• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 23/05/2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 12/2014/TT-BNNPTTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 8 tháng 4 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định biểu trưng, cờ hiệu, cờ truyền thống, trang phục, mẫu thẻ kiểm ngư và màu sơn tàu, xuồng kiểm ngư

_____________________________

 

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định s 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định biểu trưng, cờ hiệu, cờ truyền thống, trang phục, mẫu thẻ Kiểm ngư và màu sơn tàu, xuồng Kiểm ngư.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định biểu trưng, cờ hiệu, cờ truyền thống, trang phục, mẫu thẻ Kiểm ngư và màu sơn tàu, xuồng Kiểm ngư thuộc lực lượng Kiểm ngư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với lực lượng Kiểm ngư; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động Kiểm ngư.

Chương II

BIỂU TRƯNG, CỜ HIỆU, CỜ TRUYỀN THỐNG, MẪU THẺ KIỂM NGƯ

Điều 3. Biểu trưng Kiểm ngư

1. Biểu trưng Kiểm ngư có hình tròn màu xanh, phía trên có dòng chữ in hoa “KIỂM NGƯ VIỆT NAM”, bên trong là biểu tượng Cờ đỏ sao vàng, phía dưới là hình tượng mỏ neo và hình ảnh tàu đang rẽ sóng; sóng được cách điệu thành hình đàn cá.

2. Mẫu biểu trưng Kiểm ngư được quy định tại Mục 1; Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Cờ hiệu, cờ truyền thống

1. Cờ hiệu Kiểm ngư được làm bằng vải màu xanh nước biển có hình tam giác cân, tỷ lệ cạnh đáy bằng 2/3 (hai phần ba) chiều cao, hai cạnh bên có viền màu vàng; ở giữa cờ có biểu trưng Kiểm ngư, viền ngoài của biểu trưng có màu trắng (đường kính biểu trưng bằng 2/3 (hai phần ba) so với cạnh đáy). Kích thước cờ hiệu như sau:

a) Cờ hiệu gắn trên các phương tiện ô tô, xuồng có cạnh đáy dài 28 cm;

b) Cờ hiệu gắn trên tàu Kiểm ngư chiều dài dưới 50 m, có cạnh đáy dài dưới 64 cm;

c) Cờ hiệu gắn trên tàu Kiểm ngư chiều dài từ 50 m trở lên, có cạnh đáy dài 80 cm;

d) Mẫu cờ hiệu Kiểm ngư theo quy định tại Mục 2, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Cờ truyền thống của Kiểm ngư được làm bằng vải màu xanh nước biển có hình chữ nhật, dọc theo cạnh bên trái có viền vàng tua nhiễu; ở giữa cờ có biểu trưng Kiểm ngư (đường kính biểu trưng bằng 1/2 (một phần hai) chiều rộng cờ), viền ngoài của biểu trưng có viền trắng, phía trên biểu trưng Kiểm ngư có dòng chữ in hoa “BẢO VỆ NGUỒN LỢl THỦY SẢN” màu trắng được đặt cân đối.

Cờ truyền thống của Cục Kiểm ngư có kích thước: Chiều rộng 120 cm, chiều dài 180 cm; phía dưới biểu trưng Kiểm ngư có còng chữ in hoa "CỤC KIỂM NGƯ" màu trắng được đặt cân đối.

Cờ truyền thống của Chi cục Kiểm ngư Vùng có kích thước: Chiều rộng 100 cm, chiều dài 150 cm; phía dưới biểu trưng Kiểm ngư có ghi dòng chữ in hoa "CHI CỤC KIỂM NGƯ VÙNG ...” màu trắng được đặt cân đối.

Dòng chữ trên cờ có chiều cao bằng 1/10 (một phần mười) chiều rộng của cờ.

