CHỈ THỊ
Về việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa” tại
các cơ quan hành chính các cấp ở địa phương
________________________
Thực hiện Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg ngày 24/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xử lý các vướng mắc kiến nghị của các nhân, tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính. Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, thời gian qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy định hướng dẫn tổ chức thực hiện giải quyết công việc cho tổ chức và công dân theo cơ chế “một cửa” tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Hiệu quả của cơ chế này đã bước đầu đáp ứng nhu cầu giải quyết kịp thời thuận tiện công việc cho tổ chức và công dân; cải thiện một bước mối quan hệ công việc giữa chính quyền và công dân... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan, đợn vị chưa nhận thức đúng đắn vai trò của công tác này, chưa chấp hành triệt để quy định của cấp trên, chưa thực hiện đúng các yêu cầu của cơ chế “một cửa” trong việc bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận và trả hồ sơ, niêm yết công khai các thủ tục hồ sơ; việc xác định công việc, thủ tục hành chính mẫu hóa văn bản, quy chế phối hợp,.. chưa rõ ràng, nên tổ chức và công dân khi có nhu cầu giải quyết công việc vẫn phải đi lại nhiều lần, gây ách tắc, chậm trễ, dẫn đến thắc mắc, khiếu nại, chưa tin cậy vào cung cách phục vụ của bộ máy công quyền.
Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là năm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chống tham nhũng của tỉnh; để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, thể hiện đúng tinh thần phục vụ nhân dân thông qua phát huy vai trò, hiệu quả của việc cải cách thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế “một cửa” nói riêng và công tác cải cách nói chung, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành:
1. Tổ chức bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (sau đây gọi là bộ phận “một cửa”) tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Từ năm 2007 trở đi, tất cả các công việc, thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến tổ chức và công dân đều phải thực hiện giải quyết theo cơ chế “một cửa”.
Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND cấp xã phải trực tiếp kiểm tra, kiện toàn, thiết lập ngay bộ phận “một cửa” tại cơ quan mình để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết công việc cho tổ chức và công dân theo đúng các văn bản quy định của cấp trên.
Bộ phận một cửa phải độc lập với bộ phận xử lý hồ sơ, có phòng làm việc tại nơi thuận tiện để công dân dễ liên hệ, đủ diện tích và phương tiện làm việc, có ghế ngồi đợi; treo bảng niêm yết đầy đủ, rõ ràng để tổ chức, công dân tự kiểm tra, tuân thủ các quy định về thủ tục giấy tờ trong hồ sở từng loại công việc, phí, lệ phí (nếu có), những công việc sẽ giải quyết ngay và công việc ghi giấy hẹn, thời gian giải quyết, thời gian biểu nhận hồ sơ và trả kết quả; họ tên người phụ trách bộ phận để công dân biết liên hệ khi phát hiện cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu.
Bộ phận “một cửa” tại các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện do Chánh hoặc Phó văn phòng phụ trách, tại UBND cấp xã do 01 Phó chủ tịchUBND cấp xã phụ trách; bố trí cán bộ công chức tiếp nhận, trả hồ sơ tại bộ phận một cửa, có phẩm chất đạo đức tốt, đảm bảo trình độ, năng lực, nắm vứng các yêu cầu về hồ sơ và có khả năng hướng dẫn việc hoàn thành hồ sơ.
Khi làm việc cán bộ, công chức nhận và trả hồ sơ phải đeo thẻ công chức; có thái độ niềm nở, tận tình giải thích khi tổ chức, công dân có yêu cầu. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân.
Kinh phí đầu tư, trang bị bộ phận “một cửa” thực hiện theo Thông tư số 99/2006/TT-BTC ngày 20/10/2006 của Bộ Tài chính.
Tại các xa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu số lượng hồ sơ nhu cầu giải quyết ít, chưa thật sự cần thiết lập bộ phận “một cửa” thì phải niêm yết công khai thủ tục hành chính những loại công việc thường giải quyết và bố trí một công chức thường xuyên trực nhận hồ sơ; đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phải có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân huyện biết lý do chưa tổ chức bộ phận “một cửa”.
