• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/01/2008
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1855/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 27 tháng 12 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050

_______________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Bộ Công thương (công văn số 4167/BCT-NLDK ngày 19 tháng 12 năm 2007),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ, đi đôi với đa dạng hóa các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

b) Phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước kết hợp với việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngoài một cách hợp lý, thiết lập an ninh năng lượng quốc gia trong điều kiện mở, thực hiện liên kết hiệu quả trong khu vực và toàn cầu, gắn với giữ vững an ninh quốc gia và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.

c) Từng bước hình thành thị trường năng lượng, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới thỏa mãn tốt nhất lợi ích người tiêu dùng. Thúc đẩy nhanh việc xóa bao cấp, xóa độc quyền, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội thông qua giá năng lượng.

d) Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng: điện, dầu khí, than, năng lượng mới và tái tạo, trong đó quan tâm phát triển năng lượng sạch, ưu tiên phát triển năng lượng mới và tái tạo. Phân bố hợp lý hệ thống năng lượng theo vùng, lãnh thổ; cân đối từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến; phát triển đồng bộ hệ thống dịch vụ và tái chế.

đ) Ứng dụng các thành tựu của kinh tế tri thức để nâng cao hiệu suất, hiệu quả kinh doanh năng lượng. Coi trọng đầu tư cho tiết kiệm năng lượng, giảm tỷ lệ tổn thất.

e) Phát triển năng lượng gắn chặt với giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 là: bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh; đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội: trong đó năng lượng sơ cấp năm 2010 khoảng 47,5 - 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE.

- Nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thủy điện và u-ra-ni-um). Mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác than, dầu khí và các dạng năng lượng khác ở nước ngoài bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước.

- Phát triển nguồn, lưới điện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2010 độ tin cậy cung cấp của nguồn điện là 99,7%; lưới điện bảo đảm tiêu chuẩn n-1.

- Phát triển các nhà máy lọc dầu, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về các sản phẩm dầu trong nước, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25 đến 30 triệu tấn dầu thô vào năm 2020.

- Bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010, đạt 60 ngày vào năm 2020 và đạt 90 ngày vào năm 2025.

- Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020, và khoảng 11% vào năm 2050.

- Hoàn thành chương trình năng lượng nông thôn, miền núi. Đưa số hộ nông thôn sử dụng năng lượng thương mại để đun nấu lên 50% vào năm 2010 và 80% vào năm 2020. Đến năm 2010 đạt 95% số hộ dân nông thôn có điện, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

- Xây dựng các mục tiêu, tiêu chuẩn dài hạn về môi trường theo hướng thống nhất với tiêu chuẩn môi trường khu vực và thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước. Kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động năng lượng; đến năm 2015 tất cả các công trình năng lượng phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.

- Chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn sau năm 2022; hình thành thị trường kinh doanh than, dầu khí trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

- Tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020, sau đó tăng nhanh tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Phấn đấu từ năm 2010 - 2015, thực hiện liên kết lưới điện khu vực (bằng cấp điện áp đến 500 kV), từ năm 2015 - 2020, thực hiện liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực.

3. Định hướng phát triển

a) Định hướng phát triển ngành điện

- Đảm bảo cung cấp đầy đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ưu tiên xây dựng các nhà máy thủy điện một cách hợp lý, đồng thời phát triển các nhà máy nhiệt điện sử dụng than và khí thiên nhiên. Khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo.

- Định hướng phát triển ngành điện theo hướng đa dạng hóa sở hữu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải của quốc gia. Công bố công khai danh mục các dự án đầu tư khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực phát điện và phân phối điện.

- Đa dạng các hình thức đầu tư trong phát triển nguồn và lưới phân phối.

- Tiếp tục thí điểm và từng bước mở rộng việc cổ phần hóa các nhà máy điện, các đơn vị phân phối điện.

- Tách hoạt động công ích khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện trợ giá cho các hoạt động điện lực tại các vùng sâu, vùng xa.

- Mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế.

- Từng bước hình thành và phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam.

- Nghiên cứu phát triển nhà máy điện hạt nhân.

- Đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.

b) Định hướng phát triển ngành than

- Đẩy mạnh công tác thăm dò đánh giá trữ lượng than trên mức -300m, và tìm kiếm sâu từ -400 đến -1100 tại vùng than Quảng Ninh.

- Khuyến khích các địa phương có các điểm than đầu tư thăm dò, để khai thác phục vụ cho nhu cầu tại chỗ.