Mẫu cờ truyền thống theo quy định tại Mục 3, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Mẫu thẻ Kiểm ngư

Thẻ kiểm ngư được làm bằng giấy có chiều rộng 6 cm, chiều dài 9 cm; gồm hai mặt:

a) Mặt trước nền màu đỏ, ở giữa có hình Quốc huy, phía trên có ghi Quốc hiệu Việt Nam “CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” kiểu chữ in hoa đậm màu vàng, phía dưới có dòng chữ “THẺ KIỂM NGƯ” kiểu chữ in hoa đậm màu vàng;

b) Mặt sau có màu hồng in hoa văn, ghi thông tin về đối tượng được cấp thẻ, thời điểm cấp thẻ và cơ quan cấp thẻ;

c) Mẫu thẻ Kiểm ngư theo quy định tại Mục 4, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương III

TRANG PHỤC KIỂM NGƯ VÀ QUY ĐỊNH TRANG BỊ, CẤP PHÁT

Điều 6. Trang phục Kiểm ngư

Trang phục Kiểm ngư bao gồm:

1. Quần, áo Kiểm ngư:

a) Quần, áo mùa đông;

b) Quần, áo mùa hè;

c) Lễ phục (đông, hè);

d) Áo sơ mi dài tay;

đ) Áo giao mùa;

e) Áo ấm mùa đông;

g) Juyp nữ;

h) Quần, áo lót (ngắn và dài tay).

2. Mũ Kiểm ngư:

a) Mũ kê pi;

b) Mũ mềm;

c) Mũ chống va đập;

d) Mũ lễ phục.

3. Các trang bị khác:

a) Kiểm ngư hiệu;

b) Cấp hiệu;

c) Biển tên;

d) Phù hiệu ve áo;

đ) Phù điêu;

e) Bộ quần, áo mưa;

g) Caravat;

h) Dây lưng;

i) Giầy da;

k) Dép quai hậu;

l) Bít tất;

m) Cặp công tác;

n) Sổ công tác;

o) Chăn cá nhân;

p) Màn cá nhân;

q) Khăn mặt;

t) Chiếu cá nhân;

s) Gối cá nhân;

r) Va li kéo;

v) Quần, áo bảo hộ lao động,

Điều 7. Chất liệu và quy cách quần áo Kiểm ngư

1. Chất liệu và màu sắc

Quần, áo kiểm ngư được may bằng vải có màu sắc quy định cụ thể:

a) Quần, áo mùa đông, juyp nữ, áo lót dài tay có màu ghi sẫm;

b) Áo mùa hè, áo giao mùa có màu ghi sáng;

c) Áo sơ mi dài tay, màn cá nhân, áo lót ngắn tay có màu trắng;

d) Quần và áo lễ phục (đông, hè) có màu kem.

2. Quy cách quần, áo của nam

a) Quần, áo mùa đông: Kiểu áo khoác bốn túi, vai có bốn đỉa để đeo cấp hiệu, tay áo bên trái gắn phù điêu Kiểm ngư;

b) Áo sơ mi dài tay: Kiểu cổ đứng, tay có măng séc, có túi ngực không nắp bên trái;

c) Áo mùa hè: Kiểu áo ngắn tay cổ đứng, có hai túi ngực, vai áo có bốn đỉa để đeo cấp hiệu, tay áo bên trái gắn phù điêu Kiểm ngư;

d) Quần; áo giao mùa: Quy cách tương tự áo mùa hè của nam nhưng dài tay;

đ) Áo ấm mùa đông: Là kiểu áo khoác lửng dài tay, có măng séc cài khuy, vai áo có bốn đỉa để đeo cấp hiệu, tay áo bên trái gắn phù điêu Kiểm ngư;

e) Quần: Kiểu quần âu, có một ly dọc thân trước;

g) Áo lễ phục mùa đông: Kiểu áo khoác ngoài tay dài, hai hàng cúc, vai áo có đỉa đeo cầu vai, tay áo bên trái gắn phù điêu Kiểm ngư;

h) Quần lễ phục mùa đông: Theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều này;

i) Áo lễ phục mùa hè: Kiểu áo khoác ngoài tay ngắn, thân trước một hàng cúc, vai áo có đỉa đeo cầu vai, tay áo bên trái gắn phù điêu Kiểm ngư;

k) Quần lễ phục mùa hè: Theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều này.

