• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/11/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2011
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 60/2005/TT-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 10 tháng 10 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 56/2005/NĐ-CP

ngày 26/4/2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư

 

Ngày 26/4/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2005/NĐ-CP về khuyến nông, khuyến ngư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 56/2005/NĐ-CP như sau:

 

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông bao gồm: nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức khuyến nông.

2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khuyến nông và chính sách khuyến nông thực hiện theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

3. Định mức kinh tế, kỹ thuật về khuyến nông phải được điều chỉnh và phê duyệt kịp thời cho phù hợp với sự biến động của thị trường và sự phát triển của khoa học công nghệ; ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt; ở địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

4. Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Chương trình, đề án, dự án khuyến nông được lập để triển khai một hoặc một số nội dung hoạt động khuyến nông, có mục tiêu và đối tượng thụ hưởng cụ thể, có thời gian thực hiện và kinh phí xác định;

b) Chương trình, đề án, dự án khuyến nông quốc gia do Bộ Nông nghiệp và PTNT trực tiếp quản lý để triển khai các hoạt động khuyến nông theo chương trình khuyến nông Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Chương trình, đề án, dự án khuyến nông địa phương do Sở Nông nghiệp và PTNT trực tiếp quản lý để triển khai các hoạt động khuyến nông địa phương được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt;

d) Doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 56/2005/NĐ-CP được hiểu là: các hợp tác xã, các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm, thuỷ sản, kể cả nhà nông ở đô thị có hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ nông, nghề muối, chế biến, bảo quản nông, lâm sản, muối, ngành nghề nông thôn, ứng dụng chuyển giao công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn;

đ) Tổ chức tư vấn và dịch vụ khuyến nông theo Điều 7 Nghị định 56/2005/NĐ-CP là tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn và dịch vụ khuyến nông do các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập theo quy định của pháp luật.

e) Mô hình khuyến nông công nghệ mới là mô hình ứng dụng công nghệ chưa có ở Việt Nam để đi tắt đón đầu về khoa học công nghệ.

g) Mô hình khuyến nông công nghệ cao là mô hình vượt mô hình truyền thống, có hiệu quả và chất lượng cao hơn.

Phân II

NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

VÀ TỔ CHỨC KHUYẾN NÔNG

I. Nội dung hoạt động khuyến nông

Hoạt động khuyến nông theo các nội dung quy định tại chương II Nghị định số 56/2005/NĐ-CP được thực hiện thông qua các chương trình, đề án, dự án khuyến nông được phê duyệt.

Tuỳ thuộc vào chương trình, đề án, dự án khuyến nông để bố trí các nội dung khuyến nông sau đây:

1. Thông tin tuyên truyền

Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định số 56/2005/NĐ-CP, hướng dẫn cụ thể một số nội dung sau:

a) Thông tin thị trường bao gồm: sự biến động cung, cầu của hàng hoá xuất khẩu và thay thế nhập khẩu trên thị trường trong, ngoài nước; thông tin biến động giá cả và vận chuyển hàng hoá; công nghệ sản xuất và hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; các văn bản pháp luật thương mại; kết quả đàm phán ký kết thương mại; thông tin sản xuất, tiếp thị; xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hoá (tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ của hàng hoá); sự phát triển của thị trường nông sản trong điều kiện tự do hoá thương mại;

b) Thông tin đại chúng bao gồm: xây dựng kênh, chương trình, chuyên mục, trang tin khuyến nông trên đài truyền hình, đài phát thanh, các báo Trung ương, địa phương; trang Web, hộp thư điện tử khuyến nông (có sự tham gia của các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo, các doanh nghiệp nông nghiệp lâm nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, các tổ chức và cá nhân hoạt động khuyến nông);

c) Xuất bản các ấn phẩm khuyến nông đa dạng như tạp chí, tờ tin, tờ rơi, tranh ảnh, áp phích, băng, đĩa, sổ tay, sách kỹ thuật, danh bạ địa chỉ khuyến nông phục vụ nhu cầu của từng đối tượng hộ nông dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

2. Bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo

Ngoài các khoản 1, 2, 3 Điều 5 Nghị định số 56/2005/NĐ-CP, nội dung tập huấn, đào tạo bao gồm:

a) Xây dựng giáo trình, tài liệu khuyến nông các cấp với các nội dung nâng cao kiến thức kỹ thuật, quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất, kỹ năng tiếp thị và phổ biến kiến thức pháp luật cho nông dân;

b) Tổ chức các lớp dạy nghề và cấp chứng nhận cho học viên.