2. Hệ thống hóa danh mục công việc và xác lập thủ tục hành chính:
Lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị phải chủ động và chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát tất cả các loại công việc liên quan đến thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan mình; tự bãi bỏ, sửa đổi hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi những thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Trên cơ sở đó, tiến hành hệ thống hóa thủ tục hành chính, biểu mẫu, phí, lệ phí, thời gian giải quyết cho từng loại công việc đảm bảo đơn giản, nhanh chóng thuận tiện, đúng pháp luật; thời gian giải quyết không chậm hơn trước. Châm nhất đến 31/3/2007, phải niêm yết đầy đủ thủ tục, hồ sơ tại bộ phận “một cửa”.
Giám đốc các sở, thủ trưởng các nhành: Tư pháp, Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch – Đầu tư, Lao động – TB&XH, Công an tỉnh, Cục thuế, ngoài việc tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa” tại các cơ quan mình phải chịu trách nhiệm hệ thống hóa danh mục công việc, xác lập thủ tục hành chính (mẫu hóa giấy tờ cần thiết trong hồ sơ, phân loại công việc giải quyết ngay và công việc phải ghị giấy hẹn, phí, lệ phí, thẩm quyền giải quyết) đối với từng loại công việc thuojc lĩnh vực chuyên môn ngành mình quản lý đang thực hiện ở cấp huyện, cấp xã; báo cáo Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh thẩm định, đề xuất UBND tỉnh quy định thực hiện thống nhất trong tỉnh; giúp UBND tỉnh tỉnh kiểm tra việc công khai thủ tục hành chính và chấp hành quy định về thực hiện cơ chế “một cửa”.
Chậm nhất đến ngày 31/2/2007 phải hoàn thành công việc này.
3. Ban hành quy chế phối hợp tại bộ phận “một cửa”:
Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, nhành tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp phải xây dựng quy chế phối hợp giải quyết công việc tại bộ phận “một cửa”; trong đó quy định cụ thể quy trình vận chuyển, thụ lý, trình ký và trả hồ sơ; phân định rõ trách nhiệm công chức khi hồ sơ bị ách tắc, trễ hẹn, chậm giải quyết; việc xử lý kỷ luật hoặc bồi thường khi công chức có vi phạm hoặc gây thiệt hại đến công việc của tổ chức và công dân.
Hồ sơ đầu đủ và đúng quy định thì phải tiếp nhận, giải quyết đúng yêu cầu, không được trả lại, trả chậm. Nếu không giải quyết được phải báo cáo cho cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp trên trực tiếp xử lý. Nếu trễ hạn trả kết quả vì lý do khách quan (trường hợp bất khả kháng) thì cơ quan phụ trách bộ phận “một cửa” phải có văn bản giải thích rõ lý do cho tổ chức, công dân đó biết, hẹn thời gian trả kết quả; thời gian hẹn không quá một nửa thời hạn quy định và chỉ được phép trễ hẹn 1 lần.
4. Thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”:
Đối với các công việc gắn với quyền lợi thiết thực của công dân hoặc thuộc chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh trong lĩnh vực đầu từ, cấp phép kinh doanh, đất đai, cấp phép xây dựng, chính sách xã hội..., có thủ tục hành chính rõ ràng, trình tự, thẩm quyền giải quyết liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cấp, không nhất thiết bắt buộc công dân phải đi lại nhiều lần, qua nhiều cửa thì phải xây dựng quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”.
Trong năm 2007, mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn từ 1-2 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông. Ở cấp tỉnh chọn Sở Kế hoạch – Đầu tư thực hiện cơ chế này. Cuối năm 2008 sơ kết rút kinh nghiệm và nhân rộng. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh phối hợp, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện.
5. Tổ chức thực hiện:
- Lập bộ phận thường trực chuyên trách giúp việc Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Bộ phận thường trực chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Thường trực ban chỉ đạo; có nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Sở nội vụ phối hợp với các Sở: Tư pháp, Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh chọn cử 01 cán bộ, công chức đảm bảo trình độ, năng lực biệt phái thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận thường trực do đơn vị quản lý công chức đảm bảo.
- Giao ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên kiểm tra đánh giá việc thực hiện của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Khi phát hiện sai phạm của cơ quan, công chức thì chủ động ra văn bản chấn chỉnh uốn nắn, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở; Trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã quán triệt Chỉ thị này đến cán bộ, công chức và có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện nghiêm tục; Báo Gia Lai, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh thông tin cho nhân dân biết, thwujc hiện và giám sát việc thực hiện./.