3. Quy cách quần, áo của nữ

a) Áo mùa đông: Tương tự như áo mùa đông của nam nhưng có chiết ly, không có túi ngực;

b) Áo sơ mi dài tay: Kiểu cố đứng, thân có chiết Iy eo;

c) Áo mùa hè: Kiểu áo ngắn tay cổ đứng, có chiết ly eo, vai áo có đỉa để đeo cấp hiệu, tay áo bên trái gắn phù điêu Kiểm ngư;

đ) Áo giao mùa: Quy cách tương tự áo mùa hè của nữ nhưng dài tay;

đ) Áo ấm mùa đông: Là kiểu áo khoác lửng dài tay, vai áo có bốn đỉa để đeo cấp hiệu, tay áo bên trái gắn phù điêu Kiểm ngư;

e) Quần: Kiểu quần âu nữ, thân trước không xếp ly, thân sau xếp ly chìm;

g) Juyp nữ: Kiểu cạp liền, thân trước xếp hai ly chìm, thân sau có khóa;

h) Áo lễ phục mùa đông: Kiểu áo khoác ngoài tay dài, hai hàng cúc, vai áo có đỉa đeo cầu vai, tay áo bên trái gắn phù điêu Kiểm ngư;

i) Quần lễ phục mùa đông: Theo quy định tại điểm e, khoản 3 Điều này

k) Áo lễ phục mùa hè: Kiểu áo khoác ngoài tay ngắn, một hàng cúc, vai áo có đỉa đeo cầu vai, tay áo bên trái gắn phù điêu Kiểm ngư;

l) Quần lễ phục mùa hè: Theo quy định tại điểm g, khoản 3 Điều này.

4. Mẫu thiết kế quần, áo, juyp nữ theo quy định tại Mục 1, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Quy cách quần, áo và juyp nữ theo quy định tại Mục 2, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Biển tên, phù hiệu ve áo, phù điêu

1. Biển tên Kiểm ngư làm bằng kim loại phủ nhựa trong suốt có kích thước chiều dài 08 cm; chiều rộng 02 cm, xung quanh có viền vàng, độ rộng của viền 02 mm; bên trái có in biểu trưng Kiểm ngư trên nền trắng; bên phải ghi họ tên người đeo bằng chữ in hoa màu trắng trên nền xanh nước biển.

2. Phù hiệu ve áo có hình cánh nhạn làm bằng kim loại màu vàng, phía trước có hình tròn, ở giữa hình tròn là biểu trưng Kiểm ngư.

3. Phù điêu đính trên tay áo có hình khiên, tổng chiều cao 09 cm (chiều cao sỏi nhọn 1,6 cm), phía dưới vát nhọn có chiều rộng lớn nhất 07 cm, xung quanh có viền vàng, bên trong là biểu trưng Kiểm ngư có đường kính 05 cm.

4. Mẫu biển tên, phù hiệu ve áo, phù điêu Kiểm ngư theo quy định tại Mục Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Cấp hiệu Kiểm ngư

Cấp hiệu Kiểm ngư có nền màu xanh tím than được thiết kế hình thang cân có kích thước chiều dài cạnh hình thang 13 cm; cạnh lớn nhất 05 cm; cạnh nhỏ nhất 04 cm, đầu vát nhọn có chiều cao (sỏi nhọn) 1,6 cm; có viền vàng độ rộng viền to 05 mm, viền nhỏ 03 mm (cạnh có chiều rộng lớn nhất không có viền); đính cấp hiệu bằng sao màu vàng; chốt hình Quốc huy màu vàng có đường kính 1,6 cm. Các cấp hiệu tương ứng với các chức danh được phân biệt bằng sao (sao to đường kính 24 mm; sao nhỏ đường kính 21mm) và vạch vàng, vạch cấp hiệu màu vàng dọc cầu vai rộng 05 mm, vạch cách vạch 05 mm như sau:

1. Các cấp hiệu chức danh lãnh đạo

a) Cục trưởng: Viền to, 02 (hai) sao to, không có vạch, có 02 (hai) cành tùng ở cạnh đáy;

b) Phó cục trưởng: Viền to, 01 (một) sao to, không có vạch, có 02 (hai) cành tùng ở cạnh đáy;

c) Trưởng phòng thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng: Viền nhỏ, 4 (bốn) sao nhỏ và 2 (hai) vạch dọc;

d) Phó trưởng phòng thuộc Cục, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng: Viền nhỏ, 3 (ba) sao nhỏ và 2 (hai) vạch dọc;

đ) Trưởng phòng thuộc Chi cục Vùng, Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư, Trạm trưởng: Viền nhỏ, 2 (hai) sao nhỏ và 2 (hai) vạch dọc;

e) Phó trưởng phòng thuộc Chi cục Vùng, Phó chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư, Phó trạm trưởng: Viền nhỏ, 1 (một) sao nhỏ và 2 (hai) vạch dọc.