- Tranh thủ các nguồn vốn để thăm dò đánh giá trữ lượng và nghiên cứu khả năng khai thác vùng than đồng bằng sông Hồng.

- Phát triển ngành Than ổn định, bền vững, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân; bảo đảm thị trường tiêu dùng than trong nước ổn định, dành một phần hợp lý xuất khẩu.

- Phát triển ngành Than phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác, sàng tuyển và phân phối than. Xây dựng lộ trình cổ phần hóa các công ty sản xuất than, tiến tới hình thành thị trường than.

c) Định hướng phát triển ngành dầu khí

- Phân định rõ giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh của các cơ quan quản lý và sản xuất kinh doanh trong ngành Dầu khí. Tập trung chức năng quản lý nhà nước về dầu khí vào một đầu mối.

- Xây dựng cơ sở pháp lý cho các hoạt động của ngành Dầu khí, đặc biệt quan tâm đến các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn, trong đó có các nhiệm vụ quan trọng của quản lý kinh tế và kỹ thuật trong ngành khí thiên nhiên như: cấp phép vận chuyển và phân phối khí, phê duyệt giá khí, phí vận chuyển, phân phối khí, các quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật…

- Khuyến khích và đẩy nhanh công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí; xây dựng một hệ thống tổ chức rõ ràng và hiệu quả để giám sát hợp đồng và xét trao thầu các lô thăm dò; định kỳ xem xét, điều chỉnh các điều khoản về tài chính để việc đầu tư thăm dò, phát triển dầu khí ở Việt Nam cạnh tranh được với các nước khác.

- Ưu tiên phát triển, khai thác và sử dụng khí thiên nhiên. Khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư thăm dò và khai thác các mỏ khí, đặc biệt là các mỏ khí có trữ lượng giới hạn biên. Đa dạng hóa hình thức đầu tư, liên doanh xây dựng nhà máy điện chạy khí để bán điện cho lưới điện quốc gia.

- Có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao để khai thác các mỏ dầu, khí có trữ lượng giới hạn biên.

- Chính sách trong lĩnh vực chế biến dầu khí:

+ Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia liên doanh góp vốn xây dựng các nhà máy lọc, hóa dầu, được tham gia thị trường phân phối sản phẩm với thị phần nhất định.

+ Thu hút các công ty kinh doanh sản phẩm dầu khí tham gia liên doanh phát triển các nhà máy lọc dầu để gắn sản xuất với tiêu thụ, điều hòa lợi nhuận giữa sản xuất và kinh doanh.

- Nhà nước khuyến khích và bảo hộ cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.

d) Định hướng phát triển năng lượng mới và tái tạo

- Về điều tra quy hoạch: các dạng năng lượng mới và tái tạo chưa được đánh giá đầy đủ, bởi vậy cần có kế hoạch và đầu tư thích đáng cho điều tra bổ sung các số liệu, tiến tới quy hoạch, phân vùng các dạng năng lượng này để có kế hoạch đầu tư, khai thác hợp lý. Lập các tổ chức chuyên trách, thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau để điều tra, xây dựng quy hoạch, kế hoạch. Thực hiện tuyên truyền, tổ chức nghiên cứu, chế thử và triển khai rộng khắp trên toàn lãnh thổ.

- Tăng cường tuyên truyền sử dụng các nguồn năng lượng mới và tái tạo để cấp cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng cơ chế quản lý để duy trì và phát triển các nguồn điện ở những khu vực này.

- Lồng ghép sử dụng năng lượng mới và tái tạo vào chương trình tiết kiệm năng lượng và các chương trình mục tiêu quốc gia khác như chương trình điện khí hóa nông thôn, trồng rừng, xóa đói giảm nghèo, nước sạch, VAC…

- Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở thích hợp để sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị năng lượng mới như đun nước nóng, thủy điện nhỏ, động cơ gió, hầm khí sinh vật… ở những nơi có điều kiện. Hợp tác mua công nghệ của các nước đã phát triển để lắp ráp các thiết bị công nghệ cao như pin mặt trời, điện gió… từng bước làm phù hợp và tiến tới lắp ráp, chế tạo trong nước.

- Hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng mới và tái tạo; ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật có giá trị.