3. Xây dựng mô hình và chuyển giao khoa học công nghệ

Ngoài nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 6 Nghị định số 56/2005/NĐ-CP, nội dung xây dựng mô hình và chuyển giao khoa học công nghệ bao gồm:

a) Tổng kết các mô hình tốt trong thực tiễn sản xuất, chế biến, lưu thông, tiếp thị để tuyên truyền nhân ra diện rộng;

b) Xây dựng các loại mô hình khuyến nông đa dạng cho hộ tiểu nông, hộ trang trại, hộ nông, lâm trường, chủ doanh nghiệp nông lâm nghiệp, nhà nông ở đô thị;

c) Xây dựng các loại mô hình nông, lâm nghiệp công nghệ mới, công nghệ cao ở các mức khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế và sinh thái địa phương.

II. Phương thức hoạt động khuyến nông

1. Xây dựng, trình duyệt chương trình, đề án, dự án khuyến nông

a) Ở Trung ương: Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt các chương trình, đề án, dự án khuyến nông ngắn hạn, dài hạn cấp quốc gia. Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể hàng năm.

b) Ở địa phương: Sở Nông nghiệp và PTNT, phòng kinh tế huyện xây dựng và trình UBND cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt các chương trình, đề án, dự án khuyến nông ngắn hạn, dài hạn ở địa phương. Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể hàng năm.

2. Tổ chức triển khai hoạt động khuyến nông

a) Trung tâm khuyến nông quốc gia trực tiếp tổ chức triển khai các chương trình, đề án, dự án khuyến nông ngắn hạn, dài hạn cấp Quốc gia, cấp vùng theo kế hoạch đã được duyệt.

b) Trung tâm khuyến nông cấp tỉnh, trạm khuyến nông cấp huyện tổ chức triển khai các chương trình, đề án, dự án khuyến nông ngắn hạn, dài hạn cấp tỉnh, cấp huyện theo kế hoạch đã được duyệt.

3. Bồi dưỡng,tập huấn và đào tạo khuyến nông

a) Lớp bồi dưỡng, tập huấn cho nông dân và cán bộ khuyến nông tổ chức tại cơ sở không quá 10 ngày.

b) Lớp dạy nghề cho nông dân không quá 30 ngày.

4. Xây dựng mô hình khuyến nông

a) Mô hình trình diễn về những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị lần đầu giới thiệu vào sản xuất tại địa phương quy mô cho 1 điểm trình diễn như sau:

- Cây trồng ngắn ngày không quá 5 ha;

- Cây trồng dài ngày không quá 10 ha;

- Cây lâm nghiệp không quá 15 ha;

- Gia súc lớn không quá 20 con;

- Gia súc nhỏ không quá 50 con;

- Gia cầm, thuỷ cầm không quá 200 con;

- Thiết bị bảo quản, chế biến không quá 10 hộ;

- Thuỷ nông theo đối tượng cây trồng ngắn ngày và dài ngày như trên;

- Ngành nghề nông thôn, nghề muối không quá 30 hộ;

- Cơ giới hoá cây trồng không quá 10 hộ;

- Cơ giới hoá chăn nuôi không quá 30 hộ.

b) Chuyển giao mô hình ra diện rộng bao gồm các hoạt động: sơ kết, tổng kết, đánh giá các mô hình, tổ chức thăm quan, trao đổi, hội thảo đầu bờ, tuyên truyền phổ biến kết quả mô hình bằng các phương tiện thích hợp.

c) Mô hình công nghệ mới, công nghệ cao theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

5. Tư vấn, dịch vụ khuyến nông

Căn cứ vào điều kiện cụ thể để lựa chọn các hình thức tư vấn, dịch vụ dưới đây:

a) Hội đồng tư vấn khuyến nông cấp Bộ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập; Hội đồng tư vấn khuyến nông cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập; Hội đồng tư vấn khuyến nông cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập;

b) Trung tâm, văn phòng, điểm tư vấn, dịch vụ khuyến nông do các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông thành lập;

c) Xây dựng chuyên mục, hộp thư diễn đàn tư vấn khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng và ở các địa điểm thuận lợi cho nông dân giao dịch;

d) Liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện vai trò cầu nối tư vấn dịch vụ khuyến nông đáp ứng nhu cầu của nông dân;

e) Dịch vụ vật tư nông, lâm nghiệp và vật tư kỹ thuật theo hợp đồng kinh tế.

6. Theo quy mô của chương trình, đề án, dự án khuyến nông triển khai các phương thức sau đây:

a) Các Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến nông do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phân công; Sở Nông nghiệp và PTNT cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến nông do Chủ tịch UBND tỉnh phân công;

b) Trung tâm khuyến nông Quốc gia trực tiếp triển khai các chương trình, đề án, dự án khuyến nông cấp Quốc gia được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt;

c) Trung tâm khuyến nông cấp tỉnh trực tiếp triển khai các chương trình, đề án, dự án khuyến nông cấp tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt;

d) Trạm khuyến nông cấp huyện trực tiếp triển khai các chương trình, đề án, dự án khuyến nông được UBND huyện phê duyệt;

đ) Các tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động khuyến nông theo phương thức tự nguyện thực hiện theo Điều 12 Nghị định số 56/2005/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

e) Hộ nông dân và các tổ chức, cá nhân tự thực hiện theo các chương trình, đề án, dự án khuyến nông được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và các hoạt động khuyến nông khác theo nhu cầu.