2. Các cấp hiệu chức danh Kiểm ngư viên

a) Kiểm ngư viên chính: Viền nhỏ, 4 (bốn) sao nhỏ và 2 (hai) vạch dọc;

b) Kiểm ngư viên: Viền nhỏ, 3 (ba) sao nhỏ và 2 (hai) vạch dọc;

c) Kiểm ngư viên trung cấp: Viền nhỏ, 1 (một) sao nhỏ và 2 (hai) vạch dọc.

3. Các cấp hiệu Thuyền viên tàu Kiểm ngư

a) Thuyền viên Kiểm ngư chính, Thuyền trưởng: Viền nhỏ, 4 (bốn) sao nhỏ và 1 (một) vạch dọc;

b) Thuyền viên Kiểm ngư, Thuyền phó, Máy trưởng: Viền nhỏ, 3 (ba) sao nhỏ và 1 (một) vạch dọc;

c) Thuyền viên Kiểm ngư trung cấp, Máy phó, Thủy thủ trưởng: Viền nhỏ, 2 (hai) sao nhỏ và 1 (một) vạch dọc;

d) Thủy thủ, Thợ máy: Viền nhỏ, 1 (một) sao nhỏ và 1 (một) vạch dọc;

đ) Nhân viên: Viền nhỏ, 1 (một) vạch dọc.

4. Mẫu Cấp hiệu kiểm ngư theo quy định tại Mục 4, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Kiểm ngư hiệu

1. Kiểm ngư hiệu được làm bằng kim loại có hai cành tùng dập nổi mạ vàng ôm biểu trưng Kiểm ngư hình tròn có kích thước đường kính 36 mm, gắn trên mũ kê pi và đường kính 28 mm, gắn trên mũ mềm.

2. Mẫu Kiểm ngư hiệu theo quy định tại Mục 5, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Quy cách mũ Kiểm ngư

Mũ kê pi: Có màu ghi sẫm, được thiết kế kiểu dáng mũ vểnh; mũ có vành cong, trán mũ, cầu mũ và đỉnh mũ được sử dụng cùng một loại vải; cầu mũ có thêu chữ in hoa: ’'KIỂM NGƯ VIỆT NAM” màu vàng, chiều cao 12 mm; lưỡi trai mũ được làm bằng nhựa cứng, bọc da màu đen bóng, phía trước lưỡi trai được gắn cành tùng màu vàng (đối với cấp lãnh đạo Cục gắn thêm cành tùng nhỏ hơn vào phía trong) dây cooc đông được tết bằng sợi màu vàng nhạt được gắn cố định bằng hai chốt kim loại màu vàng có hình ngôi sao dập nổi vào hai bên cầu mũ.

2. Mũ lễ phục: Có màu kem, quy cách tương tự mũ kê pi.

3. Mũ mềm nữ: Có màu ghi sẫm, may bằng vải kiểu liền vành xung quanh lật lên hai bên tai và sau gáy. Thành đứng dây cooc đông tết màu vàng, ở hai đầu có gắn cúc đồng. Hai bên thành mũ có tán 02 (hai) ô dê, phía trước ở giữa thành trán mũ có tán một ô dê để đeo Kiểm ngư hiệu.

4. Mũ mềm nam: Có màu ghi sẫm, may bằng vải, kiểu trán mũ có 03 (ba) cạnh phẳng, đỉnh mũ may cạnh suôn, hai sườn mũ có 02 (hai) cửa ô để thoát khí, tạo dáng, phía sau mũ có khóa điều chỉnh kích cỡ mũ bằng nhựa đảm bảo tiện ích cho quá trình sử dụng.

