QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về việc đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 đối với người đồng bào
dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai
______________________
ỦY BAN NHÂN NHÂN TỈNH GIA LAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai tại Tờ trình số 1071/TTr-SGTVT ngày 12 tháng 7 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 đối với người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 9 năm 2016 và thay thế Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Lai ban hành Quy định về việc tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 đối với người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đã ký
Võ Ngọc Thành
QUY ĐỊNH
Về việc đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 đối với
người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39 /2016/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)
__________________________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này Quy định về đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 đối với người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai (sau đây gọi tắt là đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A1).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A1 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
2. Quy định này không áp dụng đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1 của ngành công an, quân đội làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, trình độ học vấn thấp được hiểu là người biết nói tiếng Việt, không biết đọc, không biết viết nhưng hiểu được tiếng Việt hoặc chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học của hệ thống giáo dục quốc dân.
Chương II
ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH ĐỂ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE
Điều 4. Điều kiện tổ chức đào tạo lái xe
1. Cơ sở đào tạo lái xe do cơ quan có thẩm quyền thành lập, có chức năng đào tạo lái xe và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn theo quy định và được Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cấp Giấy phép đào tạo lái xe, được tuyển sinh, đào tạo lái xe hạng A1.
2. Các lớp đào tạo lái xe hạng A1 được tổ chức tại cơ sở đào tạo lái xe hoặc tổ chức tại xã, phường, thị trấn; việc tổ chức phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Phòng học Pháp luật giao thông đường bộ và Kỹ thuật lái xe phải bảo đảm diện tích, bàn ghế; bảo đảm môi trường sư phạm, có tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa hình; khuyến khích sử dụng thiết bị, phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy (màn hình, máy chiếu, băng đĩa, …);
b) Sân tập lái xe phải bảo đảm diện tích để bố trí đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo; kích thước các hình tập lái xe phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; bề mặt các làn đường và hình tập lái được thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường và bảo đảm không bị ngập nước;
c) Giáo viên giảng dạy bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định; khuyến khích sử dụng giáo viên có khả năng truyền đạt bằng tiếng Jrai hoặc Bahnar (phù hợp với đa số đồng bào dân tộc thiểu số trong lớp học); có thể phối hợp với người biết tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số phù hợp để hỗ trợ trong quá trình dạy và học.
3. Có đủ giáo trình giảng dạy được Sở Giao thông vận tải ban hành, phê duyệt và tài liệu ôn tập để đào tạo lái xe hạng A1; có đủ xe tập lái, tài liệu phục vụ đào tạo, quản lý đào tạo và các trang thiết bị khác theo quy định.
Điều 5. Điều kiện đối với người học lái xe
1. Là người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp, có nơi cư trú tại tỉnh Gia Lai, có nhu cầu học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A1.
2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe theo quy định.
Điều 6. Hình thức, phương pháp đào tạo lái xe
1. Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe hạng A1 phải được đào tạo; được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại các cơ sở đào tạo lái xe được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra.
2. Các khóa đào tạo được phân chia thành các lớp học, mỗi lớp học được tổ chức giảng dạy riêng, số lượng học viên tối đa 35 học viên/lớp.
3. Phương pháp đào tạo linh hoạt, giảng dạy chủ yếu bằng hình ảnh trực quan, hỏi - đáp là chính; giảng dạy chủ yếu dùng các bảng, biểu, hình ảnh mô phỏng nội dung chương trình đào tạo.
Điều 7. Hồ sơ của người học lái xe
Người học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:
1. Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND xã) nơi cư trú xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp, giấy có dấu giáp lai ảnh theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này; giấy xác nhận có giá trị 01 năm kể từ ngày ký xác nhận của UBND xã; cá nhân ký tên hoặc điểm chỉ vào giấy xác nhận và chịu trách nhiệm về việc cam kết của mình trước pháp luật;
2. Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân;
3. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định;
4. Khi đến nộp hồ sơ, người học lái xe được cơ sở đào tạo chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, in đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe để người học, sát hạch lái xe ký tên hoặc điểm chỉ tại vị trí ký tên trong đơn.
Điều 8. Nội dung, chương trình đào tạo lái xe
1. Thời gian đào tạo: 16 giờ (lý thuyết: 13 giờ, thực hành lái xe 03 giờ).
2. Nội dung và phân bổ chi tiết các môn học.
STT
|
Nội dung
|
Tổng thời gian đào tạo 16 giờ
|
Lý thuyết
|
Thực hành
|
01
|
Pháp luật giao thông đường bộ
- Những kiến thức cơ bản về Pháp luật giao thông đường bộ
- Ý thức chấp hành Pháp luật giao thông đường bộ và xử lý tình huống giao thông đường bộ
- Thực hành cấp cứu tai nạn giao thông
|
08
05
02
01
|
02
01
-
01
|
02
|
Kỹ thuật lái xe
- Vị trí, tác dụng các bộ phận chủ yếu của xe mô tô
- Kỹ thuật lái xe cơ bản
|
02
01
01
|
01
01
-
|
03
|
Thực hành lái xe
- Tập lái xe trong hình
- Tập lái xe trong sân tập
|
-
-
-
|
03
02
01
|
Điều 9. Hồ sơ dự sát hạch lái xe
1. Đối với người dự sát hạch lái xe lần đầu
Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Hồ sơ quy định tại Điều 7 của Quy định này;
b) Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.