- Cho phép các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng mới và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

4. Các chính sách

a) Chính sách bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Ưu tiên thực hiện chính sách bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng; khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước; giảm bớt phụ thuộc vào các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu; xuất nhập khẩu than hợp lý (trước mắt giảm lượng than xuất khẩu hàng năm); liên kết hệ thống năng lượng trong khu vực; mở rộng kho dự trữ xăng dầu; kết hợp an ninh năng lượng với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

b) Chính sách giá năng lượng

Chính sách giá năng lượng được coi là một trong những chính sách đột phá; nhanh chóng xóa bỏ độc quyền, bao cấp trong cả sản xuất và tiêu dùng năng lượng. Giá năng lượng cần được xác định phù hợp với cơ chế thị trường; Nhà nước điều tiết giá năng lượng thông qua chính sách thuế và các công cụ quản lý khác.

c) Chính sách đầu tư cho phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân.

Ưu tiên phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân. Khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn năng lượng; có chính sách bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng.

d) Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cần xác định những yêu cầu cụ thể về tiết kiệm đối với các ngành sử dụng nhiều năng lượng; khuyến khích việc ứng dụng thiết bị, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng.

đ) Chính sách bảo vệ môi trường

Chính sách bảo vệ môi trường nhằm thực hiện việc đảm bảo việc khai thác và sử dụng năng lượng với việc quản lý tốt môi trường; áp dụng các tiêu chuẩn môi trường tiên tiến hợp lý.

5. Các giải pháp thực hiện

a) Giải pháp về đầu tư phát triển

- Hoàn thiện tổ chức và quản lý các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam theo hướng Tập đoàn công nghiệp - thương mại - tài chính, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế, giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư phát triển năng lượng.

- Xem xét mở rộng việc thăm dò, khai thác năng lượng sơ cấp ở vùng biển đảo xa, vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực.

- Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng; ưu tiên hợp tác với các nước láng giềng (Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc); sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng khai thác từ nước ngoài.

- Công khai danh mục các dự án đầu tư; khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

b) Giải pháp về cơ chế tài chính

- Tăng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án năng lượng nông thôn, miền núi, hải đảo để góp phần phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo cho các khu vực này; xem xét thành lập quỹ phát triển năng lượng để hỗ trợ đầu tư cho phát triển năng lượng mới và tái tạo, thực hiện các dự án công ích.

- Ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay song phương khác của nước ngoài cho các dự án năng lượng như: tìm kiếm thăm dò, phát triển nguồn năng lượng mới tái tạo, năng lượng sinh học,…

c) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nghệ lành nghề; đào tạo bổ sung, đón đầu cho những ngành còn thiếu, còn yếu, nhất là các ngành năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, lọc hóa dầu, điện hạt nhân.

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí, than; sắp xếp lại các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, đào tạo theo hướng vừa tập trung, vừa chuyên sâu; phát triển đồng bộ tiềm lực khoa học - công nghệ, ứng dụng và cải tiến công nghệ nước ngoài, tiến tới sáng tạo công nghệ mới trong ngành năng lượng của Việt Nam.

- Đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng; tăng cường phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc vận động quần chúng triệt để tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường.

d) Giải pháp về cơ chế tổ chức

- Thực hiện tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở đảm bảo ổn định chính trị - xã hội.

- Ban hành mới đi đôi với sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật hiện hành để các doanh nghiệp năng lượng chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường; xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp.

Điều 2. Nhiệm vụ các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan

1. Bộ Công thương:

- Chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

- Chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển ngành năng lượng và các phân ngành năng lượng: điện, than, dầu khí theo từng chu kỳ phát triển kinh tế, xã hội.

- Chỉ đạo việc đánh giá và cập nhật nhu cầu năng lượng để có chương trình phát triển các công trình năng lực hợp lý, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của cả nước. Trong trường hợp có biến động lớn về nhu cầu và khả năng cung cấp các nguồn năng lượng, cần chủ động tính toán, đề xuất hiệu chỉnh kịp thời.

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Chỉ đạo việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng các nguồn tài nguyên năng lượng.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Phối hợp, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành cơ chế huy động và sử dụng vốn có hiệu quả cho đầu tư phát triển ngành năng lượng.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ:

Phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo triển khai các chương trình đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ trong lĩnh vực năng lượng theo hướng khuyến khích tiếp thu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và tiết kiệm năng lượng của thế giới.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo lập chương trình và tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân vận hành lành nghề, đặc biệt cho lĩnh vực điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển ngành năng lượng.

6. Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức và thực hiện tốt nội dung Chiến lược quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.