5. Mũ chống va đập: Có màu ghi, là loại mũ bảo hiểm che đầu, sau gáy và tai, trước mũ có kính chắn gió. Cốt mũ bằng nhựa, bên trong có lớp xốp giảm chấn, mút xốp ốp hai vành tai, quai cố định mũ, bên 02 (hai) sườn mũ có dòng chữ in hoa “KNVN” màu xanh.

6. Mẫu thiết kế mũ kiểm ngư theo quy định tại Mục 6, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Quy cách các trang bị khác

1. Caravat: Kiểu củ ấu thắt sẵn; màu ghi sẫm (cùng màu với quần, áo mùa đông); kích thước chiều ngang phần rộng nhất của caravat đối với nam là 10 cm, đối với nữ là 08 cm. Chiều dài caravat đối với nam là 43, 45, 47 cm; đối với nữ là 39,41, 43 cm.

2. Dây lưng: Dây lưng da màu nâu; khóa làm bằng kim loại màu trắng, chiều rộng bản là 36 mm, chiều dài bản 52 mm; giữa bản khóa có dòng chữ in hoa “KNVN” màu đỏ.

3. Bộ quần, áo mưa, bít tất: Màu ghi sáng.

4. Giầy da: Kiểu giầy da, màu đen, đế chịu dầu.

5. Khăn mặt: Màu xanh sáng.

6. Cặp công tác: Màu đen.

7. Va li kéo: Màu nâu hoặc đen.

8. Dép quai hậu, chăn cá nhân, gối cá nhân: Màu ghi sẫm.

9. Sổ công tác: Bìa màu xanh.

10. Mẫu thiết kế các trang bị khác theo quy định tại Mục 7, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 13. Tiêu chuẩn, niên hạn trang bị, cấp phát

1. Trang phục thường dùng theo quy định tại Mục 1, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trang phục tăng thêm: Ngoài trang phục thường dùng, lực lượng thường xuyên hoạt động trên tàu được hưởng trang phục tăng thêm theo quy định tại Mục 2, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, Cục trưởng Cục Kiểm ngư quyết định trang bị, cấp phát trang phục cho lực lượng Kiểm ngư.

Chương IV

TÀU, XUỒNG KIỂM NGƯ

Điều 14. Tàu Kiểm Ngư

1. Màu sơn

a) Mạn tàu từ đường mớn nước thiết kế trở lên và phần thượng tầng từ mặt boong trở lên: Sơn màu trắng;

b) Mặt boong, mặt nóc ca bin: Sơn màu xanh lá cây.

2. Tàu Kiểm ngư có dòng chữ in hoa “KIỂM NGƯ VIỆT NAM” sơn màu xanh đen ở phần mạn khô dọc thân tàu có chiều dài tối đa bằng 1/3 (một phần ba) chiều dài toàn bộ của tàu; chiều cao phù hợp với kích thước của tàu; dòng chữ in hoa tiếng Anh “VIETNAM FISHERIES RESOURCES SURVEILLANCE" sơn màu xanh đen, có chiều cao bằng 2/3 (hai phần ba) dòng chữ tiếng Việt và đặt cân đối chính giữa, phía dưới dòng chữ tiếng Việt.

3. Kiểm ngư hiệu: Được đặt ở mặt trước và phía trên hai bên thân ca bin tàu ở độ cao dễ quan sát. Kích thước của Kiểm ngư hiệu được thiết kế phù hợp với kích thước của cabin.

4. Ký hiệu: Tàu Kiểm ngư có 02 (hai) vạch nhận biết màu vàng và đỏ liền nhau có độ rộng bằng nhau, kích thước phù hợp với kích thước tàu (vàng trước, đỏ sau tính từ mũi tàu), được sơn từ mép trên boong xuống đến đường nước thiết kế ở thân tại vị trí mũi tàu và song song với sống mũi tàu; khoảng cách từ sống mũi tàu đến vạch nhận biết bằng 1/6 (một phần sáu) độ dài thân tàu.

Vạch vàng, đỏ, chữ số hai mạn đối xứng qua tâm tàu (chữ và số mạn trái theo chiều thuận).

