• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/10/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 14/10/2018
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 27/2005/QĐ-BGD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 29 tháng 8 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỚNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương

"Vì sự nghiệp giáo dục"

 

BỘ TRƯỚNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng số 15/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 26/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục";

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 1708/GD-ĐT ngày 19 tháng 5 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế xét tặng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục".

Điều 3. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ và các tổ chức trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

 

XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG "VÌ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC"

(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/08/2005

của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định đối tượng, tiêu chuẩn và thủ tục xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục".

2. Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" (sau đây gọi tắt là Kỷ niệm chương) là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để ghi nhận công lao của các cá nhân đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước.

Điều 2. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương

1. Kỷ niệm chương được tặng một lần cho cá nhân, không có hình thức truy tặng.

2. Việc xét tặng Kỷ niệm chương phải được thực hiện đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình được quy định tại Quy chế này, đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai.

3. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương được nhận Kỷ niệm chương theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Cá nhân đã được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" ban hành theo Quyết định số 1707/GD-ĐT ngày 19 tháng 5 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định của Quy chế này.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 3. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương

1. Kỷ niệm chương xét tặng cho cán bộ, công chức, nhà giáo, công nhân viên đang công tác trong ngành giáo dục, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, nhà giáo, công nhân viên đang công tác trong các đại học, trường học, học viện, viện, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, tại các cơ quan quản lý chỉ đạo, nghiên cứu giáo dục và các đơn vị trực tiếp phục vụ thuộc ngành giáo dục;

b) Cán bộ, công chức, nhà giáo, công nhân viên công tác trong các đại học, trường học, học viện, viện, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, tại các cơ quan quản lý chỉ đạo, nghiên cứu giáo dục và các đơn vị trực tiếp phục vụ thuộc ngành giáo dục đã nghỉ hưu hoặc nghỉ việc theo chế độ nhà nước quy định;

c) Cán bộ, công chức, nhà giáo, công nhân viên công tác trong các đại học, trường học, học viện, viện, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, tại các cơ quan quản lý chỉ đạo, nghiên cứu giáo dục và các đơn vị trực tiếp phục vụ thuộc ngành giáo dục, nhưng đã chuyển công tác sang ngành khác.

2. Cá nhân ngoài ngành giáo dục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo

3. Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Việt Nam.

Điều 4. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương

1. Đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy chế này:

a) Cá nhân phải có thời gian công tác trong ngành giáo dục từ 20 năm trở lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

b) Cá nhân là Anh hùng Lao động, chiến sỹ thi đua toàn quốc, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú hoặc có công trình nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương ngay sau khi có quyết định khen thưởng;

c) Các trường hợp được xét tặng sớm hơn thời gian quy định tại điểm a, khoản 1 của Điều này bao gồm:

- Cá nhân làm việc tại địa bàn đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì thời gian làm việc thực tế tại địa bàn trên được nhân với hệ số 1,5 để tính thời gian công tác trong ngành giáo dục.

- Cá nhân có thời gian công tác trong ngành giáo dục đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" hoặc "Giáo viên giỏi cấp cơ sở" thì thời gian đạt danh hiệu được nhân với hệ số 1,5 để tính thời gian công tác trong ngành giáo dục.

- Cá nhân có thời gian công tác trong ngành giáo dục đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua" hoặc "Giáo viên giỏi" cấp Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì thời gian đạt danh hiệu được nhân với hệ số 2,0 để tính thời gian công tác trong ngành giáo dục.

d) Cá nhân đang công tác trong ngành giáo dục được cử đi học hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó tiếp tục nhận công tác trong ngành giáo dục thì thời gian đi học hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự được tính là thời gian công tác trong ngành để xét tặng Kỷ niệm chương;

đ) Cá nhân có đủ thời gian công tác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng bị kỷ luật từ mức khiển trách đến dưới mức buộc thôi việc, chỉ được xét tặng Kỷ niệm chương sau 2 năm, tính từ thời điểm có quyết định xóa kỷ luật. Thời gian chịu kỷ luật không được tính để xét tặng Kỷ niệm chương.

e) Cá nhân bị hình thức kỷ luật buộc thôi việc, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến các vụ án hình sự mà chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được xét tặng Kỷ niệm chương.

2. Đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy chế này, phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Cá nhân đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể từ đủ một nhiệm kỳ trở lên, có công lao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của ngành giáo dục;

b) Cá nhân có công trình nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, có giá trị thiết thực phục vụ cho sự nghiệp giáo dục;

c) Cá nhân có công lao đóng góp xây dựng, ủng hộ tài chính, hiện vật để tăng cường cơ sở vật chất cho ngành giáo dục được Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan quản lý giáo dục xác nhận.

3. Đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quy chế này, phải có công lao đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước Việt Nam, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa ngành giáo dục Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

Chương III

QUY TRÌNH ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 5. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy chế này

1. Có bản tóm tắt thành tích (theo mẫu 2A).

2. Các trường, đơn vị thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo tập hợp, xác nhận hồ sơ cá nhân, tổng hợp danh sách. Hội đồng Thi đua, Khen thưởng của đơn vị căn cứ tiêu chuẩn xét, lập hồ sơ gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo.

3. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) tập hợp hồ sơ. Hội đồng Thi đua Khen thưởng căn cứ tiêu chuẩn xét, lập hồ sơ gửi Sở Giáo dục và Đào tạo.

4. Hiệu trưởng các trường, Thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục, thành phố trực thuộc tỉnh tập hợp, xác nhận hồ sơ cá nhân. Hội đồng Thi đua Khen thưởng của đơn vị căn cứ tiêu chuẩn xét, lập hồ sơ gửi Sở Giáo dục và Đào tạo.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) tiếp nhận hồ sơ của các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện và các trường, đơn vị trực thuộc tỉnh. Hội đồng Thi đua Khen thưởng căn cứ tiêu chuẩn xét duyệt, lưu hồ sơ, lập danh sách các cá nhân đủ tiêu chuẩn, làm văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Các đại học, học viện, viện, trường, đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tập hợp, xác nhận hồ sơ của cá nhân để Hội đồng Thi đua Khen thưởng của đơn vị căn cứ tiêu chuẩn xét duyệt, lập danh sách các cá nhân đủ tiêu chuẩn, lập hồ sơ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc các Bộ, ban, ngành và đại học quốc gia tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, xác nhận, tập hợp hồ sơ để Hội đồng Thi đua Khen thưởng của đơn vị xét duyệt, lập danh sách các cá nhân đủ tiêu chuẩn, báo cáo Bộ, Ban, ngành chủ quản và đại học quốc gia. Bộ, Ban ngành chủ quản và đại học quốc gia tổng hợp danh sách các cá nhân đủ tiêu chuẩn, làm văn bản (có hồ sơ kèm theo) gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 3 có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này, thuộc cơ quan, tổ chức nào, làm hồ sơ cá nhân nộp tại cơ quan, tổ chức đó. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận lập hồ sơ của cá nhân, làm văn bản gửi cơ quan nhận hồ sơ theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 của Điều này. Trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể thì cơ quan, tổ chức kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức trước đây, hoặc cơ quan cấp trên lập hồ sơ và làm văn bản đề nghị xét tặng.

Điều 6. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy chế này

1. Có bản tóm tắt thành tích (theo mẫu 2B).

2. Sở Giáo dục và Đào tạo tập hợp, xác nhận hồ sơ, lập danh sách các cá nhân có đủ tiêu chuẩn quy định và được các cơ quan, cơ sở giáo dục đào tạo đề nghị, báo cáo Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, làm văn bản (có hồ sơ kèm theo) gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo lập hồ sơ, danh sách các cá nhân đủ tiêu chuẩn (nếu có) làm văn bản (có hồ sơ kèm theo) gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc các Bộ, ban, ngành và đại học quốc gia lập hồ sơ các cá nhân đủ tiêu chuẩn, (nếu có) tập hợp hồ sơ, báo cáo Bộ, Ban, ngành chủ quản, đại học quốc gia. Bộ, Ban ngành chủ quản và đại học quốc gia tổng hợp danh sách, làm văn bản (có hồ sơ kèm theo) gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Đối với cá nhân là người Việt Nam công tác ở nước ngoài, cùng với quy trình được quy định trên đây của điều này, tùy theo đối tượng cụ thể, phải được một trong các cơ quan sau: cơ quan đại diện ngoại giao, cấp ủy của ta ở địa bàn sở tại, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Ban cán sự Đảng ngoài nước có ý kiến đề nghị.

Điều 7. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quy chế này.

