CHỈ THỊ
Về tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm và
nhanh chóng khôi phục phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm
________________________
Từ khi công bố hết dịch cúm gia cầm trên phạm vi cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp giám sát dịch bệnh, kiểm soát đàn gia cầm giống, chẩn đoán, xét nghiệm, kiểm dịch vận chuyển, giết mổ gia cầm nên cơ bản dịch đã được khống chế, không để tái phát trở lại. Tuy nhiên, ở một số địa phương đã chủ quan, buông lỏng việc chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm đã được quy định trong Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ. Một số nơi đã phát hiện gia cầm ốm chết, kể cả cơ sở giống có phát hiện huyết thanh dương tính đối với vi rút cúm gia cầm, đây là nguy cơ tiềm ẩn dịch tái phát. Để tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống dịch và nhanh chóng khôi phục, phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Các địa phương chủ động kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đã được phân bổ tại Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm và khôi phục phát triển sản xuất sau dịch, kể cả việc hỗ trợ tiêu huỷ gia cầm ở nơi phát hiện gia cầm ốm, chết. Chỉ đạo ngăn chặn ngay từ đầu, nếu có dịch phải bao vây, khống chế kịp thời, không để dịch tái phát.
2. Đối với các vùng trước đây đã xảy ra dịch bệnh và các vùng có nguy cơ tiềm ẩn dịch, phải tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt như vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn diện, triệt để chuồng trại, phân rác, nơi tiêu huỷ... Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình chỉ nuôi trở lại khi đã bảo đảm vệ sinh thú y và thời gian quy định; nếu phát hiện có gia cầm ốm chết thì phải báo cáo kịp thời cho cơ quan thú y và tiến hành tiêu huỷ theo sự hướng dẫn của cơ quan thú y.
3. Các địa phương phải chỉ đạo, kiểm tra việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho khôi phục, phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm ở địa phương. Việc hỗ trợ phải đúng đối tượng, đúng mục đích; trước hết, tiền hỗ trợ con giống phải trực tiếp đến người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh để có điều kiện nhanh chóng khôi phục đàn gia cầm. Chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi thuộc doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi giống gia cầm nhân nhanh giống, kể cả việc nhập khẩu giống tốt, không nhiễm bệnh, sớm có đủ giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi, không để tăng giá con giống do đầu cơ.
4. Các cơ sở sản xuất giống gia cầm đã được Nhà nước hỗ trợ bảo vệ và khôi phục đàn giống có kế hoạch sản xuất, mở rộng việc nhân giống, bảo đảm cung cấp đủ con giống, có chất lượng, không nhiễm bệnh, với giá cả phù hợp và tự chịu trách nhiệm về chất lượng con giống khi đưa ra thị trường.
5. Đối với giống gia cầm nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch thú y theo đúng quy định hiện hành.
6. Công tác kiểm dịch vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, đặc biệt vận chuyển ra khỏi ổ dịch, các vùng có nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh, phải thực hiện theo các quy định pháp luật về thú y, không gây phiền hà, ách tắc lưu thông vận chuyển.
7. Bộ Văn hoá - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo việc đưa tin tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác để nhân dân biết, chủ động phòng chống dịch và sử dụng sản phẩm, không làm hoang mang gây thiệt hại sản xuất chăn nuôi gia cầm, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.