5. Số hiệu

a) Được sơn màu xanh đen ở các vị trí: Hai mạn (tại vị trí mũi), sau lái (tại vị trí chính giữa) và phía trên be mạn, có chiều cao phù hợp với kích thước tàu;

b) Số hiệu gồm 02 (hai) bộ phận: KN-số hiệu (số hiệu gồm ba chữ số).

6. Cờ hiệu; Cờ hiệu Kiểm ngư được treo ở phía mũi tàu.

7. Màu sơn, dấu hiệu nhận biết tàu Kiểm ngư theo quy định tại Mục 1 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 15. Xuồng Kiểm ngư

1. Xuồng công tác trang bị theo tàu

a) Màu sơn: Sơn theo màu tàu:

b) Xuồng có dòng chữ in hoa “KIỂM NGƯ VIỆT NAM” sơn màu xanh đen ở phần mạn khô dọc thân tàu có chiều dài tối đa bằng 1/3 (một phần ba) chiều dài toàn bộ của tàu; chiều cao phù hợp với kích thước của tàu

c) Ký hiệu: Xuồng có hai vạch nhận biết màu vàng và đỏ tương tự như của tàu;

đ) Số hiệu: Số hiệu của xuồng được lấy theo số hiệu của tàu.

đ) Cờ hiệu: Cờ hiệu Kiểm ngư được treo ở phía mũi tàu.

g) Đối với xuồng công tác có vỏ bằng cao su thực hiện theo quy định của nhà sản xuất;

g) Màu sơn, dấu hiệu nhận biết xuồng công tác trang bị theo tàu theo quy định tại Mục 2, Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Xuồng công tác độc lập

a) Màu sơn: Mạn xuồng từ đường mớn nước thiết kế trở lên và phần thượng tầng từ mặt boong trở lên sơn màu trắng; mặt boong, mặt nóc ca bin sơn màu xanh lá cây.

b) Xuồng Kiểm ngư có dòng chữ in hoa “KIỂM NGƯ VIỆT NAM” sơn màu xanh đen ở phần mạn khô dọc thân xuồng có chiều dài tối đa bằng 1/3 (một phần ba) chiều dài toàn bộ của xuồng; chiều cao phù hợp với kích thước của xuồng; dòng chữ in hoa tiếng Anh “VIETNAM FISHERIES RESOURCES SURVEILLANCE” sơn màu xanh đen. có chiều cao bằng 2/3 (hai phần ba) dòng chữ tiếng Việt và đặt cân đối chính giữa, phía dưới dòng chữ tiếng Việt;

c) Kiểm ngư hiệu: Được đặt ở phía trên hai bên thân ca bin xuồng ở độ cao dễ quan sát. Kích thước của Kiểm ngư hiệu được thiết kế phù hợp với kích thước của cabin;

d) Ký hiệu: Xuồng Kiểm ngư có 02 (hai) vạch nhận biết màu vàng và đỏ liền nhau co độ rộng bằng nhau, kích thước phù hợp với kích thước xuồng (vàng trước, đỏ sau tính từ mũi), được sơn từ mép trên boong xuống đến đường nước thiết kế ở thân tại vị trí mũi xuồng và song song với sống mũi xuồng; khoảng cách từ sống mũi đến vạch nhận biết bằng 1/6 (một phần sáu) độ dài thân xuồng;

đ) Số hiệu: Được sơn màu xanh đen ở hai mạn tại vị trí mũi xuồng, có chiều cao phù hợp với kích thước xuồng, số hiệu gồm hai bộ phận: KN-số hiệu (số hiệu gồm bốn chữ số);

e) Cờ hiệu Kiểm ngư được treo ở phía mũi xuồng;

g) Màu sơn, dấu hiệu nhận biết xuồng công tác độc lập theo quy định tại Mục 3. Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Thủy sản thống nhất quản lý về biểu trưng, cờ hiệu, cờ truyền thống, trang phục, mẫu thẻ Kiểm ngư, số hiệu và màu sơn tàu, xuồng Kiểm ngư.

2. Cục Kiểm ngư xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng biểu trưng, cờ hiệu, cờ truyền thống, trang phục Kiểm ngư.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét giải quyết.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 5 năm 2014./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Văn Tám

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.