2. Đối với người dự sát hạch lại do bị mất giấy phép lái xe
Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy tờ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 của Quy định này;
b) Bản chính hồ sơ gốc của giấy phép lái xe bị mất (nếu có);
c) Khi đến nộp hồ sơ, người lái xe được bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, in đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe để người lái xe ký tên hoặc điểm chỉ tại vị trí ký tên trong đơn.
Điều 10. Nội dung và phương án tổ chức sát hạch lái xe
1. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe ở các đô thị từ loại 2 trở lên phải được thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe có đủ điều kiện hoạt động; các địa bàn khác thực hiện tại các trung tâm sát hạch hoặc sân sát hạch có đủ các hạng mục công trình cơ bản, phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch và xe cơ giới dùng để sát hạch lái xe theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ để thực hiện kỳ sát hạch đạt kết quả chính xác, khách quan, an toàn và được sự chấp thuận của Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
2. Nội dung và phương án tổ chức sát hạch để cấp giấy phép lái xe
a) Mẫu biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe, bài sát hạch lý thuyết và biên bản sát hạch thực hành lái xe trong hình sử dụng theo biển mẫu quy định của Bộ Giao thông vận tải và hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
b) Sát hạch lý thuyết: được thực hiện riêng, trắc nghiệm trên giấy và sát hạch bằng phương pháp hỏi – đáp trực tiếp.
- Bộ đề, đáp án sát hạch lý thuyết do Sở Giao thông vận tải biên soạn, phát hành; mỗi đề sát hạch có 15 câu hỏi (mỗi câu hỏi được tính 01 điểm) được phân bổ như sau: 01 câu về khái niệm; 04 câu về quy tắc giao thông đường bộ; 01 câu về văn hóa và đạo đức người lái xe; 07 câu về hệ thống biển báo hiệu đường bộ và 02 câu về giải các thế sa hình.
- Thực hiện sát hạch: 02 sát hạch viên thực hiện nhiệm vụ, sát hạch cho từng thí sinh một; mỗi thí sinh lựa chọn ngẫu nhiên 01 đề sát hạch trong bộ đề, 01 sát hạch viên hỏi, 01 sát hạch viên đánh dấu nhân (x) trong ô tương ứng mà thí sinh lựa chọn trên bài thi; sát hạch viên chấm điểm, ký tên xác nhận vào biên bản tổng hợp kết quả và thông báo kết quả sát hạch cho thí sinh.
- Thời gian thực hiện sát hạch: 10 phút; thang điểm: 15, điểm đạt: từ 12 điểm trở lên.
c) Sát hạch thực hành lái xe trong hình: thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và thành phố (sau đây gọi tắt là UBND huyện), các cơ quan, ban ngành thực hiện và tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện Quy định này.
2. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, ban hành giáo trình giảng dạy, bộ câu hỏi dùng để đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1 bằng ba thứ tiếng Việt, Jrai và Bahnar.
3. Phối hợp với UBND huyện quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trong công tác tuyển sinh, đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A1.
4. Phối hợp với các Sở, Ban ngành chức năng, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Quy định này.
Điều 12. Trách nhiệm của UBND huyện
1. Tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn đăng ký đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1; phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1.
2. Phối hợp với các cơ quan ngành chức năng quản lý, giám sát các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn thực hiện đúng quy định của nhà nước.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc UBND xã xác nhận đúng đối tượng theo Quy định này.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo lái xe
1. Phối hợp với UBND huyện, xã tổ chức tuyển sinh, đào tạo, sát hạch lái xe; bảo đảm điều kiện đối với người học lái xe hạng A1 theo đúng quy định tại Điều 5 của Quy định này.
2. Duy trì, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và bổ sung, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.
3. Soạn giáo án đảm bảo phù hợp với đối tượng giảng dạy; duy trì, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn theo quy định, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.
4. Tổ chức giảng dạy từng lớp riêng, kết thúc khóa học, cơ sở đào tạo lái xe tổ chức phổ biến nội quy, hướng dẫn quy trình sát hạch lái xe và ôn tập, kiểm tra; thực hiện quản lý đào tạo lái xe theo quy định.
Điều 14. Trách nhiệm của các trung tâm sát hạch lái xe
1. Phối hợp và tạo mọi điều kiện cùng với UBND huyện, xã để các cơ sở đào tạo lái xe đưa học viên đến học, ôn luyện; phối hợp với Tổ sát hạch tổ chức kỳ sát hạch đúng kế hoạch, thuận tiện, chính xác, khách quan và an toàn.
2. Quản lý, duy trì, đảm bảo hoạt động của trung tâm theo quy định và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.
Điều 15. Trách nhiệm của UBND xã
1. Thông báo lịch học, sát hạch lái xe đến từng tổ dân phố, thôn, bản thuộc phạm vi quản lý để người dân biết, đăng ký đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1; phối hợp với các cơ quan ngành chức năng quản lý, giám sát các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn thực hiện đúng quy định của nhà nước.
2. Xác nhận về trình độ học vấn cho người có nhu cầu học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A1 đúng theo đối tượng tại Quy định này; bảo đảm nguyên tắc: chính xác, nhanh chóng, không thu phí xác nhận. Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận.
Điều 16. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành có liên quan
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân huyện, xã, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Quy định này./.