1. Sở Giáo dục và Đào tạo lập hồ sơ, báo cáo xin ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, làm văn bản đề nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo lập hồ sơ làm văn bản đề nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Cơ quan quản lý đào tạo của các Bộ, ban, ngành và đại học quốc gia lập hồ sơ, Bộ chủ quản, đại học quốc gia có văn bản đề nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có trách nhiệm xem xét, xin ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và phối hợp với Thường trực Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ kiểm tra, hoàn tất hồ sơ, trình Bộ trưởng quyết định.

Điều 8. Đối với các nhà giáo kháng chiến, nhà giáo đi B, C, K trong thời kỳ 1954 - 1975 và các trường hợp đặc biệt khác, Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng ngành có trách nhiệm đề xuất, lập hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.

Chương IV

HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 9. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương

1. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương cho các cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy chế này.

a) Hồ sơ của cá nhân:

- Bản tóm tắt thành tích cá nhân (theo mẫu 2A) viết rõ ràng, không tẩy xóa;

- Bản sao các quyết định (hoặc giấy chứng nhận) đạt danh hiệu thi đua.

b) Hồ sơ của trường đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo:

- Công văn đề nghị (theo mẫu 1C);

- Danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu 3A);

- Hồ sơ của các cá nhân được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.

c) Hồ sơ của Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Công văn đề nghị (theo mẫu 1B);

- Danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu 3A);

- Hồ sơ của các cá nhân được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.

d) Hồ sơ của Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Công văn đề nghị (theo mẫu 1A);

- Danh sách các cá nhân được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu 3A) và đĩa mềm có ghi danh sách này bằng phông chữ Vntime, Microsoft Word.

đ) Hồ sơ của các đại học, học viện, viện, trường, đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Công văn đề nghị (theo mẫu 1A);

- Danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu 3A) và đĩa mềm có ghi danh sách này bằng phông chữ Vntime, Microsoft Word;

- Hồ sơ của các cá nhân được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.

e) Hồ sơ của Bộ, ban, ngành, đại học quốc gia đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Công văn đề nghị (theo mẫu lA);

- Danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu 3A) và đĩa mềm có ghi danh sách này bằng phông chữ VnTime, Microsoft Word.

2. Hồ sơ của Bộ, ban, ngành, đại học quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy chế này:

a) Công văn đề nghị (theo mẫu 1A);

b) Danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu 3A) và đĩa mềm có ghi danh sách này bằng phông chữ VnTime, Microsoft Word;

c) Hồ sơ của các cá nhân được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương, trong đó có các bản thành tích cá nhân (theo mẫu 2B);

Riêng đối với cá nhân là người Việt Nam công tác ở nước ngoài, trong hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì tùy theo đối tượng cụ thể được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương, còn phải có ý kiến của một trong các cơ quan sau: cơ quan đại diện ngoại giao, cấp ủy ở địa bàn sở tại, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Cán sự Đảng ngoài nước.

3. Hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quy chế này bao gồm:

a) Công văn đề nghị (theo mẫu 1A);

b) Sơ yếu lý lịch, thành tích của cá nhân (theo mẫu 2C);

c) Ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an.

Điều 10. Thời gian nộp hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương

1. Kỷ niệm chương được xét tặng hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11);

2. Hàng năm, các đại học, học viện, trường, các cơ quan, đơn vị và tổ chức trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ban, ngành, đại học quốc gia lập hồ sơ và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15 tháng 8. Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua, Khen thưởng của Bộ có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định tặng Kỷ niệm chương.

3. Đối với các cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 của Quy chế này và trường hợp đặc biệt khác thì không nhất thiết phải thực hiện theo quy định này.

Chương V

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ XÉT TẶNG

KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 11. Xử lý vi phạm về xét tặng Kỷ niệm chương

1. Cá nhân nào báo cáo không trung thực về các tiêu chuẩn quy định để được xét tặng Kỷ niệm chương thì bị thu hồi Kỷ niệm chương, giấy chứng nhận.

2. Hội đồng Thi đua Khen thưởng ngành giáo dục có trách nhiệm xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc thu hồi Kỷ niệm chương

Điều 12. Giải quyết khiếu nại về xét tặng Kỷ niệm chương

Trình tự, thủ tục, thời hạn và thẩm quyền khiếu nại về việc xét tặng Kỷ niệm chương thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Hiển

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.