩ chuyên nghiệp,

Chuẩn uý chuyên nghiệp,

Thiếu uý chuyên nghiệp,

Trung uý chuyên nghiệp,

Thượng uý chuyên nghiệp,

Đại uý chuyên nghiệp,

Thiếu tá chuyên nghiệp,

Trung tá chuyên nghiệp.

Phù hiệu quân nhân chuyên nghiệp là một vòng tròn, ở giữa có hình phù hiệu của quân chủng, xung quanh có hai chữ "chuyên nghiệp".

Điều 7. - Quân nhân chuyên nghiệp đã hết thời hạn đăng ký phục vụ tại ngũ thì được xuất ngũ và chuyển sang phục vụ ở ngạch dự bị theo Điều 18 của Luật nghĩa vụ quân sự; quân nhân chuyên nghiệp muốn đăng ký tiếp tục phục vụ tại ngũ, cần báo cáo với người chỉ huy trực tiếp trước 3 tháng để được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 8. - Quân nhân chuyên nghiệp có một trong những điều kiện dưới đây thì được xét cho xuất ngũ trước khi hết thời hạn đăng ký phục vụ tại ngũ:

1. Được Hội đồng giám định y khoa từ cấp sư đoàn trở lên kết luận là không đủ sức khoẻ để tiếp tục công tác.

2. Gia đình có khó khăn đặc biệt.

3. Trình độ, năng lực không còn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

4. Khi quân đội chấn chỉnh tổ chức, tinh giản biên chế.

Điều 9. - Bộ trưởng Quốc phòng quy định quyền hạn của người chỉ huy các cấp trong việc: chuyển chế độ, cho đăng ký phục vụ tại ngũ, xếp bậc lương, nâng lương, giao quân hàm, quản lý và cho xuất ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp.

CHƯƠNG III

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

Điều 10. - Quân nhân chuyên nghiệp phải:

1. Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

2. Tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, kiên quyết bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng và tài sản của dân.

3. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội.

4. Ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật; rèn luyện thể lực; không ngừng nâng cao bản lĩnh chiến đấu.

Điều 11. - một số đơn vị chuyên môn kỹ thuật và nghiệp vụ do Bộ Quốc phòng quy định có quân nhân chuyên nghiệp giữ chức vụ chỉ huy.

Mọi quân nhân chuyên nghiệp đều phải phục tùng người chỉ huy của đơn vị dù người ấy có quân hàm thấp hơn. Quân nhân chuyên nghiệp quan hệ với các quân nhân khác theo điều lệ của quân đội.

Điều 12. - Quân nhân chuyên nghiệp lập được thành tích thì được khen thưởng, vi phạm kỷ luật thì bị xử phạt theo điều lệ kỷ luật của quân đội và pháp luật của Nhà nước.

Điều 13. - Quân nhân chuyên nghiệp được khuyến khích học tập nâng cao trình độ; khi có nhu cầu, được học tại chức hoặc cử đi học các trường trong và ngoài quân đội; được xếp công tác và hưởng lương theo trình độ; được khuyến khích phát minh sáng chế, nghiên cứu đề tài khoa học, sáng tác và được đãi ngộ vật chất, tinh thần theo quy định của Nhà nước.

Điều 14. - Khi đơn vị có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp tự nguyện thì được đào tạo thành sĩ quan. Trong thời chiến, việc chuyển quân nhân chuyên nghiệp thành sĩ quan thực hiện theo nhu cầu của quân đội.

Điều 15. - Quân nhân chuyên nghiệp xuất ngũ được thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước đối với sĩ quan quân đội xuất ngũ.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 16. - Điều lệ này thi hành từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 17. - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Điều lệ này./.

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.