II. TỔ CHỨC KHUYẾN NÔNG

1. Ở Trung ương

Trung tâm khuyến nông Quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm khuyến nông Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

2. Ở cấp tỉnh

Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của tổ chức khuyến nông, khuyến ngư địa phương được quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định 56/2005/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

- Tổ chức khuyến nông ở cấp tỉnh là Trung tâm khuyến nông hoặc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Trung tâm khuyến nông cấp tỉnh chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT; đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm khuyến nông Quốc gia.

- Về biên chế cần có đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng cán bộ để đáp ứng yêu cầu thực hiện các hoạt động khuyến nông tại địa phương.

3. Ở cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện)

- Xây dựng Trạm khuyến nông hoặc Trạm khuyến nông, khuyến ngư;

- Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định Trạm khuyến nông thuộc Trung tâm khuyến nông tỉnh hoặc UBND cấp huyện quản lý; số lượng, cơ cấu cán bộ của Trạm khuyến nông được bố trí phù hợp với nhu cầu khuyến nông trên địa bàn huyện.

4. Tổ chức khuyến nông cơ sở

- Mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 nhân viên khuyến nông. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, các xã đa ngành nghề có thể bố trí từ 02 nhân viên khuyến nông trở lên;

- Ở thôn, bản, phum, sóc có cộng tác viên khuyến nông. Cộng tác viên khuyến nông có thể là cán bộ kiêm nhiệm như trưởng thôn, trưởng bản, đội trưởng sản xuất, thành viên của tổ chức quần chúng hoặc là người được nông dân tín nhiệm đề cử;

- Nhân viên khuyến nông ở các xã đồng bằng phải có trình độ từ trung cấp trở lên; ở các xã vùng sâu, vùng xa ít nhất có trình độ phổ thông trung học trở lên hoặc là nông dân có kinh nghiệm sản xuất, có uy tín và khả năng khuyến nông;

- Nhân viên khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông do UBND cấp xã tuyển chọn và quản lý, đồng thời có sự hướng dẫn chuyên môn của Trạm khuyến nông cấp huyện.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ở Trung ương

a) Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến nông và phân công các Cục chuyên ngành trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước các lĩnh vực khuyến nông cụ thể như sau:

- Cục Nông nghiệp quản lý nhà nước về khuyến nông trồng trọt, khuyến nông chăn nuôi;

- Cục Lâm nghiệp quản lý nhà nước về khuyến lâm;

- Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối quản lý nhà nước về khuyến nông trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm sản, muối, cơ điện nông nghiệp, ngành nghề nông thôn và nghề muối;

- Cục Thuỷ lợi quản lý nhà nước về khuyến nông lĩnh vực thuỷ lợi;

- Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về khuyến nông xây dựng mô hình nông thôn mới;

b) Nội dung quản lý nhà nước về khuyến nông của các Cục chuyên ngành bao gồm:

- Xây dựng các chương trình, đề án, dự án khuyến nông ngắn hạn, dài hạn trình Bộ trưởng;

- Thẩm định và trình duyệt kế hoạch khuyến nông hàng năm;

- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách khuyến nông;

- Phối hợp cùng Thanh tra Bộ thực hiện việc thanh tra, kiểm tra khuyến nông;

- Hợp tác quốc tế về khuyến nông;

- Xác định các tiến bộ khoa học và công nghệ để chuyển giao.

c) Trung tâm khuyến nông Quốc gia

- Tổng hợp, đề xuất các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch khuyến nông thông qua các Cục chuyên ngành và Hội đồng tư vấn khuyến nông Quốc gia thẩm định;

- Tổ chức thực hiện các kế hoạch khuyến nông quốc gia được Bộ trưởng phê duyệt;

- Phối hợp với các tổ chức, cá nhân hoạt động khuyến nông trong và ngoài nước để tăng cường các nguồn lực đầu tư và triển khai các chương trình, đề án, dự án khuyến nông;

- Quản lý sử dụng nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương đúng đối tượng và quy định của pháp luật.

2. Ở địa phương

a) Sở Nông nghiệp và PTNT cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến nông trong phạm vi tỉnh.

b) UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến nông trên địa bàn huyện.

c) UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến nông trên địa bàn xã. Nhân viên khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông trực tiếp thực hiện các hoạt động khuyến nông do UBND xã và các tổ chức, cá nhân khác triển khai.

d) Trung tâm khuyến nông tỉnh và Trạm khuyến nông huyện trực tiếp triển khai các chương trình, đề án, dự án khuyến nông của địa phương, Trung ương trên địa bàn.

Phần IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.